Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ sinh viên của ĐH Sư phạm TP.HCM. Với chủ đề phương pháp đọc, cách lựa chọn sách phù hợp và tác dụng của sách đối với giới trẻ, buổi talk show thu hút hơn 200 sinh viên tham dự và hàng nghìn lượt tương tác zoom và fanpage.
Tham gia chương trình với tư cách diễn giả là hai nhà văn trẻ Tống Phước Bảo (giải nhất cuộc thi “Sài Gòn - thành phố tôi yêu” với cuốn Sài Gòn, còn thương thì về!) và Nam Kha (tác giả của loạt sách viết về đại dịch và kỹ năng sống cho giới trẻ như Sống xanh không khó, Giữa muôn trùng nguy khó - Vẫn có nhiều lối ra…).
Mở đầu talk show, các khách mời bàn về tình trạng đọc sách theo đám đông của giới trẻ hiện nay. Người trẻ đang có xu hướng tìm đọc những cuốn sách có lượng review đánh giá cao và sự quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội.
Nhìn nhận về điều này, nhà văn Nam Kha cho biết hiện nay, nhiều cây bút trẻ tìm mọi cách để giới thiệu, tương tác, bàn luận về tác phẩm của mình trên các trang mạng. Điều này giúp tác giả tìm hiểu, nắm bắt được thị hiếu người đọc; đồng thời đưa tác phẩm của mình đến với nhiều bạn đọc hơn.
Tuy nhiên, mỗi độc giả cũng nên tỉnh táo để cân nhắc xem nội dung, chủ đề đó có phù hợp với mình không. Đọc sách theo trào lưu, chạy theo đám đông không đồng nghĩa với việc bỏ qua lợi ích mà cuốn sách đó đem lại cho bản thân.
Nhà văn Tống Phước Bảo cũng cho rằng điều này vừa có lợi, vừa có hại: “Thông qua các trang mạng, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian nhờ đọc các bài review. Song, mỗi tác phẩm thường có những ý kiến nhận xét trái chiều. Người đọc khôn khéo sẽ biết gom những ý kiến đó lại và đưa ra được lựa chọn có ích cho chính mình”.
Trước khi bắt đầu đọc, chọn sách sao cho phù hợp cũng là việc không thể bỏ qua. Thị trường sách ngày càng phát triển, số lượng sách phát hành đang tăng lên từng ngày. Vậy đâu là tiêu chí để chọn sách?
Trả lời cho câu hỏi này, cây bút trẻ Nam Kha nêu quan điểm rằng trước hết, phải biết bản thân mình đang có nhu cầu đọc gì. Chẳng hạn, nếu đang tìm hiểu về tâm lý, việc đầu tiên là nên tìm đến những tựa sách cơ bản, đại cương, khái quát về chủ đề này. Tiếp đến, cần xét tới độ uy tín, tên tuổi của người cầm bút đối với lĩnh vực mình đang quan tâm. Và cuối cùng, đó là tên tuổi của đơn vị xuất bản.
Đồng tình với quan điểm của Nam Kha, cây bút Sài Gòn, còn thương thì về! nhấn mạnh thêm: “Chúng ta cũng nên thận trọng giữa sách chính thống và sách lậu. Để có được một cuốn sách, tác giả phải dày công nghiên cứu, viết lách. Không nên vì giá thành rẻ hơn mà mua những cuốn sách không chính thống, như thế là tiếp tay cho thị trường sách lậu”.
Trước khi buổi talk show diễn ra, hàng trăm sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM đã thực hiện cuộc khảo sát về văn hóa đọc. 42% trong số họ nói rằng công nghệ Internet đã khiến họ dần xa rời thói quen đọc sách.
Không thể phủ nhận rằng văn hóa đọc hiện nay bị chi phối bởi nhiều hình thức giải trí, phương tiện nghe - nhìn hấp dẫn. Trước đây, nếu chỉ có báo giấy thì ngày nay, hàng nghìn trang mạng mọc lên cung cấp thông tin đa thể loại cho người đọc. Độc giả trẻ có xu hướng thích sự nhanh gọn, tiết kiệm thời gian nên thường tiếp cận thông tin qua mạng Internet.
Mỗi tác phẩm đều có những ý kiến nhận xét trái chiều. Người đọc khôn khéo sẽ biết gom những ý kiến đó lại và đưa ra được lựa chọn có ích cho chính mình.
Nhà văn Tống Phước Bảo
“Việc chọn thời điểm đọc sách rất quan trọng. Cá nhân tôi luôn đọc trong một khung giờ cố định, vào khoảnh khắc tĩnh lặng trong ngày và duy trì thói quen đó. Tôi tin rằng khi đi qua mùa dịch này, các bạn trẻ sẽ sống chậm hơn, có gu đọc nhẹ nhàng hơn. Các tựa sách thường thức cuộc sống, kỹ năng mềm sẽ giúp ta có tâm lý vững vàng trước mọi thăng trầm cuộc sống”, Tống Phước Bảo nói.
Kết quả từ cuộc khảo sát này cũng chỉ ra rằng một trong những lý do khiến sinh viên ngày nay xa rời sách vở nằm ở việc đọc sách gây mỏi mắt và tốn thời gian.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, tác giả Nam Kha cho rằng mỗi người nên tìm hứng thú, sự đồng cảm khi đọc sách bằng cách chủ động chia sẻ, trao đổi với các độc giả khác hoặc chính tác giả của cuốn sách mình đang đọc vì hiện nay, đa số cây bút đều có fanpage, blog hay website riêng.
“Hơn nữa, đọc sách còn cho ta trải nghiệm ‘đọc mọi giác quan’, không chỉ thị giác, người đọc còn có thể chạm tay vào sách, ngửi mùi mực in và lắng nghe âm thanh lật mở từng trang sách”, Nam Kha nói.
Bên cạnh bàn về văn hóa đọc của người trẻ, buổi talk show còn dành thời gian để trả lời những thắc mắc của các sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM xoay quanh chủ đề xuất bản, viết lách và vai trò của sách đối với từng nghề nghiệp.
Theo Zing News