Gillian Flynn (Gone Girl) cùng lời cáo buộc là kẻ thù hằn và kỳ thị nữ giới (MISOGYNIST)
Gillian Flynn (Gone Girl) cùng lời cáo buộc là kẻ thù hằn và kỳ thị nữ giới (MISOGYNIST)
Năm 2014, tờ HuffPost đã đăng một bài viết có tựa: “ How Gone Girl Is Misogynistic Literature” , khẳng định tất cả những nhân vật nữ trong tác phẩm đều được thể hiện một cách nhạt màu và đầy xấu xa, không hề có một lòng trắc ẩn hay điểm tươi sáng nào. Những người không đồng tình với Flynn cũng đề cập đến nét tương đồng trong hai tác phẩm trước của cô: Những người đàn bà máu mặt và điên loạn. Qua đó, Flynn được cho là một misogynist. Một nữ tác giả có hiềm khích với góc nhìn tiêu cực về phụ nữ.
Cô Gái Mất Tích ( Tái Bản )
(4 lượt)
Gillian Flynn, nữ tác giả nổi tiếng với tác phẩm “Gone Girl” (Cô gái mất tích), đã từng bị chỉ trích gay gắt bởi một số bộ phận độc giả, các nhà phê bình quá khích cho rằng cô là một kẻ misogynist (kỳ thị và thù hằn dành cho nữ giới) thông qua cách cô thể hiện nhân vật nữ của mình - những người có cá tính gai góc, thậm chí đáng ghét và có phần điên loạn, đi ngược lại với quy tắc mà xã hội hình dung về lối đạo đức riêng biệt dành cho nữ giới. Nhưng liệu Flynn có thực sự là một người căm ghét phụ nữ, hay chỉ đơn giản là cô muốn khám phá mặt tối, về sự giận dữ và bạo lực mà bất cứ một người phụ nữ nào cũng có thể có?

 

Tác giả Gillian Flynn

 Về định nghĩa của “Misogyny” 

Misogyny có thể hiểu đơn giản là sự kỳ thị, căm ghét và thành kiến dành cho nữ giới. Nó có thể được thể hiện qua nhiều cách khác nhau, phần lớn là do ảnh hưởng của văn hóa trọng nam khinh nữ, chế độ phụ quyền, đưa nam giới làm trung tâm, điều hành mọi quyền lực và áp đặt lên phụ nữ, dùng lời nói để nhục mạ và phân biệt, hay bạo hành, xem phụ nữ là công cụ để thỏa mãn nhục dục.

Và định nghĩa này, không hẳn lúc nào cũng sẽ được gán cho đàn ông. Misogyny là một sự bày tỏ thái độ thù hằn dành cho nữ giới. Những người misogynist cũng có thể là chính phụ nữ. Do ảnh hưởng từ sự phân biệt về giới, nên một người phụ nữ cũng có thể áp đặt và giới hạn về năng lực với một người phụ nữ khác. 

Aristotle, một trong những triết gia lỗi lạc của phương Tây, từng nhắc đi nhắc lại những lý thuyết của ông trong “Politics” (Dịch : Chính trị) về phụ nữ, cho rằng họ thấp kém hơn đàn ông và mối quan hệ giữa hai giới được so sánh như bên cai trị (Đàn ông) và bị trị (Phụ nữ). Aristotle còn cho rằng phụ nữ, thực chất là một loại “đàn ông” nhưng dị dạng, rằng họ bất hạnh và thiếu mất những tinh túy cần thiết để trở thành một người đàn ông thực sự. Đồng thời, ông cũng gán những tính từ như “nông nổi”“nham hiểm” để miêu tả về họ. Ở góc nhìn hiện đại, nhiều ý kiến cho rằng, triết gia Aristotle là một misogynist, phần nào đi ngược lại với sự thông hiểu của Plato - một người thầy của ông, người nhìn thấu và đồng cảm với mong muốn được công nhận của nữ giới. Trong “Republic” (Cộng hòa) Plato cho rằng nữ giới cũng nên có cơ hội được giáo dục như nam giới ("If women are expected to do the same work as men we must teach them the same things.") nhưng đồng thời ông cũng nhấn mạnh cơ chế sinh học của nữ giới là khuyết điểm và yếu ớt hơn nhiều so với nam giới. Đến “Timaeus”, Plato lại nhận định phụ nữ chính là cái kết bất hạnh của việc đầu thai, một quả báo tiền kiếp của những gã đàn ông hèn hạ và vô liêm sỉ. 

If women are expected to do the same work as men we must teach them the same things.

Tính kỳ thị, phân biệt dành cho nữ giới còn được thể hiện trong các ghi chép tôn giáo, các câu chuyện thần thoại Hy Lạp cổ hay các vở kịch. Chẳng hạn như “Agamemnon” của Aeschylus, cho thấy sự phân biệt trong lời thoại dành cho những nhân vật nữ. Clytemnestra, vợ của Agamemnon, vị vua cai trị vùng đất Mycenae, đã thay thế tiếp quản chính sự khi ông vắng mặt do chinh phạt. Mặc dù nắm vai trò cân giữ nhưng không một ai nể trọng quyền lực của Clytemnestra bởi vì bà đang ra lệnh dưới cơ thể của một người phụ nữ. Sau này, khi đã có thể thuyết phục được khả năng cai trị, Clytemnestra lại được hợp xướng khen ngợi và ví von uy quyền của mình dưới câu “....từng con chữ của người thốt ra như lời của một đàn ông, vừa thông thái lại rộng lượng.” ( Nguyên văn : “Lady, your words are like a man’s, both wise and kind” ) Có thể thấy, đây là một dạng công kích ngầm, đả ý một người phụ nữ, cho dù cô ta có thông minh và lý trí đến đâu đi chăng nữa, cô ta - ở một xã hội nam quyền như thế - cũng sẽ không được ghi nhận một cách công tâm. Bời những đặc tính và giá trị có năng lực chỉ được xem là tồn tại ở đàn ông, còn phụ nữ thường bị đánh giá rất thấp, bị xem là vô dụng và thiếu khả năng. Nếu có thì họ sẽ được ví “như đàn ông”, nhìn nhận như thể họ là một con nợ với lãi cao. Và khi người tình của Clytemnestra, Aegisthus, bị vạch trần với tội danh chủ mưu là kẻ sát vua , thì hắn ta liền bị hợp xướng gọi là : You woman! Từ ‘woman’ ( phụ nữ) trong câu bị gán ghép với một ngụ ý chỉ sự thấp kém, đáng khinh bỉ và không xứng tầm. Công kích việc làm của Aegisthus bằng cách gán từ “đàn bà” lên danh dự của hắn ta, nhằm miêu tả sự lươn lẹo và độc ác, liên kết tính nữ với sự hèn hạ và dối trá. Đa phần các ý kiến cho rằng vở kịch này, đã tôn vinh và cướp đi những đặc tính tốt đẹp - vốn cũng thuộc về phụ nữ - dành hết cho nam giới, liên tục nhắc nhở sự nhục nhã khi bị so sánh với đặc tính của nữ giới, thậm chí là sống dưới tư cách là một người phụ nữ. 

 

Quỷ thần Medusa

 

Hay như câu chuyện về sự tức giận của nữ thần Athena, người đã đày đọa Medusa, bị cưỡng hiếp bởi Poseidon, việc bị hóa thành rắn là một sự sỉ nhục, bất kể cô ta có là nạn nhân trong câu chuyện đó đi chăng nữa. Có thể xem hành động của Athena dành cho Medusa là một hình ảnh ẩn dụ cho victim - blaming ( Đổ lỗi cho nạn nhân), khi nỗi đau do xâm hại thể xác của phụ nữ không được giải quyết mà thay vào đó lại là sự trừng phạt để sỉ nhục. Và việc đổ lỗi cho phụ nữ trong những trường hợp bị xâm hại tình dục rất thường thấy ở một misogynist.

 Mối liên quan của Misogyny không chỉ dừng lại ở sự đổ lỗi cho phụ nữ khi họ rõ ràng là nạn nhân trong các tình huống xâm hại, nó còn là một trong những tác nhân hình thành nên tiêu chuẩn kép, và liên quan ít nhiều với Homophobia (Chứng ghê sợ đồng tính). 

 Misogyny rất dễ nhầm lẫn với “Sexism” ( Phân biệt giới tính) - vốn có thể xảy ra với hai giới nhưng đa phần chúng ta sẽ gặp trường hợp phụ nữ bị phân biệt giới tính nhiều hơn nam giới. Thế nhưng, không phải trường hợp phân biệt nào cũng sẽ gọi là misogyny, mà có khi chỉ đơn thuần là sexism. Ví dụ trường hợp của Julia Gillard, nữ thủ tướng một thời của Úc châu, người đã từng đưa ra một bài chỉ trích nhắm đến chính trị gia của Đảng đối lập Tony Abbott trước nhiều người ở Nghị viện, sau khi ông này miệt thị các chính sách của bà không có hiệu quả trong việc nuôi dưỡng trẻ em. Gillard đã thẳng thắn và mạnh dạn dùng từ “misogyny” dành cho Abbott trước những việc làm khiến nhiều người bất bình của ông ta. Naomi Wolf, một nhà vận động nữ quyền, đã tán thành cách dùng từ ngữ của bà Gillard, đó là “misogyny” thay cho “sexism”. Trong bài phỏng vấn của mình trên The Guardian, Wolf đã chỉ sự khác nhau giữa hai khái niệm này, để phản đối cách định nghĩa sai lệch về “misogyny” của một quyển từ điển ở Úc. Từ điển này đã nêu là “misogyny” vốn chỉ là sự phân biệt dành cho phụ nữ. Nhưng Wolf cùng những nhà nữ quyền khác lại không đồng tình với cách định nghĩa trên. Vì “Misogyny” không chỉ là sự phân biệt dành cho phụ nữ mà còn là sự thù hằn đến “tận diệt” cho số phận phụ nữ của họ. “Nếu ví sự phân biệt giới tính (sexism) giống như thù hằn phụ nữ ( misogyny), thì cũng giống như đang tự so sánh giữa Chủ nghĩa bài Do thái với việc không ưa người Do thái.” Wolf nói. 

 

Cựu Thủ tướng Úc Julia Gillard 

Khi một người “sexist” bày tỏ sự phân biệt với phụ nữ, người đó có thể chỉ công kích vào năng lực và khắt khe với những quyền lợi dành cho họ, không hẳn sẽ là thù ghét ở cá nhân họ. Nhưng với một người “misogynist”, người này không chỉ công kích về năng lực, quyền lợi trong xã hội của phụ nữ mà còn lăng mạ dứt điểm, bày tỏ nặng nề sự thù hằn về giới tính dành cho họ. Misogyny ngắn gọn là một sự thù hằn triệt để về giới tính nữ và nó có ẩn chứa động thái bạo lực nguy hiểm ở trong đó. Điều mà đôi khi ở những người phân biệt giới (sexist) không có.

Khi một người đàn ông khẳng định phụ nữ chỉ nên chăm con, hoặc mặc định cho rằng cô ta sẽ là một tay lái tồi, thì với trường hợp như vậy, anh ta sẽ là kẻ phân biệt giới. Nhưng nếu anh ta ngoan cố nói thêm rằng phụ nữ chỉ tồn tại để anh ta làm tình cho vui, hay được tạo ra để phục tùng đàn ông và những đứa con. Thì anh ta khi đó sẽ là một gã căm ghét phụ nữ. Những người căm ghét phụ nữ luôn phân biệt phụ nữ, nhưng những người phân biệt phụ nữ không phải lúc nào cũng sẽ căm ghét phụ nữ”. Julie Bindel, một nhà nữ quyền trả lời phỏng vấn trên tờ The Guardian.

 Và Gillian Flynn cùng lời cáo buộc: “Cô ta là một misogynist.”

 Trước “ Gone Girl”, Gillian Flynn đã được biết đến với hai tiểu thuyết xuất bản trước đó là “Sharp Objects” và “Dark Places”. Ba cuốn tiểu thuyết với cốt truyện riêng biệt và chuỗi nhân vật khác nhau, nhưng lại đồng nhất về một chủ đề mà Flynn đã luôn muốn khám phá từ rất lâu về trước. Đó là tính bạo lực ở phụ nữ.

 

Phiên bản Cô gái mất tích do Alpha Books phát hành

 

Năm 2008, trong một đoạn phỏng vấn về “Sharp Objects” - tiểu thuyết đầu tay của cô, Flynn đã bày tỏ về sự hứng thú của cô với những nhân vật phản diện nữ và cách họ trút giận lên người khác cũng như là ở bản thân mình. Đối với Flynn, tính bạo lực ở phụ nữ luôn kín kẽ và khó nhìn thấy hơn đàn ông. Họ luôn có xu hướng chọn nuốt lấy sự giận dữ vào bên trong mình, thay vì bộc trực để lộ nó ra, uốn nó thành nắm đấm như cách mà đàn ông vẫn hay làm. Sự giận dữ của họ luôn mang một nghĩa gì đó đa hình thù, có sức dẫn dắt, chậm rãi và khó lường. Chính điều đó đã thu hút Flynn sáng tạo ra những nhân vật nữ có cá tính phức tạp và âm hiểm, nhằm thỏa mãn sự tò mò của cô với mặt tối đầy bí ẩn của phụ nữ. 

Trong “Sharp Objects”, nhân vật chính Camille Preaker - một nữ nhà báo với nội tâm đầy dằn vặt và bất ổn, buộc phải quay về quê nhà của mình là thị trấn Wind Gap ở bang Missouri để lấy tin tức về vụ giết người hàng loạt mà nạn nhân là các thiếu nữ còn nhỏ tuổi. Camille không tránh khỏi việc gặp lại người mẹ độc hại của mình, quý bà Adora Crellin, cùng với người cha dượng và đứa con gái riêng của họ, Amma Crellin - một cô bé 13 tuổi với vẻ ngoài ngoan ngoãn nhưng thật ra là rất nham hiểm. Mối quan hệ phức tạp giữa Camille và Adora được Flynn đẩy đến cao trào. Adora thực chất là một bà mẹ thâm độc, luôn ám ảnh với hình thức và không ngần ngại dùng lời lẽ gây ra đau đớn cho Camille mỗi khi cô làm bà phật ý. Sự độc ác của Adora bị khiên cưỡng lại bởi thứ vỏ bọc hào nhoáng, ngon ngọt mà bà ta dựng lên với những người trong thị trấn, chính vì vậy mà không thể nào hoàn toàn bộc lộ hẳn ra bên ngoài, mà ngược lại, hiện lên rất kín kẽ và tế nhị. “Tôi hình dung nhân vật Adora là kiểu phụ nữ lớn lên và thuộc về thế hệ trước, không như Camille, cô ấy cùng thế hệ với tôi. Dĩ nhiên cách mà họ bộc lộ sự giận dữ cũng rất khác nhau. Với Camille thì đó là những vết sẹo hiện hữu trên người cô, còn với Adora thì ác ý được dấu dưới dáng vẻ của một bà mẹ ân cần chăm sóc cho những cô con gái nghịch ngợm. ” Gillian Flynn trả lời về “Sharp Objects” trong một buổi trò chuyện tại Chicago Humanities Festival.

 

Một cảnh trong phim “Sharp Objects” - HBO.

 

Libby Day, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của Flynn là “Dark Places” cũng hứng chịu một ma trận khó lường về mặt tâm lý. Giống như Camille, nhân vật Libby phải đối diện với nỗi đau từ quá khứ, đó là nỗi mất mát to lớn khi chứng kiến mẹ và các chị em gái ruột thịt lần lượt bị sát hại trong một buổi tối lạnh ngắt tại miền quê Kansas. Libby được Flynn xây dựng một cách kệch cỡm, cô không phải là một người sống sót giàu nghị lực, mà thực tế lại rất lười biếng, sống ỷ lại vào mớ tiền quyên góp nhiều năm từ những nhà hảo tâm và ganh tị với một nạn nhân khác được chú ý với trường hợp thảm khốc giống như cô. Sự thiếu ý chí do vướng vào vũng lầy tiêu cực này, chính là tiền đề dẫn đến việc cô bị mua chuộc bởi “ The Kill Club” - một hội nhóm bị ám ảnh đến cuồng nhiệt bởi những vụ án giết người ghê rợn.

 Và cho đến Amy Elliot Dunne của “Gone Girl”, Flynn mới thực sự làm rõ và đẩy mạnh sự giận dữ trong âm thầm, thai nghén đến điên rồ mà theo cô nó rất... phụ nữ. Nhân vật Amy, từ nhỏ đã được huấn luyện dưới cái bóng của Amazing Amy, một nhân vật thiếu nhi mà bố mẹ cô đã lấy cảm hứng  sáng tạo dựa trên đứa con gái duy nhất của mình. Amazing Amy có những thứ mà Amy đời thật không có, đạt được những thành tựu mà cô đã thất bại và cuối cùng đi trước cô một bước đến hôn nhân. Áp lực về việc duy trì sự hoàn hảo đã khiến Amy sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để gài bẫy bất cứ ai xúc phạm đến hình ảnh hoặc không đủ tầm lực để thỏa mãn những tiêu chí của cô. Amy là một kẻ thái nhân cách có khả năng dàn dựng tình huống, gần như không một chút sơ hở nào. Và đấy chính là điều mà Flynn muốn giới thiệu với các bạn đọc của mình, cô muốn cho chúng ta hiểu được tính riêng biệt trong cơn giận của phụ nữ. 

 

Amy Elliot Dunne  của “Gone Girl”

 

Dĩ nhiên, với cách thể hiện như vậy, Flynn không thể nào làm hài lòng tất cả người đọc và các nhà phê bình. Một số người đã lên tiếng chỉ trích cô, vào năm 2014, tờ HuffPost đã đăng một bài viết có tựa : “ How Gone Girl Is Misogynistic Literature” , khẳng định tất cả những nhân vật nữ trong tác phẩm đều được thể hiện một cách nhạt màu và đầy xấu xa, không hề có một lòng trắc ẩn hay điểm tươi sáng nào. Những người không đồng tình với Flynn cũng đề cập đến nét tương đồng trong hai tác phẩm trước của cô : Những người đàn bà máu mặt và điên loạn. Qua đó, Flynn được cho là một misogynist. Một nữ tác giả có hiềm khích với góc nhìn tiêu cực về phụ nữ. Và bản thân cô cũng có một thời gian dài đấu tranh giải quyết những cáo buộc trên. 

 Theo quan điểm của Flynn, việc cổ vũ cho phụ nữ luôn có nhiều cách thể hiện và động viên khác nhau, không nhất thiết lúc nào cũng phải là “you-go-girl” hay những dòng diễn thuyết màu hồng ngọt ngào, đôi khi cũng có thể là những cái tát khắc nghiệt đến từ thực tế. Và trong sáng tác văn học, cách thể hiện những nhân vật là nữ giới cũng sẽ tương tự như vậy. Với Flynn, cô không chọn sáng tác những nhân vật nữ thụ động hay hiền từ, bị đóng khung vào cái nhãn mác “Cô nàng Dễ chịu” mà đàn ông thích hình dung một cách áp đặt về họ. Bản thân Flynn cũng là một người theo nữ quyền, và cô ủng hộ nó bằng cách chọn viết ra những nhân vật nữ khó lường, buộc phụ nữ phải thẳng thắn nhìn vào những mặt tối của mình. “ Đối với tôi, cổ vũ cho phụ nữ luôn có nhiều hình thức, và đó có thể là cho phép họ trở nên xấu tính hơn.” Flynn chia sẻ trong một bài phỏng vấn của mình trên tờ The Guardian.

“...điều luôn khiến tôi muốn phát điên đó những suy nghĩ áp đặt về phụ nữ ở bản chất của họ, lúc nào cũng tốt đẹp và có tính dưỡng dục. Trong văn học, họ không nên bị giới hạn như vậy, họ cũng có thể rất xấu xa.” 

 

 Những nhân vật nữ của Flynn, có thể cực đoan và mang lại ấn tượng không tốt đẹp. Nhưng chính sự “không tốt đẹp” đó cũng mang lại cho họ nhiều sắc tố khác lạ, một con người với những hỉ nộ ái ố, với nỗi đau, chính kiến, lòng ghen tuông và thù hằn. Nếu đàn ông được phép là tất cả những điều trên thì phụ nữ cũng sẽ như vậy. Có thể nói, việc Flynn chọn viết ra những nhân vật nữ xấu xa không phải là vì cô căm ghét phụ nữ hay có cái nhìn tiêu cực về phụ nữ mà là vì cô muốn khẳng định sự xấu xa đó có thể tồn tại ở bất cứ người phụ nữ nào, dù họ có muốn điều đó hay là không. 

 Nếu Flynn thực sự là một người thù ghét phụ nữ, hẳn là cô sẽ chọn thể hiện các cô gái của mình là những người ưa la hét, sợ sệt, không có tiếng nói và dễ bị giết chết. Đó là cách mà bộ não của những kẻ misogynist vận hành : Họ muốn phụ nữ chỉ có như thế. 

 Trong một buổi trò chuyện với Mark Bazer, Flynn đã chia sẻ về việc cô cảm thấy mệt mỏi, thậm chí đáng sợ khi phải liên tục chứng kiến những nhân vật nữ trong phim chỉ biết ngậm miệng lại và phụ thuộc vào anh chàng đẹp trai của họ để giải quyết một tình huống khủng hoảng. Những “Cô nàng Dễ chịu” sẽ làm người ta phát ngán với những lời thoại rập khuôn như “Ôi tôi phải làm thế nào bây giờ?” “Tôi không biết nữa” “Anh ấy có bị làm sao không?” ...Và những bộ phim có nhân vật nữ như thế, theo Flynn, không đạt chuẩn Bechdel–Wallace test - một bài kiểm tra đo lường “sức hút” của nhân vật nữ trong văn chương lẫn điện ảnh. Một bộ phim sẽ được bài kiểm tra này chấm “rớt” nếu như nó không trả lời được những câu hỏi như : Có bao nhiêu người phụ nữ ở trong câu chuyện này? Và ở những câu thoại của họ, có bao nhiêu câu liên quan đến người đàn ông và có bao nhiêu câu không liên quan đến người đàn ông? Ngạc nhiên là, có khoảng 82% bộ phim bị chấm “rớt” bởi Bechdel - Wallace test , do sự xuất hiện của nhân vật nữ quá ít, thể hiện họ quá hiền lành, bị thụ động và hầu như không có chính kiến. 

 Và Flynn, cô không muốn để mình lặp lại với những nhân vật nữ như vậy.

 Tất nhiên, chúng ta cũng phải khách quan nghĩ đến nhiều trường hợp. Đó là không phải ai chọn cách thể hiện giống như Flynn đều có một dụng ý muốn nhấn mạnh sự gai góc đầy bất ngờ của phụ nữ. Một kẻ misogynist có thể cũng sẽ chọn viết về những nhân vật nữ độc ác nhằm thể hiện quan điểm thù ghét, coi phụ nữ là một điều xui rủi và từ đó cần loại bỏ ra khỏi thế giới. Và ngược lại, không phải ai chọn viết về những người phụ nữ nhu mì cũng đều mang ẩn ý gò ép hình tượng của họ. Thực tế, có không ít những tác phẩm nói về cái đẹp của những phụ nữ như vậy, tạo nên sự đồng cảm giữa họ và người đọc trước định kiến khắc nghiệt về giới. Nhìn chung đó là sự đa dạng trong cách thể hiện nhân vật, không quan trọng là cô ta là một người tốt hay xấu mà vấn đề là người viết ra cô ta có dụng ý gì trong toàn cảnh của câu chuyện : Là để hạ thấp giá trị của phụ nữ hay là để khẳng định tiềm năng và vị trí thực sự của họ? 

 Với Flynn, cô chưa bao giờ có ý định dùng những nhân vật nữ độc ác để hạ thấp giá trị của phụ nữ. Những nhân vật của cô mang hình thái xúc cảm tăm tối rất con người. Và sự đáng sợ đó là một cách nhắc khéo đàn ông, đó là phụ nữ có thể làm những việc mà họ sẽ không bao giờ ngờ đến được.

 Vì vậy, đừng có dại mà chọc giận phụ nữ. 

 Điền Nguyên.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
Tags: