“Tôi muốn phát triển tối đa năng lực của con mình” - đó là mong muốn của hầu hết các bậc phụ huynh. Nhưng có một thực tế là đa số chúng ta không biết làm thế nào để biến điều đó trở thành hiện thực. Năng lực của trẻ phụ thuộc vào cách tác động của cha mẹ vào quá trình phát triển của con, cha mẹ can dự dù ít hay nhiều, năng lực này cũng đều phát triển, vì vậy, sẽ thật lãng phí nếu chúng ta cứ để mặc con mình phát triển mà không làm gì.
Vậy thì, chúng ta nên tham gia “từ khi nào” và “như thế nào”? Khoa học não bộ đã chứng minh được rằng ở càng gần mốc tuổi sơ sinh thì năng lực hấp thu của não càng cao. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tranh thủ quãng thời gian này càng sớm càng tốt.
Giai đoạn 0 đến ba tuổi là thời kỳ não trẻ có khả năng hấp thu cao nhất. Còn từ ba đến sáu tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng để phát triển các tố chất của trẻ. Lấy ví dụ, năng lực cảm âm như nghe và phân biệt các thanh âm “đồ, rê, mi” sẽ phát triển tốt nhất trong khoảng ba - bốn tuổi, còn khả năng ghi nhớ ngôn ngữ sẽ phát triển tốt nhất cho đến sáu tuổi.
Hiểu biết đúng đắn về tiềm năng phát triển giai đoạn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc nuôi dưỡng và phát triển tài năng của trẻ. Đặc biệt, chìa khóa để nuôi dưỡng thiên tài chính là giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, từ 0 đến sáu tuổi.
Bạn có biết tất cả các bậc thiên tài đều có một điểm chung là khả năng sử dụng đồng đều não phải và não trái? Trong khi đó, đa số chúng ta sử dụng tới 90% não trái và vỏn vẹn 10% não phải. Chúng ta đang dùng não phải quá ít so với não trái.
Lý do cho việc này nằm ở việc kích hoạt não phải, hay nói cách khác việc giáo dục não phải, chưa được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, nếu kích hoạt tối đa não trái thì năng lực tư duy được giải phóng cũng chỉ giới hạn trong khoảng 10% còn lại mà thôi. Điều này cho chúng ta một nhận thức quan trọng rằng: Đồng thời kích hoạt cả hai bán cầu não mới là cách phát triển năng lực trí tuệ toàn diện nhất.
Kích hoạt đồng đều cả não trái và não phải chính là mấu chốt trong cách cha mẹ tác động vào sự phát triển năng lực của trẻ từ 0 đến sáu tuổi. Chúng ta hãy lần lượt xem xét các ví dụ cụ thể.
Tiến trình phát triển của bộ não bắt đầu ngay sau khi đứa trẻ chào đời và những tác động bên ngoài là vô cùng cần thiết cho sự phát triển đó. Các hoạt động: nhìn, nghe, chạm,... sẽ kích thích năm giác quan và mở ra các đường dẫn truyền cảm giác, gọi là con đường tiếp nhận thông tin - input.
Ví dụ như đối với ngôn ngữ, khi cha mẹ tích cực nói chuyện với con thì con đường input ngôn từ sẽ dần được hoàn thiện. Khả năng diễn đạt và sử dụng từ ngữ sau này của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống dẫn truyền này. Nếu con đường tiếp nhận thông tin này được phát triển kỹ càng và hoàn thiện, tự nhiên con đường thể hiện năng lực - output, cũng chính là con đường vận động - cũng sẽ phát triển theo. Hệ thống thể hiện năng lực này chính là khả năng nói của trẻ. Như vậy, việc cha mẹ tích cực trò chuyện với trẻ từ sớm sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng tiếp thu ngôn từ, đồng thời phát triển khả năng nói và diễn đạt.
Việc kể chuyện cũng có tác dụng tương tự như vậy. Các bậc phụ huynh đừng băn khoăn việc con quá nhỏ liệu có hiểu được hay không, hãy cứ kể chuyện cho con nghe ngay từ khi con mới lọt lòng. Nếu được, hãy bắt đầu từ khi con vẫn còn trong bụng mẹ (có thể bắt đầu từ lúc thai nhi khoảng năm tháng). Dù chưa nhìn thấy mẹ, nhưng qua giọng kể của mẹ, con có thể cảm nhận được tình yêu thương và hình thành sợi dây liên kết thiêng liêng với mẹ. Về phía mình, người mẹ cũng có một khoảng thời gian để làm quen và luyện tập việc kể chuyện trước khi con chào đời.
Một lưu ý quan trọng là cha mẹ không nên chỉ dừng lại ở việc kể chuyện cho con nghe. Việc đồng thời kích thích cả thính giác và thị giác sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho quá trình phát triển giác quan. Cha mẹ hãy kiên trì đọc thành tiếng những cuốn sách tranh có nội dung dễ hiểu và thích hợp với từng độ tuổi. Việc con xem mặt chữ trong khi mẹ đọc nội dung sẽ giúp phát triển khả năng đọc của con sau này. Thông qua các hoạt động như vậy, năng lực ngôn ngữ của con sẽ dần dần được rèn giũa.
Có không ít bậc cha mẹ cho rằng, trong giai đoạn thơ ấu của con, không cần đặt nặng vấn đề tài năng hay năng lực mà chỉ cần con phát triển khỏe mạnh, bình thường là đủ. Tuy nhiên, bạn có biết rằng tài năng hay năng lực tuân theo một thứ gọi là “quy luật thuyên giảm tài năng”?
Theo quy luật này, năng lực và tài năng của trẻ sẽ giảm dần theo quá trình trưởng thành, tuổi càng tăng thì tài năng và năng lực mà trẻ sở hữu sẽ càng giảm đi và dần biến mất. Chính vì vậy, giai đoạn từ 0 đến sáu tuổi càng trở nên đặc biệt quan trọng, bởi việc phát triển năng lực của trẻ bị giới hạn trong khoảng thời gian này. Môi trường mà trẻ được nuôi dạy sẽ trực tiếp quyết định sự phát triển tài năng hoặc năng lực của trẻ. Không chỉ có vậy, sự hình thành nhân cách và tính cách của trẻ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ môi trường đó.
Cụ thể hơn, càng nhỏ tuổi thì khả năng phát triển tài năng của trẻ càng cao. Vì vậy, không khi nào là quá sớm cho việc tạo ra môi trường giúp trẻ phát triển. Theo dõi diễn tiến chỉ số thông minh IQ chúng ta cũng thấy ngay điều này: IQ tăng dần đều cho đến khi trẻ sáu tuổi, còn từ đó trở đi thì giảm dần.
Theo nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học não bộ, các nhạc sĩ thiên tài trải qua khổ luyện từ thời ấu thơ hoặc được tạo môi trường luyện tập thường xuyên, đều có số lượng tế bào thần kinh vượt trội. Nhờ vậy, họ có cơ hội lĩnh hội những kỹ thuật cao cấp và rồi có khả năng phát huy chúng. Đây cũng là một minh chứng rõ nét cho quy luật thuyên giảm tài năng.
Tôi rất mong các bậc phụ huynh sẽ có sự nhận thức đúng đắn rằng không có mâu thuẫn nào giữa sự phát triển bình thường của con trẻ với việc tạo ra cho con một môi trường giúp con phát huy năng lực và năng khiếu. Những năng lực hay năng khiếu tiềm ẩn mà chúng ta cố gắng phát triển luôn cần một môi trường phù hợp và việc tạo ra môi trường đó chính là xuất phát điểm của việc gắn kết và nuôi dạy trẻ.
Cuốn sách 33 Bài Thực Hành Theo Phương Pháp Shichida giới thiệu 33 trò chơi “Phát triển não phải” mà cha mẹ có thể dễ dàng chơi cùng con tại nhà. 33 phương pháp thực hành này được đúc kết từ những thực nghiệm dựa trên lý thuyết giáo dục não phải. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên có những giải thích hết sức chi tiết và cụ thể.
Những năm gần đây, việc giới thiệu các thuật ngữ hay nội dung về “Giáo dục những năm đầu đời” hay “Não bộ thiên tài” đã thu hút được sự chú ý trên tivi, tạp chí, sách,... Lý thuyết của phương pháp Shichida chính là tiên phong trong phạm trù đó. Thông qua cuốn sách này, tôi hy vọng quý vị độc giả sẽ được tiếp cận một cách chính xác những đặc tính cũng như hiệu quả của phương pháp Shichida.
Bộ não có cấu trúc được chia làm hai phần: bán cầu não trái và bán cầu não phải. Não trái được biết đến là phần não của ngôn ngữ và phép tính có tính ba chiều, ngược lại não phải ẩn chứa khả năng vô hạn, đa chiều hơn. Hoạt động của não bộ diễn ra mạnh mẽ bên bán cầu phải trong giai đoạn ấu thơ và sẽ dần dần chuyển sang bán cầu trái. Khi trẻ sáu tuổi não trái sẽ giữ vai trò hoạt động chủ đạo.
Như vậy, nếu tích cực ưu tiên phát triển não phải trước khi não bộ chuyển sang ưu tiên não trái, chúng ta sẽ khơi gợi ra được “tài năng” tiềm ẩn bên trong mỗi đứa trẻ.
Để khơi gợi ra được tài năng trong một đứa trẻ theo cách như vậy cần tới sự kết hợp chặt chẽ giữa cha mẹ và con trẻ. Chìa khóa trong phương pháp giáo dục Shichida chính là nuôi dưỡng tâm hồn. Con trẻ không thể phát triển toàn diện nếu cha mẹ chỉ tập trung khơi gợi khả năng mà bỏ quên tâm hồn con. Vì vậy cha mẹ cần biết cách truyền tải tình yêu thương tới con cái, đồng thời xây dựng mối quan hệ tin tưởng để cả trí tuệ và tâm hồn con phát triển nhanh chóng.
Cha mẹ chính là nguồn tài nguyên hàng đầu để nuôi dạy trẻ thành một thiên tài. Với ý nghĩa đó, cha mẹ có thể làm rất nhiều việc cùng con cái trong chính ngôi nhà của mình. Các trò chơi được giới thiệu trong cuốn sách này sẽ góp một phần vào quá trình đó.
Tuy nhiên, có một số việc mà các bậc cha mẹ cần lưu ý khi bắt đầu chơi các trò chơi này cùng con. Điều đầu tiên là không nên sốt ruột. Những trò chơi tuy đơn giản nhưng cũng có thể không suôn sẻ ngay lúc mới bắt đầu. Việc nuôi dạy trẻ phải được thực hiện từng bước, tích lũy dần dần từng chút một. Hôm nay con chưa làm được cũng không sao cả, ngày mai con có thể bắt đầu lại. Đây là một tiến trình đôi khi phải lặp đi lặp lại, từng bước từng bước một cho đến khi con thực hiện được.
Điều thứ hai là cha mẹ không nên dùng những từ ngữ tiêu cực có tính hối thúc hay phủ nhận đối với con. Những câu: “Nào nào...!”, “Nhanh lên...!”, “Tại sao con không làm được nhỉ?”… cần tránh tuyệt đối, vì chúng chỉ khiến con rụt rè hơn hoặc gây ra phản ứng chống đối mà thôi. Chúng ta cần hiểu được rằng những ngôn từ đó chỉ là “lợi bất cập hại” - tưởng là có lợi nhưng cái hại lại nhiều hơn.
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua 33 trò chơi để phát triển não phải, mà cha mẹ có thể dễ dàng thực hiện cùng với con ngay tại nhà nhé.
Bài viết được trích lược từ cuốn 33 bài thực hành theo phương pháp Shichida do First News chuyển ngữ phát hành tại Việt Nam. Nhập mã ưu đãi TRAMDOCFHS11 giảm thêm 10% khi mua sách tại Fahasa . Và mã FN2021 giảm 15% gói VIP nghe sách nói VoizFM; hoặc thêm 5% khi mua 1 tựa sách nói tại đây. Thời hạn áp dụng mã khuyến mãi đến 30/11/2021.