Tết Đoàn Viên: Tết và những khát vọng thanh xuân
Tết Đoàn Viên: Tết và những khát vọng thanh xuân
Đó là lúc con người khát khao đoàn tụ, rộng lượng hơn với chính mình và những người xung quanh, dành cho nhau bao lời chúc tốt đẹp nhất, ai nấy nhìn lại những gì mình đã làm trong năm kế hoạch cho mình trong năm mới.

Cỗ máy thời gian hoạt động không ngừng nghỉ cứ cuốn ta theo vòng xoáy bộn bề, lo toan trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự tuần hoàn của thời gian cũng đem đến những thời khắc tuyệt vời. Với tôi, thời khắc Tết đến, xuân về luôn gợi lên nhiều náo nức trong lòng.

 Đó là lúc con người khát khao đoàn tụ, rộng lượng hơn với chính mình và những người xung quanh, dành cho nhau bao lời chúc tốt đẹp nhất, ai nấy nhìn lại những gì mình đã làm trong năm kế hoạch cho mình trong năm mới.

Chẳng biết xuân xuất phát từ đâu mà không khí Tết cứ thế ùa về trên khắp ngả đường, con phố, khắp ngõ ngách, xóm thôn rồi ùa vào mọi nhà. Là một người khiếm thị từ khi mới lọt lòng mẹ, tôi không biết đến Tết qua nụ cười hồng tươi sắc thắm của hoa đào, nét thanh khiết trên cánh mai vàng óng, cũng chẳng trông thấy những cành quất sai trĩu quả, sắc xanh non mơn mởn khoác lên cành cây, ngọn cỏ... Nhưng tôi biết Tết đã về khi cái rét miền Bắc không còn cắt da cắt thịt, khi những người đi làm xa nô nức kéo về quê. Lúc này, trong tôi chộn rộn như có cái gì thúc giục, hối hả, gấp gáp.

Với gia đình tôi, Tết là một dịp đặc biệt để mọi người đoàn tụ, vì thế, đây cũng chính là khoảng thời gian mà mọi người rất mong ngóng. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng hai bảy, hai tám tháng Chạp, vợ chồng con cái chúng tôi sẽ về quê ăn Tết với ông bà nội. Những ngày cận Tết ở làng quê, có lẽ là những ngày náo nức nhất. Nhà nào nhà ấy, hối hả chuẩn bị để gia đình mình có thể đón một cái Tết đầy đủ. Thêm một lý do nữa mà tôi luôn mong chờ mỗi năm lại được về quê ăn Tết, đó là quê tôi, vùng Chương Mỹ, Hà Nội (Hà Tây cũ) còn giữ được khá nhiều phong vị của Tết truyền thống.

Vào dịp này, nhà nhà đều sẽ bắc bếp đun bánh chưng, mọi người lại cùng nhau đụng lợn, đụng bò... Với gia đình tôi, chuỗi công việc chuẩn bị để đón Tết sẽ bắt đầu từ việc giặt giũ chăn màn, quần áo sau đó là dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, tinh tươm. Ngày hai tám Tết, khi vợ và mẹ tôi đi chợ Tết thì bố con tôi sẽ cùng nhau lựa chọn những chiếc lá dong đẹp nhất trong vườn, cọ rửa sạch sẽ để chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Sáng hai chín Tết, khi những chiếc bánh chưng đã thành hình vuông vức, một nồi nước thật to được đặt lên bếp, và khi ngọn lửa được nhóm lên tôi có cảm giác là Tết đã thật sự chạm đến cánh cửa nhà mình.

Giờ đây, khi đã gần chạm đến cái mốc bốn mươi năm cuộc đời con người, thì ký ức trong tôi vẫn vẹn nguyên từ cái thủa lên năm, lên ba. Tết đến là những tràng pháo đì đùng, niềm hân hoan khi được cha mẹ khoác cho những tấm áo mới. Tôi trân trọng những niềm hạnh phúc bình dị ấy bởi để cho tôi một cái Tết đầy đủ là biết bao giọt mồ hôi đã rơi, biết bao tháng ngày cha mẹ tôi phải làm việc mệt nhọc.

Đó là ký ức về cái Tết đầu tiên, năm tôi xây dựng hạnh phúc gia đình. gia đình. Đôi vợ chồng trẻ khiếm thị chúng tôi không khỏi hồi hộp, háo hức khi được cùng những người thân chuẩn bị đón Tết. Trước Tết cả tuần, vợ chồng chúng tôi đã bàn với nhau xem năm nay mình cần phải chuẩn bị những gì rồi lên thực đơn cho những món ăn ngày Tết . Đó cũng là lần đầu tiên vợ tôi - một cô gái thành phố được hòa mình vào một phiên chợ quê ngày Tết.

Năm giờ sáng ngày hai tám Tết, trời rét căm căm, chúng tôi cùng nhau đi bộ ra chợ để sắm Tết. Biết bao hồi hộp, bỡ ngỡ, nhưng sau mấy tiếng đồng hồ, vợ chồng tôi cũng đã tự tay mua sắm đầy đủ thực phẩm và vật dụng cho gia đình mình. Tôi còn hạnh phúc hơn nữa khi biết rằng, từ phiên chợ Tết ấy chúng tôi đã chứng minh với bố mẹ, rằng mình có thể khắc phục được những khó khăn của một cặp vợ chồng khiếm thị để có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình.

Tôi nhớ những cái Tết tiếp theo, khi tổ ấm nhỏ của chúng tôi lần lượt đón chào hai nàng công chúa. Không thể nhìn thấy bức tranh Tết rực rỡ sắc màu qua đôi mắt, tôi kể với những “cô công chúa” của mình về Tết qua những âm thanh. Đó là tiếng huyên náo trong phiên chợ quê ngày cuối năm, tiếng chuông chùa bình an buổi mai đầu năm mới, là tiếng cười nói hồ hởi của những người thân lâu ngày mới gặp. Tôi vui, tôi hạnh phúc vì nhờ thế các con mình biết yêu Tết cổ truyền, yêu những giá trị văn hóa tốt đẹp được truyền lại qua bao đời.

Hơn ba mươi bảy cái Tết đã đến rồi đi trong cuộc đời tôi, nhưng tôi vẫn không thể quên được cảm giác hồi hộp, nín thở đếm ngược thời gian để rồi vỡ òa trong niềm vui sướng khi chuông đồng hồ điểm đủ mười hai tiếng. Cả bầu trời sẽ tràn ngập tiếng hò reo, chúc tụng và những chùm pháo hoa. Lúc này, cả gia đình tôi sẽ cùng nhau đứng trước bàn thờ gia tiên, cùng làm lễ tạ ơn trời đất cầu chúc cho một năm mới luôn an bình và may mắn.

Dù không thể nhìn bằng đôi mắt, nhưng bằng các giác quan còn lại, tôi có thể mường tượng ra niềm vui, hạnh phúc đang ngời lên trên khuôn mặt những người thân yêu của mình. Đó là cha mẹ tôi với niềm vui được đón các con, các cháu về ăn một cái Tết sum họp sau những tháng ngày chúng tôi xa cách. Đó là niềm vui của vợ tôi khi mâm cỗ cúng tổ tiên đã được chuẩn bị tươm tất, là các con tôi xúng xính trong những bộ quần áo mới.

Còn tôi, tôi thường lặng đi vì vẻ đẹp và niềm hạnh phúc trong khoảnh khắc giao thừa ấy. Mọi người vẫn thường nghĩ rằng: Khi là một người khiếm thị thì tôi đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Còn tôi, tôi thấy cuộc đời đã quá ưu ái khi ban tặng tôi những mùa xuân ấm áp. Những tia nắng dịu dàng của mùa xuân đủ đốt cháy khát vọng trong tôi.

Những buổi sớm ngày Tết, bên khung cửa sổ, xuân đánh thức khát

vọng bầu nhiệt huyết trong tôi, hối thúc tôi làm gì đó để trả ơn cuộc đời. “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, tôi đã nhận quá nhiều từ cuộc đời này, tôi không cho phép mình để thời gian trôi qua vô ích. Gió xuân thổi vào hồn tôi làm bùng lên những khát vọng. Xuân sẽ chắp đôi cánh diệu kỳ đưa tôi đi khắp nơi. Tôi muốn làm vị sứ giả thời gian, đem hương sắc xuân đến với những mảnh đời bất hạnh để góp thêm một bàn tay chia sẻ, một tấm lòng đồng cảm yêu thương.

Ngay lúc này đây, tôi muốn đặt chân lên mọi miền đất nước để có thể ghi lại thật mau mọi chuyển động nhỏ nhất của sự sống. Dù chỉ là những cảm nhận theo cách của một người khiếm thị. Công việc nghề báo của tôi gắn liền với những bạn đồng tật. Tôi sẽ viết thật nhiều về họ, những mầm sống dù yếu ớt vẫn không bị quật ngã bởi giông tố cuộc đời. Họ giống như loài hoa đá, cây xương rồng luôn vươn mình mạnh mẽ bất chấp đất đai khô cằn hay sa mạc hoang vu. Những bài viết của tôi sẽ là liều thuốc chữa lành bao trái tim đang bị tổn thương bởi sự tự ti, mặc cảm. Tôi sẽ viết bằng ngòi bút dạt dào cảm xúc, bằng ngọn lửa khát vọng đang rừng rực cháy trong tim.

Bài viết của Nhà báo Hoàng Văn Lý được trích lược trong cuốn Tết Đoàn Viên do Sống phát hành

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tết Đoàn Viên: Phong vị Tết Hà Nội xưa trong văn Vũ Bằng và Thạch Lam

 
Tags: