Văn học tuổi 20 – “Bữa đời lạc phận” – Miền Tây mến thương trong những phận đời xa xót
Văn học tuổi 20 – “Bữa đời lạc phận” – Miền Tây mến thương trong những phận đời xa xót
Được viết bởi một nhà báo nhiều trải nghiệm và vốn sống dồi dào, “Bữa đời lạc phận” vẽ nên bức tranh miền Tây quê kiểng thật đẹp đẽ, sinh động và tràn đầy tình cảm dưới giọng văn khúc chiết, mạch lạc, thông minh và hài hước. Ẩn sâu trong đó, có một miền Tây trĩu nặng buồn thương, cơ cực, đau đáu trong những phận đời nghèo.

 

 

Đất thương cưu mang hết phận đời, nhưng lòng người không hiền từ như đất

 

 

Nửa đầu câu chuyện mô tả một bữa tiệc thịnh soạn, với tiếng cụng ly tanh tách và các câu chuyện sáo rỗng giáo điều quanh bàn nhậu. Trong một nhà hàng sang trọng, sếp lớn đang ngồi rung đùi cùng đám đàn em kẻ tung người hứng, cố gắng để đẹp lòng sếp và đẹp mặt mình. Bàn tiệc đầy ắp các món đặc sản hoang dã quý hiếm: Bìm bịp nấu đậu xanh ăn kèm rau câu kỉ, ba khía hấp sâm theo kiểu cung vua phủ chúa, lịch củ quấn giấy bạc nướng đất sét, chồn sữa và trứng chim chao chảo lộn chiên ngũ quả… Món nào cũng có “sứ mệnh” đặc biệt, giúp thân thể cường tráng, sinh lực dẻo dai, tinh thần sung mãn. Món nào cũng hiếm cũng quý, từ hàng triệu tới hàng chục triệu đồng.

Nhưng Tôi – nhân vật chính của câu chuyện, một thanh niên 25 tuổi vừa mới nhận nhiệm sở, đang được để ý cất nhắc và “tạo điều kiện” gần gũi thân tình với sếp – đã không thể nuốt trôi một miếng nào. Vì mỗi món ăn đều gắn liền với một câu chuyện chân thực và cảm động về cuộc đời của chính anh khi còn là một cậu bé con đầu trần chân đất, gầy nhom mê mải rong chơi trong xóm quê nghèo.

Này là con bìm bịp Mỏ Khét, món quà quý đầu đời chưa kịp chăm mớm đã bị bắt đem nấu cháo. Con bìm bịp gắn với lòng hận thù người cha dượng “khủng long bạo chúa”, những thương tổn sâu sắc trong lòng con trẻ, tất cả đã không kịp hóa giải bởi chuỗi sinh ly tử biệt ập đến bất ngờ. Này là mắm ba khía, thứ quà quê chân chất đượm hương hồn dân dã miền Tây có hình bóng người cha nuôi hiền từ, nhân hậu, bán ba khía nhưng không bao giờ ăn ba khía với niềm tin “không thể ăn thứ có ơn nuôi sống mình”. Này là con lịch chiến lợi phẩm của lần đi săn đầu tiên với chú Thà, là 2 con chồn non và tổ trứng chim nặng trĩu trong chuyến đi rừng mắc kẹt dưới mưa giông của 2 thằng nhỏ, là con cua đinh mấy trăm ngàn mà nhà cậu bạn nghèo dằn miệng đãi khách.

Đất thương nhân từ nuôi sống con người, nhưng người thì không hiền như đất. Những món ăn sang trọng vẫn được dọn lên liên tục, bàn tiệc vẫn ê hề thừa thãi với những gương mặt giả dối, những lời lẽ xu nịnh, sáo rỗng, những cái gật gù tưởng thưởng, những bảo ban phép tắt luật bất thành văn. Ở nơi chỉ có chỗ cho những kẻ trí thức “biết sống” luồn lách để vươn lên đại lộ danh vọng thênh thang, khi món quê mùa bỗng chốc biến thành cao lương mỹ vị, nơi mọi thứ đều trả giá bằng tiền, đã không có chỗ cho những tâm hồn lương thiện và thứ tình cảm chân thành nương náu.

 

 

Nhưng quê nghèo miền Tây vẫn thế, vẫn bàng bạc thấm đẫm tình người

 

 

Theo mạch truyện, cuộc đời của nhân vật chính tên Tôi được kể lại trọn vẹn, gắn với hình ảnh cậu bạn thân hồn nhiên và những chuyến phiêu lưu đầy màu sắc thú vị của ngày thơ, cùng người cha già hiền từ và những người ông, người chú hào sảng bộc trực, chân chất, nhiệt thành. Ẩn trong đó là những bài học làm người sao cho có sau có trước, có vay có trả, cùng chuỗi kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình cha con, tình làng xóm… xuyên suốt và cảm động.

Không giống như những trang viết thường gặp về miền Tây khi hình ảnh người đàn ông thường bị đóng khung trong bộ dạng gia trưởng, rượu chè bê tha, bội bạc, tàn nhẫn… những người đàn ông “nhà quê” trong “Bữa đời lạc phận” hiện lên rất khác. Họ là những con người giàu lòng trắc ẩn, giàu tình yêu thương, nhân hậu, bao dung và hi sinh. Những “quà quạ mà nuôi tu hú” không ngại cực khổ nuôi con của người lạ, chăm bẵm cho những đứa trẻ côi cút có được tình thương và mái ấm gia đình, gọi được tiếng “ba” thiêng liêng, cái tiếng nghe sao giản đơn nhưng không phải ai cũng có cơ hội được gọi.

Trong bữa tiệc thịnh soạn đó, cuối cùng nhân vật Tôi cũng được ăn bữa cơm với tô canh rau tập tàng mát lành và cá bống trứng kho tiêu... Các món ăn dân dã đó lại mở ra những câu chuyện giàu cảm xúc khác về cuộc đời, những cơ duyên gặp gỡ, tuổi trẻ nhiều hoài bão, cả tình yêu, cái chết và sự tha thứ… đủ hấp dẫn để bạn đọc theo đuổi cho đến kết.

 

Ka Bình Phong 

Tên thường gọi Phong Hân

Từng học Đại học Tổng hợp – Nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM

Hiện là nhà báo tại Tp. Bến Tre

 

Trích đoạn tác phẩm

“Tôi biết rồi, có là bao đâu bà”. Ông nhỏ giọng. “Hồi nào giờ út con mình có rủ ai về đâu, nhìn hai thằng học trò ốm tong teo tui ứa cả lòng, chắc ăn uống thiếu hụt lắm. Bữa nay mần đãi sắp nhỏ cho ngon miệng một bữa, tiếc gì của trời cho. Tui với bà quê mùa có biết thành phố ra sao đâu mà lên thăm nom, sống xa nhà có anh em nương tựa nhau cũng đỡ lo phần nào”.

 Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: