Thông minh, dí dỏm, thậm chí có phần… “chua ngoa”, bác sĩ Hùng Ngô là một KOLs trên mạng xã hội Facebook. Tốc độ cập nhật chia sẻ của anh là 2-3 ngày/ chia sẻ. Và hầu hết các chia sẻ đều có hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận hoàn toàn tự nhiên.
Sự thông minh và dí dỏm của anh tràn đầy trên các chia sẻ cũng như các trang sách. Và đây có lẽ chính là lý do khiến các cuốn sách của anh có được lượng phát hành mơ ước của bất cứ tác giả nào tại Việt Nam.
Trạm đọc xin gửi đến bạn review ngắn gọn về 3 cuốn sách này của Bác sĩ Hùng Ngô.
Phát hành lần đầu năm 2018, đây là cuốn tự truyện của bác sĩ Hùng Ngô. Một tác phẩm dành cho nhiều đối tượng độc giả. Đó là các bệnh nhân và người nhà, những người đã đang và sẽ hành nghề y, và cả những “lều báo”… đọc để hiểu thêm và cảm thông cho nhân viên ngành Y tế, có thêm niềm tin vào Y học.
Tác phẩm gồm 4 chương tản mạn về chuyện nghiệp, chuyện nghề, chuyện đời của bác sĩ Hùng Ngô. Đó là quá trình từ cậu học trò đam mê vẽ vời với ý định thi vào Kiến trúc hoặc Mỹ thuật, cuối cùng đã chuyển sang khối B, học Y theo nguyện vọng của gia đình. Tiếp đó là những năm làm việc cũng như giảng dạy với vai trò là bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
Không có những bài học lãng mạn hay giáo điều, “Để yên cho bác sĩ “hiền”” đơn thuần là thuật lại thực tế và cả đau đớn, nhàu nhĩ của sinh viên, bác sĩ trong ngành Y từ chính người “nằm trong chăn”.
Anh dùng thái độ bàng quan để thuật lại quá trình từ chàng sinh viên Y khoa ngây ngô đầy nhiệt huyết đã bị hiện thực và đời sống “vả bôm bốp vào mặt”, cuối cùng anh đã đạt tới cảnh ngộ bình thản chấp nhận và chăm chỉ làm tốt phần việc của mình, tự xem mình là zombie hay đười ươi chân nhân, bị đời quật ngã thì đứng dậy, “mặt nhăn như khỉ mà vẫn phải phủi mông tiếp tục chiến đấu”. Bên cạnh đó là những sự việc đầy chua xót trong nghề…
Tác phẩm không chỉ là kể chuyện đời chuyện nghề của bác sĩ, mà còn phản ánh một xã hội đang dần đánh mất khả năng lắng nghe – khi mà mạng xã hội khiến cho ai cũng có quyền được nói và nhao nhao lên, chưa kể sự tiếp tay của báo chí câu view. Cái xã hội mà nhiều bệnh nhân coi bác sĩ như osin, không vừa ý là dọa kiện. Cái xã hội mà có những nhà báo mỗi khi có dịp chữa bệnh hoặc đưa người thân vào viện là coi bác sĩ như lính quèn, đòi được ưu tiên chứ không sẽ đi viết bài bêu xấu. Sức mạnh của báo lá cải cho họ những cái lý hết sức vô duyên để đe dọa và làm nhục nhân viên y tế.
Cuốn sách cho người đọc những giờ phút được sống chậm lại một chút và lắng nghe nhiều hơn một chút, một cách cẩn trọng và trân trọng, để thấu hiểu được những nỗ lực của các y – bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ hồi sức cấp cứu, những con người đang từng giây từng phút chiến đấu với Thần Chết để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Đây là cuốn sách thứ hai, phát hành đầu năm 2020 của bác sĩ Hùng Ngô. Đúng như tên gọi, cẩm nang khoa học “3 phút sơ cứu” cố phong cách khác hẳn, ngắn gọn và nghiêm túc, nhờ đó mà độc giả rất dễ hiểu và dễ áp dụng vào thực tế cuộc sống.
3 phút sơ cứu được ra đời với sứ mệnh mang đến những kiến thức đúng đắn, thay đổi những hậu quả đau lòng từ việc sơ cứu sai khiến nhiều người phải chết oan hay chịu tàn phế suốt đời.
Tác giả mất 1 năm lên ý tưởng, 300 trang bản thảo, 700 ảnh chụp trước khi hoàn thành cuốn sách “3 phút sơ cứu”. Sách in màu, gồm 5 chương, 54 chủ đề hoàn toàn dựa vào thực tế trong nước.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng xác định đây là cuốn sách dành cho cộng đồng nên nội dung phải thiết thực cho người đọc, không phải để khoe mẽ kiến thức của người viết. Vậy nên các chủ đề đều dựa vào các tổng kết nhóm bệnh lý cơ bản và thường gặp nhất ở Việt Nam.
Khi xảy ra tình huống y tế khẩn cấp, việc không nhớ nổi cần làm gì là chuyện hết sức bình thường. Vậy nên, có một quyển cẩm nang sơ cứu bên cạnh là điều cực kỳ hữu ích.
Sau 5 tháng phát hành, sách đã đạt 35.000 bản in, và 3.000 bản pre-order đã được mua hết trong 2 giờ đồng hồ.
Sau thành công của hai cuốn sách đầu tiên, độc giả yêu thích bác sĩ Hùng Ngô lại một lần nữa được trải nghiệm cùng anh những câu chuyện sống động về 3 mùa dịch đã qua với rất nhiều những cung bậc cảm xúc qua giọng văn đa thanh, phức điệu.
Cuốn sách được cấu trúc gồm 5 phần tương ứng với những giai đoạn của thực tế 2 năm bệnh dịch trên toàn cầu, với những câu chuyện có thật, cụ thể.
Phần mở đầu cuốn sách “Nhật lý Covid và những chuyện chưa kể” khái quát về dịch bệnh, nguồn gốc virus trong lịch sử nhân loại, những tri thức khoa học được đơn giản hóa qua cách diễn giải của tác giả khiến người xem bớt đi nỗi ám ảnh, sợ hãi con virus vô hình đang thống trị cả thế giới. Để từ đó, chúng ta hiểu rằng sẽ đến một lúc, ta buộc phải cách tồn tại song song với thứ David tí hon đó như đã từng vượt qua những đại dịch như Dịch hạch đen, SARS, MERS,…
Phần nội dung tiếp theo gồm 3 chương, là những câu chuyện của Năm covid thứ nhất, Năm Covid thứ hai, và xen giữa là Những tháng ngày bình yên quý giá và ngắn ngủi. Là một bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Ngô Đức Hùng luôn phải đối mặt với những ca bệnh hiểm nghèo và những trạng thái căng thẳng khi tiếp nhận, cứu chữa cho bệnh nhân tuyến cuối.
Những câu chuyện trong khu cách ly được viết lại với giọng hài hước, tếu táo, tinh nghịch của một tâm hồn luôn lạc quan. Qua miêu tả của Ngô Đức Hùng, nỗi vất vả của đội ngũ y bác sĩ chống dịch hiện lên muôn màu muôn vẻ.
Bên cạnh đó là những câu chuyện xúc động về tình thân, tình người trong đại dịch.
Xuyên suốt cuốn nhật ký là những câu chuyện về thái độ phân biệt đối xử cực đoan với những người mắc bệnh và những người liên quan, đặc biệt là sự kỳ thị dành cho đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch.
"Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể" tiếp thêm niềm tin cho độc giả về sự tử tế của con người, về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhân ái của cộng đồng trong những ngày đại dịch hoành hành khắp thế giới và hướng con người tới những điều tốt đẹp dù bé nhỏ.
VH tổng hợp