“Năm tháng ấu thơ của những đứa trẻ ở quê chúng tôi rất thiếu thốn. Các cậu bé, cô bé thành thị về quê sơ tán mang theo những cuốn sách. Đó là cả một thế giới kỳ diệu với chúng tôi”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về một thời khát sách.
Thời gian trôi qua, cùng sự phát triển của xã hội, ngành xuất bản hôm nay đã làm ra nhiều cuốn sách với chất lượng, hình thức phong phú, cung cấp nhu cầu đa dạng của bạn đọc nhỏ.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn - luôn nhớ về những cuốn sách trong tuổi thơ của mình. Đó là những ấn phẩm thiếu nhi thô sơ, bình dị mà vẫn chạm vào thế giới tâm hồn phong phú.
Những năm 1980, có dịp đi nước ngoài, ông ghé các hiệu sách và tự hỏi không biết bao giờ chúng ta có những cuốn sách đẹp như thế. Đến nay, nhìn vào thị trường xuất bản sôi động, vị chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá ước mơ về những cuốn sách hay, sách đẹp của những đứa trẻ khi xưa đã thành hiện thực.
Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị đặt nền móng cho xuất bản sách thiếu nhi. 65 năm trước, một nhóm nhà văn, nghệ sĩ, nhà giáo dục, cán bộ quản lý đã lập ra nhà xuất bản với quyết tâm “phải gây dựng nên một nhà xuất bản riêng cho thiếu nhi”.
Từ những ấn phẩm đầu tiên, tới nay, đơn vị này có gia tài gồm hàng chục nghìn cuốn, góp vào thị trường sách thiếu nhi phong phú. Một số cuốn trở thành kinh điển của thể loại văn học thiếu nhi như Dế Mèn phiêu lưu ký, Cái Tết của mèo con…
Ngày nay, nhiều sách thiếu nhi của nhà xuất bản này đã được tôn vinh tại các giải thưởng sách uy tín như Giải thưởng Sách quốc gia, bán bản quyền ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh nhà xuất bản có truyền thống, các đơn vị xuất bản cũng tham gia thị trường giàu tiềm năng này như Nhà xuất bản Trẻ, công ty Alpha Books, Nhã Nam, Thái Hà Books…
Thị trường có một số đơn vị mới, chuyên làm sách cho trẻ em như Đinh Tị, Ehomebooks, Wabooks, Crabit Kidbooks…
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho rằng nhiều đơn vị xuất bản cùng quan tâm tới sách văn học thiếu nhi. Trong đó, một số đơn vị có sách văn học thiếu nhi chiếm 30% tổng doanh thu.
Bên cạnh sự đầu tư của người làm sách, việc các bậc cha mẹ quan tâm hơn tới sách cho con cái cũng góp phần thúc đẩy thị trường phát triển. Ông Đức Anh - đại diện công ty sách Đinh Tị, đơn vị làm nhiều đầu sách cho trẻ dưới 6 tuổi - cho rằng trước đây phụ huynh có thể nghĩ rằng trẻ chưa biết đọc không cần đến sách. Nhưng ngày nay, cha mẹ hiện đại đã cởi mở hơn với việc chọn sách cho con; họ coi sách như một vật phẩm giúp trẻ tiếp nhận thông tin, giải trí hữu ích.
“Sách thiếu nhi rồi đây sẽ trở thành những sản phẩm không thể thiếu dành cho trẻ em”, ông Đức Anh nhận định về thị trường sách cho trẻ em.
Để tạo ra những cuốn sách lôi cuốn, các tổ chức, đơn vị xuất bản đã có nhiều cuộc thi, giải thưởng tìm kiếm tác phẩm hay cho thiếu nhi. Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức luôn chú tâm tìm kiếm và tôn vinh sách thiếu nhi, qua đó khuyến khích người làm sách chăm lo cho mảng nội dung này.
Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với mục đích thông qua tác phẩm có thể bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn có nhiều hạng mục, trong đó tôn vinh những xuất bản phẩm cho thiếu nhi.
Hình thức sách cho trẻ em ngày càng bắt mắt. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho rằng với xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi, yếu tố mỹ thuật rất quan trọng. Người họa sĩ có giữ được cô bé, cậu bé trong lòng mình thì mới tạo ra được tạo hình hấp dẫn với trẻ em. Trước đây, các bậc thầy như họa sĩ Tạ Thúc Bình, Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Nguyễn Bích… đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong các ấn phẩm thiếu nhi.
Ngày nay, các nhà xuất bản, công ty khác cũng tiếp nối, mời nhiều họa sĩ trẻ minh họa, sáng tác cho thiếu nhi. Cuốn sách Chang hoang dã - Gấu do họa sĩ Jeet Zdung vẽ tranh đã trở thành hiện tượng xuất bản. Các bộ sách tranh với hàng chục tập như Tranh truyện lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Kim Đồng), Lịch sử Việt Nam bằng tranh (Nhà xuất bản Trẻ)… thu hút trẻ em tìm hiểu lịch sử.
Các đơn vị xuất bản cũng đa dạng hóa hình thức sách cho trẻ em. Bên cạnh sách in truyền thống, các dạng sách như pop-up, lật mở, đa tương tác đã ra đời. Các loại sách kết hợp công nghệ như sách chiếu bóng, sách phát âm thanh, sách thực tế ảo tăng cường (AR)… giúp trẻ trải nghiệm sách thêm phong phú.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho rằng trong thời đại số, sự dịch chuyển của hình thức truyền thông từ dạng văn bản sang hình ảnh tác động mạnh đến thói quen đọc sách của trẻ em.
Biến chuyển đó là thách thức, cũng là cơ hội với người làm sách thiếu nhi. Những người viết, người vẽ và người làm xuất bản phải đổi mới, thích nghi và sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc nhỏ,
Theo Zing News