Có một hiện tượng khoa học tên là “mù thoáng qua” (change-blindness) chỉ ra rằng nếu quan sát một khung cảnh với những hiện tượng đang diễn ra thì thì thực tế chúng ta chỉ có thể nhận biết được một số chi tiết, không thể nắm bắt được hết toàn cảnh và luôn bỏ sót một vài chi tiết nhất định nào đó.
Giáo sư Daniel Simons tại Đại học Harvard (Mỹ) đã tiến hành nhiều thí nghiệm để chứng minh hiện tượng này. Nổi bật nhất là thí nghiệm đánh tráo người hỏi đường: một diễn viên sẽ hỏi đường một người qua đường bất kỳ, trong quá trình này tình huống xảy ra là có hai người bê một cánh cửa lớn đi qua và cố tình xen ngang giữa hai người đang nói chuyện để làm sao chắn được tầm nhìn của cả hai trong vài giây, lúc này người hỏi đường sẽ được thay thế bằng một diễn viên mới, khác hoàn toàn với người cũ cả về hình dáng, quần áo và giọng nói. Thí nghiệm được thực hiện với hàng trăm người và kết quả có tới trên 50% các trường hợp người chỉ đường vẫn tiếp tục nói chuyện với vị khách hỏi đường đã bị đánh tráo mà không nhận ra điều gì kỳ lạ.
Daniel Simons lại tiếp tục chứng minh hiện tượng “mù thoáng qua” bằng thí nghiệm về một con vượn. Ông cho mời 40 người đàn ông tới xem một trận bóng rổ và yêu cầu họ phải đếm tất cả các đường chuyền bóng của hai đội, vì vậy trong khi trận đấu diễn ra họ đều tập trung hết sức vào các pha chuyền bóng. Lúc này ông cho một con vượn chạy đi chạy lại trong sân bóng tận 5 giây đồng hồ. Cuối trận đấu, Simons đã hỏi tất cả 40 người đàn ông về con vượn và họ đều trả lời là không nhìn thấy gì cả. Những người đàn ông đã quá chúi mắt vào quả bóng đến nỗi không nhìn được con vượn.
Quay trở lại với Hiệu ứng “Mặt trời mọc”, có một sự thật là dù có xảy ra bất cứ chuyện gì thì ngày nào mặt trời cũng vẫn mọc. Bởi vậy lâu dần con người không còn để ý đến việc này nữa, từ không để ý thành vô tình thành không còn coi trọng. Nhưng trái đất sẽ ra sao nếu không có mặt trời? Cây cối không còn được quang hợp, con người không còn oxy để thở. Không có mặt trời đồng nghĩa với việc chấm dứt sự sống trên trái đất này.
Hiệu ứng “Mặt trời mọc” là một tư duy chỉ cho con người phải biết trân trọng những gì quan trọng đang có, đừng đợi đến khi mất đi rồi lại phải nói hai từ “giá như”, sống dằn vặt hối hận cả đời. Vì vậy chúng ta cùng nhau rà soát lại xem:
- Lần gần nhất bạn gọi điện về hỏi thăm ông bà, bố mẹ, gia đình là khi nào?
- Lần gần nhất bạn nói lời cảm ơn, nói lời yêu thương tới người chồng, người vợ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp là khi nào?
- Lần gần nhất bạn cống hiến hết công sức và tâm huyết cho việc mình đang làm là khi nào?
- Lần gần nahats bạn dọn dẹp, chăm bẵm cho ngôi nhà của mình, cho cơ thể mình, cho tâm hồn mình là khi nào?
Còn nhiều lắm, hãy bắt đầu trân trọng những gì bạn đang có nhé.
- Trích từ cuốn sách “Sống đơn giản” của tác giả Nguyễn Thị Minh Hằng do Dimi Book phát hành