Ngôn tình xuyên không - từ giải trí đến chính trị xã hội: Một bức tranh khác của lịch sử văn học Trung Quốc
Ngôn tình xuyên không - từ giải trí đến chính trị xã hội: Một bức tranh khác của lịch sử văn học Trung Quốc
Nói ngôn tình xuyên không là rẻ tiền đi, nó cho bạn biết nhiều về lịch sử, chính trị và chân dung người trẻ Trung Quốc nhiều hơn bạn nghĩ đấy.

Một cô gái bình thường, có phần tầm thường, bất ngờ gặp một tai nạn thừa sống thiếu chết. May mắn sống sót, cô nhận ra… mình đang ở trong một thời đại xa xưa! Nơi đây cô không chỉ bị cuốn vào những chuyện tranh quyền đoạt vị của lịch sử, mà còn trở thành nhân vật chính trong chuyện tình với rất nhiều chàng trai.

Bạn đang nghĩ câu chuyện này nghe quen quen? Tất nhiên rồi, vì đây là một cốt truyện tiêu biểu cho đề tài xuyên không trong ngôn tình. Dù có không để ý đến mảng văn học này, bạn chắc cũng đã từng nghe loáng thoáng vài cái tên. Bộ Bộ Kinh Tâm chẳng hạn, không chỉ là một tiểu thuyết mà còn đi kèm những bộ phim chuyển thể trên sóng truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc và lan rộng khắp châu Á. Thành công của phiên bản chuyển thể đầu tiên đã biến các diễn viên trong phim thành siêu sao, trong năm 2015 nam diễn viên chính Ngô Kỳ Long kiếm được hơn 100 triệu nhân dân tệ (hơn 300 tỉ VND). Với sức ảnh hưởng đó, Bộ Bộ Kinh Tâm chính là một tác phẩm đi đầu làn sóng xuyên không trong văn học mạng Trung Quốc.

Bạn có thể cho ngôn tình xuyên không là đồ giải trí rẻ tiền, nhưng nó cũng được đúc kết từ cả một quá trình phát triển của văn học và xã hội Trung Hoa, ở đó chúng ta đọc thấy rất nhiều tâm tư, thế giới quan, đôi khi cả thái độ chính trị của những người trẻ Trung Quốc.

 

Quỳnh Dao & trường phái văn học uyên ương hồ điệp

 

Trước thời đại Internet, Quỳnh Dao là cái tên lớn nhất trong dòng tiểu thuyết lãng mạn tiếng Trung. Khán giả Việt Nam vốn không xa lạ gì với những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao, những Hoàn Châu cách cáchTân dòng sông ly biệt đã theo nhiều người trong chúng ta suốt thời thơ ấu.

Ấn tượng rõ nét về tác phẩm của Quỳnh Dao là sự cổ vũ tình yêu tự do của cá nhân bất chấp những ràng buộc của xã hội. Nhưng thực ra truyện Quỳnh Dao luôn có sự cân bằng giữa yếu tố lãng mạn cá nhân và yếu tố gia đình truyền thống. Một tình yêu đi ngược lại với nền tảng gia đình, như tình yêu của Y Bình và Thư Hoàn trong nguyên tác Tình sâu đậm mưa mịt mùng là một tình yêu không thể kết thúc có hậu. Ngược lại, Hoàn Châu cách cách thành công là nhờ kết hợp giữa tình yêu lứa đôi và tình cảm gia đình. Tình yêu của Tiểu Yến Tử và Ngũ a ca Vĩnh Kỳ, của Tử Vi và Nhĩ Khang chắc chắn không thể có kết cục có hậu nếu không có sự chúc phúc của Càn Long.

 

 

Về cơ bản tác phẩm của Quỳnh Dao là một bước nối dài của trường phái văn học uyên ương hồ điệp rất thịnh hành đầu thế kỷ XX. Đến 80-90% số sách xuất bản ở Thượng Hải, trung tâm của ngành công nghiệp xuất bản Trung Quốc thời bấy giờ, là những tiểu thuyết tình yêu của trường phái uyên ương hồ điệp.

Thượng Hải đầu thế kỷ XX là một nơi giao thương tấp nập. Không chỉ đầy hàng hoá, đây còn là nơi tập trung của nhiều loại người như thương nhân, quản lý, học sinh, giáo viên,... Những loại người này có vốn kiến thức văn hoá và đời sống tinh thần khác hẳn với những nghề nghiệp trong xã hội truyền thống, và nhờ vậy họ hình thành phía cầu của một thị trường sản phẩm văn hoá mới. Để đáp ứng nhu cầu này, những tác phẩm văn học uyên ương hồ điệp chủ yếu xây dựng trên bối cảnh gia đình trung lưu thành thị và ca ngợi lối sống này.

Bên cạnh đó, cùng lúc với những thay đổi quá lớn diễn ra trong xã hội Trung Quốc, như đà đi xuống của hệ thống năm thê bảy thiếp, đà đi lên của hôn nhân một vợ một chồng và những kêu gọi về quyền của phụ nữ trong hôn nhân, dòng văn học uyên ương hồ điệp ăn nên làm ra nhờ những ấn phẩm lãng mạn đánh trúng nhu cầu của phái nữ.

 

Ngôn tình trong văn học mạng

 

Ngày nay, Tấn Giang (Jinjiang) hay Nha Nha (Yaya Bay) là những mạng văn học nổi tiếng với số lượng lớn những tác phẩm ngôn tình. Những trang web này là nơi cho người dùng không chỉ đọc và viết mà còn có thể trao đổi thảo luận về những bài viết đã đăng. Và cũng giống như bất kỳ mạng xã hội nào, Facebook hay Youtube, ở đây cũng có đủ mọi loại bình luận, từ thẳng tay chê bai cho đến những thảo luận nghiêm túc về các vấn đề quốc gia dân tộc. Đó chính là môi trường phát triển của văn học Trung Quốc thời đại mới.

Người dùng ở các mạng văn học chủ yếu là người còn trẻ, sống ở thành thị, có giáo dục, có thu nhập, cũng giống như người đọc Thượng Hải ngày trước. Người đọc nam chủ yếu đọc những dòng truyện khoa học viễn tưởng hay có yếu tố kỳ ảo, trong khi người đọc nữ chủ yếu đọc ngôn tình. Dòng văn học này chủ yếu nhắm vào yếu tố giải trí, nhưng không vì thế mà nó không phản ánh ít nhiều cái nhìn chính trị - xã hội của tầng lớp mà nó đại diện.

Tầng lớp trung lưu đang phải đối mặt trực tiếp nhất với rất nhiều vấn đề mà trước đây không phải là của họ, như khoảng cách giàu nghèo, giá cả gia tăng, công việc bấp bênh… Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng gặp phải những vấn đề khác trong thời đại mới, như phải cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình hay việc phụ nữ độc thân thường phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội.

 

 

Giữa bối cảnh đó, ngôn tình là không chỉ là một nguồn giải trí mà còn là một nguồn an ủi cho những độc giả này. Ngôn tình cho họ sống trong một thế giới tưởng tượng nơi tình yêu chiến thắng tất cả, nơi họ có thể, giống như nhân vật chính, trở thành những hình tượng hoàn hảo với một cuộc sống như họ hằng mơ. Cho người phụ nữ hiện đại, ngôn tình có riêng một dòng văn học nữ cường, kể về con đường của một nhân vật nữ đi đến quyền lực trong xã hội và/hoặc đi đến thành công trong tình yêu. Như nhân vật nữ chính trong Ca Tẫn Đào Hoa, không chỉ chiếm được tình yêu của đế vương mà còn chu du khắp thiên hạ dùng tài năng y thuật cứu sống trăm vạn mạng người.

 

Yếu tố xuyên không: quay lại với văn học cổ điển?

 

Với quá nhiều vấn đề khó mà giải quyết được ở hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi độc giả bị thu hút vào những câu chuyện cho nhân vật chính được “làm lại cuộc đời” ở một thời điểm khác trong lịch sử. Bằng cách quay lại quá khứ, nhân vật được bứt ra khỏi những ràng buộc của cuộc sống hiện đại để sống đúng với chính mình, và người đọc cũng tự thấy như bản thân mình trốn thoát được thực tế. Những câu chuyện này luôn hướng về quá khứ mà không bao giờ tới tương lai, bởi quá khứ là những điều đã biết rõ, giúp nhân vật chính có ít nhiều ưu thế, và giúp người đọc an tâm hơn là nếu bị đẩy vào một tương lai không chắc chắn.

Trong Bộ Bộ Kinh Tâm, Trương Hiểu chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, nhưng khi trở lại thời Khang Hy dưới lốt Thái Nhược Hy, tư tưởng và lối sống thế kỷ 21 của cô biến cô thành một nhân vật đặc biệt và khiến tất cả các hoàng tử chú ý và đem lòng yêu mến. Một câu chuyện như vậy dễ dàng thoả mãn người đọc, bởi họ nhìn thấy mình trong nhân vật chính đã đạt được thành công: nhan sắc, tình yêu, sự nghiệp, thay đổi lịch sử, dù ở một thời đại khác.

 

 

Quay lại với quá khứ, ngôn tình xuyên không chẳng có lý gì để lật đổ truyền thống văn học cổ điển Trung Hoa với những giá trị Nho giáo và giá trị truyền thống, đặt gia đình và những thế lực xã hội lên trên những yếu tố cá nhân. Trong Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, câu chuyện Romeo & Juliet của Trung Quốc, đôi tình nhân thách thức những quyết định gia đình và những chuẩn mực xã hội để đến với nhau chỉ có thể có kết thúc trong bi kịch. Vậy nên cũng như Quỳnh Dao, ngôn tình xuyên không hướng đến cân bằng yếu tố cá nhân và quy chuẩn xã hội hơn là để cá nhân thay đổi hoàn toàn xã hội. Nhược Hy cuối cùng cũng không thay đổi được lịch sử, tất cả những hành động của cô chỉ khiến cho lịch sử diễn ra đúng như cô đã biết. Thật khó nói đây là sự nhẫn nhịn lịch sử, vừa lòng người đọc, hay không dám bước qua các lằn ranh ý thức hệ của người viết trẻ Trung Quốc.

Nhìn nhận một cách nghiêm túc thì thể loại ngôn tình xuyên không của nền văn học mạng Trung Quốc là một kết quả của dòng chảy lịch sử. Không chỉ đơn thuần là giải trí, dòng văn học này sinh ra từ nhu cầu của một xã hội đầy biến động và tiếp nhận những giá trị truyền thống của mấy nghìn năm văn học Trung Hoa. Đừng coi đây chỉ là một sản phẩm giải trí nhất thời bỗng dưng xuất hiện, mà hãy hiểu rằng thành công của nó đến từ một cội nguồn sâu xa và sẽ còn mang đến những bước tiến mới trong văn học.

 

Huệ Thanh / Trạm Đọc

Tham khảo: Feng, Jin. Romancing the Internet: Producing and Consuming Chinese Web Romance. Brill, 2013