Đó là phần mở đầu phù hợp cho một tập thơ mà chủ đề cốt lõi là đánh mất bản thân trong quá trình quan sát những thảm kịch của con người. Điềm tĩnh và thận trọng, bài thơ đầu như một lần lấy hơi ngắn ngủi trước khi lặn ngụp vào làn nước sâu hơn, bắt đầu một cuộc hành trình dài hơn. Với Vuong, đó là một thế giới đọa đày bởi bạo lực, với một bên là chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, và phía còn lại là những gì ta thấy ngày nay.
Trong “Bài Thơ Sáng Cho Thành Phố Cháy Tàn” (Aubade with Burning City), sự kiện Sài Gòn sụp đổ có thể so sánh với lời thơ ấm áp của Irving Berlin trong bài “White Christmas”. Kết quả là những hình ảnh vốn đã rất mãnh liệt trở thành một cái gì đó như điềm gở. “Cẳng chân” con chó “tan nát dưới ánh sáng lung linh/ của một Giáng sinh trắng”. “Ngọn cây lấp lánh và lũ trẻ con im nghe” và “ông cảnh sát trưởng” “nằm úp mặt trong bể Coca-Cola./Tấm hình cha ông ướt đẫm/bé bằng lòng bàn tay/rơi bên tai trái.” Chúng ta đều biết bài hát trong mùa lễ cổ điển này, và những hình ảnh được người nói chèn vào làm gián đoạn và làm lạc đi giai điệu, nhấn mạnh thêm cảnh hoang tàn và dữ dội, Sự hỗn loạn của thành phố còn được thể hiện trên trang giấy bằng cách đặt những dòng thơ nằm rải rác, vô thứ tự.
Những bài thơ không chỉ minh họa cho những hành vi bạo lực có thật mà còn cả bạo lực tiềm ẩn. Trong “Always and Forever,” di sản của người cha là “một khẩu lục Colt .45—im lặng và nặng nề/ như một cánh tay cụt.” Bài “A Little Closer to the Edge,” chúng ta được gợi nhắc về bạo lực khả dĩ trong bất cứ đồ vật nào: “Chiếc Rolex nhái, hàng tuần/ sau khi vỡ tan vì đập lên má của người đàn bà, đang mờ dần/ như vầng trăng thu nhỏ đằng sau mái tóc cô.”
Đối với Vuong, bạo lực—ký ức của nó, sự hiện diện của nó, và tính khả dĩ của nó— tạo ra dấu ấn ở con người và chuyển hóa anh. Sức mạnh chuyển hóa—hay sức mạnh làm biến dạng—của bạo lực có lẽ được thể hiện rõ nhất trong bài thơ cuối cùng của phần đầu tiên, “Self-Potrait as Exit Wounds.” Qua hai mươi hai cặp câu thơ, nhà thơ đưa người đọc từ “chiếc thuyền đang đắm” tới “cái lều gỉ đen” của trại tị nạn rồi tới nước Mỹ nơi mà “Vietnam/[đang] cháy trên màn ảnh” và sau đó quay về lại Việt Nam, nơi mà “bầu trời được thay thế/bởi lửa thiêu” và “kẻ đáng tuổi ông/hiếp cô gái nông dân đang có chửa, ngay phía sau chiếc xe jeep quân đội của ông ta[.]” Đó là bài thơ mà người nói tự nhìn lại mình và một lịch sử đầy bạo lực đang chảy trong máu anh. Trong những dòng thơ cuối, Vuong đặt mình vào lịch sử Việt Nam:
Vâng – cứ để tôi tin là tôi đã sinh ra
để bóp cò súng này, uyển chuyển & tài tình,
như một tay Việt Cộng thực thụ, như bước chân hồn ma ảo mờ trong mưa
khi tôi hạ mình giữa những lần ngắm bắn – & cầu nguyện
xin vạn vật đứng yên, đừng dịch chuyển.
Dù một người thuộc thế hệ như Vuong chưa bao giờ thực sự đặt chân lên chiến trường Việt Nam, nó vẫn hiện diện ở đó. Bằng cách này, Vuong nói thay lời của cả một thế hệ người Mỹ gốc Việt được sinh ra sau cuộc chiến nhưng ký ức tập thể vẫn còn ám ảnh họ. Đó là một câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong bất kì cuộc thảo luận nào về hiện trạng hay tương lai của văn chương Mỹ gốc Việt: làm sao để phát ngôn về những ký ức không thuộc về chúng ta? Và những ký ức này có ý nghĩa như thế nào với con người của chúng ta, với cảm nhận về bản ngã của chúng ta, và với căn tính của chúng ta với tư cách là cả người Việt Nam và người Mỹ?
Vuong thường quan sát và viết về sự phức tạp khi sự tồn tại của một con người gắn chặt với bi kịch. Trong những bài thơ đó, cơ thể cảm giác được sự khoái cảm hóa ra cũng có thể là điềm xấu. “Con dao trên lưỡi [hóa ra]/lưỡi” trong bài “Homewrecker”. Một cái bóng người được “thay bằng một con sói đen” trong “Lồng ngực đầy Không khí” (Torso of Air).
Tính nhị nguyên giữa Bản ngã và lịch sử, giữa khoái cảm và bạo lực không đâu hiển hiện rõ như trong bài “Notebook Fragments”, một bài thơ năm dài năm trang giấy được thể hiện như những suy tưởng được viết một cách tùy tiện và ngẫu hứng. Trong đó, những điều trong cuộc sống đời thường gợi lại những kí ức lịch sử không mấy dễ chịu: “Lông mu dài nhất của tôi dài 1.2 inch,” người nói viết một cách thẳng thắn và tục tằn như vậy ở đầu bài thơ. Sau đó, một kí ức chiến tranh của một thành viên trong gia đình xen vào: “Bà nói Trong chiến tranh họ túm một đứa bé, mỗi tên lính một cổ chân, rồi kéo…/ Cứ như thế.” Dòng cuối, “Cứ như thế” được sử dụng lại ngay trong một bối cảnh ngây thơ khác. “Xuân đã về! Hoa thủy tiên ở khắp nơi./Cứ như thế.” Bài thơ chuyển qua lại giữa hiện thực của người nói và quá khứ của gia đình và bởi điều này, ý nghĩa bài thơ cũng thay đổi. Đó là một bài thơ mãnh liệt khi Vuong viết:
Một người lính Mỹ hiếp một cô nông dân Việt Nam. Nên mẹ tôi tồn tại.
Nên tôi tồn tại. Nên không bom = không gia đình = không tôi.
Eo ơi.
Những người diễn ngôn của Vuong hoài nghi về cơ thể—nguồn gốc của nó và gánh nặng lịch sử của nó: “Nếu con nhận được thân xác ta” anh viết trong “Gửi Cha tôi/Gửi con trai tôi ở tương lai”. Dù vậy, Vuong vẫn luôn đặt niềm tin vào thân xác con người: nó là một phương tiện chở theo sự thù ghét, nhưng cũng mang cả khoái cảm và từ bỏ. Ta thấy được điều này trong hầu hết những bài thơ duy cảm của Vuong.—“Ode to Masturbation,” “Prayer for the Newly Damned,” “Because It’s Summer” and “On Earth, We’re Briefly Gorgeous,” khi anh viết:
Đọc Trời Đêm những vết thương xuyên thấu, ta có thể thấy rõ ràng một điều rằng Vuong có một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét với nhân loại: anh yêu tính nhân hậu, nhưng ghét vì tính bạo lực. Đó là một điểm căng lên ở khắp các bài thơ khi Vuong khám phá ra lịch sử gia đình, lịch sử đất nước và chính cuộc sống của anh. Những bài thơ trong tập thơ này đã kết hợp để tạo ra một tổng thể cân bằng nhờ vào sự tích cực của phần cuối: nếu không phải là anh đã tìm được liều thuốc bôi để xoa dịu vết thương, thì ít nhất vẫn giữ được niềm lạc quan. “Phần đẹp nhất của cơ thể bạn,” anh viết, “là nơi nó đang tiến đến.” Cho tất cả những gì mà chúng ta đã hủy hoại—với chiến tranh, bạo hành gia đình, kì thị người đồng tính, phân biệt chủng tộc, vân vân, Vuong vẫn còn hi vọng; điều này chính xác là lí do vì sao anh là người khách thơ chúng ta cần hơn bao giờ hết. Anh vạch trần lịch sử tàn khốc của chúng ta và tự nhủ, vâng, ta có thể sống tốt hơn thế.
Eric Nguyễn
Theo Diacritics.org.