Chuyến hành trình cảm xúc “muôn hình vạn trạng”
Chuyến hành trình cảm xúc “muôn hình vạn trạng”
Trí thông minh xúc cảm trong công việc cung cấp một cái nhìn trực quan và đa chiều về cách cảm xúc hoạt động như thế nào cũng như cách vận dụng trí tuệ xúc cảm vào cuộc sống. Đây quả thực là quyển cẩm nang cảm xúc “muôn hình vạn trạng” dành cho mỗi chúng ta.

Chỉ số EQ của bạn là gì?

Câu hỏi này xuất hiện ở chương đầu và cũng là câu hỏi được tạp chí TIME in đậm trên trang bìa ngày 2 tháng 10 năm 1995. Harvard Business Review mô tả khái niệm này như “cuộc cách mạng” và “phá vỡ khuôn mẫu”. Thuật ngữ tuy còn khá mới mẻ nhưng cũng gây tác động sâu sắc đến suy nghĩ của thế giới về hành vi trí tuệ và cảm xúc. “Trí tuệ xúc cảm là khả năng khiến cảm xúc trợ giúp thay vì chống lại bạn.”

Một người đang trong tình trạng đau khổ khi vừa mất người thân sẽ có hai chiều xúc cảm. Một là, họ không thể vượt qua giai đoạn cảm xúc ly biệt và “lầm lũi” vào những nỗi u sầu ngày qua ngày đến mức trầm cảm, nghiêm trọng hơn là tự kết liễu đời mình. Hai là, họ nhận thức được mục đích sống của mình, tự vực bản thân dậy khỏi sự mất mát, và quan trọng hơn là bên cạnh họ vẫn còn những người thân thương khác. Đó chính là cảm xúc của Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Facebook, khi chồng của cô qua đời trong chuyến đi đến Mexico năm 2015. Trong cơn ác mộng, cô vẫn tận dụng nỗi bất hạnh làm chất xúc tác giúp bản thân hồi phục và tiếp tục cuộc sống với hai đứa con.

“Phép màu trên sông Hudson” cũng là ví dụ điển hình mô tả bản chất của trí tuệ xúc cảm. Cơ trưởng “Sully” Sullenberger vừa sợ hãi vừa tuyệt vọng khi chiếc máy bay Airways 1549 bị đàn ngỗng trời “vô hiệu hóa” ở độ cao 3000m. Nhưng khi được phỏng vấn, ông chỉ gỏn gọn đáp: “Chỉ cần tập trung chút thôi”. Bao nhiêu năm tháng tập luyện cho tình cảnh rơi-tự-do này chỉ được xử lý trong phút chốc. Anh và phi hành đoàn không có nhiều thời gian để suy tính rủi ro mà phải hành động ngay lập tức, can đảm và bình tĩnh. Ít nhiều anh vẫn có cảm giác hoang mang, trống trải nhưng tuyệt đối sẽ không để cảm xúc đó kiểm soát mình.

 

Trí tuệ cảm xúc (nguồn: www.entrepreneur.com)

 

Những cảm xúc tiêu cực có thể trở nên tích cực, và ngược lại, những cảm xúc tích cực có thể trở thành tiêu cực nếu không biết kiểm soát. Adolf Hitler tự tin đến mức tự mãn, nghiêm nghị đến mức tàn bạo, từ một kẻ ngại giao tiếp xã hội đến nhà lãnh đạo cường quyền của đế quốc Đức. Hắn đã dùng cảm xúc để “chi phối” cảm xúc, thuần thục khơi mào những cảm giác tiêu cực ở mọi người ủng hộ mình và Đảng quốc xã. Hay phong trào #MeToo lan rộng toàn thế giới khoảng gần cuối năm 2017, nhà sản xuất nổi tiếng Harvey Weinstein đã bị cáo buộc quấy rối và xâm hại tình dục khi sử dụng quyền lực và sức ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp điện ảnh. Và đó cũng chính là mặt tối của trí tuệ xúc cảm: trục lợi cá nhân bằng cảm xúc.

Tất nhiên, cuốn sách không chỉ thao thao bất tuyệt về những nhân vật nổi tiếng, tầm cỡ mà lại chia sẻ rất cụ thể những trường hợp thực tế ngoài đời: từ việc đi mua sắm, hút thuốc lá, lái xe, đối nhân xử thế trong công việc, tình yêu, v.v. Điều quan trọng là cuốn sách luôn gợi mở những kỹ năng, bí quyết để ngăn chặn rủi ro khi hành động theo cảm tính hay cách rèn luyện, trau dồi vốn kiến thức về cảm xúc để tránh khỏi “quả bom tình cảm” hay “trạng thái cảm xúc khống chế”. Kết chương là một lời động viên, khuyên bảo vô cùng hữu ích cho độc giả. “Cảm xúc luôn đẹp tuyệt vời vì chúng khiến ta trở thành con người. Tận hưởng, yêu thương, trân quý chúng. Hãy học cách dung hòa những sự thật tất yếu này - và nhất định bạn sẽ khiến cảm xúc trợ giúp thay vì chống lại mình”.

 

Trí tuệ xúc cảm - chìa khóa vạn năng cho cuộc sống

Cảm xúc vẫn luôn là một chủ đề thú vị và đặc biệt. Không ai có thể sống thiếu cảm xúc, dù chỉ một giây. Mọi cảm xúc bạn có đều trở thành cầu nối vững chắc giữa mọi người với nhau nhưng cũng là chiếc bẫy vô hình nguy hại cho bản thân và người khác. Bởi lẽ đó, “trí tuệ xúc cảm” vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Bạn không thể vì một phút nóng giận mà “đạp đổ” mọi công lao của cá nhân hay tập thể, hoặc “thản nhiên” hứa hẹn vì cảm thấy vui chứ không thật sự muốn. Sau cùng, kết quả hay kết cục bạn nhận được đều do chính bản thân mình tạo nên.

 

Cảm xúc ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống.

 

Làm thế nào để hạn chế những cảm xúc tiêu cực và khơi dậy những cảm xúc tích cực ở bản thân cũng như mọi người xung quanh? Làm thế nào để tránh khỏi những tình huống khó xử và thậm chí xoay chuyển tình thế trở nên có lợi? Làm thế nào để tạo ra tầm ảnh hưởng, để xây đắp các mối quan hệ chân thành, lành mạnh và gắn kết?... Cảm xúc có ý nghĩa vô giá trong cuộc sống mỗi người, và thông qua việc giải đáp những câu hỏi trên, cuốn sách EQ - Trí thông minh xúc cảm trong công việc sẽ giúp bạn biến cảm xúc thành trợ thủ đắc lực, để bạn trở thành một người tốt đẹp hơn, thành công hơn và hạnh phúc hơn.

 

Trọng Nghĩa