Về một cuốn sách có tên “Lịch sử”
Về một cuốn sách có tên “Lịch sử”
Với tấm lòng chân thành và cởi mở của một học giả đích thực, Herodotus xác định rõ mục đích của những ghi chép này là để cho người bình thường hiểu được những gì đã xảy ra trong quá khứ. Một tác phẩm khuyên đọc cho những ai trân trọng văn hoá Hi – La cổ đại, hay những người yêu thích tiểu thuyết mang yếu tố lịch sử, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn…
Thật tài tình và đáng kinh ngạc khi Herodotus đặt tên cho công trình của lịch sử vô tiền khoáng hậu của mình là “Historiai”. Bản thân nhan đề tác phẩm vốn có nghĩa gốc chỉ là khảo cứu hay điều tra nhưng lại là tác phẩm đã đặt nền móng cho nền sử học phương Tây. Từ đó trở về sau, từ “historiai” đã mang nghĩa là “lịch sử”, một ngành khoa học xã hội vốn khét tiếng là khô khan và nhức đầu! Phải nói rằng Herodotus có cái nhìn rất khác so với các sử gia thế hệ sau: khi đặt bút viết ra bộ sách này, ông muốn nó không chỉ bó hẹp trong khái niệm lịch sử.

Tác phẩm là tập hợp các khảo cứu về lịch sử, văn hoá, phong tục, thời tiết, địa lý của những nơi mà ông đã du hành qua. Sách gồm chín quyển: bốn quyển đầu nói về người Hy Lạp và các man tộc xung quanh trong quan hệ với Ba Tư, năm quyển sau kể về cuộc chiến Hy Lạp – Ba Tư. Nếu như Thucydides mang tới cho chúng ta một cuốn sách kinh điển về cuộc chiến Peloponnese, thì Herodotus, người sống trước đó hai thế hệ lại nhấn mạnh vào sự hình thành đế quốc Ba Tư cũng như nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư vào đầu thế kỷ V TCN. Với ông, ở đây ta có một câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn và đôi khi còn có chút hoang đường, có lẽ là bởi vì con người vào thời đó khó có khả năng lý giải và kiểm chứng những biến cố khó tin và mang nhiều màu sắc của truyền thuyết, truyện dân gian và dã sử.

Herodotus - sử gia người Hy Lạp, người thường được biết đến như là "cha đẻ của môn sử học".

Viết lịch sử như một câu chuyện là nghệ thuật tinh tế của tác giả. Dễ hiểu tại sao ông lại được ca ngợi như “Cha đẻ của lịch sử” và được dịch lại từ tiếng Hy Lạp cổ, một thứ ngôn ngữ đã thất truyền, sang nhiều thứ tiếng khác. Nhà sử học người Anh là Edward Gibbon (1737 - 1794), trong bộ tác phẩm “Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã” có ghi nhận: “Herodotus, là người lúc thì viết truyện cho trẻ em, lúc thì viết sách cho nhà triết học.” Ông không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử như một câu truyện, mà còn đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử. Đó quả là một câu chuyện đúng nghĩa và đầy những tình tiết, những kịch tính của thời đại mà ông sống được điều tra ở một mức độ vô cùng chi tiết.

Và cũng chính bởi do ông tự mình khảo cứu, nên tác giả, với tư cách của một người nghiên cứu, ông thấy mình có vai trò phải ghi chép lại. 

Ta, Herodotus của xứ Halikarnasseus, qua khảo cứu đã biết về những điều được nêu ra sau đây: để ký ức về quá khứ của chúng ta không bị xoá nhoà theo thời gian, để những hành động vĩ đại của những người Hy Lạp và những kẻ xa lạ kia… không bị quên lãng.                                                               

Với tấm lòng chân thành và cởi mở của một học giả đích thực, Herodotus xác định rõ mục đích của những ghi chép này là để cho người bình thường hiểu được những gì đã xảy ra trong quá khứ. Những nhân vật xuất hiện trong sách của ông được đánh giá qua tài năng, nhân cách chứ không phải xuất thân hay chủng tộc, cũng bởi thế mà ông không được những sử gia Hy Lạp cổ đại thế hệ sau đánh giá cao do không ưu ái người Hy Lạp, nhưng Historiai của ông lại càng thêm khách quan.

Chính nhờ những ghi chép điều tra của ông trong cuốn sách này mà về sau nhiều sử gia và các nhà khảo cổ học đã tìm ra được bằng chứng về những công trình, những sự kiện mà từ trước đó được coi là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Những nhân vật mà Herodotus kể lại đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn trong văn hoá phương Tây, ví dụ như bộ phim kinh điển về chiến tranh như 300 là một chuyển thể điện ảnh từ trận Thermopylae trong cuốn sách này. “Lịch sử” của Herodotus sẽ khiến một người đọc bình thường như chúng ta không phải khổ sở vò đầu bứt tóc trước những thuật ngữ chuyên môn và những mốc lịch sử dày đặc.

Điểm độc đáo của tác giả là ông có khả năng tập trung kể lại lịch sử như một “câu chuyện” và huyền thoại để đưa gần hơn tới người đọc. Trong tác phẩm này, những ai trân trọng văn hoá Hi – La cổ đại, hay những người yêu thích tiểu thuyết mang yếu tố lịch sử, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn… đều có thể tìm cho mình những bài học quý giá qua những câu chuyện lịch sử như những chuỗi ngọc trai lấp lánh.

Tác phẩm Historiai đã quá quen thuộc với thế giới phương Tây nhưng lần đầu tiên mới được xuất bản tại Việt Nam sau hơn 2400 năm. Tác phẩm được bổ sung một số cước chú, mục lục các nội dung chính, niên biểu các biến cố được mô tả, cùng với danh sách địa danh, nhân vật và một bản đồ về diễn biến chính của chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư, để đọc giả thuận tiện hơn khi đọc.

 

Vũ Vương