Những bức tranh minh họa của Antoine de Saint-Exupéry trong Hoàng tử bé
Những bức tranh minh họa của Antoine de Saint-Exupéry trong Hoàng tử bé
“Hoàng tử bé chiếu những tia sáng, dù rất nhỏ nhoi thôi, đến tâm hồn trẻ thơ. Và tia sáng đó soi chiếu không phải trong trí óc, mà ở những nơi mà ta thường không nghĩ đến, và nó sẽ vẫn cứ sáng rỡ ở đó cho đến khi ta hiểu ý nghĩa của nó.”
Hoàng Tử Bé
(11 lượt)
Mặc dù Antoine de Saint-Exupéry (sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900, mất ngày 31 tháng 7 năm 1944) chỉ viết duy nhất một cuốn sách thiếu nhi trong đời, nhưng nó là một trong những cuốn sách được yêu thích nhất mọi thời đại, là một viên ngọc quý hiếm với những giá trị triết lý sâu xa vượt thời gian dành cho người lớn. Nhưng điều mà ít người nhận ra là Saint-Exupéry - một phi công thương mại không nói thành thạo tiếng Anh và chấp bút bằng tiếng Pháp - đã viết Hoàng tử bé không phải ở Paris mà là ở New York và Long Island, nơi ông đến vào năm 1940 sau cuộc xâm lược của Đức Quốc xã ở Pháp.
 

Vào tháng 4 năm 1943, ngay sau khi cuốn sách ra mắt, Saint-Exupéry, 43 tuổi, đã nhét các bản thảo và bản vẽ Hoàng tử bé của mình vào một cái túi giấy màu nâu, đưa cho người bạn Silvia Hamilton – “Tôi những muốn tặng cô những thứ đẹp đẽ và quý giá”, ông nói, “nhưng đây là tất cả những gì tôi có” - và khởi hành đến Algiers gia nhập vào Lực Lượng Không quân Tự do Pháp. Lúc đó ông đã quá tám tuổi so với giới hạn cho các phi công quân sự, vì vậy ông đã không ngừng thỉnh cầu được xem xét ngoại lệ cho đến khi cuối cùng được Tướng Dwight Eisenhower đồng ý. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1944, ông tham gia một nhiệm vụ trinh sát và không bao giờ quay trở lại. Ông mất vào năm 44 tuổi - một chi tiết cho thấy sự kết nối kỳ lạ trong cuốn truyện của ông, vì khi ngồi trên hành tinh nhỏ của mình, Hoàng tử bé đã ngắm mặt trời lặn đúng 44 lần.

Nhiều năm sau đó người ta tìm thấy các mảnh vỡ từ máy bay của ông. Một ngư dân gần Brussilles đã nhặt được chiếc vòng tay bạc của Saint-Exupéry trong lưới đánh cá. Cùng với tên ông, tên của vợ ông, địa chỉ nhà xuất bản Mỹ, địa chỉ của ông, ông còn khắc dòng chữ NYC USA lên chiếc vòng.

Phải đến hai năm sau khi ông qua đời Hoàng tử bé mới được xuất bản ở Pháp. Ngay cả ở Mỹ, ban đầu cuốn sách chỉ là một thành công vừa phải - nó chỉ nằm trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times trong hai tuần, trong khi cuốn hồi ký hàng không của Saint-Exupéry, Wind, Sand và Stars trụ vững trong bảng xếp hạng đến hai mươi tuần, có lẽ vì Hoàng tử bé thuộc phạm trù những điều kỳ quặc, khó hiểu, mộng mơ, chỉ xảy ra trong thế giới tưởng tượng của một câu chuyện của trẻ em và truyện ngụ ngôn triết học cho người lớn. Tuy nhiên rõ ràng sức mạnh ma thuật của cuốn sách đã vượt thời gian. Ngày nay, nó đã được dịch sang hơn 260 ngôn ngữ và phương ngữ, và mỗi năm có đến hàng triệu người, lớn nhỏ, đọc Hoàng tử bé mỗi năm.

Năm 1968, Thư viện Morgan ở New York - nơi lưu giữ những kho báu như cuộc sống của Rumi trong những bức tranh Hồi giáo quý hiếm và danh sách viết tay của các nghệ sĩ nổi tiếng - đã có được bản thảo gốc của Hoàng tử bé. Năm 2014, một dự án triển lãm mới của Morgan đã đi vào khai thác quá trình sáng tạo của Saint-Exupéry thông qua những phần đã bị ông loại trừ khỏi bản thảo cuối cùng - bản thảo của Morgan chứa 30.000 từ, gần gấp đôi số từ trong cuốn sách được xuất bản – và những bản vẽ minh họa bằng màu nước nguyên bản ít được biết đến của ông, trong các văn bản khác. Thật vậy, điều khiến Saint-Exupéry trở thành một nghệ sĩ với trí tưởng tượng độc đáo là vì ông là một trong số những nhà văn hiếm hoi tự vẽ minh họa cho các tác phẩm của mình – cùng với những nhà văn nổi tiếng khác như Maurice Sendak, J.R.R. Tolkien và Maira Kalman – trong đó hình ảnh và câu chữ bổ sung ý nghĩa và giá trị cho nhau.

Điều làm cho những bức vẽ này trở nên đặc biệt là vì chúng vừa tượng trưng cho tác phẩm, nhưng liệu có vừa trái ngược lại với câu nói đáng nhớ nhất của trong Hoàng tử bé – “Những gì là thiết yếu thì lại vô hình trước mắt chúng ta”. Bằng việc làm cho quá trình sáng tạo của tác giả trở nên hữu hình trong mắt người đời sau, dù Saint-Exupéry đã mất, nhưng tác phẩm của ông tiếp tục được truyền lại qua hàng thế hệ với những giá trị dịu dàng nhân văn về ý nghĩa cuộc sống.

Saint-Exupéry là một trong số nhiều nhà văn nổi tiếng có thói quen kỳ quặc và chế độ ngủ nghi không điều độ: ông làm việc rất hiệu quả vào ban đêm và thấy việc gọi điện cho một người bạn vào lúc 2 giờ sáng để đọc to một đoạn văn cho họ nghe là rất bình thường; ông luôn mang theo một tách cà phê hoặc trà và hầu như luôn có một điếu thuốc vắt vẻo trên miệng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những thói quen đó cũng được in dấu - theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen – trong các tác phẩm của ông, như vết cà phê trên trang bản thảo Hoàng tử bé đầu tiên này:

Một vài bản vẽ khác còn có vệt cháy từ tàn thuốc lá:

Trong buổi triển lãm của Thư viện Morgan còn có cả những bức ảnh cuối cùng chụp Saint-Exupéry bởi phóng viên ảnh LIFE John Phillips, mà cuộc trò chuyện của phóng viên này với Saint-Exupéry là ghi chép duy nhất về nguồn cảm hứng tác giả viết ra cuốn sách :

Khi tôi hỏi Saint-Ex, Hoàng tử bé đã bước vào cuộc sống của ông ấy như thế nào, ông ấy nói với tôi rằng một ngày ông nhìn xuống thứ mà bình thường ông chỉ nghĩ là một tờ giấy trắng, và bỗng nhiên nhìn thấy một hình hài nhỏ bé. “Tôi đã hỏi xem cậu ấy là ai”, Saint-Ex nói. Và hình hài kia trả lời: “Tôi là Hoàng tử bé”.

Thật vậy, nhân vật yêu dấu của Saint-Exupéry đã xuất hiện rất nhiều bên lề của những lá thư và sổ ghi chép của ông. Trong một lần viết thư cho bạn năm 1940, ông đã vẽ nguệch ngoạc một nhân vật với mái tóc mỏng, trông rất giống ông, trên cổ đeo nơ. Ông cũng gửi một bản vẽ tương tự cho Elizabeth Reynal, một người bạn nói tiếng Pháp của ông ở New York, người cuối cùng đã thuyết phục ông thổi hồn cho nhân vật đó trong một câu chuyện trẻ em.

Một trong những vật phẩm đáng yêu nhất trong triển lãm là bản đánh giá năm 1943 về Hoàng tử bé của P.L. Travers for the New York Herald Tribune, lặp lại niềm tin của Tolkien, rằng không có thứ gì gọi là “viết cho trẻ em” và khẳng định giá trị hấp dẫn sâu sắc, vượt thời gian của cuốn sách với sự nhạy cảm tinh tế:

Trẻ em có khả năng nhìn thấy được bằng trái tim, và những điều cốt yếu đối với chúng lại rất rõ ràng. Con cáo nhỏ sẽ làm chúng cảm động đơn giản vì nó là một con cáo nhỏ. Người ta sẽ không cần đến những bí mật trong cuốn sách này cho đến khi họ quên mất và phải đi tìm lại nó. Do đó, tôi nghĩ, Hoàng tử bé sẽ luôn chiếu những tia sáng, dù rất nhỏ nhoi thôi, đến tâm hồn trẻ thơ. Và tia sáng đó soi chiếu không phải trong trí óc, mà ở những nơi mà ta thường không nghĩ đến, và nó sẽ vẫn cứ sáng rỡ ở đó cho đến khi ta hiểu ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, ngay cả khi nói điều này, tôi vẫn đang ý thức về một ranh giới giữa người lớn và trẻ em. . . Và tôi không tin rằng ranh giới đó tồn tại.

 

Theo Brainpickings

Thảo Tâm (biên dịch)