Cách đây vài tháng có một bạn trẻ nhắn tin cho tôi khoe rối rít rằng em vừa đọc xong cuốn này (Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?) và nói rằng cuốn sách này tâm đắc quá, nói như hiểu hết con người em vậy. Tôi chỉ biết cười và bảo: “Nó tâm đắc bởi vì chính em chưa hiểu được bản thân mình thôi. Nó không dành cho người có hoài bão.” Em vẫn nhất quyết nói rằng nó rất hay và còn gửi tặng cho tôi một quyển.
Tôi mất khoảng một nửa buổi sáng để đọc hết cuốn này và nửa còn lại suy nghĩ xem không biết mình nên làm gì với nó. Dĩ nhiên là cuốn sách chỉ vài chục nghìn thôi nhưng thực tế là nó không xứng đáng với số tiền mà các bạn lẽ ra có thể mua được nhiều cuốn sách khác tốt hơn nhiều. Cuốn sách này có lẽ nên có tên là “Đắc Nhân Tâm cho người trẻ” nhưng là một phiên bản chán hơn của Đắc Nhân Tâm.
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” được PR khá tốt, luôn nằm trong top bán chạy. Một phần là do chọn tên sách rất khéo. Xin trích lời của anh Kevin Nguyen, một người từng review cuốn sách này: “Hỏi một câu khó trả lời thế và chẳng bao giờ có đáp án chính xác thì có mà cả triệu người đọc cũng chả ai đánh giá được đúng không nào? Cũng chính vì cuốn sách được đặt một cái tên rất kêu như vậy (à mà nói luôn là cái tên này không phải tác giả nghĩ ra vì mình biết nó đã được rất nhiều báo/ tạp chí/ người nổi tiếng … hỏi rồi - nó là nỗi đau đáu của rất nhiều người thậm chí là nhiều thế hệ) nên bạn í đã rất khéo léo dùng một vấn đề chung của xã hội để làm tiêu đề cho cuốn sách của mình.
Mỗi tiêu đề của từng chương lại cũng được đặt tên hết sức khéo léo để giúp người đọc mơ mộng hơn, ví dụ: Bạn là ngôi sao chờ ngày tỏa sáng, 10 điều đơn giản giúp tôi sống tốt hơn… Những danh sách như thế này là một kiểu “bẫy tâm lí” người đọc. Bạn đọc 10 điều này và nghĩ rằng à mình đã đọc, và bạn ngay lập tức có cảm giác mình là người tốt hơn. Trong hầu hết các mô hình tâm lí, kiểu thỏa mãn tức thời (instant gratification) này là một trong những kiểu điển hình trong tâm lí học khi thay vì chờ đợi để được một cái gì đó tốt, người ta thường muốn nó ngay lập tức và người ta thường tìm cách để đạt được điều đó càng sớm càng tốt, ngay cả là khi cách đó là tiêu cực.
Hầu hết nội dung của các chương trong của cuốn sách này có cái khuôn cực giống trong cuốn Đắc Nhân Tâm, đó là:
Ví dụ đó sẽ khiến những lời khuyên và chỉ dẫn đằng sau trở nên thuyết phục hơn rất nhiều vì nó có vẻ nghe như người thật việc thật.
Có những lời khuyên mang tính vô cùng cảm quan và không hề có cơ sở khoa học nào, như ở chương “10 điều đơn giản giúp tôi sống tốt hơn”:
Có lẽ Rosie Nguyễn không hề biết rằng có những người thành công vô cùng lại có thói quen xem TV rất nhiều. Ví dụ John Lenon trong một buổi phỏng vấn với TheSmithTapes.com đã nói khi còn bé, ông dành hàng giờ liền trong ngày để xem TV và thậm chí bật nó ngay cả khi không còn chương trình nào phát sóng.
hay
Tôi có một thời gian làm cộng tác viên cho mục Sống của trang tin Cafebiz nên không còn lạ lẫm gì với những lời chia sẻ bí quyết được đăng đầy rẫy trên mạng. Có lẽ vì tác giả “bớt đọc báo và tạp chí” nên không biết đến điều đó.
Trong cuốn "7 thói quen của người thành đạt" của Stephen Covey, tác giả đưa ra 7 thói quen và lấy ví dụ của những người thành đạt, thế nhưng bạn có biết những người có thói quen y hệt nhưng thất bại. Hãy gọi đó là nghĩa trang của những kẻ thất bại. Tất cả những gì các cuốn sách selfhelp nói đều là chung chung và không thể áp dụng với tất cả mọi người. Người viết sách không tiếp xúc với bạn, không lắng nghe và trò chuyện với bạn, không hiểu được bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, nhưng khi đọc nó lại khiến bạn "tưởng" mình đang tốt đẹp hơn.
Rosie Nguyễn có kể lại về một người bạn (vâng vẫn là kiểu ví dụ sau đó đưa ra lời khuyên) không bao giờ chơi trò chơi điện tử. Vì bạn ấy có một người cha cực kì nghiêm khắc. Mỗi lần được điểm 10 hay đứng nhất lớp cậu ấy được thưởng bằng cách đứng ngó người khác chơi. Ở đây tác giả đã mắc một lỗi là “Ngụy biện khái quát hóa vội vàng” trong đó người dùng hay nói về một vài kinh nghiệm, quan sát nhỏ lẻ, rời rạc, không phổ quát của bản thân để rồi biến nó thành quy luật áp dụng vào số đông, áp đặt cho người đối thoại (người lớn hay xài chiêu này để áp đặt người trẻ). Thực ra ví dụ này là một trong những biểu hiện mà Anna Freud, cháu gái của nhà phân tâm học Sigmund Freud gọi là cơ chế tự phòng vệ (defend mechanisms), đó là khi trong vô thức người ta càng mong muốn điều gì, thì người ta càng thể hiện một cách trái ngược mạnh mẽ. Ở đây cụ thể là người cha của cậu bé trong ví dụ rất rất muốn thử được chơi điện tử nhưng không được nên cấm đoán con trai của ông như vậy. Và dĩ nhiên là chẳng có công trình khoa học nào chứng minh người không chơi game thông minh lanh lợi hơn người chơi game cả.
Các vấn đề tâm lí và khủng hoảng của tuổi trẻ thường phức tạp hơn rất nhiều so với những gì biểu hiện ra bên ngoài. Bạn mất ngủ triền miên không có nghĩa là bạn đang quá lo âu, bạn khóc nhiều không có nghĩa bạn là người nhạy cảm cao... Trị liệu tâm lí là những cuộc trò chuyện với bác sĩ hàng tiếng đồng hồ, những bài trắc nghiệm, điện tâm đồ, điện não đồ, tiền sử dùng thuốc và hoàn cảnh gia đình.
Cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” không hề cho bạn bất cứ phương pháp luận khoa học nào về tâm lí học, nó chỉ đưa ra những lời khuyên "nghe có vẻ khoa học". Các bài báo trên mạng cũng theo kiểu mì ăn liền như "chỉ cần dành 10 phút mỗi ngày làm việc này, bạn sẽ hơn 99% dân số thế giới". Nó đưa ra những giải pháp rất tạm thời, có thể bạn sẽ bắt chước được nó trong thời gian ngắn nhưng là thói quen bắt ép mang tính ý thức và rất dễ biến mất. Để điều chỉnh chính bản thân, bạn phải có chút kiến thức về tâm lí cũng như lời khuyên của các chuyên gia thì mới có thể TỰ GIÚP MÌNH. Bạn mới là người hiểu mình nhất, có thể điều chỉnh bản thân, bởi vì có những điều mà cả đời bạn chẳng bao giờ muốn nói với ai.
Các loại sách self-help mà tác giả Việt viết xuất hiện nhan nhản nhưng toàn nói về những thứ cũ kĩ mà sách self-help nước ngoài đã nói cách đây cả trăm năm, nó như một cái phao cứu sinh giữa sa mạc, như dùng bông y tế để bịt mũi lúc chảy máu cam trong khi bạn đang bị chấn thương sọ não vậy.
M.Đ
Trạm Đọc đăng tải quan điểm của độc giả về một cuốn sách nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Hi vọng các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.