"Để em khỏi lạc trong khu phố" - Đoạn dịch mã từ cái tên ký ức
“Tại sao những người ta không ngờ có tồn tại, những người ta chỉ gặp một lần rồi thôi, lại âm thầm đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời ta?”

Trong văn học, đặc biệt là Pháp văn, có một thuật ngữ là modianniene được sinh ra từ ảnh hưởng sâu rộng của Patrick Modiano tới giới văn học hàn lâm: sự khủng hoảng nhân dạng, bất lực trước những rối loạn của xã hội và nỗi ám ảnh về thời kỳ "nghề nghiệp Đức" hay thời Chiếm đóng - những năm cuối của cuộc Thế chiến thứ hai, với sự kiềm toả tàn khốc của Đức trên đất Pháp. Chủ đề trong những trang viết của Modiano không quá đa dạng, và cũng chính ông từng nói rằng mình “bốn mươi năm chỉ viết một tiểu thuyết.” Văn của Modiano là kiểu dòng chảy hẹp lòng, nhưng sâu và liền mạch. Vẫn là bối cảnh Paris, vẫn là cuộc chạy trốn mãi mãi vào hư vô và biến tan đi như một làn sương biến tan dưới ánh mặt trời, nhưng mỗi người chạm tới những con chữ ấy lại cảm thấy những bận lòng khác nhau, hoặc trông thấy chính mình ở đó, theo những cách rất khác nhau. 

 

Nhà văn Patrick Modiano

 

Để em khỏi lạc trong khu phố là một cuốn tiểu thuyết mỏng và nhẹ, chỉ vỏn vẹn gần một trăm năm mươi trang trên khổ giấy B5. Nỗi khủng hoảng nhân dạng sâu sắc vẫn đeo bám Modiano (và văn ông) lần này sắm vai Jean Daragane, một con người trạc ngoài bốn mươi tuổi, không có thông tin gì về nhân thân ngoài việc có lẽ từng là một nhà văn, đơn độc, sống trong một căn hộ trong khu chung cư giữa lòng một Paris u hoài. Jean Daragane, qua lời kể của Modiano, mắc chứng lãng quên cố ý vì sợ nỗi u sầu sẽ lan truyền qua tháng năm tựa như lần theo một dây cháy chậm. Daragane tự ngắt mình khỏi những kết nối với quá khứ, và chặn đứng những phần quá khứ từng có bằng một lớp màng của phản kháng và phủ nhận. Trạng thái đông cô về mặt thời gian ấy quẩn quanh cho tới khi Daragane, một cách bất đắc dĩ, bị kéo vào một cuộc lần tìm về quá khứ, bởi cuốn sổ danh bạ ông để rơi lại trên tàu điện, mà ông thậm chí còn chẳng biết tới. Chàng trai nhặt được cuốn sổ, Ottolini, nhắc về một cái tên mờ mịt không gợi nên chút ký ức nào trong ông. Trong cuộc lần tìm theo cái tên ấy, sự xuất hiện của một cái tên khác cuốn lấy ông, kéo ông ra khỏi thực tại lửng lơ, tách biệt: Annie Astrand. 

Mùa hè năm ấy quẩn quanh ông, ngột ngạt như một bóng ma, chảy ùa xuống những hàng hiên bên ngoài những cửa hiệu dọc khu phố ông sống, phủ lên cả bóng đêm một cảm giác bất an lẫn nhức nhối mơ hồ. Cuốn sách ông từng viết mà chẳng thấy có chút quen thân, cuốn sách mà chính ông để lại một đoạn mã tựa như mã Morse, có cái tên Bóng đen mùa hè. Người phụ nữ tên Annie Astrand, vài tấm ảnh trong hồ sơ của sở cẩm. Lớp màng ngăn trên mặt thoáng nhận thức bấy lâu nhận một vết chích nhẹ, rồi chẳng bao lâu là cảm giác rách toạc. Cuộc lần tìm ấy, một cách đầy bất ngờ, hé lộ phần quá khứ hỗn mang thương tổn của Daragane, và, có lẽ, như phần giới thiệu mặt sau cuốn sách có viết, cũng hé lộ một chuyện tình.

 

Nguồn ảnh: Yui's Hideaway / Wordpress

 

Người đọc gần như ai cũng bị cái tên cuốn sách ấy đánh lừa. Sau cuộc lần tìm ấy, khi quá khứ dần mở ra với Daragane, ta mới vỡ lẽ em ở đây không phải người mà ta vốn phỏng đoán, hay lạc trong khu phố có khi cũng không giống với tình cảnh mà ta phỏng đoán. Cũng khó mà nói được Daragane, trong phần đời trước đó, đã có một chuyện tình. Liệu ấy là tình yêu, là tình yêu theo đúng nghĩa của nó, hay chỉ là nỗi ám ảnh? Ấy là mong muốn được yêu hay nỗi sợ chẳng còn ai khác ngoài ta lần nữa? Ta chỉ có thể chắc rằng cái tên Annie Astrand ấy là một phần, và biết đâu lại chẳng là phần cốt yếu, của chứng lãng quên cố ý và cả nỗi khủng hoảng nhân dạng mà Daragane phải chống chọi. Nàng là một nỗi dằn vặt trở đi trở lại theo chu kỳ theo cái cách gần như ép ta không được quên, ép ta phải thức tỉnh trong khi ta chỉ muốn ngủ vùi. Ta biết được rằng năm tuổi trung niên ấy chẳng phải lần đầu cái tên Annie Astrand quay về tìm Jean, gợi về những ám ảnh nhức nhối không thể né tránh, dưới hình hài một người phụ nữ yếu đuối, lặng lẽ, mờ nhạt, như thể không thật sự ở đây. Cho đến cuối cùng, chẳng có bí ẩn nào được giải đáp tường tận cả, tất cả cứ phai mờ dần đi, trôi về thực tại, cái mùa hè ngột ngạt ấy...

tất cả cứ phai mờ dần đi, trôi về thực tại, cái mùa hè ngột ngạt ấy...

Vẫn là sự bất an và hoài nghi về sự tồn tại của chính mình, cùng sự mất kết nối với thực tại, Để em khỏi lạc trong khu phố giống như một hơi thở trút ra từ cuống họng nghẹn đắng rồi tan vào hư vô. Nhiều người đã biến mất, giống như những phần Paris quá cố trong câu chuyện ấy, chỉ để lại những hồi ức không đích xác, làm ngôn từ hạn hẹp gạn được để ghi lại chúng cũng tan biến như một làn hơi, và hình dung cũ trượt đi theo một lối không thể làm khác được.

Nhưng tất thảy ký ức này cứ nhoà dần theo thời gian… một làn sương biến tan dưới ánh mặt trời.

Và một Jean Daragane, với một quá khứ được hé mở buộc mình phải nhìn thẳng vào, là người ở lại duy nhất, cùng với những cái tên gạn lấy từ hư vô Chantal Grippay hay Giselle Ottolini - những người mà ta tự hỏi phải chăng đã được sắp đặt để nhắc nhớ những ký ức của một phần đời khác mà ông cố quên đi. Phải chăng cuộc đời ông rồi cũng sẽ chỉ giống như cuốn danh bạ mà ông chẳng còn muốn tìm lại ấy, Ông lơ đãng lật giở cuốn sổ. Chẳng có bất kỳ số nào trong những số điện thoại kia khiến ông muốn bấm máy gọi. Vả lại, có hai hay ba số bị thiếu, những số quan trọng với ông và ông vẫn thuộc nằm lòng, nhưng sẽ không còn hồi đáp nữa.

Thu Hà

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi u sầu trong Patrick Modiano (1)

Patrick Modiano - Gột Rửa Ký Ức Qua Những Trang Viết Về Paris

"Nỗi buồn chiến tranh" - viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp (1)

 

Tags: