Trở về một đứa trẻ với
Trở về một đứa trẻ với "Bốn thỏa ước"
Tư tưởng xuyên suốt trong bộ năm cuốn sách này là kết nối sâu sắc với bản thân, yêu thương cuộc đời bằng một tình yêu vô điều kiện và nhìn nhận mọi thứ như nó vốn là; để đến cuối cùng, ta có thể xây dựng thiên đàng, nước trời, niết bàn, hay bất cứ thứ gì như thế, ở ngay nơi ta đang sống.

Con người nguyên sơ, hay còn gọi là bản thể chân thật (true-self; authentic self), là nguồn năng lượng thiêng liêng tạo ra sự sống cho cơ thể và tâm trí. Khái niệm này gần giống với khái niệm linh hồn trong một vài tôn giáo. Khác với cái tôi – phần con người liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của xã hội, bản thể chân thật không chịu ảnh hưởng bởi hệ thống thưởng phạt cũng như sự bám chấp vào niềm tin, ý tưởng, vai trò của ai đó trong cuộc sống. Bản thể chân thật chỉ sống và yêu thương.

Và cách để trở về với bản thể ấy chính là thông điệp chính của bộ sách Bốn thỏa ước.

Bốn thỏa ước là bộ sách nói về các thỏa ước của người Toltec, hay còn gọi là các chiến binh Toltec - những người cam kết thực hành tâm linh để để chuyển hóa các bám chấp và hệ tư tưởng trói buộc bản thân mình. Toltec cũng có nghĩa là “nghệ sĩ”. Bộ sách gồm có năm cuốn:

  • Bốn thỏa ước
  • Thực hành Bốn thỏa ước
  • Tiếng nói của tri thức
  • Vòng tròn lửa
  • Thỏa ước thứ năm

Bên cạnh bộ sách này, mình cũng rất thích và rất muốn giới thiệu thêm một cuốn sách nữa có cùng tác giả và chủ đề, cuốn sách có tựa là: Mastery of Self. 

Tư tưởng xuyên suốt sáu cuốn sách này là kết nối sâu sắc với bản thân, yêu thương cuộc đời bằng một tình yêu vô điều kiện và nhìn nhận mọi thứ như nó vốn là; để đến cuối cùng, ta có thể xây dựng thiên đàng, nước trời, niết bàn, hay bất cứ thứ gì như thế, ở ngay nơi ta đang sống. Để làm được như vậy, ta phải vượt lên trên cái tôi trần thế của mình – cái tôi vị kỷ mà Đức Phật đã dạy “phải chiến thắng”. 

Dường như mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống đều bắt nguồn từ việc ta nuôi dưỡng và bám chấp vào cái tôi. Vì cái tôi, ta sẵn sàng nói và làm những điều khiến người khác tổn thương, đau khổ. Vì cái tôi, ta “nhận” hết mọi thứ về mình, cả điều tích cực lẫn tiêu cực. Ta cho rằng mọi người đang tấn công mình, ta luôn để ý đến những gì người khác làm và nói, vì ta nghĩ họ đang nói về ta. Vì cái tôi, ta thêu dệt và giả định mọi thứ về bản thân, và vì vậy nên ta lại cho rằng mọi người đang nhắm vào mình. Và cũng vì cái tôi, ta nhìn nhận mọi người qua lăng kính mà ta tự tạo nên, ta áp đặt họ phải thế này thế nọ, không tôn trọng con người thật của họ và cũng không công nhận những tiềm năng của họ. Đó chính là cách ta trói buộc bản thân mình và người khác.

Và người Toltec đã đặt ra bốn thỏa ước sau để chúng ta có thể tìm lại bản thể chân thật nhất, đó là:

Một, sử dụng ngôn từ tích cực, yêu thương, không nói lời độc hại, làm tổn thương người khác - không xả rác vào tâm hồn người khác

Hai, không quy mọi thứ về bản thân mình - không ôm rác của người khác về nhà

Ba, không phỏng đoán, quy chụp, giả định

Và điều cuối cùng, luôn cố gắng hết sức

Khi thực hành được bốn thỏa ước, ta sẽ có thể thấu hiểu và làm chủ bản thân, cho dù xung quanh có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa. Ta cũng sẽ nhận ra khi nào thì lời nói và hành động của ta ảnh hưởng đến người khác, khi nào thì ta đang nuôi dưỡng những ý niệm sai lầm về bản thân và mọi người, mọi việc. 

Nên nhớ rằng, cái tôi mà chúng ta đang thể hiện, vẫn chưa hẳn là chúng ta đâu – đó chỉ là cái tôi được tạo nên từ trải nghiệm, quan điểm, niềm tin của riêng ta và của hàng ngàn người đã đi vào đời ta. Chúng ta sẽ còn lớn lên, còn trưởng thành, còn phát triển, và những gì chúng ta xem là cả con người, đến một lúc nào đó, chỉ là một phần trong con người của chúng ta thôi. Và khi chúng ta đã đi hết hành trình tỉnh thức, chúng ta sẽ quay trở về với bản thể chân thật nhất của mình – cái bản thể nhỏ xinh, trong sáng, sáng tạo và đầy yêu thương, như một đứa trẻ. Một đứa trẻ chỉ biết sống và tận hưởng cuộc sống mà không biết phán xét hay khổ đau. Một đứa trẻ đầy ước mơ và có thể trở thành bất cứ điều gì nó muốn. Như lá bài The Fool trong Tarot – lá bài mở đầu và cũng là lá bài kết thúc hành trình tâm linh.

Mình không thể hiểu được tâm linh vì mình thích khoa học.

Mình không thể xem siêu nhân vì mình là biên tập.

Mình là con trai, nên mình không thể khóc.

Mình là người lớn, nên mình không thể nhận sai.

Một đứa trẻ có bao giờ nghĩ đến việc được-mất trước khi làm một việc gì đâu? Nó chỉ sống với bản thể chân thật nhất, với từng giây phút nó được sống mà thôi.

“Mỗi tế bào trong cơ thể bạn là một vũ trụ của riêng nó. Nó thông minh, nó hoàn chỉnh, và nó được lập trình để trở thành bất cứ thứ gì.” (Thỏa ước thứ năm)

Chúng ta không là ai cả. Chúng ta là ai trong hàng triệu triệu sự sống trên thế giới này? Nhưng chúng ta là cả vũ trụ. Có cả một vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, và cần cả một vũ trụ nên tạo nên chúng ta. Chúng ta là một giọt nước, nhưng chúng ta cũng là cả đại dương. Và chúng ta sẽ thành mây, thành mưa, thành sông, suối, ao, hồ và thành đại dương trở lại. Chúng ta không là ai, nhưng ta là tất cả. “Chúng ta là cả vũ trụ”, “Chúa trong chúng ta”, hay “chúng ta là Phật sẽ thành”,… 

Nhưng trước tiên, ta cần trở về một đứa trẻ.

Lưu Huệ Nghi

 

Tags: