Khi càng cố trốn chạy mù quáng khỏi bán án này, thật ra chúng ta đang kéo dài thêm chính cơn đau mà mình đang muốn tránh. Kháng cự khi không rõ nguyên nhân sẽ chỉ giống như vùng vẫy trong đống cát lún, khiến bạn chìm sâu vào nỗi đau khổ triền miên. Cách giải quyết triệt để những nỗi đau trong tâm trí không phải là giam hãm chúng, mà là tìm ra nguyên nhân, chứng cứ, để giải thoát hoàn toàn cho mọi nỗi đau mà bạn đang phải chịu đựng.
Gần như không có ai trong chúng ta sống mà hoàn toàn không gặp phải bất kỳ sang chấn nào. Các sang chấn không bao giờ ngủ yên, dù người ta có trốn chạy, hay kể cả khi người ta đã qua đời, nó luôn tìm kiếm một mảnh đất màu mỡ để được hoá giải - đó là nơi nương náu những đứa trẻ thuộc thế hệ sau. Vì thế, bản án chung thân với những nỗi đau tâm lý mà bạn đang chịu đựng, rất có thể chính là những gì bạn “thừa hưởng" từ cha, mẹ hay những người có mối quan hệ mật thiết với bạn trong gia đình.
Bằng nhiều năm kinh nghiệm cũng như là chuyên gia hàng đầu về chấn thương gia đình do di truyền, tác giả của cuốn sách “Nỗi đau này không thuộc về bạn" - Mark Wolynn đã chỉ ra rằng các xu hướng trị liệu tâm lý gần đây đang bắt đầu tập trung không chỉ vào các sang chấn của một cá nhân mà còn tiến xa hơn, truy ngược về những sự kiện đau buồn trong lịch sử gia đình và xã hội, xem chúng như một phần của bức tranh tổng thể. Những bi kịch đa dạng về hình thức và mức độ tổn thương - như bị bỏ rơi, tự sát, chiến tranh hoặc sự ra đi quá sớm của một người con, cha, mẹ hoặc anh chị em ruột - có thể gây ra cơn sóng trầm uất, lan từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hay như David Sack đã viết trên Psychology Today “Sang chấn có khả năng vươn ra từ quá khứ để tìm kiếm những nạn nhân mới.”
Mark Wolynn đã đào tạo rất nhiều bác sĩ lâm sàng và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân phải vật lộn với chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn hoảng sợ, suy nghĩ ám ảnh, tự làm tổn thương bản thân…
Thấu hiểu được cảm giác khó khăn khi tìm ra căn nguyên thực sự của “bản án" mà mỗi bệnh nhân phải chịu đựng, cũng như mong muốn giúp mỗi cá nhân được sống an yên và tìm thấy sự tự do trong tâm trí, Mark Wolynn đã viết nên cuốn sách “Nỗi đau này không thuộc về bạn”. Cuốn sách giúp bạn đọc nhận diện được những khuôn mẫu chung của các sang chấn gia đình - những nỗi sợ, cảm xúc và hành vi ta đã kế thừa từ đời trước mà không hề hay biết, khiến hết thế hệ này sang thế hệ khác lẩn quẩn mãi trong nỗi thống khổ. Để từ việc thấu hiểu nó, ông đưa ra cách triệt để đưa bạn thoát khỏi bản án chung thân mà bạn đã bị gán cho từ khi chào đời.
Nỗi đau này đến từ đâu?
“Tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng mình đang chịu ảnh hưởng của những sự việc hoặc những câu hỏi mà cha mẹ tôi, ông bà tôi hoặc những vị tổ tiên xa xôi hơn vẫn chưa giải quyết xong và chưa giải đáp được. Dường như bên trong mỗi gia đình luôn có một nghiệp báo chẳng thuộc về ai, cứ được truyền từ cha mẹ sang con cái. Tôi cứ mãi cảm thấy mình phải… hoàn thành, hoặc có lẽ tiếp tục, những việc mà các thế hệ trước vẫn còn để dở dang.”
Về mặt sinh học, chúng ta đã có mối gắn kết bền chặt và di truyền với mẹ và bà ngoại. Chính trong môi trường mà ba thế hệ cùng chia sẻ này, tình trạng căng thẳng có thể gây ra những biến đổi trong DNA của chúng ta. Có nghĩa là nếu bà của bạn đang phải đón nhận một nỗi đau nào đó khi chuẩn bị sinh ra mẹ bạn, bà dồn nén nỗi đau và mọi cảm xúc vào trong cơ thể - môi trường mà bà chia sẻ với con gái và bạn. Thì bạn và mẹ hẳn có thể cảm nhận được nỗi đau ấy từ một nơi sâu khuất bên trong mình, một nơi từng thuộc về cả ba người.
Bằng những dẫn chứng và phân tích khoa học, Mark đã tổng hợp cho ta thấy tâm lý và những sang chấn mà ta đang chịu đựng đến từ đâu và đã xuất hiện như thế nào. Một trong những nghiên cứu đáng chú ý mà ông nhắc đến đó là: nhiều gien có thể chịu tác động của các sang chấn xảy ra ở ngay giai đoạn đầu đời, và gien cũng giữ lại ít nhiều ký ức về những gì đã diễn ra trong quá khứ…
Hay hiểu một cách đơn giản, thông qua mẹ, chúng ta kế thừa một số khía cạnh trong quá trình làm mẹ của bà ngoại. Như những sang chấn bà ngoại chúng ta từng gặp phải, những đau đớn và buồn khổ của bà, những khó khăn bà từng trải qua trong thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Thêm vào đó, xu hướng nuôi dạy con cái theo đúng cách mình từng được nuôi dạy cũng có những ảnh hưởng nhất định tới tâm lý.
Theo Mark Wolynn, những ký ức mơ hồ trong giai đoạn đầu đời có thể được lưu lại dưới dạng trí nhớ không quy nạp - còn gọi là trí nhớ tiềm ẩn. Chúng nằm sâu trong vùng vô thức, chờ một lúc nào đó để được kích hoạt bằng những sự kiện tương đồng.
Khi vô vàn cảm xúc đau thương được kích hoạt và ập đến, trong cơn nguy biến, ta không thể dừng lại đủ lâu để chuyển trải nghiệm của mình thành lời. Ta chỉ có thể bỏ chạy khỏi nó.
Ta bỗng cảm thấy choáng ngợp, thậm chí sợ hãi trước những nỗi đau đớn, hoảng loạn đang xảy đến. Ta không thể hiểu rõ được điều gì đang diễn ra và phản ứng đầu tiên là đoán rằng bản thân mình chính là vấn đề, rằng có gì đó bên trong mình đang thực sự không ổn. Nếu không thay đổi khuôn mẫu suy nghĩ này một cách có chủ đích, thì chính ta sẽ tiếp tục lan truyền nỗi đau này cho nhiều thế hệ sau.
Đôi khi, nỗi đau lẩn trốn vào trong cho đến lúc nó tìm được con đường biểu lộ ra ngoài hoặc được hoá giải. Sự biểu lộ này thường xuất hiện ở các thế hệ sau và có thể xuất hiện dưới dạng những triệu chứng khó tìm được lời giải thích. Sau khi gặp phải một hoặc nhiều những trải nghiệm đau thương có tính tương tự, những sang chấn, ký ức chưa được xử lý đến nơi đến chốn, những mảnh đau thương rời rạc này sẽ tìm cách để biểu lộ qua một vài lời nói, cử chỉ và hành vi của thế hệ sau.
Nỗi đau ấy được diễn tả như thế nào?
“Nỗi đau này không thuộc về bạn” đưa ra một tấm bản đồ với những trạm dừng chân cụ thể để bạn từng bước bóc tách và gọi tên được nỗi đau mình đang mang. Khi đã cầm chắc hướng dẫn này trong tay, bạn sẽ tìm được cách để đi qua mọi nỗi sợ hãi và cảm giác tồi tệ mình đang ôm trong lòng.
Khi những mảnh vụn sang chấn trong quá khứ trỗi dậy bên trong ta, chúng sẽ để lại manh mối dưới dạng các từ ngữ và những câu nói đầy cảm xúc, và những câu chữ này thường có thể giúp ta lần về những sang chấn chưa được hoá giải. Như ta có thể thấy, những sang chấn này thậm chí có thể không thuộc về bản thân ta. Mark gọi những biểu hiện bằng lời của các sang chấn là ngôn ngữ lõi. Chúng cũng có thể được biểu hiện không thông qua lời nói mà còn thông qua các cảm giác cơ thể, hành vi, cảm xúc, thôi thúc hay thậm chí triệu chứng của một căn bệnh.
Những sang chấn này tuy không biểu đạt được bằng ngôn ngữ, nhưng những trải nghiệm đang sống trong vùng vô thức lại hiện diện ở mọi nơi quanh ta. Mark chỉ ra rằng chúng xuất hiện trong những ngôn ngữ bất thường của ta. Chúng được biểu hiện trong những chứng bệnh mãn tính và những hành vi không thể giải thích nổi. Chúng trồi lên trong những vấn đề cứ tái diễn mà ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Những trải nghiệm không được nói ra này tạo nên nền tảng của ngôn ngữ lõi. Khi vùng vô thức phá tung cửa đòi hỏi được lắng nghe, cái ta nghe được chính là ngôn ngữ lõi.
Những câu chữ chất chứa cảm xúc của ngôn ngữ lõi chính là chiếc chìa khóa mở ra những vùng trí nhớ không quy nạp bên trong cơ thể của chính ta lẫn “cơ thể” của gia đình ta. Chúng như những viên đá quý trong vùng vô thức, chờ đợi được khai quật. Một khi đã khai quật được những ký ức này, ta đã tiến được một bước tiến quan trọng trong hành trình chữa lành sang chấn.
Ngôn ngữ lõi giúp ta “công bố” những ký ức đã trôi qua mà không được ghi nhận lại, giúp ta chắp nối lại những sự kiện và trải nghiệm mà ta không thể kết nối với bản thân hay thậm chí không nhớ ra được. Khi thu thập đầy đủ thông tin, hiểu về cốt lõi tổn thương, Mark hướng dẫn chi tiết chúng ta lập bản đồ ngôn ngữ lõi, từ hiểu biết này ta sẽ biết mình phải đi theo hướng nào. Bạn sẽ học được cách lần theo những từ ngữ mình đã dùng, kết nối các manh mối mà từ đó có thể dẫn bạn đến ngọn nguồn nỗi sợ hãi của mình.
Bước đầu tiên là tìm ra lời than cốt lõi, hay còn được gọi là sợi dây cảm xúc sâu sắc nhất trong tấm lưới ngôn từ mà ta vẫn dùng. Khi bóc tách được lớp lang của nỗi đau triền miên, ta có thể khám phá ra rằng điều mà mình luôn lo lắng hay than trách bản thân thực ra không thuộc về lỗi lầm của bản thân.
Những lời than, các triệu chứng và rắc rối ta gặp phải có thể đóng vai trò như những chiếc biển báo chỉ đường dẫn đến một vấn đề còn chưa được hóa giải. Những lời than có thể giúp đưa chúng ra ánh sáng, hay giúp kết nối ta với một sự kiện, một nhân vật mà bản thân, hoặc gia đình ta đã chối bỏ. Khi ta dừng lại và tìm hiểu, những gì chưa được hóa giải có thể trồi lên trên bề mặt, mở ra thêm một khía cạnh mới trong quá trình chữa lành của ta. Từ đó ta có thể cảm thấy mình một cách đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn.
Từ việc tìm hiểu lời than cốt lõi, Mark cung cấp đầy đủ và chi tiết những bài tập thực hành để bạn miêu tả rõ hơn về sang chấn mình đang trải qua. Hình ảnh về cha mẹ hay những mối quan hệ mà bạn cất giữ trong lòng có thể chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Khi miêu tả rõ được những hình ảnh này, ta mới có khả năng thay đổi chúng.
“Ta không thể thay đổi cha mẹ mình, nhưng ta có thể thay đổi cách nhìn nhận về họ.”
Mục tiêu của “Nỗi đau này không thuộc về bạn” là đưa ra những bài thực hành giúp tìm ra phán quyết cốt lõi, hay theo Mark chính là viên kim cương mà bạn tìm thấy trên tấm bản đồ kho báu của ngôn ngữ lõi. Câu phán quyết cốt lõi giúp hé lộ những biến cố gây sang chấn vẫn còn chưa được hóa giải trong gia đình. Không chỉ dẫn dắt bạn đến ngọn nguồn của nỗi sợ, nó còn kết nối bạn với những cảm xúc thuộc về một sang chấn gia đình vẫn chưa được hóa giải. Khi đã nhìn rõ được nỗi sợ, chúng ta sẽ dần tìm được cách giải trừ.
Sau khi đã hiểu rõ vấn đề mà mình gặp phải nằm ở đâu, cuốn sách còn hướng dẫn chúng ta tìm ra phương pháp tái kết nối, giúp mang đến cho bạn cảm giác trọn vẹn cùng sự tự do to lớn hơn.
Vượt qua nỗi đau vốn không thuộc về mình
Dù tình trạng vô thức sống lại các sang chấn của đời trước có thể kéo dài suốt nhiều thế hệ. Nhưng khi đã thấu hiểu những nỗi đau mà mình đang gặp phải, nhận ra được rằng mình đang gánh vác những ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác, hành vi hoặc triệu chứng vốn không bắt nguồn từ bản thân, ta sẽ có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn đó. Thêm vào đó, Mark Wolynn còn giúp chúng ta hiểu rằng, sang chấn mà chúng ta kế thừa từ các thế hệ trước hoặc trực tiếp gặp phải không chỉ tạo ra mỗi sự đau khổ, mà còn sinh ra cả sức mạnh và năng lực phục hồi - những thứ có thể được truyền lại cho nhiều thế hệ sau.
Những phương pháp, nghi thức và hoạt động mà Mark miêu tả thoạt đầu có thể khiến bạn có đôi chút hoài nghi vì nó vô cùng đơn giản và nhỏ bé so với nỗi đau to lớn mà bạn đang phải chịu đựng trong suốt nhiều năm, nhưng bằng cách thực hiện bền bỉ những trải nghiệm mới này, chúng sẽ dần trở thành một phần của ta, ăn sâu vào tiềm thức của ta. Nhờ đó, não bộ của chúng ta có thể thay đổi, và ta có thể cảm nhận được sức sống bừng lên trong mình.
Bằng việc hiểu rõ từng bước cơ bản trên hành trình tìm về nguồn gốc thực sự của sang chấn, chúng ta có thể đưa ra lời kháng cáo thoát khỏi bản án chung thân trong ngục tù tâm trí đã luôn dằn vặt và khiến ta đau đớn suốt thời gian qua.
Đi từ việc chữa lành với chính mình, đến hàn gắn mối quan hệ và cái nhìn của mình về cha mẹ bằng những bài thực hành trong cuốn sách này, bạn sẽ dần tìm được cảm giác bình an mới mẻ bên trong mình. Nhờ những bài thực hành cụ thể và gần gũi mà tác giả đưa ra mối quan hệ với những người mà bạn yêu thương có thể được củng cố hoặc những vướng mắc trong vô thức giữa bạn với một thành viên trong gia đình có thể dần được gỡ bỏ.
Không chỉ phân tích cụ thể về các ngôn ngữ lõi liên quan trực tiếp tới sang chấn đa thế hệ, phần cuối sách tác giả còn làm rõ sự tác động của sang chấn thế hệ tới của sự chia cắt trong mối quan hệ với cha mẹ ngay từ thời thơ ấu, tới tình yêu đôi lứa và cuối cùng là tác động của nó tới thành công của bạn.
Khi đã tìm ra câu phán quyết cốt lõi của mình cũng như nguồn gốc của nó, bạn có thể tiếp tục hành trình giải thoát bản thân khỏi mạng lưới của nỗi sợ được thừa kế. Những gì trước kia đã từng kìm chân bạn lại, khiến bạn vùng vẫy trong nỗi thống khổ, nay khi được soi sáng có thể trở thành chiếc phao cứu sinh đưa bạn đến với tự do.
Sau khi gắn kết mọi thông tin quan trọng liên quan đến lịch sử gia đình và nhận ra tầm quan trọng của những mối gắn kết này, bạn có thể dần hiểu thêm về chính bản thân mình và giải thích được những cảm giác và nỗi đau mà bạn đang mang theo bên mình bấy lâu nay. Và có thể bạn sẽ mạnh mẽ đứng lên và nói một cách dõng dạc: Nỗi đau này vốn không thuộc về tôi.
Theo Minh Hằng