“Sẽ có rất nhiều lý do để hạnh phúc. Một trong những thứ đó là nước, thứ khác là gió, thứ khác nữa là mặt trời, và đó luôn là món quà đến sau cơn mưa”
Chuyện con mèo dạy hải âu bay - Luis Sepulveda
Trong mắt Luis Sepúlveda, cảng Hamburg thơ mộng chẳng khác nào chốn lưu đầy của “lão già mê đọc truyện tình” vốn chỉ say sưa với những áng văn chương đẹp đẽ, tinh tế và nhẹ nhàng. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước cùng bao trí thức tự do của đất nước Chile từng bị độc tài A. Pinochet kết án và khủng bố, Luis Sepúlveda đã buộc phải rời bỏ quê hương mình, lang bạt phương trời Âu mà không hẹn ngày về.
Nhà văn Luis Sepúlveda
Hành trang của nhà văn này chỉ là vốn tiếng Đức ít ỏi mà ông đã tranh thủ tự học trong thời gian ngồi tù. Và cả… nỗi bất hạnh, nếu có thể xem chúng là một tài sản có giá trị mà Luis Sepúlveda cùng nhiều nghệ sĩ lưu vong khác từ Mỹ Latin đã vội vã mang theo trên hành trình trốn chạy khỏi đất mẹ.
Song sử dụng khối tài sản bất đắc dĩ ấy ra sao lại là lựa chọn của mỗi nhà văn: hoặc “trở thành một ông già đầy hối tiếc, chờ đợi cái chết trong cô đơn” hoặc sống trong những day dứt khôn nguôi vì những thường dân vô tội còn phải gồng mình dưới ách độc tài hoặc vùi mình trong những lớp tro bụi nguội lạnh của quá khứ tươi đẹp.
Có lẽ Luis Sepúlveda đã trải qua tất thảy những trải nghiệm ấy trong những tháng ngày đằng đẵng trên nước Đức. Ông viết, làm phim về Chile, về tội ác diệt chủng và chống lại loài người của A. Pinochet, về thân phận con người trong năm tháng ở chốn địa ngục ấy. Trong căn nhà giản dị nằm sát cảng Hamburg, một cuộc chiến “không khói súng” đã diễn ra đều đặn và buồn tẻ như vậy với người chiến sĩ cách mạng Luis Sepúlveda.
Nhưng rồi khi các khắc khoải về Chile tạm trồi dần về “chốn vô định” , Luis Sepúlveda dường như bắt đầu để ý tới một tiếng gọi thân thuộc khác mà bấy lâu ông đã quên bẵng – những thanh âm của cuộc sống thường ngày. Những sinh vật nhỏ bé thôi thúc ông tìm hiểu về chúng. Loài vật dẫn dắt ông tới một thế giới bí mật vẫn nấp sau vẻ yên bình của những khu phố hiện đại.
Bìa sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Nhã Nam phát hành
Và trong những “chuyến đi theo” loài mèo – loài thú cưng mà ông vẫn nhận là tiền kiếp của mình, Luis Sepúlveda chợt nhận ra mình cần phải viết ra một điều gì ấy. Vậy là một nhà văn, một nhà cách mạng vốn quen việc coi các trang giấy phải ngồn ngộn những tư liệu về hiện thực tàn khốc sẵn sàng cho một mặt trận văn bút đã viết nên một trong những thiên truyện phi lý nhất của loài người … lẫn loài mèo Historia de una gaviota y del gato que le enseñó a volar .
Và Zorba, “con mèo mun to đùng mập ú” có cái tên đậm chất Hy Lạp đã bước vào văn chương với một phi vụ mà nó chẳng bao giờ hình dung nổi: không ăn quả trứng của cô hải âu bất hạnh Kengah, chăm lo cho chim non ra đời… và dạy nó bay.
Hai nhiệm vụ trên tuy khó khăn nhưng dẫu sao Zorba vẫn còn có chút ít kinh nghiệm. Bởi vì, không phải là cách đấy gần một thế kỷ, người họ hàng của Zorba – báo đen Bagheera cùng gấu Baloo đã nuôi dạy hẳn cậu bé Mowgli thành chúa tể rừng xanh đó sao? Zorba và cộng đồng mèo ở Hamburg với những cái tên kiêu hãnh Đại tá, Secretario, Einstein, Bốn Biển vốn cho rằng mình thông minh “bọn mèo lớn đùng” lại chịu thua dễ dàng như vậy!
Và quả thực, Lucky – cô bé hải âu con đã trở thành “một con mèo và rất biết giữ vệ sinh” dù chỉ có hai chân và bộ lông vũ trắng. Đó là nỗ lực nuôi dạy không tồi của Zorba và đồng loại, dẫu chưa thực sự xuất sắc lắm nếu so với việc Bagheera huấn luyện Mowghi trở thành sói – người mạnh hơn cả hổ Shere Khan.
Nhưng việc dạy hải âu bay… lại là một thách thức khác. Chúng chẳng những chưa từng tồn tại trong sự hiểu biết của loài mèo mà cũng không hề được sách vở của loài người ghi chép. Rút cục, Zorba phải cầu cứu sự trợ giúp của một con người. Đó là một nhà văn, người chỉ giam mình quanh bốn bức tường bên các trang viết nhưng đã kịp “hiểu thấu” thế giới hải âu qua những câu thơ:
“Nhưng những trái tim nhỏ bé- Những trái tim của thần bay lượn –Không khao khát gì hơnNhững cơn mưa dạiNhững cơn mưa mang lại luồng gió thổiNhững cơn mưa mang lại ánh mặt trời”
Thế rồi, Lucky đã cất được cánh trong một đêm mưa như bản năng của mọi loài chim trước cơn giông bão. Nhưng trớ trêu, nó bay được hoàn toàn từ niềm tin được nuôi dạy từ mèo Zorba về “kẻ thực sự dám thì mới có thể bay” chứ không phải những chồng sách dạy cộp ngày đêm “mô phỏng” thế giới. Chỉ cần niềm tin đặt đúng chỗ, mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp.
Bài giảng của Zorba dành cho con chim “gọi nó là má” chỉ đơn giản như vậy không phải thứ “luật rừng” ngày đêm báo Bangheera, gấu Baloo, trăn Kaa hết sức nhồi nhét vào đầu nhóc Mowgli, biến cậu trở nên mạnh mẽ nhất rừng xanh nhưng đồng thời cũng trở thành “kẻ xa lạ” với cả loài người lẫn muông thú. Lucky chỉ là một cô hải âu bé nhỏ, nhưng quan trọng nó đã sống đúng với cuộc đời mình, và tuyệt vời nhất là biết được thêm rằng thế giới xung quanh cũng có những phép màu kì diệu, nhưng không phải toàn màu đen mà sai lầm đôi khi phải trả giá bằng mạng sống.
Giữa hai mệnh đề sống có ý nghĩa hay ý nghĩa chính là sự kéo dài cuộc sống, Luis Sepúlveda dường như nghiêng về vế thứ nhất. Và có lẽ đây cũng là điều mà Luis Sepúlveda muốn viết cho lứa tuổi thiếu nhi, trong đó có đứa cháu trai Daniel mà ông vô cùng yêu quý.
Xét cho cùng, đó là lý do giúp ông sống sót và chiến đấu ngoan cường và chờ đợi cái ngày mà chế độ độc tài A. Pinochet sụp đổ. Nhưng đó là một bài học khác, một bài học quá lớn với cả loài người và loài mèo. Bài học ấy có trong những tiểu thuyết khác của Luis Sepúlveda. Nhưng với Con mèo dạy con hải âu bay, hãy cứ thư giãn và cho phép trẻ em được là trẻ em như cách chúng bắt chước chúng ta thực hiện những sai lầm. Và nên đặt niềm tin vào những con mèo biết đâu chúng có thể dẫn bạn đến một câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn khác!
Hải Đăng - Trạm Đọc (Read Station)