Lucy thuộc thế hệ Y (những người sinh từ cuối thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990), phần lớn thế hệ Y hiện nay đang trở thành một phần của nền văn hóa đề cao cuộc sống xa hoa với mức thu nhập cao khi làm việc tại các thành phố lớn, trong đó có cả Lucy.
Những người này được gọi với một tên riêng là GYPSYs (Gen Y Protagonists & Special Yuppies). GYPSYs khá đặc biệt, vì họ luôn nghĩ rằng mình là nhân vật chính của một câu chuyện vô cùng đặc biệt.
Lucy luôn tận hưởng cuộc sống của mình khi là một GYPSY, và cũng hài lòng vì mình là một Lucy. Ngoại trừ một vấn đề:
Lucy cảm thấy không hạnh phúc.
Để tìm hiểu lý do vì sao, đầu tiên chúng ta hãy định nghĩa điều gì khiến chúng ta hạnh phúc và không hạnh phúc. Hãy nhìn “công thức” đơn giản dưới đây:
Hạnh phúc = Thực tế - Kì vọng
Điều này cũng khá dễ hiểu thôi, khi cuộc sống của một ai đó tốt hơn họ kì vọng, nghĩa là họ đang hạnh phúc. Còn khi hiện thực hóa ra lại tồi tệ hơn so với kỳ vọng, thì nghĩa là họ cảm thấy không thấy hạnh phúc.
Để dễ hình dung hơn, chúng ta hãy đưa cha mẹ Lucy vào câu chuyện phân tích dưới đây:
Cha mẹ của Lucy được sinh ra trong thế hệ Baby Boomers (những người được sinh ra trong những năm 1946 – 1964). Họ được chăm sóc và nuôi lớn bởi ông bà Lucy, thành viên của thế hệ GI (những người sinh trong khoảng 1901 – 1924), hay còn được gọi là "Thế hệ vĩ đại nhất", một thế hệ lớn lên trong Thời kỳ đại suy thoái và đã từng chiến đấu trong Thế chiến thứ Hai, thế nên họ chắc chắn không có lối tư tưởng của GYPSYs.
Thời kỳ đại suy thoái khiến ông bà Lucy bị ám ảnh về việc đảm bảo một cuộc sống kinh tế đầy đủ, nên họ mong muốn và hướng cha mẹ Lucy tới một sự nghiệp ổn định mang tính lâu dài.
Hai người con thuộc thế hệ Baby Boomers này được dạy rằng không gì có thể ngăn cản việc họ đạt được thành công trong sự nghiệp, chỉ cần họ làm việc chăm chỉ trong nhiều năm để biến ước mơ thành sự thật.
Với kinh nghiệm được nuôi dạy từ bản thân, cha mẹ Lucy lại nuôi dưỡng Lucy với những ý tưởng lạc quan về một tương lại còn tốt hơn của họ. Và không chỉ mình họ nghĩ như vậy. Thế hệ Baby Boomers trên khắp thế giới đều nói với thế hệ Y con em họ rằng chúng có thể đạt được bất cứ thứ gì chúng muốn, và khiến chúng thấm nhuần “cái tôi đặc biệt” cả trong tâm lý. Sau khi tốt nghiệp, cha mẹ Lucy bắt đầu tự khởi nghiệp. Từ những năm 70, 80, và 90 trở đi, nền kinh tế toàn cầu bước vào thời điểm thịnh vượng chưa từng có. Cha mẹ Lucy đã làm tốt hơn so với mong đợi, điều này khiến họ cảm thấy vô cùng hài lòng và lạc quan về cuộc sống.
Suy nghĩ của bố mẹ đã ảnh hưởng sâu sắc tới những GYPSYs, họ kỳ vọng về một sự nghiệp “trải đầy hoa hồng” của riêng bản thân, tới mức mục tiêu mà cha mẹ họ đặt ra vẫn chưa là gì so với khả năng của họ.
“Giấc mơ” của GYPSYs giờ không chỉ xanh tươi mà còn có rất nhiều hoa nữa.
Điều này chỉ ra nhận thức đầu tiên của chúng ta về GYPSYs:
GYPSYs cực kỳ tham vọng
GYPSYs tham vọng hơn nhiều ngoài một sự nghiệp ổn định với mức thu nhập cao. Thực tế thì, một công việc như vậy không thể đủ với giấc mơ của GYPSY. Nếu thế hệ Baby Boomers chỉ đơn giản là muốn sống trong Giấc mơ Mỹ, GYPSYs lại muốn sống trong Giấc mơ của riêng mình.
Bằng việc sử dụng công cụ check lượt sử dụng ngôn ngữ theo thời gian của Google, Cal Newport tổng kết rằng cụm từ “theo đuổi đam mê” là một cụm từ mới được sử dụng trong khoảng 20 năm trở lại đây. Ngược lại, cụm từ “nghề nghiệp ổn định” đã trở nên lỗi thời – thay vào đó là cụm từ “một sự nghiệp viên mãn” đang được sử dụng rất nhiều.
Nói một cách rõ ràng hơn, GYPSYs muốn đạt được những thành tựu về kinh tế giống như bố mẹ họ, và họ cũng muốn được viên mãn về sự nghiệp – điều mà bố mẹ họ không nghĩ tới quá nhiều. GYPSYs muốn một công việc mà họ phải vừa đam mê, vừa kiếm được nhiều tiền và còn phải có thành tựu.
Ngoài tham vọng về mục tiêu nghề nghiệp, thế hệ Y như Lucy còn mang trong mình thông điệp thứ 2 suốt thời thơ ấu, đó là: Tôi là người đặc biệt.
Điều này có lẽ cũng chỉ ra thực tế thứ 2 của GYPSYs:
GYPSYs là những kẻ ảo tưởng.
Lucy được dạy rằng, "Chắc chắn ai cũng đều muốn hướng tới một sự nghiệp viên mãn, bản thân tôi khác họ vì tôi tuyệt vời hơn họ, thế nên sự nghiệp và cuộc sống của tôi sẽ tỏa sáng giữa đám đông." Trong đầu các GYPSYs luôn nghĩ về một sự nghiệp trải đầy hoa hồng, hướng họ tới việc luôn nghĩ rằng “mình thậm chí phải xứng đáng hơn thế này”.
Vậy thì, tại sao lại nói đây là ảo tưởng? Bởi vì đây là tất cả những gì GYPSYs nghĩ, lại còn không hề tuân theo định nghĩa chính xác của từ “đặc biệt”.
Thậm chí ngay bây giờ, những GYPSY đọc được bài này sẽ nghĩ, "Một luận điểm không hề tồi đâu... nhưng tôi thực sự là một trong số ít những người đặc biệt đấy" - và đây chính là vấn đề.
Ảo tưởng thứ 2 này của GYPSYs xuất hiện khi họ bắt đầu tìm kiếm việc làm. Trong khi bố mẹ của Lucy tin rằng làm việc chăm chỉ cuối cùng rồi sẽ có một sự nghiệp như mong đợi, thì Lucy lại cho rằng cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời sẽ đến với những người đặc biệt - như mình, tất cả chỉ là vấn đề thời gian và chọn con đường nào để đi mà thôi.
Trước khi có một công việc như mong đợi, viễn cảnh của cô ấy là như thế này:
Thật không may, thế giới này luôn có một điều đáng buồn… cười, đó là những điều chúng ta mong đợi thường không hay xảy ra, và GYPSYs thực sự gặp khó khăn trong bước đầu này.
Sự nghiệp thành công không những mất nhiều năm mà còn có cả mồ hôi, máu và nước mắt, thậm chí với cả với những người không hề có ảo tưởng về “hoa lá và những chú kỳ lân biết bay”, hay đối với những những người đã vô cùng thành công hiện này, cũng hiếm ai đạt được thành tựu gì vĩ đại vào những năm tuổi 20.
Nhưng GYPSYs lại không muốn chấp nhận điều đó.
Paul Harvey, giáo sư tại trường Đại học New Hampshire và đồng thời là chuyên gia về GYPSY, đã nghiên cứu và chỉ ra rằng thế hệ Y có những “kỳ vọng không thực tế và họ không muốn chấp nhận những gì trái với mong muốn của họ”, và họ cũng là người có “cái nhìn phiến diện”.
Giáo sư cho rằng “nguồn gốc của sự chán nản, thất vọng của những người có quan niệm mạnh mẽ về khả năng của bản thân là việc không đạt được mức kì vọng mong đợi. Họ thường đòi hỏi cảm giác được tôn trọng và coi thường những thứ mà họ cho rằng, nằm dưới khả năng và đẳng cấp của mình, có lẽ vì vậy, họ không bao giờ đạt tới mức mong muốn về việc được tôn trọng và công nhận từ những người khác.”
Đối với nhà người tuyển dụng đang tìm kiếm nhân viên nằm trong thế hệ Y, Harvey có một gợi ý cho buổi phỏng vấn: hãy hỏi họ câu hỏi “Bạn có cảm thấy mình nổi trội hơn so với đồng nghiệp/ bạn học của mình không? Nếu có, thì tại sao bạn thấy vậy?”
Ông cho rằng “nếu ứng viên trả lời “có” với câu hỏi đầu tiên, nhưng lại trúc trắc với câu hỏi “tại sao” thì đây có thể chính là biểu hiện của vấn đề tự đề cao bản thân.
Điều này xảy ra là vì suy nghĩ tự đề cao bản thân của họ xuất hiện dựa vào cảm tính. Họ thường tự huyễn hoặc bản thân, hoặc cũng có thể suy nghĩ này được hình thành trong quá trình hình thành nhân cách từ lúc bé, rằng họ thực sự đặc biệt cho dù thiếu những minh chứng cụ thể để chứng minh cho điều này.
Và kể từ đây, sau khi ra trường một vài năm, thế giới thực tế sẽ cho Lucy thấy mình đang ở đây:
Khi thực tế khác xa so với kì vọng, khiến cho hệ số điểm về hạnh phúc “thực tế – kỳ vọng” trở nên hết sức bi quan.
Và chuyện tiếp theo đó thậm chí còn tồi tệ hơn. Đỉnh điểm, các GYPSYs gặp một vấn đề lớn khi hòa nhập với chính những người cùng thế hệ với mình:
Họ so sánh và cảm thấy bị chế giễu
Chắc chắn rồi, một số bạn học của cha mẹ Lucy có một sự nghiệp thành công hơn nhiều so với họ. Tuy họ cũng chỉ được nghe “truyền miệng” điều này từ người này sang người khác, còn thực tế thì không ai biết chuyện gì đã xảy ra trên con đường sự nghiệp thành công của những người đó. Nhưng Lucy vẫn sẽ so sánh sự thành công giữa những người đó với cha mẹ mình.
Trên một khía cạnh khác, Lucy còn cảm thấy bị chế giễu hơn “nhờ” sự xuất hiện của hiện tượng Facebook.
Mạng xã hội đã tạo ra một thế giới “ảo” cho Lucy, nơi mà:
A) Biết được những việc mọi người làm hàng ngày,
B) Hầu hết mọi người chỉ khoe ra những thứ thực sự tốt đẹp họ đang có,
C) Những người khoe về sự nghiệp thành công vang dội thường là những người đang có sự nghiệp (hoặc những mối quan hệ) trong trạng thái tốt nhất, trong khi những người gặp vấn đề thực sự lại có xu hướng không đề cập gì về hoàn cảnh của mình.
Điều này tạo cho Lucy có một cảm nhận hoàn toàn sai về cuộc sống thực tế, rằng mọi người dường như đều đang sống rất tốt, chỉ có mình mình là bất hạnh và khổ sở.
Vì vậy, đây chính là lý do tại sao Lucy là không hài lòng, hoặc ít nhất, cảm thấy thất vọng và không đầy đủ. Cho dù trong thực tế, cô ấy có thể bắt đầu sự nghiệp của mình tương đối tốt, nhưng bản thân cô ấy lại coi đó là điều đáng thất vọng.
Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho Lucy nói riêng và những GYPSYs đang không thấy hạnh phúc nói chung:
1. Hãy cứ giữ những tham vọng điên rồ của mình. Thế giới này luôn có cơ hội cho những người có tham vọng về một thành công viên mãn. Con đường cụ thể có lẽ không rõ ràng, nhưng bạn hãy tin rằng, cứ đi là đến – chỉ cần không ngừng cố gắng và chấp nhận khó khăn.
2. Hãy thôi ngay suy nghĩ “mình là người đặc biệt”. Thực tế là ngay vào lúc này, bạn không hề đặc biệt đâu. Bạn cũng như những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm khác, không có nhiều thứ để thu hút các nhà tuyển dụng. Bạn chỉ có thể trở nên đặc biệt khi làm việc thực sự chăm chỉ trong một khoảng thời gian dài.
3. Đừng để ý quá nhiều đến cuộc sống của người khác. Thế giới trên Facebook không hoàn toàn là cuộc sống thật, đôi khi không phải lúc nào cũng lung linh như những gì bạn thấy. Sự thật là mọi người đều giống bạn, họ cũng nghi ngờ chính mình, cảm thấy giận dữ và thất vọng về bản thân, nhưng nếu bạn chỉ tập trung làm việc của mình thì bạn sẽ không bao giờ có lý do để ghen tị với những người khác nữa.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo waitbutwhy - Dịch Cafebiz