Những cuốn sách ấn tượng nhất với Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
Những cuốn sách ấn tượng nhất với Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
Các cuốn sách của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, 'Những cộng đồng tưởng tượng', 'Những đỉnh núi du ca', 'Ngọn lửa hoang dã', 'Miền thơ ấu' là những cuốn sách ấn tượng nhất với Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (còn gọi là Hậu khảo cổ) sinh năm 1958 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1954, gia đình chị tập kết ra miền Bắc. Năm 1975, chị về Sài Gòn sinh sống, làm việc và gắn bó đến tận bây giờ. Chị có bằng tiến sĩ khảo cổ học, từng làm việc tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Hiện nay, chị là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ngoài chuyên ngành khảo cổ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu còn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ.

Một số chuyên khảo và tùy bút văn hóa của Nguyễn Thị Hậu đã xuất bản: Đi và tìm trong đất, Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ (TP.HCM), Thế giới mạng và tôi, Sài Gòn bao giờ cũng thế, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Đô thị Sài Gòn - TP.HCM: Khảo cổ học và bảo tồn di sản...

Đọc và viết là thói quen hàng ngày của chị. Trong bài viết dưới đây chị sẽ chia sẻ về những cuốn sách ấn tượng nhất với bản thân.

 

Những cuốn sách của Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường

 

Các công trình của ông thực sự là những công trình liên ngành: tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều ngành nhiều tư liệu khác nhau, để tìm ra bản chất vấn đề. Nếu những góc nhìn ấy đều đi đến bản chất của vấn đề thì kết quả nghiên cứu là đúng. Còn nếu như mỗi góc nhìn cho thấy những “bản chất” mâu thuẫn với nhau thì hoặc, phải kiểm tra lại toàn bộ tư liệu, hoặc cách đặt vấn đề của mình là sai!

Như vậy phương pháp liên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự khách quan (và dũng cảm) khi sử dụng kết quả, phương pháp của các ngành khác, bởi vì nó có thể làm phá sản ý đồ nghiên cứu của mình. Có lẽ vì vậy mà lâu nay có những công trình nghiên cứu luôn ghi rằng “sử dụng phương pháp liên ngành” nhưng thường là chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu nào phù hợp/ ủng hộ ý tưởng của tác giả mà né tránh, thậm chí lờ đi những gì ngược với suy nghĩ của mình.

Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường xuất bản nhiều cuốn sách và đây là 5 cuốn sách của ông được xuất bản tại Việt Nam

 

Những cộng đồng tưởng tượng: Suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc - Benedict Anderson

 

Có thể nói ở VN trong nhiều trường hợp, “tinh thần dân tộc” là cụm từ có ý nghĩa như/tương đương “chủ nghĩa dân tộc” nhưng dễ hiểu và gần gũi với số đông người dân, có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Có lẽ VN là một trường hợp điển hình về một cộng đồng tưởng tượng có tên “dân tộc Việt/ Việt Nam”. Động lực của sự tưởng tượng này bắt đầu từ truyền thống chống ngoại xâm, và ngày càng mạnh từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ cùng nhu cầu được thừa nhận vai trò dẫn dắt quốc gia của Đảng Cộng sản VN trong thế kỷ 20 và đặc biệt khi bước sang thế kỷ 21.

Lịch sử là một phần của văn hóa. Tiếp cận từ văn hóa sẽ nhận biết lịch sử toàn diện hơn vì văn hóa là của cộng đồng, còn lịch sử “được làm nên” bởi “một số” trong cộng đồng, nên lịch sử sẽ mang bản sắc cộng đồng cùng bản tính cá nhân. Mối quan hệ cá nhân – cộng đồng là hai chiều và ở một số nhân vật lịch sử, mối quan hệ này có khi nhòa lẫn vào nhau và cá nhân được coi là đại diện cho cộng đồng.

 

Những đỉnh núi du ca - Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến

 

Tôi chia sẻ với tác giả nhiều điều và khâm phục những phân tích cụ thể và khúc chiết trường hợp người H’Mông trên bối cảnh lịch sử - văn hóa tộc người rộng hơn. Nghiên cứu – theo nghĩa phục dựng lại – những “cá tính văn hóa” của một tộc người chính từ bản thân họ chứ không phải từ tộc người khác nhìn vào/về, tránh cái gọi là “Việt tâm” – lấy người Việt ở đồng bằng Bắc bộ làm trung tâm (mà đến nay, ngay cả nghiên cứu về người Việt ở Nam bộ thì một vài nhà nghiên cứu vẫn mắc bệnh này!).

Cá tính văn hóa hình thành trong điều kiện sống và lịch sử tộc người. Vì vậy, nghiên cứu lịch sử không thể không có góc nhìn từ “cá tính văn hóa” của tộc người/dân tộc (quốc gia), chứ không chỉ tiếp cận từ sự kiện chính trị, chiến tranh như đã và đang làm về lịch sử VN.

 

 

 

Ngọn lửa hoang dã - Long Ứng Đài (Đài Loan)

 

Khi được xuất bản thành sách vào năm 1985, “Ngọn lửa hoang dã” đã trở thành một hiện tượng xã hội với ảnh hưởng sâu rộng khắp các tầng lớp xã hội, nhất là đối với tầng lớp sinh viên, học sinh.

Cuốn sách không chỉ có ảnh hưởng ở Đài Loan, nó còn có ảnh hưởng sâu rộng đấn xã hội TQ đại lục. Cuốn sách cho họ có thêm một lựa chọn là trở thành trí thức xã hội trong không gian công cộng, trở thành con người với nền tảng về lương tri cá nhân cùng trách nhiệm xã hội, có thể dùng sức mạnh ngôn ngữ để sửa đổi những thói tật của xã hội.

Tôi đã đi Đài Loan, đọc cuốn sách này và thấy rằng lúc đó Đài Loan cũng giống như VN bây giờ. Nhưng chỉ ba mươi năm thôi mà Đài Loan đã thay đổi vượt bậc!  Những tiếng nói như cuốn sách này chắc chắn góp phần không nhỏ vào cuộc đổi thay ấy!

Một sự thú vị: Từ 1985 tác giả - trong “tự bạch” – đã nói về thân phận của mình khi mọi người phát hiện ra tác giả “không phải là con người mà là một phụ nữ”. Nhưng đến 2016 – hơn 30 năm sau – Đài Loan có nữ Tổng thống đầu tiên là bà Thái Anh Văn, và bà cũng vừa tái đắc cử năm 2020.

 

Miền Thơ Ấu - nhà văn Vũ Thư Hiên

 

Cuốn tiểu thuyết Miền Thơ Ấu ra đời trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Tác giả đã viết nó trong những năm tháng trong lao tù, viết trên những mảnh giấy vụn, phải giấu thật kỹ và khéo léo đưa cho vợ con vào thăm mang về, rồi được người nhà tỉ mỉ cẩn thận chép lại... Vậy mà cả câu chuyện chỉ thấy tràn ngập yêu thương, xót xa những số phận nghèo khó. Tình cảm ấy của tác giả như tia sáng trên cao tít qua song sắt chiếu vào trại giam mang lại niềm hy vọng, rằng đêm đang qua và ngày đang đến.

Miền Thơ Ấu của nhà văn Vũ Thư Hiên một lần nữa cho tôi nhận ra, khi tâm người viết trong sáng, nhân hậu thì dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào trang viết vẫn thể hiện sự nhân văn. “Một người tốt như thế thì chắc chắn con đường mà ông đi theo không bao giờ là con đường xấu”, có thể mượn lời một nhân vật nói về cha cậu bé Thư để hiểu về tác giả.

Ngoài ra là rất nhiều tác phẩm văn học cổ điển thế giới và văn học hiện đại VN. Những tác phẩm về lịch sử, văn hóa, nhân học VN của các tác giả nước ngoài được dịch ra tiếng Việt.

VH ghi

Tags: