3: Nỗi sợ thất bại khiến cho mọi người thích những lề thói cũ hơn là mạo hiểm thay đổi.

 Bạn đã bao giờ quan sát xem chuyện gì xảy ra khi một hệ thống máy tính mới được giới thiệu ở văn phòng? Mọi người thường miễn cưỡng sử dụng, và ngay cả khi đã sử dụng rồi thì họ vẫn sẽ kêu than phàn nàn không dứt rằng hệ thống cũ là tốt hơn. Tại sao mọi người lại ứng xử theo cách đó?

 

Mọi người không thích thay đổi bởi vì họ cảm thấy rằng những cái mới và không quen thuộc sẽ dễ khiến họ mắc lỗi hơn. Hơn nữa, chúng ta đều ghét mắc lỗi bởi chúng ta sợ rằng nhìn chúng ta sẽ như kẻ thất bại. Đó là lý do tại sao một giáo viên guitar sẽ không bao giờ bảo học sinh của mình phải chơi một bài hát mới lần đầu tiên một cách hoàn hảo. Không chỉ bởi điều đó là bất khả thi, mà phản ứng tự nhiên của chúng ta là sợ hãi thất bại, và chúng ta sẽ bỏ cuộc trước cả khi chơi nốt đầu tiên.

Các giáo viên thì luôn kỳ vọng học sinh của mình mắc lỗi, bởi thử những cái mới luôn dẫn đến những sai sót. Thái độ này cũng quan trọng không kém trong kinh doanh: bạn cần chắc chắn rằng mọi người không chịu áp lực của nỗi sợ thất bại để họ có thể tự tin thử những cái mới.

Nỗi sợ “cái mới” cũng có thể khiến chúng ta cố gắng kiểm soát tương lai một cách cẩn thận. Chúng ta có thể thấy điều này trong kinh doanh, khi mà các công ty thường chọn đi theo một “lộ trình an toàn”, đưa ra những kế hoạch cứng nhắc để có thể ứng phó với một tương lai bất định.

Thế nhưng tính bất di bất dịch đó cũng có thể khiến cho các công ty bỏ lỡ những cơ hội không ngờ tới.

Ví dụ, sau khi hãng Pixar và xưởng phim hoạt hình Disney sáp nhập thành một, trưởng bộ phận Nguồn nhân lực của Disney đã tới gặp Catmull với một bản kế hoạch 2 năm chi tiết ghi rõ những mục tiêu của họ và những đề xuất của nhân viên, với hy vọng loại bỏ sự bất ổn bằng cách tôn trọng triệt để bản kế hoạch đã được nghiên cứu cẩn thận.

Nhưng Catmull biết rằng đây là một sai lầm: mặc dù công việc kinh doanh cần một mục tiêu để hướng tới nhưng công ty không thể bị cưỡng ép bởi mục tiêu đó. Vì vậy mà ông đã từ chối thông qua bản kế hoạch đó để có thể tiếp tục duy trì tính linh hoạt.