Nghiên cứu của người Hàn Quốc chỉ ra rằng nếu uống nước một cách vô tội vạ, có thể dẫn đến chứng thiếu natri trong máu.
Lượng nước mà một người trưởng thành đào thải trong một ngày lên đến khoảng 2,6 lít, trong đó có 1,6 lít thoát ra bằng đường tiểu, đại tiện; 0,6 lít bài tiết thông qua mồ hôi; và 0,4 lít bài tiết dưới dạng hơi nước thông qua hô hấp.
Lượng nước bổ sung bằng thực phẩm và trái cây hàng ngày vào khoảng 1 lít, vậy nên lượng nước mà người lớn phải uống tối thiểu trong một ngày là 1,6 lít.
Thế nhưng, kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc ở Hàn Quốc (năm 2005) báo cáo rằng nam giới phải uống trung bình ngày 1.061,1 ml nước, còn phụ nữ là 868,5 ml.
So với số liệu điều tra năm 2001, con số này đã tăng nhưng vẫn chưa đạt được lượng cần thiết. Hơn nữa, kẻ thù của nước luôn luôn rình rập trong cuộc sống sinh hoạt của chúng ta.
Chất cồn kéo theo cả nước trong máu trong quá trình tiểu tiện, khói thuốc lá làm bay hơi nước của niêm mạc cơ quan hô hấp, caffeine trong cà phê thì thúc đẩy tình trạng mất nước.
Nhưng uống nhiều nước vô tội vạ liệu có tốt không? Dù nói rằng nước di chuyển ra vào bên trong và bên ngoài tế bào, khiến trao đổi chất hoạt động tích cực, bài tiết độc tố và chất thải, có phải càng uống nhiều nước thì càng tốt cho sức khỏe không? Hẳn bạn đã đoán được, câu trả lời là “không”.
Nếu uống nước quá lượng cần thiết, bạn có thể rơi vào chứng thiếu natri trong máu.
Giả sử một người phải uống 2 lít nước mỗi ngày, nếu uống 4 lít nước trong khi vẫn sinh hoạt như bình thường, cơ thể sẽ tự biết để điều chỉnh đến mức độ nào đó dựa theo đặc tính của nó để duy trì trạng thái ổn định.
Thế nhưng, người này có thể rơi vào chứng thiếu natri trong máu do thiếu chất điện phân, đặc biệt là thành phần natri.
Trường hợp này dẫn đến tình trạng tế bào trong toàn cơ thể ngập trong nước, gây ra những hiện tượng như đau đầu, mệt mỏi và thiếu minh mẫn. Cơ thể phù và nặng hơn là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, hiện tượng này dễ xảy ra khi bạn đột ngột uống nhiều nước ở một thời điểm nào đó.
Trường hợp ăn mặn và uống nhiều nước còn là vấn đề lớn hơn. [...] Natri có đặc tính giữ nước. Nước dư thừa do thành phần muối bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ gây tăng cân và xuất hiện chứng phù nề.
Theo đó, tối thiểu phải uống hơn 1,6 lít nước, nhưng uống sao cho trong miệng hoàn toàn không cảm thấy khát là tốt nhất.
Trường hợp thoát nhiều mồ hôi do tập thể dục hoặc thời tiết nóng, hoặc mất nước do tiêu chảy thì cần bù nước với lượng tương ứng. Tất nhiên, bài tiết tốt cũng quan trọng như uống nhiều nước vậy.
Tiểu tiện khoảng bốn đến sáu lần tối thiểu mỗi ngày là phù hợp. Trường hợp đi tiểu dưới hai lần là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu nước, còn đi bốn lần khi ngủ đêm thì có nhiều khả năng bạn đã bổ sung quá nhiều nước, hoặc chức năng thận bị bất thường, nếu là nam giới thì có thể do chứng phì đại tuyến tiền liệt.
Tóm lại, mỗi ngày, người trưởng thành nên nạp trung bình trong khoảng 2-2,5 lít nước để đảm bảo cho một cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung.
Zing news