Chỉ yêu thôi là chưa đủ
Chỉ yêu thôi là chưa đủ
Có phải tất cả những gì mình cần là tình yêu, như bài hát của John Lennon đã nói?
Năm 1967, John Lennon viết ra một bài hát có tên “All You Need is Love” (Tất cả những gì bạn cần là tình yêu). Ông ta cũng đánh đập cả hai người vợ, bỏ rơi một trong những đứa con, lăng mạ chửi bới người quản lý Do Thái đồng tính của mình, và đã từng thuê cả một đoàn quay phim ghi lại cảnh ông ta trần truồng nằm trên giường nguyên một ngày.

 

Ba mươi lăm năm sau, Trent Reznor ở ban nhạc Nine Inch Nails viết một bài hát khác có tên “Love is Not Enough’’ (Chỉ yêu thôi là chưa đủ). Reznor, dù nổi tiếng vì những màn trình diễn sân khấu gây shock và những video ca nhạc kỳ cục làm người khác khó chịu, hoàn toàn không dính dáng gì đến ma túy và rượu bia, cưới một người phụ nữ, sinh được hai đứa trẻ, và rồi sau đó hủy toàn bộ các kế hoạch làm album và lưu diễn trong tương lai để có thể ở nhà làm người chồng và người cha tốt.

 

Một trong hai người đàn ông này có một sự hiểu biết rõ ràng về yêu thương. Người còn lại thì không. Một người thì lý tưởng hóa rằng tình yêu có thể hóa giải được mọi vấn đề. Người còn lại thì không. Một người chỉ là một thằng khốn vị kỷ. Người còn lại thì không.

 

Sống trong nền văn hóa thời đại chúng ta, rất nhiều người lý tưởng hóa tình yêu. Chúng ta coi nó như một phương thuốc cao cả giải quyết được mọi vấn đề trên đời. Những bộ phim và tiểu thuyết và lịch sử của chúng ta đều tung hê nó như thể là mục tiêu tối thượng của cuộc sống, cứu cánh của mọi đau khổ và tranh đấu. Và bởi vì ta lý tưởng hóa tình yêu, nên đã đánh giá nó quá cao. Và kết quả là những mối quan hệ của chúng ta phải trả một cái giá.

 

Khi ta tin rằng “tất cả những gì mình cần là tình yêu’’ giống như John Lennon, ta đang bỏ qua những giá trị cốt lõi như sự tôn trọng, khiêm nhường và những cam kết tới người mà ta quan tâm. Sau tất cả, nếu yêu thương có thể giải quyết mọi thứ, thế thì tại sao phải để ý tới những thứ khác — những điều vô cùng khó khăn.

 

Nhưng nếu giống như Reznor, chúng ta tin rằng “chỉ yêu thôi là chưa đủ,’’ ta sẽ hiểu rằng một mối quan hệ lành mạnh cần nhiều hơn là những cảm xúc yêu đương hay đam mêm cuồng nhiệt. Ta hiểu rằng trong cuộc sống và trong những mối quan hệ còn nhiều thứ quan trọng hơn chỉ đơn giản là yêu. Và sự thành công trong mối quan hệ của chúng ta dựa vào những giá trị sâu sắc và quan trọng hơn.

 

BA SỰ THẬT CAY ĐẮNG VỀ TÌNH YÊU

 

Vấn đề của việc lý tưởng hóa tình yêu là nó khiến ta tạo ra những ảo tưởng phi thực tế về yêu thật sự là gì và nó có thể làm được điều gì cho chúng ta. Những ảo tưởng này sau đó phá hoại mối quan hệ thật sự mà ta đã gìn giữ ngay từ đầu:

 

1. Yêu không có nghĩa là hợp nhau. Chỉ vì bạn phải lòng ai đó không có nghĩa là họ sẽ là người bạn đời của bạn trong một khoảng thời gian dài. Yêu là quá trình cảm xúc; hợp nhau là quá trình logic. Và hai thứ này không phải lúc nào cũng có thể tương thích với nhau.

Ta hoàn toàn có thể phải lòng với một người đối xử với ta chẳng ra gì, những người khiến ta cảm thấy tồi tệ về bản thân, những người không tôn trọng ta như ta tôn trọng họ, hay chỉ đơn giản là họ có cuộc sống rối loạn có thể kéo ta xuống cùng.

Ta hoàn toàn có thể phải lòng với người có khao khát hay mục tiêu cuộc đời trái ngược hoàn toàn với ta, những người có quan điểm triết lý hay thế giới quan mâu thuẫn với cách ta nhìn cuộc sống

Ta hoàn toàn có thể phải lòng một kẻ đểu cáng lừa đảo trong tình yêu.

Những điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng nó là sự thật.

Khi tôi nghĩ về những mối quan hệ yêu đương thảm họa mà tôi đã từng chứng kiến hay người ta gửi mail cho tôi để kể, rất nhiều người chỉ đơn giản là bước vào mối quan hệ đó dựa trên cảm xúc — họ thấy ‘’bừng sáng’’ và thế là họ lao đầu về phía trước. Quên rằng anh là một người Công giáo ngập men say hay cô là một kẻ ái tử thi. Họ chỉ thấy thế là đúng.

Và sáu tháng sau, khi cô ném đồ đạc của anh ra ngoài cửa và anh cầu Chúa Jesus 12 lần một ngày mong cứu rỗi cô, họ nhìn quanh và tự hỏi, “Ơ, sao mọi thứ lại ra nông nỗi này’?’’

Sự thật là, nó đã sai ngay từ khi bắt đầu.

Khi hẹn hò và tìm kiếm một người bạn đời, bạn không thể chỉ dùng mỗi tim, mà phải dùng cả đầu nữa. Đúng, bạn sẽ muốn tìm một người làm tim bạn run lên và rắm của bạn thơm như kẹo. Nhưng bạn cũng cần phải xem xét giá trị của một con người, họ đối xử với bản thân như thế nào, họ đối xử với những người thân của họ thế nào, tham vọng và thế giới quan của họ ra sao. Bởi vì nếu bạn phải lòng một người không hợp với mình, thì tương lai phía trước sẽ chẳng mấy tốt đẹp.

2. Tình yêu không giải quyết được những vấn đề trong mối quan hệ của bạn. Tôi và bạn gái đầu tiên của mình yêu nhau điên cuồng. Chúng tôi sống ở hai thành phố khác nhau, chẳng có tiền để tới gặp người kia, có gia đình ghét người còn lại và đã qua nhiều lần tranh cãi mà chẳng đi tới đâu.

Và mỗi lần bọn tôi cãi nhau, chúng tôi vẫn sẽ quay lại với nhau vào ngày hôm sau và vỗ về an ủi, nhắc lại rằng chúng tôi điên cuồng vì nhau thế nào và những thứ như thế chẳng đáng để vào mắt bởi vì ôiiiiii trờiiiii ơiiiiii chúng tôi yêu nhau rất nhiều và chúng tôi sẽ tìm ra một cách để mọi chuyện tốt đẹp hơn, cứ chờ mà xem. Tình yêu làm chúng tôi có cảm giác như chúng tôi đã vượt qua những rắc rối, nhưng trên thực tế, chẳng có gì thay đổi cả.

Như bạn có thể tưởng tượng ra được, chúng tôi chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Chúng tôi vẫn liên tục cãi nhau. Càng ngày càng tệ hơn. Chuyện không thể gặp được nhau bay quanh đầu tôi như một con hải âu. Chúng tôi đều chỉ quan tâm đến mỗi bản thân mình đến nỗi không thể nói chuyện với nhau hiệu quả được nữa. Hàng giờ nói chuyện trên điện thoại mà chẳng có gì ra hồn. Nhìn lại thì mối quan hệ này chẳng có hy vọng gì là sẽ kéo dài. Thế mà chúng tôi đã yêu nhau được ba cmn năm!

Sau tất cả, thì tình yêu sẽ chiến thắng, phải không?

Thật đáng ngạc nhiên là mối quan hệ đó bốc cháy và sụp đổ như khí cầu Hindenburg. Cuộc chia tay thật xấu xí. Và bài học lớn mà tôi học được là: có khi tình yêu khiến bạn cảm thấy những vấn đề trong mối quan hệ của mình tốt đẹp hơn, nó lại không giải quyết được bất kì vấn đề gì trong mối quan hệ đó.

Đây là lí do tại sao người ta có những mối quan hệ độc hại. Cảm xúc lên xuống thất thường thật độc hại, mỗi cảm xúc mạnh lại ngày càng quan trọng và chính đáng hơn, nhưng trừ phi bạn không có một nền tảng vững chắc ở dưới chân, những đợt sóng cảm xúc sẽ tới và quét trôi tất cả.

3. Tình yêu không phải lúc nào cũng đáng để hi sinh bản thân. Một trong những đặc điểm của việc yêu một ai đó là bạn có thể nghĩ vượt ra bên ngoài bản thân và lợi ích của mình để quan tâm tới người khác và lợi ích của họ.

Nhưng người ta thường không hỏi một câu hỏi quan trọng rằng bạn đang hi sinh cái gì, và liệu rằng nó có xứng đáng hay không?

Trong những mối quan hệ yêu đương, thường là cả hai người sẽ hi sinh ham muốn của mình, nhu cầu của mình và thời gian của mình cho người khác. Tôi có thể nói rằng đây là một điều lành mạnh và bình thường, một phần quan trọng tạo nên một mối quan hệ tuyệt vời.

Nhưng khi phải hi sinh sự tự tôn, nhân phẩm của một người, cơ thể của họ, khao khát và mục đích sống chỉ để ở bên ai đó, thì tình yêu đó sẽ trở nên có vấn đề. Mối quan hệ yêu đương lẽ ra là phải góp phần hoàn thiện con người, chứ không phải phá hoại hay thay thế bản thân mình. Nếu ta thấy mình trong hoàn cảnh phải chịu đựng sự thiếu tôn trọng hay những hành vi lạm dụng, thì về bản chất là ta đang cho phép tình yêu cắn nuốt chúng ta, phủ nhận chúng ta, và nếu ta không cẩn thận, nó sẽ nhốt ta vào một cái vỏ bọc bản chất con người của ta.

 

BÀI KIỂM TRA TÌNH BẠN

 

Một trong những lời khuyên cổ xưa nhất ở trong sách là, “Bạn và người bạn đời của mình phải là những người bạn thân nhất.” Hầu hết mọi người coi đó là một lời khuyên tích cực: Tôi nên dành thời gian với người yêu như mình làm với người bạn thân nhất; Tôi nên nói chuyện cởi mở với người yêu như với bạn thân; Tôi nên vui đùa với người yêu như với bạn thân.

 

Nhưng người ta nên xem xét cả mặt tiêu cực của nó nữa: Bạn có thể chịu đựng được những hành vi tiêu cực của người yêu như là bạn thân?

 

Điều ngạc nhiên là, khi chúng ta tự hỏi mình điều này một cách thành thật, trong những mối quan hệ độc hại và phụ thuộc lẫn nhau, câu trả lời thường là “không’’.

 

Tôi quen một người phụ nữ trẻ vừa mới cưới. Cô ấy yêu say đắm chồng mình. Và mặc cho thực tế là anh ta đã ‘thất nghiệp’’ hơn một năm, chẳng để ý gì đến việc tổ chức đám cưới, thường xuyên đào mỏ người yêu để đi chơi với bạn bè, người thân của cô thì bày tỏ quan ngại sâu sắc, cô bằng mọi giá vẫn kết hôn với anh ta.

 

Nhưng một khi những cảm xúc mạnh của đám cưới đã lắng xuống, thực tế mới hiện ra. Một năm sau khi họ cưới nhau, anh ta vẫn ở nhà chơi, bày rác khắp nhà khi cô đi làm, nổi điên vì cô không chịu nấu bữa tối cho anh ta và bất cứ khi nào cô phàn nàn, anh ta nói rằng cô là đồ ‘hỗn láo’ và xấc xược. Và anh ta vẫn còn xin tiền vợ để đi chơi với bạn.

 

Cô rơi vào tình cảnh này bởi vì cô phớt lờ ba sự thật cay đắng về tình yêu. Cô đã  quá lý tưởng hóa tình yêu. Thay vì bị tát vào mặt bởi những lá cờ đỏ cảnh báo khi hẹn hò với anh ta, cô tin rằng tình yêu có thể báo hiệu rằng họ thực sự hợp nhau. Nhưng hóa ra không. Khi bạn bè và người thân của cô tỏ ra quan ngại sâu sắc về đám cưới, cô tin rằng tình yêu có thể hóa giải tất cả. Nhưng không. Và bây giờ ngay cả khi tất cả đã ngã vào một hố phân, cô vẫn tìm đến những người bạn để xin lời khuyên làm sao để hi sinh nhiều hơn để mọi chuyện trở nên tốt đẹp.

 

Nhưng thực tế là mối quan hệ đó sẽ không như thế.

Tại sao chúng ta chịu đựng những hành vi tệ hại khi yêu mà sẽ không bao giờ, không bao giờ chịu đựng trong tình bạn?

Hãy tưởng tượng nếu bạn thân của bạn chuyển đến sống cùng mình, không chịu đi làm hay trả tiền nhà, bắt bạn nấu ăn và sau đó nổi đóa lên mỗi lần bạn phàn nàn. Tình bạn đó sẽ kết thúc nhanh hơn là sự nghiệp diễn xuất của Paris Hilton.

 

Hay một người bạn gái hay ghen đến mức cô yêu cầu anh phải cung cấp tất tần tật mật khẩu của anh và đi cùng anh mỗi chuyến công tác để đảm bảo rằng anh không bị cô gái khác quyến rũ. Người phụ nữ này giống như NSA. Cuộc đời của anh sẽ dưới sự giám sát 24/7 và nó làm xói mòn ý thức về bản thân mình. Sự tự tôn của anh gần như bằng không. Cô không tin anh làm bất cứ điều gì. Và vì thế anh cũng không tin tưởng vào chính bản thân mình.

Thế nhưng anh vẫn ở bên cô! Tại sao? Bởi vì anh đang yêu!

Hãy ghi nhớ điều này: Cách duy nhất mà bạn có thể thực sự tận hưởng tình yêu là làm gì đó quan trọng hơn trong cuộc đời hơn là yêu.

 

Bạn có thể phải lòng rất nhiều người trong suốt cuộc đời. Bạn có thể phải lòng những người tốt cho bạn và tệ hại với bạn. Bạn có thể yêu một cách lành mạnh hoặc không. Bạn có thể yêu khi bạn còn trẻ và cả khi về già. Tình yêu không phải là duy nhất. Tình yêu không phải là điều gì đặc biệt. Tình yêu không phải thứ gì đó khan hiếm.

Nhưng sự tự tôn của bạn, nhân phẩm của bạn, khả năng tin tưởng vào bản thân bạn thì có. Có thể sẽ có rất nhiều mối tình suốt đời bạn, nhưng một khi bạn đã mất đi sự tự trọng, nhân phẩm hay khả năng tin tưởng, sẽ rất khó để giành lại.

 

Yêu đương là trải nghiệm tuyệt vời. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà cuộc sống mang lại cho chúng ta. Và đó là điều ai cũng nên khao khát được cảm nhận và tận hưởng.

 

Nhưng giống như bất cứ trải nghiệm nào, nó có thể lành mạnh hoặc độc hại. Giống như bất kì trải nghiệm nào, nó không thể định nghĩa được chúng ta, bản nguyên của ta hay mục đích sống của ta. Ta không thể để nó nuốt chửng. Ta không thể hi sinh bản chất của mình và sự tự tôn của mình vì nó. Bởi vì ngay khi ta làm thế, ta đã đánh mất tình yêu và bản thân mình.

 

Bởi vì trong cuộc sống cần nhiều hơn là yêu. Tình yêu thật tuyệt. Tình yêu thật cần thiết. Tình yêu thật đẹp. Nhưng chỉ yêu thôi là chưa đủ.


Theo Mark Manson: Chỉ yêu thôi là chưa đủ.

Minh họa của họa sĩ Brian Rea

Tags: