Văn học trẻ Việt Nam: Một vạn câu hỏi vì sao? (Phần 2: Gạch đá đủ xây nhà)
Văn học trẻ Việt Nam: Một vạn câu hỏi vì sao? (Phần 2: Gạch đá đủ xây nhà)
Văn học trẻ hot với hàng chục vạn bản bán ra mỗi đầu sách. Nhưng sau tất cả, tại sao Văn học trẻ Việt Nam vẫn bị ném đá?

Văn học thiếu nền tảng 

Nếu chiểu theo lịch sử dòng văn học thế giới, thế hệ cây bút chủ lực của chúng ta hiện nay đáng ra phải là thế hệ 8X với một nền tảng các trải nghiệm và kinh nghiệm. Nhưng thế hệ này lại phải chịu quá nhiều khủng hoảng và thay đổi khiến niềm đam mê với viết lách vốn đã quá ít ở Việt Nam lại càng trở nên không mấy mặn mà.

Kết quả hình ảnh cho depression

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Trong khi các thế hệ trước chịu ảnh hưởng sâu rộng và nhận sự giao thoa văn hóa lớn của văn hóa Trung Quốc, Pháp, Nga nhưng đến một giai đoạn, Việt Nam bị cắt ra khỏi dòng giao lưu của văn hóa thế giới. Mọi người đọc rất ít và chịu ảnh hưởng của một chủ nghĩa đế quốc mới, bị xâm lăng bởi văn hóa tiêu dùng. Không đủ khả năng hiểu về văn hóa tiêu dùng nên rất nhiều người đã bị văn hóa tiêu dùng thôn tính, viết ra những thứ rất là nhảm nhí. Họ bỏ giáo quy hàng rất nhanh. Thêm nữa, cơ chế tự kiểm duyệt của họ quá lớn. Viết lúc nào cũng lo có được in hay không, viết như thế này có độc giả hay không. Nhà văn trước tiên là viết cho mình. Nếu người viết cứ lo lắng như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm lớn. Bạn thử đọc lược qua các nhà văn khoảng 30, 40 tuổi đi, họ viết về cái gì, họ viết về cuộc sống của họ, một cuộc sống rất tẻ nhạt và nhàm chán, mệt mỏi. Họ không có bất cứ một sáng tạo nào đột phá về mặt văn chương.”

Một thế hệ bị kìm kẹp và lạc lối để lại cho thế hệ trẻ những di sản không mấy giá trị. Thế hệ 9X và 10X hiện giờ loay hoay trong bể văn chương và thiếu vắng đi những nền tảng căn bản cho chuyện viết lách. Họ không có người hướng dẫn, không có hướng đi rõ ràng và một thái độ cầm bút đúng đắn.

 

Văn học thiếu sự sáng tạo và kiến thức

 

Kết quả hình ảnh cho depression

Có lẽ bất cứ ai cũng biết rằng trong văn học có rất nhiều thể loại: từ kỳ ảo, viễn tưởng, giả tưởng, bí ẩn, trinh thám, lịch sử, dã sử, lãng mạn, phiêu lưu, kinh dị… cùng vô vàn các thể loại nhỏ khác đủ để cho những tác giả trẻ thoả thích tưởng tượng và viết lách. Tuy nhiên, khi nhìn vào tình hình tổng quan của giới viết lách tại Việt Nam hiện nay, dường như ai cũng có thể nhận ra chỉ có một vài thể loại nổi trội được ưa chuộng bởi tác giả lẫn độc giả, và chiếm phần lớn vẫn là thể loại lãng mạn, tình cảm.

Và dù cho hiện thực là điểm mạnh thì đó cũng chính là điểm yếu trong sáng tác hiện nay.

Văn chương phải lớn hơn cuộc sống.

Văn học và nghệ thuật cứ chăm chăm sao chép lại cuộc sống hiện thực xung quanh thì nó không còn là văn học nữa. Văn chương hay nghệ thuật nói chung phải xây dựng một thế giới khác của người đọc, giúp người đọc tái tạo một thế giới khác. Văn chương, nếu cứ sao chép hiện thực, một hiện thực rất chán, người viết chỉ nhìn thấy bề mặt hiện thực mà không nhìn thấy ẩn dưới bề mặt đó là gì thì chỉ là những tác phẩm trượt dài trên bề mặt.

 Kết quả hình ảnh cho depression

Cuốn theo chiều gió không phải là câu chuyện có thật 100%, Một vạn dặm dưới đáy biển thời kì đó chắc chắn chỉ là sự hư cấu, Thằng gù nhà thờ Đức Bà không có ai chứng thực. Dan Brown không kể chuyện của mình, Haruki Murakami cũng chẳng vẽ đời ai lên trang sách. Nhưng nó vẫn có gì đó rất thật. Cái thật dựa trên hiện thực, cung cấp những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, triết học, tâm lý học,… sau đó mới đan cài với cái hư cấu của văn chương. Ẩn sâu dưới bề mặt con chữ là những kiến thức sâu rộng, bổ ích mang tính khoa học, thực nghiệm, chuẩn xác.

Những câu chuyện tình cảm của tác giả Việt chưa chắc đã là thật, nhưng họ thường hư cấu đó là thật để tăng tính thuyết phục cho câu chữ của mình. Họ không thể nói rằng: “Tự dưng tôi nghĩ ra” hay “Tôi bịa ra” vấn đề này hay vấn đề khác và bôi nó ra thành mấy chục trang giấy. Nếu chỉ có một cuốn sách như thể, độc giả có thể sẽ thấy nó đúng, nó thú vị nhưng nếu đọc 10, 20, 30 cuốn sách mà cuốn nào cũng chỉ là những “câu chuyện”, “chiêm nghiệm” cuộc sống thì ắt độc giả sẽ cảm thấy nhàm chán. Độc giả học được gì qua những trang viết ấy? Đó là chưa kể tác giả chưa đủ tâm và đủ tầm để tạo nên những câu chuyện ẩn giấu dưới bề mặt con chữ.

 

Văn học thiếu tiếng cười

 

Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, văn học Việt Nam thiếu tiếng cười.

Sau Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, không ai viết hài hước, sâu sắc, chua cay. Cái cười nó giúp chúng ta vượt lên cao và chiến thắng nhiều thứ. Trong đau khổ, vẫn thấy sự hài hước.

 Kết quả hình ảnh cho depression

Nghệ nhân và Margarita của Bulgacov nói về thời kỳ đen tối nhất nhưng vẫn hài hước với hình ảnh con mèo to đùng ôm bếp dầu đi đi lại trong thành phố. Cái trống thiếc, Đôn Ki-hô-tê… đã tạo được cái cười nhạo báng xã hội. Khi nhân vật Oskar cười đã tạo ra sự sụp đổ những rường cột của xã hội. Bây giờ, có ai cười cợt những điều ấy được đâu. Không có ai cười được một cách thông minh, dí dỏm, kể cả cay độc.

Văn chương Việt Nam vừa không có tiếng cười vừa thiếu vắng tình yêu, thứ tình yêu khiến người ta muốn yêu, muốn sống, chứ không phải thứ tình yêu bông phèng ngày một ngày hai, thứ tình yêu “không có cũng chẳng sao”. Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh có tình yêu… Thế hệ sau này không có ai làm được chuyện ấy ngoài Nguyễn Bình Phương. Thế nhưng thế hệ của Nguyễn Bình Phương cũng đã 40 và hơn rồi. Các bạn trẻ gần đây thì không thấy ai.

 Hình ảnh có liên quan

Như đã đề cập từ phần trước, các bạn tập trung quá nhiều vào nỗi buồn. Những cuốn sách dù mang cái mác “truyền cảm hứng” cũng tập trung quá nhiều vào nỗi buồn, vào cái sai, cái chưa đúng với giọng văn âm ỉ, chậm chạp và lăng kính quá ư bi kịch. Thất tình có bao nhiêu sắc thái mà có tới tận cả trăm đầu sách về thất tình? Thanh xuân tuổi trẻ có mấy mươi năm sầu muộn mà cũng có hàng ngàn cuốn sách cùng chung một màu sắc như thế?

 

Người viết thiếu đam mê

 

Nam Cao từng viết: ''Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.''

Một người có đam mê sẽ không bao giờ ngần ngại tìm tòi và khám phá cái mới, thử sức mình ở nhiều nội dung khác nhau, chứ không phải ra một cuốn sách có vẻ nổi và cuốn sau lại lặp lại y nguyên mô típ ấy. Cái thôi thúc trong văn chương thúc đẩy người ta đạt đến những giá trị cao hơn và xa hơn hay vì quẩn quanh mãi trong một hình tượng. Giống như bất kì nghề nào khác, văn chương cũng có sự trưởng thành. Ngày hôm nay độc giả được ăn rau luộc sẽ thấy ngon, nhưng ngày mai, ngày mốt, tuần sau nữa vẫn chỉ được ăn mãi món rau luộc thay vì thịt, cá thì rau luộc có ngon đến mấy cũng chẳng thiết tha.

Hình ảnh có liên quan

Nếu người viết có tâm, mỗi câu chữ, mỗi từ ngữ sẽ đều được nâng niu, cẩn trọng khi viết ra và họ sẽ mừng quýnh lên mỗi khi có ai góp ý, dù là chê bai, chứ không phải là thẳng tay block hay cãi nhau tay đôi với người đọc như một vài “tác giả trẻ” đang làm trên mạng xã hội. Câu hỏi nên được đặt ra là: “Mình nên làm gì để cuốn sách tiếp theo tốt hơn”, chứ không phải là “Đã viết được như thế hay chưa mà chê”. Tôi không cần phải xinh như hoa hậu mới được chấm thi hoa hậu. Cầm mic lên chưa chắc đã thành ca sĩ, và cầm bút lên chưa hẳn đã là nhà văn.

Có thể thế hệ tác giả trẻ ngày hôm nay chưa tốt, chưa đạt được thành tựu, nhưng chúng ta, những độc giả có tâm vẫn có quyền mong chờ vào một tương lai nơi nhà văn có thể trẻ nhưng không non. Và dù ủng hộ văn học nước nhà cũng đừng nên mù quáng mà để truyền thông dắt mũi hay rơi vào những cái bẫy tâm lí được đặt ra. Thẳng thắn mà nói, nếu vẽ vời vài con chữ mà ra được tiền, tội gì mà không làm, đúng không? Vậy nên, chỉ khi độc giả khắt khe với những gì mình đọc, người viết mới có thể khắt khe với những gì mình viết ra.

Nhật Tùng.

Trạm Đọc đăng tải quan điểm của tác giả về vấn đề nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Hi vọng các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.

Bài viết có tham khảo thông tin trên báo Thể ThaoVăn Hóa  2011.

 

 

 

Tags: