Sự trở lại của kỷ nguyên đụng độ về văn minh: Huntington đã thấy trước thế giới sẽ diễn ra sao?
Sự trở lại của kỷ nguyên đụng độ về văn minh: Huntington đã thấy trước thế giới sẽ diễn ra sao?
Nếu người ta chịu tin những dự đoán của Huntington trong "Sự đụng độ của các nền văn minh" thì chắc vụ tấn công 11/9 đã không khiến thế giới bàng hoàng đến thế.

 

Vụ tấn công 11/9 đã được tiên đoán từ 5 năm trước?

 

“Đâu đó ở Trung Đông, vài thanh niên mặc quần jeans, uống Coca-Cola, nghe nhạc Rap, và giữa những lần quỳ xuống hướng về Mecca sẽ cùng nhau cài bom làm nổ tung máy bay Mỹ” - Câu nói định mệnh năm 1996 của Samuel P. Huntington - một nhà khoa học chính trị nổi tiếng của Mỹ - dường như đã báo trước cuộc tấn công 11/9/2001 khiến nước Mỹ và cả thế giới bàng hoàng. Điều gì đã khiến hai chiếc máy bay của xã hội Hồi giáo đâm thẳng vào tòa nhà cao nhất của nước Mỹ? Câu trả lời nằm trong “Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới” - một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Dù viết từ năm 1996 nhưng nó đã dự báo chính xác nhiều cuộc đâm chém cũng như cái bắt tay trên chính trường toàn cầu.


Trật tự thế giới mới sẽ bị quy định bởi văn hóa

Tại sao sau tất cả, Đông Đức và Tây Đức lại về với nhau? Tại sao Liên Xô lại sụp đổ? Tại sao Ukraine và Ấn Độ lại loạn lạc?

 

Huntington trả lời, trong trường hợp đầu tiên, đó là những xã hội bị chia rẽ chia rẽ bởi ý thức hệ nhưng lại được gắn kết bởi văn hóa. Ngược lại, trong trường hợp thứ hai và ba, đó là những xã hội được liên kết bởi ý thức hệ hoặc hoàn cảnh lịch sử nhưng lại bị chia rẽ bởi văn hóa. Ông cho rằng: Trong thế giới mới, văn hóa sẽ thay thế hệ tư tưởng, chính trị và kinh tế để trở thành nhân tố chủ chốt tác động lên các mối quan hệ toàn cầu.

 

Văn hóa và bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất là các bản sắc văn minh, theo Huntington, đang định hình các mô hình liên kết, tan rã và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh: “Trong thế giới mới này, những cuộc xung đột dữ dội, quan trọng, và nguy hiểm nhất không phải là giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo, hoặc giữa các nhóm khác được phân định bởi kinh tế, mà là giữa các dân tộc thuộc về các thực thể văn hóa khác nhau”.

Văn minh là cấp độ cao nhất của văn hóa. Theo Huntington, “Một nền văn minh là tập hợp văn hóa cao nhất của cộng đồng người, và là cấp độ rộng lớn nhất của bản sắc văn hóa, phân biệt loài người với các loài khác. Nó được xác định bằng những yếu tố khách quan chung như ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, phong tục, thể chế, và bằng sự tự xác định mình một cách chủ quan của con người”. Ông cho rằng hiện tại đang có bảy hoặc tám nền văn minh lớn, gồm: Trung Hoa, Nhật Bản, Hindu, Hồi giáo, Chính thống giáo, Phương Tây, Mỹ La-tinh, và (có khả năng là) Châu Phi.


Ông chia mối quan hệ giữa các nền văn minh thành 3 giai đoạn:


Đụng đầu (trước 1500): Bị tách biệt bởi thời gian và không gian, các nền văn minh hầu như không giao lưu với nhau (trừ một số ít trường hợp); hoặc có những cuộc đụng đầu hạn chế hoặc đứt quãng nhưng rất căng thẳng.


Tác động (cùng với sự trỗi dậy của phương Tây): Những cuộc đụng đầu đa chiều giữa các nền văn minh nhường chỗ cho tác động áp đảo và ổn định, có tính một chiều của phương Tây lên mọi nền văn minh khác.


Tương tác - Một hệ thống đa văn minh (Thế kỷ 20): Sức mạnh phương Tây suy giảm trong tương quan với sức mạnh của các nền văn minh khác. “Sự bành trướng của phương Tây chấm dứt” và “cuộc nổi dậy chống lại phương Tây bắt đầu”. Mối quan hệ giữa các nền văn minh đã chuyển từ giai đoạn chịu ảnh hưởng một chiều của một nền văn minh bao trùm lên tất cả các nền văn minh khác sang giai đoạn có nhiều tương tác đa chiều, dai dẳng và căng thẳng của mọi nền văn minh.

Phương Tây đang thoái trào

Ở thời điểm Huntington viết cuốn sách, Liên Xô sụp đổ chưa lâu. Liên Xô là kẻ thách thức đáng gờm duy nhất đối với phương Tây khi đó, nên những người theo chủ nghĩa lạc quan cho rằng từ nay thế giới sẽ “quy về một mối” – đang và sẽ được định hình bởi những mục đích, ưu tiên và lợi ích của những nước phương Tây chủ đạo. Điều này đúng, nhưng sẽ chỉ đúng trong một thời gian nhất định. Phương Tây sẽ đi xuống, và theo ước lượng của Huntington, quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 400 năm, bằng với thời gian hình thành của các cường quốc phương Tây.


Phương Tây đã truyền bá văn hóa của mình tới hầu khắp thế giới đương đại thông qua chủ nghĩa thực dân trong thế kỷ 19 và sự thống trị của Mỹ trong thế kỷ 20. Cùng với sự chấm dứt của chủ nghĩa thực dân và sự suy giảm của quyền lực nước Mỹ, văn hóa phương Tây bắt đầu xói mòn. Các nước phương Tây cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nội bộ và sự phân rã xã hội; trong khi đó các xã hội phi phương Tây – càng ngày càng hiện đại hóa và “phất lên” về kinh tế - đang có xu hướng tự khẳng định bản sắc của mình và chống lại các giá trị Tây phương.


Quá trình khẳng định lại bản sắc này được Huntington đặt tên là “bản địa hóa”. Quá trình này diễn ra trên toàn cầu và được thể hiện rõ ở sự trỗi dậy của Tôn giáo – “Sự trả thù của Chúa”, theo cách gọi của Gilles Kepel.


“Chúa đã chết” do những quá trình hiện đại hóa xã hội, kinh tế và văn hóa; nhưng cũng chính những quá trình này lại là nguyên nhân khiến “Chúa tái sinh”. Những đảo lộn về tâm lý, tình cảm và xã hội, cộng hưởng với sự rút lui của phương Tây và sự kết thúc Chiến tranh Lạnh đã khiến con người bị “khủng hoảng bản sắc”, và người ta tìm đến tôn giáo để có “cảm giác về bản sắc và hướng đi trong cuộc đời” (Hassan al-Turabi). Lập luận này tỏ ra đúng đắn khi chiếu vào thời điểm hiện tại, phụ nữ ở các nước Hồi giáo từng một thời bỏ khăn trùm đầu (và đấu tranh để bỏ khăn trùm đầu) giờ lại… trùm trở lại; còn ở Trung Quốc, trào lưu phục hồi Nho giáo đang càng ngày càng trở nên mạnh mẽ.

 

Châu Á và Hồi giáo đang trỗi dậy

Trong số các nền văn minh đương đại thì hai nền văn minh có khả năng xung đột nhiều nhất với phương Tây là văn minh Trung Hoa và văn minh Hồi giáo. Cả hai đều là những nền văn minh lớn và trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Nối gót Nhật Bản, Trung Quốc và 4 con hổ (Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore) thuộc nền văn minh Trung Hoa - nhờ hiện đại hóa thành công và có những sự phát triển vượt bậc về kinh tế - đã bắt đầu tự tin vào bản sắc của mình. Đặc biệt là khi đặt bên cạnh tốc độ tăng trưởng khiêm tốn của kinh tế Âu – Mỹ cũng như sự trì trệ của phần lớn kinh tế thế giới, các nước này nhận ra “hiện đại hóa” không nhất thiết phải song hành với “Tây hóa”. Điều này thúc đẩy họ tìm về các giá trị truyền thống để có thể ngẩng cao đầu khẳng định “Tôi là ai” trước phương Tây.


Trong khi sự khẳng định của châu Á có cội rễ trong tăng trưởng kinh tế, sự khẳng định của các quốc gia Hồi giáo lại bắt nguồn từ việc tăng dân số và vận động xã hội. Các nước này bắt đầu đảo ngược mối quan hệ phụ thuộc và bị chi phối bởi phương Tây vào thập niên 1970, khi giá dầu tăng vọt. Sau đó lực đẩy của giá dầu mỏ tăng cũng dần nhạt đi vào thập niên 1980, nhưng tăng dân số lại tiếp tục là một động lực khác. Thêm vào đó là sự khủng hoảng bản sắc. Tất cả dẫn đến Sự Phục sinh của Hồi giáo, mà theo lập luận của Huntington, nó “thể hiện việc chấp nhận hiện đại, khước từ văn hóa phương Tây, và tái khẳng định lòng trung thành với Hồi giáo như là một hướng đạo cho cuộc sống trong thế giới hiện đại”


Tuy nhiên, ông cũng khẳng định sự bùng nổ kinh tế châu Á cũng sẽ suy giảm vào khoảng đầu thế kỷ 21 và sẽ duy trì ở mức độ “bình thường” trong nền kinh tế phức hợp. Với cộng đồng Hồi giáo, vào thập niên thứ hai và ba của thế kỷ 21, xung lực dân số sẽ yếu dần đi và các phong trào Phục sinh cũng phai nhạt dần. Do đó, mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo và phương Tây tuy vẫn không gần gũi nhưng sẽ ít xung đột hơn, và chiến tranh nửa vời có khả năng nhường chỗ cho một cuộc chiến tranh lạnh, thậm chí có thể là hòa bình lạnh.


Chính trị toàn cầu đang được tái định dạng trên cơ sở các nền văn hóa

Trong thế giới mới, không ai có thể nắm được sức mạnh toàn cầu, và một thế giới đại đồng chỉ là một giấc mơ xa vời. Thế giới mới vẫn sẽ có xung đột, và đó là những xung đột bắt nguồn từ văn hóa, nằm ở những đường đứt gãy giữa các nền văn minh. Tương tự với những liên kết. Các dân tộc và quốc gia có những nền văn hóa tương đồng thì nhóm lại với nhau. Các dân tộc và quốc gia có những nền văn hóa khác biệt thì tách nhau ra. Những mối liên kết được xác lập theo hệ tư tưởng và các mối quan hệ siêu cường đang nhường chỗ cho những mối liên kết dựa trên cơ sở văn hóa và văn minh.


Huntington đề xuất cấu trúc của một nền văn minh là gồm một (hoặc một số) quốc gia hạt nhân, bao quanh nó là các vòng tròn đồng tâm. Các quốc gia thành viên, các dân tộc thiểu số tương đồng về mặt văn hóa ở các quốc gia kế cận, và thậm chí cả những dân tộc thuộc các nền văn hóa khác ở các nước láng giềng lần lượt nằm trên các vòng tròn này – tương ứng với mức độ tương đồng và hội nhập của họ vào khối văn minh đó. Ông cho rằng cấu trúc này đúng với mọi nền văn minh trừ Hồi giáo – vì chưa có 1 quốc gia hạt nhân nào được công nhận nên mới chỉ phát triển được duy nhất một cấu trúc chính trị thông thường và còn sơ khai.


Theo đó, các quốc gia hạt nhân là những nền tảng của trật tự bên trong các nền văn minh và giữa các nền văn minh thông qua sự thương lượng với các quốc gia hạt nhân khác.


Huntington dùng lý thuyết này để phân tích quan hệ của một số quốc gia hạt nhân với nền văn minh chứa nó, như Nga và các nước láng giềng, Trung Quốc đại lục và khu vực thịnh vượng chung, và cả thế giới Hồi giáo. Ông cũng xác định biên giới phương Tây - Nước nào nên được coi là thuộc về châu Âu, và do vậy là những thành viên tiềm tàng của Liên minh châu Âu, NATO và các tổ chức tương tự.


Một điều đáng chú ý là nhận định của ông về ASEAN: “Là một tổ chức quốc tế đa văn minh, ASEAN có thể phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong việc duy trì sự gắn kết của mình.”


Hồi giáo và Trung Quốc có thể sẽ hợp tác chống lại phương Tây

Huntington tiên đoán và mô tả những cuộc va chạm sẽ diễn ra giữa các nền văn minh. Ông cho rằng các mối quan hệ giữa các nền văn minh sẽ thay đổi đa dạng, từ lạnh nhạt đến xung đột, với phần lớn rơi vào đâu đó giữa hai loại. Về xung đột, sẽ có hai hình thức: (1) Ở cấp độ địa phương hoặc vi mô, đó là các cuộc xung đột nơi đường đứt gãy của các nền văn minh (giữa các quốc gia hoặc ngay trong cùng một quốc gia); đặc biệt phổ biến giữa người Hồi giáo và người phi Hồi giáo. (2) Ở cấp độ toàn cầu hoặc vĩ mô, đó là các cuộc xung đột giữa các quốc gia hạt nhân, nảy sinh giữa các quốc gia lớn thuộc các nền văn minh khác nhau.


Huntington dành chương cuối để bàn về mối quan hệ giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Ông cho rằng Hồi giáo và Trung Quốc là hai nền văn minh có thể có những xung đột căng thẳng nhất với phương Tây, và có khả năng hợp tác hoặc liên minh với nhau để chống lại kẻ thù chung là phương Tây. Các nền văn minh còn lại thì hoặc phụ thuộc ở một mức độ nào đó vào phương Tây, hoặc “chao đảo giữa một bên là phương Tây, và bên kia là các nền văn minh Hồi giáo và văn minh Trung Hoa”.


Ba lĩnh vực chia rẽ phương Tây với phần còn lại của thế giới, theo Huntington là: (1) không phổ biến và chống phổ biến vũ khí, cũng như chuyển giao vũ khí, (2) gây sức ép lên các xã hội khác về vấn đề dân chủ và nhân quyền, (3) hạn chế số lượng người phi phương Tây nhập cư hoặc tị nạn vào xã hội phương Tây. Các nước phương Tây xem đây là những nỗ lực nhằm duy trì ưu thế quân sự; thúc đẩy các giá trị và thể chế chính trị phương Tây; bảo vệ sự đồng nhất về văn hóa, xã hội và sắc tộc. Còn các nước phi phương Tây xem đây là những “toan tính” của phương Tây – đặc biệt là của Hoa Kỳ - nhằm phổ quát nền văn hóa phương Tây trên toàn thế giới.


Kết luận, Huntington nói về những thách thức mà phương Tây đang phải đối mặt, và liệu chúng có thể làm xói mòn quyền lực của phương Tây hay không. Những thách thức đến từ bên ngoài bao gồm những nền văn minh nổi lên đang càng ngày càng tự khẳng định mình và chống đối phương Tây. Những thách thức bên trong bao gồm sự xói mòn về các vấn đề kinh tế, nhân khẩu; cao hơn nữa là suy giảm đạo đức, tự sát văn hóa và sự chia rẽ chính trị ở phương Tây. Ông cho rằng, để tiếp tục duy trì quyền lực chính trị toàn cầu, phương Tây cần đổi mới để thích ứng với quyền lực và sự ảnh hưởng đang càng ngày càng gia tăng của các nền văn minh khác. Nếu không, phương Tây sẽ suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng, hoặc va chạm với những nền văn minh lớn mạnh khác. Ông khẳng định:

 

Trong kỷ nguyên đang tới, những va chạm giữa các nền văn minh là mối đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới, và một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là một đảm bảo an toàn chắc chắn nhất để chống lại chiến tranh thế giới.  

 

“Sự va chạm của các nền văn minh” là một cuốn sách có thể nói là đột phá về tư duy ở thời điểm nó xuất bản. Tuy gây ra nhiều tranh cãi, nhưng nhiều lập luận của Huntington tỏ ra khá đúng đắn khi áp dụng để giải thích nhiều sự kiện xảy ra trong 10 năm qua. 

 

Đỗ Hà/Trạm Đọc

Tags: