Dõi theo những trang thơ tình Nguyễn Thụy Kha, ta được gặp sức thanh xuân rừng rực, một cách nhìn, quan niệm tình yêu trẻ trung, tươi mới của một tâm hồn khát sống, khát yêu.
Tình yêu muôn đời không có tuổi và thơ tình qua bao năm tháng vẫn có sức hút khó cưỡng đối với người đọc. Với Nguyễn Thụy Kha, cảm xúc chông chênh khi đứng giữa hai bờ yêu thương: hiện tại và quá khứ đã giúp anh dệt nên những vần thơ được ghi vào lưu bút ngày xanh: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa”.
Nguyễn Thụy Kha (sinh năm 1949) là một nghệ sĩ tài hoa: vừa làm thơ, làm báo, soạn nhạc và có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc. Về lĩnh vực thi ca, đề tài ông thường hướng đến là chiến tranh bởi bản thân Nguyễn Thụy Kha vốn là người lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị ác liệt. Cùng với bài thơ Không đề (1977), 5 năm gần đây ngòi bút ông chuyển hướng sang đề tài tình yêu với tập: Hiền (2015); Nàng (2018) và những ngày cuối năm 2020, độc giả bị cuốn hút bởi sự xuất hiện song hành của Mây và Cưng. Chất say đắm, mãnh liệt nồng nàn trong thơ tình của Nguyễn Thụy Kha đầy ắp trong những vần thơ ông viết cho người vợ yêu thương: “Nếu được về bên em/ Anh sẽ/ nghiêng bàn tay chảy đầy nỗi nhớ/ rót tràn tóc em” (Hiền - tr.32).
Ở người đàn ông yêu tuổi xế chiều ấy, ta bắt gặp một quan niệm, một cách nghĩ suy về tình yêu thật riêng biệt: “Yêu là sinh, yêu là sống tận cùng”, “Chỉ tình yêu là bất diệt đời đời/ Chỉ tình yêu là mãi mãi sinh sôi” (Mây - tr.41). Cách nhìn của Nguyễn Thụy Kha khiến ta liên tưởng những vần thơ của ông hoàng tình yêu Xuân Diệu: “Yêu là chết trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Hai nhà thơ, hai thế hệ, hai vũ trụ yêu khác biệt; với Nguyễn Thụy Kha - người thơ của thế kỷ 21, tình yêu có sức mạnh phục sinh tâm hồn, con người sẽ “rất người” khi yêu. Xuất phát từ quan niệm tình yêu làm trẻ hóa tâm hồn và cả thân xác; người thơ ấy nhận chân được giá trị của tình yêu: “Chỉ tình yêu làm bé lại tinh cầu/ Khiến con người tìm ra mọi cách đi ngắn nhất/ Khiến ngắn lại mọi thời gian xa tít tắp/ Không thời gian và không không gian” (Cưng - tr.74). Thật vậy, tình yêu có sức cải lão hoàn sinh, thu ngắn những khoảng cách, giúp con người gần nhau hơn.
Trang thơ Nguyễn Thụy Kha vút lên lòng yêu con người, yêu cuộc sống đến ngất ngây, tỏa lan đến độc giả niềm hy vọng về cái Đẹp, cái Thiện vẫn luôn hiện diện giữa những bon chen, xô lấn của đời thường. Nhà thơ trân quý mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời, tha thiết được yêu để tận hiến: “Ôi đời thường ta yêu đến ngả nghiêng/ Hơn tất cả những cao sang giả vờ bần tiện” (Mây - tr.62). Đọc thơ tình Nguyễn Thụy Kha, ta phát hiện ra một quan niệm nhân sinh mới mẻ, xem cuộc sống trần thế là bữa tiệc, coi vẻ đẹp con người là thước đo của mọi vẻ đẹp. Để có được điều đó, nhà thơ phải là con người thành thật với tình yêu, thành thật với chính lòng mình và không ngại ngần khi bung tỏa những đắm say đến bạo liệt, ngông cuồng: “Ta thoát xác bay lên mê dại/ No nê tiệc này lại thèm khát tiệc sau” (Mây - tr.70).
Khác với quan niệm tình yêu lý tưởng và ít nhiều mang tính sách vở, tình yêu trong thơ Nguyễn Thụy Kha rất đời thường, gần gũi với tất cả mọi người bởi là sự kết hợp giữa khoái cảm thân xác và rung động tâm hồn. Đó là cách nhìn trân trọng với từng đường nét trong thân thể của người mình yêu thương và niềm đam mê, đắm chìm trong vẻ đẹp ấy: “Này uống đi cho hết cặp đùi dài/ Này say mềm ngực căng mới nhú/ Này đắm đuối cháy bừng đám lửa/ Này mê man hít thở hương tình” (Cưng - tr.33). Bằng niềm khao khát yêu đến bỏng cháy, nhà thơ đã khắc tạc tượng khỏa thân người mình yêu bằng ngôn từ và có thể mượn lời F. Engels: đây là niềm xúc cảm chân thành của một “nhục cảm lành mạnh”.
Cảm giác yêu thương trong thơ Nguyễn Thụy Kha đầy đủ, trọn vẹn, bởi đó là một tình yêu dâng hiến không so đo, tính toán; không hụt hẫng thất vọng dù rằng cuộc tình nào cũng có tất cả mọi cung bậc: nhung nhớ, cô đơn khi cách xa; hạnh phúc, cuồng say khi gặp lại và cái kết dở dang là điều không tránh khỏi. Nhưng ở Nguyễn Thụy Kha, những dang dở của mỗi cuộc tình đi qua đều được dự báo, ông sẵn sàng đón nhận với cái nhìn đầy nhân hậu, vị tha và khi ấy thơ là người bạn chia sẻ trung thành nhất: “Chỉ những câu thơ mới chống anh đứng nguyên/ Thốc bốn bề ưu tư lốc bão/ Chỉ những câu thơ mới vớt anh ra ngoài hư ảo/ Tắm gội anh ngộ đạo vị tha” (Mây - tr.118). Ý thơ đề cao giá trị lớn lao của nghệ thuật chân chính; thơ ca đích thực sẽ là chỗ dựa cho tâm hồn con người giữa lốc xoáy của sự tha hóa đang bủa vây.
Đến với những vần thơ “có lửa” của Nguyễn Thụy Kha, tâm hồn con người như được hồi sinh, để biết yêu hơn cuộc đời này. Để lan truyền niềm tin vào tình yêu cho độc giả, Nguyễn Thụy Kha đã vận dụng một số thủ pháp để làm mới một đề tài tưởng như đã cũ. Tần suất của những động từ mạnh mang màu sắc nhục cảm đậm đặc trong thơ ông: thèm, khát, ghì, uống, đánh thức, say, hít thở, cháy bừng, quặn thắt… Cùng hàng loạt từ láy vừa tượng thanh vừa gợi hình: rừng rực, hôi hổi, bập bùng, vần vũ, hổn hển, rạo rực, lênh láng… Mỗi một ngôn từ xuất hiện trong thơ ông đều giàu sức biểu cảm, tự nhiên như hơi thở, nhịp đập của một trái tim yêu và say đến tận cùng: “Anh thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ/ Mong câu thơ nguôi bớt nỗi đớn đau em”. Nghệ thuật phối thanh, gieo vần mới mẻ, cùng phép tu từ ẩn dụ, so sánh chuyển đổi cảm giác xuất hiện khá thường xuyên trong hai tập thơ tình Nguyễn Thụy Kha truyền cho người đọc niềm biết ơn và nâng niu những hạnh phúc giản dị từ tình yêu nhỏ bé, bình thường: “Thu sẽ tàn tình vẫn ngùn ngụt cháy/ Soi nhân gian muôn thuở xa sau" (Mây - tr.79)…
“Chúng ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình yêu” (W.Goethe). Tình yêu trong thơ của Nguyễn Thụy Kha hiện lên với đầy đủ sắc thái, cung bậc; được thể hiện như một giá trị sống đích thực, đáng được trân trọng, ngưỡng mộ. Đi suốt 280 bài thơ ở hai tập Mây và Cưng, trái tim người đọc hòa điệu cùng những con sóng yêu đương mãnh liệt, nồng cháy; cùng đồng điệu về quan niệm tình yêu trẻ trung và mới mẻ dù nhà thơ đã “thất thập cổ lai hy”. Thơ tình Nguyễn Thụy Kha lan tỏa một sức sống trào dâng, một cái nhìn giàu chất nhân văn của một con người suốt đời tận hiến cho tình yêu và nghệ thuật.