"Hãy có lòng tốt": Những bài học để đời của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Bộ sách “Hãy có lòng tốt” của Đức Đạt-lai Lạt ma mang đến cho bạn đọc nhiều bài học về sự tu dưỡng tình yêu và lòng từ ái ở nhiều góc độ khác nhau.

Cuộc sống là một hành trình dài mà ta phải trải qua vô vàn thử thách của cảm xúc: yêu, ghét, tức giận, hờn dỗi… Con người lại được kết nối với nhau bởi chính những điều vô hình đó. Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau, rồi rời xa nhau vì sự chán ghét. Để không bị những cảm xúc đó kiểm soát,  phải sống thật với mình và luôn tràn đầy tình yêu thương.

Bộ sách Hãy có lòng tốt của Đức Đạt-lai Lạt ma sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bài học về sự tu dưỡng tình yêu và lòng từ ái ở nhiều góc độ khác nhau.  

1. Hãy có lòng tốt

Tất cả chúng ta đều muốn được đối xử tử tế. Khi chính mình đối xử tốt với người khác, chúng ta cảm thấy mãn nguyện. Trong khoảnh khắc ân sủng đó, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoát khỏi những áp lực mình phải đối mặt hàng ngày. 

Lòng tốt có thể chỉ là một nụ cười, một cử chỉ thân thiện, một hành động hào phóng, một việc làm từ thiện, một khoảnh khắc quan tâm đến nhu cầu của người khác hơn là của chính mình. Cho dù chúng ta có thể gọi chúng là sự thiện chí, tình cảm, sự quan tâm hay dịu dàng, thì những việc làm tử tế như thế đều có nguồn gốc và phát triển từ tình yêu thương.

Trong tập sách này, Đức Đạt-lai Lạt ma chia sẻ với chúng ta về tình yêu thương. Ngài trình bày một con đường cho và nhận, đồng thời chỉ bày cho chúng ta một phương cách thực hành hướng về tình yêu thương và lòng tốt.

Trong cuốn sách nhỏ này, Đức Đạt-lai Lạt-ma khuyên chúng ta, rằng:

Hãy có lòng tốt!

Hãy thể hiện lòng tốt bất cứ khi nào có thể, bởi chúng ta luôn có thể làm một người tốt.

 2. Hãy cứ giận đi

Sân giận nếu không được nhận diện mà bị dồn nén sẽ phá hủy chúng ta từ bên trong. Tuy nhiên, trong ta cũng tồn tại một thứ gọi là lòng trắc ẩn phẫn nộ, một sự giận dữ được sử dụng không phải vì cái tôi kiêu ngạo của ai đó, mà để tìm cách bảo vệ mọi người khỏi bị tổn hại.

Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều điều khiến chúng ta phẫn nộ: bất công, bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, phân biệt chủng tộc, sự thiếu hiểu biết,... Cuốn sách nhỏ này có mặt ở đây để chia sẻ với bạn rằng:

Hãy cứ giận dữ đi!

Xét cho cùng, những lời dạy trong suốt cuộc đời của Đức Đạt-lai Lạt-ma là về tu dưỡng tình yêu thương và lòng từ ái. Dù đã dạy rất nhiều về việc ngăn ngừa cơn nóng giận, Ngài cũng hiểu rằng giận là một phần không thể xóa bỏ hay phủ nhận của con người. Đức Đạt-lai Lạt-ma từng chia sẻ: Nói chung, nếu một người không bao giờ tỏ ra tức giận thì tôi nghĩ có điều gì đó không đúng. Não của anh ta không bình thường cho lắm.

Khi nhận diện được cơn giận – nhận thức rõ về cách chúng ta nắm giữ nó, biểu lộ nó, và thậm chí là chạy theo nó, chúng ta có thể chuyển hóa cơn giận thành hành động từ bi. Có như vậy ta mới có thể đem đến tình yêu thương, sự yên bình và hàn gắn thế giới.

3. Sống với thực tại

Trong cuốn sách thảo luận mở này, Đức Đạt-lai Lạt-ma nói về bản chất của Tánh Không, tình yêu thương và sự bám chấp – tất cả đều hướng đến mục tiêu cho chúng ta biết: Hãy sống với thực tại – có mặt ở đây và bây giờ.

Khi chúng ta sống với thực tại – có mặt ở đây và bây giờ, chúng ta có thể thực hành lòng từ bi ở trong thời khắc hiện tại và tập trung vào công bằng xã hội ngay lúc này. Khi chúng ta có mặt ở đây và bây giờ, chúng ta không còn bị ràng buộc vào quá khứ, không còn căng thẳng về tương lai, nên sẽ không bị trói buộc với đau khổ.

Sống với thực tại – có mặt ở đây và bây giờ – có nghĩa là bạn đang sống hạnh phúc, bình an và sự trọn vẹn của cuộc sống.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói rõ rằng: Nếu chúng ta không biết gì về lịch sử trong quá khứ và nếu chúng ta không có ý thức về tương lai, vậy làm sao chúng ta có thể có được hiện tại?

Đạt-lại Lạt-ma là phiên âm Hán Việt từ chữ Hán 達賴喇嘛 (Dá lài lǎ ma). Trên thực tế, sách báo tiếng Việt sử dụng thường xuyên Đạt Lai Lạt Ma. "Đạt-lại" có gốc từ tiếng Mông Cổ nghĩa là "biển cả", còn "Lạt-ma" là từ tiếng Tây Tạng được dịch từ tiếng Phạn guru गुरू là từ xưng hô dành cho các vị Đạo sư. "Đạt-lại Lạt-ma" có nghĩa là "Đạo sư với trí tuệ như biển cả". Trong lối dùng hàng ngày nhiều người còn dùng Phật sống để chỉ Đạt-lại Lạt-ma.

Theo truyền thống của người Tây Tạng, Đạt-lại Lạt-ma là hiện thân lòng từ của chư Phật và Bồ Tát, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sanh. Danh hiệu Đạt-lại Lạt-ma cũng được hiểu là Hộ Tín, "Người bảo vệ đức tin", Huệ Hải, "Biển lớn của trí tuệ", Pháp vương, "Vua của Chánh Pháp", Như ý châu, "Viên bảo châu như ý",...

Trạm Đọc tổng hợp

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngũ Luân Thư - Từ binh pháp cho đến một phong cách sống

Yêu trong tỉnh thức, gắn bó trong niềm tin

"Nỗi buồn chiến tranh" - viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp (1)

Ra mắt "Lòng tốt dễ lây" - Cuốn sách về lòng tốt và sự tử tế

Tags: