Tại sao Triết lý “thắt lưng buộc bụng” cổ xưa  trở thành “Mốt” tại thung lũng Silicon? 
Tại sao Triết lý “thắt lưng buộc bụng” cổ xưa  trở thành “Mốt” tại thung lũng Silicon? 
Nơi vùng đất phóng khoáng và tự mãn nhất nước Mỹ, chủ nghĩa Khắc kỷ đang ngự trị.
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - Phong Cách Sống Bản Lĩnh Và Bình Thản
(89 lượt)
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
(37 lượt)

"Sẽ có tầng lớp sinh ra để thống trị, và số khác sinh ra để bị trị” —Seneca

 

Chủ nghĩa Khắc kỷ bắt nguồn từ đâu?

 

Chủ nghĩa khắc kỷ khởi đầu bằng câu chuyện về một thương gia ương ngạnh. Tương truyền rằng vào năm 312 trước Công nguyên, Zeno, một lái buôn bán thuốc nhuộm, bị đắm tàu ​​ở biển Aegean sau đó dạt vào bờ biển ở Athens. Tại đây, ông tìm được cuốn sách đối thoại Socrates và tìm thấy sứ mệnh triết học của đời mình. Những trải nghiệm bất hạnh đã dẫn dắt ông đến tư tưởng sống tự chủ trong một thế giới vô định - “Con người chinh phục thế giới bằng cách chinh phục chính mình”. 

 Không lâu sau đó, khi đang hội họp với những người bạn của mình tại khu chợ của người Athen, Zeno đã truyền bá các học thuyết về quyền làm chủ cá nhân cho  Seneca, một nhà triết học xuất sắc trong thời kỳ đế quốc La Mã cùng Marcus Aurelius, hoàng đế La Mã - và cuối cùng, hai thiên niên kỷ sau, đến một cây viết về trường phái khắc kỷ, tên Ryan Holiday, người trùng hợp thay, cũng là một thương gia ngang ngạnh.  

 

“Mốt tư tưởng” mới 

 

Holiday, một cựu nhân tiếp thị của American Apparel, đã từng nói với tôi, "Về cơ bản, tôi cho rằng có điều gì đó trong Chủ nghĩa Khắc kỷ kết nối trực tiếp với tư duy của triết gia và giới doanh nhân”. Anh giải thích thêm  “Vì thực chất Zeno là một doanh nhân, một người cố gắng tìm kiếm con đường tồn tại trong thế giới thực". Sau đó, anh ta bắt đầu lặp đi lặp lại một cách tâm đắc câu nói đậm chất triết học-doanh nhân: “Sẽ không ai có thể giải cứu bạn. Bạn phải có trách nhiệm với chính mình. Hãy tận dụng tối đa điều này. Đừng dừng lại mà hãy làm việc nhiều hơn”. 

Gần đây nhất, Holiday là tác giả của cuốn “Tâm tĩnh lặng” (Tên tiếng Anh “Stillness Is the Key”), trước đó, anh cũng đã cho xuất bản các cuốn “Trở ngại là con đường” (Tên tiếng Anh “The Obstacle Is the Way”) hay “Bản ngã là kẻ thù” (Tên tiếng Anh “Ego Is the Enemy”), cũng về trường phái khắc kỷ. Trên thực tế, lượng sách bán ra của Holiday lên đến con số hàng triệu cuốn. Tính đến tháng một năm 2021, cuốn sách xuất bản năm 2016 của anh -  những suy ngẫm về chủ nghĩa Khắc Kỷ đã bán được đến 33.000 bản.  Bên cạnh đó, ông cũng lập ra một trang web nổi tiếng có tên Daily Stoic (cùng một kênh youtube). Từ chính lời kể của Holiday, hàng ngày, có hàng trăm nghìn người gửi email về Daily Stoic xin tư vấn, trong đó có cả thượng nghị sĩ, tỷ phú và rất nhiều “người bình thường” khác. Đó là còn chưa kể đến các cuộc trao đổi, giao lưu của anh với các cầu thủ, huấn luyện viên NFT (Giải Bóng bầu dục Quốc gia - Mỹ), nhóm đặc nhiệm SEAL và cả cơ quan chính phủ. Dự án của Holiday, hoá ra lại rất đơn giản: đúc kết công trình nghiên cứu của các nhà tư tưởng cổ đại thành lời khuyên cho con người của thời hiện đại - “Triết học như chiếc phao cứu sinh”. 

Ngày nay, cùng với chuyên gia về lối sống - Tim Ferriss, Holiday là nhà truyền bá tư tưởng chính của chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại đang rất thịnh hành, đặc biệt tại Thung lũng Silicon. Người phụ trách dự án sách cá nhân Gwyneth Paltrow khẳng định "Đây chính là thời kỳ của các triết gia khắc kỷ”. Thậm chí, một ngành công nghiệp sách nhỏ đã dần hình thành và phát triển xoay quanh tư tưởng này, với các tác giả nổi bật như Holiday, Donald Robertson, hay William B. Irvine. Ngoài ra, chủ nghĩa khắc kỷ cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi trong đời sống của các nhân vật có tiếng. Một vài ví dụ có thể kể đến như Elif Batuman chuyển hướng sang trường phái Khắc kỷ khi sống một mình ở Istanbul; Susan Fowler, kỹ sư phần mềm, người đầu tiên tố cáo văn hóa phân biệt giới tính của Uber, cho biết cô đã tìm thấy can đảm để tiếp tục sống theo giáo lý Khắc kỷ, hay Elizabeth Holmes (cựu nữ doanh nhân Hoa Kỳ, từng là người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty Theranos) thậm chí đã giữ một bản sao của cuốn sách Thiền định khi công ty của cô sụp đổ. Thêm vào đó, có hàng trăm nghìn người dùng trên Reddit, Twitter và cả trang tin Hacker News của Y Combinator cũng sử dụng những câu trích dẫn quen thuộc của Chủ nghĩa khắc kỷ về sự lãnh cảm và khả năng làm chủ, đồng thời tự coi mình như một bức tường thành đơn độc nhưng mạnh mẽ chống lại “văn hóa Oprah hiện đại”. 

Lối tư tưởng “thắt lưng buộc bụng” của các cá nhân bắt nguồn từ các vùng đất khắc khổ nhất trên thế giới. Chính vì vậy, sự phát triển của nó ngay trong lòng thung lũng Silicon phi lý một cách thú vị, và có phần giả tạo. Nhưng điều gì thực sự gây khó hiểu khi tầng lớp giàu có cho rằng việc trau dồi khả năng chấp nhận là giải pháp cho mọi vấn đề lớn trên thế giới? Có điều gì phi lý trong lối tư duy của giai cấp thống trị khi nói rằng mọi thứ đã được định sẵn, hãy chấp nhận nó đi? Dưới bàn tay của Holiday và các học giả đương thời khác, Chủ nghĩa Khắc kỷ mang đến không chỉ phương châm sống mà còn công cụ giải thích hiện trạng đời sống và sự bất công của nó. 

 

Ryan Holiday - Thực hành khắc kỷ ngày nay 

 

Theo quy luật cung - cầu, bất kỳ sản phẩm nào cũng cần có người mua. Để chào bán chủ nghĩa Khắc kỷ như một mặt hàng Self-help (giáo dục kỹ năng), chắc hẳn sẽ cần phải có những khách hàng đang đấu tranh cho sự thay đổi. Tại sự kiện Stoicon-X hàng năm của cộng đồng Khắc kỷ vào tháng 10 năm ngoái, tôi có dịp gặp gỡ khoảng hơn chục tín đồ đang tụ tập quanh chiếc bàn nhỏ trong một thư viện ở Union City, California. Buổi gặp mặt có mục triển lãm, trình bày với những bức ảnh về thiên hà được chiếu trên màn hình. Giữa lúc đó, một thành viên mô tả bản thân như bị lạc giữa các vì sao, không biết phải làm gì với cuộc sống của mình và luôn tự nhủ “Phải có một giải pháp cho việc này”. Sau đó, anh tìm ra chủ nghĩa khắc kỷ. Trong phần chia sẻ của mình, anh không nhắc nhiều đến Seneca, nhưng lại đưa ra nhiều lời khuyên đậm chất khắc kỷ như là  “Hãy yêu cuộc sống bạn đang sống, sống cuộc sống bạn yêu thích” và “Bí quyết để đạt được tất cả là nhận ra rằng chính bạn đã đạt được  chúng rồi". 

Ngày nay, tín đồ thực hành khắc kỷ chủ yếu tìm đọc các tác phẩm về Khắc kỷ hiện đại. Giống như bao người khác, Wyn Robertson, một kỹ sư, đã biết đến chủ nghĩa khắc kỷ bởi “Tôi bắt đầu nhận được những email từ Ryan Holiday.” Các thành viên mới tại Redwood Stoa, một nhóm thảo luận gần đó, chủ yếu là “lập trình viên hoặc những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ”, cũng có chung một câu chuyện tương tự “Tôi đã đọc được nó từ Ryan Holiday”. 

Xét về bề nổi, ít nhất, Holiday khiến cho triết học thời kỳ cổ đại trở nên hài hước hơn. Trên thực tế, Anh đã từng làm việc với tư cách là nhà tiếp thị cho Tucker Max (một tác giả và diễn giả người Mỹ. Anh ta ghi lại những cuộc gặp gỡ xoay quanh chủ đề tình dục của mình dưới dạng truyện ngắn trên trang web TuckerMax.com), đồng thời là người chịu trách nhiệm xử lý khủng hoảng truyền thông cho đế chế American Apparel khi Giám đốc điều hành của hãng này, Dov Charney phải đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục. Cả hai công việc này dường như báo trước cho sự ra mắt của cuốn sách “Tin tôi đi, tôi đang nói dối” (Tên tiếng Anh “Trust Me, I’m Lying: Confessions of a Media Manipulator”)  xuất bản năm 2012. 

Quay lại thời kỳ trước đó, lần đầu tiên Holiday tìm thấy các tác phẩm về  Chủ nghĩa khắc kỷ là tại một hội nghị về an toàn tình dục tại miền Tây Hollywood do hãng bao cao su Trojan tài trợ, với sự dẫn dắt của người dẫn chương trình là Tiến sĩ Drew Pinsky. Khi còn đang quay cuồng sau mình mối tình tan vỡ, Holiday được Pinsky gợi ý  đọc  Epictetus, một cựu nô lệ của chủ nghĩa Khắc kỷ. “Điều đó khiến tôi thực sự bất ngờ”, Holiday chia sẻ. Sau đó, anh nhận được sự cố vấn từ Robert Greene, tác giả của cuốn “48 Nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” (Tên tiếng anh “The 48 Laws of Power”) - một cái nhìn “vô đạo đức” về cách vận hành của quyền lực, vốn vẫn rất phổ biến trong giới doanh nhân. Năm 2009, vào năm 21 tuổi, Holiday viết một bài đăng trên blog của Tim Ferriss. Khi giới thiệu bài đăng này, Ferriss, tác giả cuốn “Tuần làm việc 4 giờ” (Tên tiếng Anh “The 4-Hour Workweek”) đã nhận xét rằng đó quả thật là một “bộ quy tắc thực tế để có kết quả tốt hơn mà không cần nỗ lực nhiều”. Bài luận đó của Holiday có tiêu đề “Chủ nghĩa khắc kỷ 101: Hướng dẫn nhập môn cho giới doanh nhân, khởi nghiệp”.

Sau đó, Holiday tiếp tục công việc viết bài cho các đầu báo và tạp chí lớn. Tác phẩm mới nhất của anh, “Tâm tĩnh lặng” (Tên tiếng Anh “Stillness Is the Key”) bao gồm một loạt các mẩu chuyện nhỏ xoay quanh khả năng lãnh đạo. Theo anh, những người áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ để thành công nổi trội phải kể đến là Abraham Lincoln, Leonardo da Vinci, Malcolm X, Anne Frank, Marina Abramović, Napoleon, Ulysses S. Grant, Gandhi, Tiger Woods, Winston Churchill và General Erwin Rommel. Trong các video của Holiday, người xem sẽ thường xuyên được nghe về việc Chủ nghĩa khắc kỷ có thể giúp con người trở nên “tiến bộ” và “tĩnh tâm”, “không hoảng sợ”, hay “nó có thể giải phóng bạn” và “thay đổi cuộc sống của bạn”.

Khi được Kevin Rose, người sáng lập Digg,  hỏi về việc “cơ chế hoạt động của nó như thế nào”, những người theo thuyết khắc kỷ, đặc biệt là Aurelius, tin rằng đức tính này là bẩm sinh, một phần không thể thiếu trong mỗi con người. Holiday cho rằng mọi thứ nên đều hướng đến sự hiệu quả và sự tinh giản, đồng nghĩa với việc hạn chế những đam mê rườm rà và không hiệu quả. Anh bổ sung thêm “Việc theo đuổi đức hạnh là nghệ thuật trau dồi bản thân”. Hình thức Chủ nghĩa Khắc kỷ, theo Holiday, là sự tự lực được thể hiện rõ nét trong tư tưởng độc đáo của Thung lũng Silicon, nhấn mạnh vào cá nhân, tối ưu hóa và sự thành công. “Có thể những tư tưởng triết học phương Đông khó có thể được áp dụng vào lối sống của San Francisco, nhưng chủ nghĩa Khắc kỷ thì phù hợp”. 

 

Sự lệch lạc trong việc thực hành triết học thời hiện đại

 

 

Elizabeth Anderson, giáo sư triết học tại Đại học Michigan chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng cho rằng, lối tư duy khắc kỷ cần phải được “Lan toả trong toàn bộ đời sống”. Trước đó, cô đã từng bày tỏ: "Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ đã dạy rằng đức hạnh là phần thưởng của chính nó và của cải vật chất bên ngoài là vô giá trị. Vậy tại sao những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại vẫn bị ám ảnh bởi việc kiếm tiền? “Nếu họ thực sự muốn sống theo triết lý Khắc kỷ, họ sẽ ngừng làm điều đó, từ bỏ biệt thự, máy bay phản lực riêng, và sống khiêm tốn hơn.”

Sẽ rất hữu ích khi nghĩ về Chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại trong mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống niềm tin của tầng lớp thượng lưu. Trích dẫn Adam Smith, cha đẻ của lý thuyết kinh tế học cổ điển đồng thời là vị thánh bảo trợ cho chính sách tự do, Anderson viết  “Smith rất nổi tiếng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng điều này chủ yếu là vì họ chưa đọc ông ấy."  Những tư tưởng như “Lòng tham là tốt”,  “bàn tay vô hình của thị trường có sức mạnh trường tồn”, chính là kết quả của sự chiếm đoạt sai lệch các ý tưởng của Adam Smith. Anderson cho rằng “Các ý tưởng của Smith là hoàn toàn ngược lại”.  (Ngoài ra, khẳng định về việc Smith cũng là một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ và lãnh cảm về bất bình đẳng giàu nghèo cũng là không chính xác)

John Dewey và những người theo chủ nghĩa thực dụng khác tại Mỹ khác coi triết học không phải là cuộc tìm kiếm chân lý, mà là việc đi tìm triết lý sống đúng đắn giải nghĩa được bản thân. Dewey cho rằng “Kiến thức là công cụ quan trọng nằm đạt được mục đích nhất định”. Điều này đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là với tầng lớp giàu có. Ví dụ như, Xã hội tiến hoá luận (hay thuyết Darwin xã hội), vốn là một hiện tượng lớn của thời kỳ vàng son, sau đó đã bị bóp méo và được sử dụng như công cụ để giải thích cho hành vi diệt chủng (của Đức Quốc Xã) - vì sự phát triển tự nhiên của tạo hoá. 

Tất nhiên, chúng ta đều có thể lựa chọn cho mình một quan niệm, tư tưởng đã trôi nổi hàng triệu năm theo triều dài lịch sử nhằm biện minh cho bản thân và tạo ra một câu chuyện cá nhân. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là những ý tưởng mà tầng lớp thống trị sử dụng để biện minh cho bản thân, với sự giúp đỡ của các tác giả như Holiday đang dần trở thành lẽ thường tình. Trong thời đại của sự bất bình đẳng, sẽ không thể tránh khỏi việc ai đó tìm cách biện minh cho việc trốn tránh trách nhiệm xã hội của mình bằng các đức tin mạnh mẽ, vượt thời gian. 

Chúng ta đã chứng kiến ​​điều tương tự trước đây với Chủ nghĩa Khắc kỷ. Ở miền Nam nước Mỹ sau Tái thiết, Walker Percy đã nhận thấy tất cả chiêu trò mà những người tự xưng là tín đồ Khắc kỷ đang được sử dụng để duy trì quyền lực. Ông lập luận rằng Chủ nghĩa Khắc kỷ có ảnh hưởng đến các giá trị sống của miền Nam nước Mỹ thậm chí hơn cả Cơ Đốc giáo. Cụ thể, Percy nhận ra rằng những người da trắng miền Nam đã tỏ ra phẫn nộ vì lý do đậm chất Khắc kỷ: “người da đen đòi hỏi quyền lợi của mình thay vì biết ơn vì sự hào phóng của các chủ đồn điền da trắng” - Mọi thứ đã được định sẵn, vì vậy hãy chấp nhận số phận đi. 

Holiday bày tỏ Percy là tác giả yêu thích của mình, nhưng lại không đồng tình với quan điểm của Percy cho rằng Chủ nghĩa Khắc kỷ là phương tiện hữu ích để duy trì quyền lực và tăng tính đặc quyền. Trên thực tế, Holiday không tin rằng đặc quyền xung đột với các quy tắc Khắc kỷ -  “Thành công vượt trội hay cực kỳ giàu có không hề mâu thuẫn với Chủ nghĩa khắc kỷ và đức hạnh”. Ông giải thích thêm “Tư tưởng của của Seneca là ‘sự lãnh cảm nên được ưu tiên’. Tất nhiên, giàu thì tốt hơn nghèo, cao thì tốt hơn thấp. Một nhà khắc kỷ thực thụ tốt hơn hết là chấp nhận một trong hai. Nhưng nếu bạn phải lựa chọn, ý tôi là, chẳng phải bạn sẽ lựa chọn thành công hơn là thất bại hay sao?”. 

Cách đây không lâu, tờ New York Times đã phân vân về cái được gọi là “giai đoạn giống như Jekyll và Hyde” (cụm từ được sử dụng để nói về một người có tính cách và đạo đức rất khác nhau trong nhiều trường hợp) trong sự nghiệp của Holiday. Nhưng trên thực tế, công việc và mục đích của Holiday luôn nhất quán. Cho dù làm việc cho Tucker Max, can thiệp vào vụ bê bối của Peter Thiel hay truyền bá tư tưởng về chủ nghĩa khắc kỷ, Holiday đều đang làm công việc hỗ trợ, biện minh cho giới thượng lưu vô đạo đức. 

 

Không phải tất cả các nhà Khắc kỷ đều biến các tư tưởng cổ đại trở thành vũ khí đạt được mục tiêu. 

 

Vào một buổi sáng Chủ nhật gần đây, tôi tham dự cuộc họp nhỏ hàng tháng của Redwood Stoa trong một vườn bách thảo ở vùng đồi Berkeley. Một trong những thành viên của nhóm, Seamus O’Donnell, phàn nàn về “Chiêu trò của chủ nghĩa Khắc kỷ” - như cách sử dụng giọng nói của một trò chơi điện tử thông báo rằng “Bạn đã đạt đến đẳng cấp hiền triết!” “Bạn đã giành được sự sống”.  

“Đôi khi tôi thực sự lo lắng về việc phổ biến hóa triết lý này,” O’Donnell tiếp tục. Simon Gunner, một đồng lãnh đạo của Redwood Stoa cũng bày tỏ “Nếu điều đó giúp họ trở thành những doanh nhân giàu có hơn, thành công hơn, thì đó là khi thói đạo đức giả hình thành. Sự mâu thuẫn chắc chắn tồn tại ở Seneca. Và nó vẫn còn tiếp tục”.  Chủ nghĩa khắc kỷ giờ đây chỉ còn là một công cụ khác, dùng để lôi kéo một đám đông, bên cạnh những kẻ ăn lửa và nuốt kiếm.

Một nhà thực vật học, Gunner kết thúc cuộc họp bằng cách cho chúng tôi nhìn lên rừng Redwoods, sau đó đọc một đoạn văn của Seneca. Đó là vẻ đẹp của việc tìm thấy chính mình trong “một khu rừng cổ thụ”. Ngay tại đây, ở khu rừng này, có vẻ có vẻ như thương trường còn là thứ rất xa vời. 

Vượng Hoàng dịch | Motherjones.com