Đã qua rồi thời kỳ đỉnh cao
Công chúng Việt Nam lần đầu tiên được biết đến khái niệm ngôn tình từ những tác phẩm của Tào Đình, trong đó không thể không kể đến “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” mà bản dịch đầu tiên được biết đến trên blog của Nhà văn Trang Hạ. Cùng thời kỳ đó, Minh Hiểu Khê cũng là một cái tên được nhắc đến liên tục trên các văn đàn, nhưng mọi thứ dường như mới chỉ là sự nhen nhóm, sơ khai, chưa thể định hình được một làn sóng hay một phong trào, cho đến khi những tên tuổi như Đồng Hoa, Phỉ Ngã Tư Tồn, Cố Mạn, Tân Di Ổ,… xuất hiện. Thời điểm đó, những cuốn sách như “Bên nhau trọn đời”, “Anh có thích nước Mỹ không”, “Bộ bộ kinh tâm”, “Đông cung” đã được lưu truyền khắp các ký túc xá đại học và các trường cấp 3, tạo nên một làn sóng mới mẻ đối với rất nhiều các chị em, đặc biệt là bộ phận học sinh, sinh viên.
Là một trong những dịch giả đầu tiên của dòng sách này và rất nổi tiếng với vai trò là người chuyển ngữ các tác phẩm của Cố Mạn như “Sam Sam đến đây ăn nào”, “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”, Dennis Q chia sẻ “Quyên bắt đầu dịch từ năm 2009 đến nay và đã được chứng kiến sự phát triển của ngôn tình ở Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Mình thấy rằng cho đến bây giờ, ngôn tình vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả, tuy rằng đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” so với thời kì đỉnh cao vài năm trước. Đây là điều hết sức bình thường với bất cứ một trào lưu nào, có lên thì cũng phải có xuống.”
Ngôn tình Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng không chỉ ở Trung Quốc mà toàn bộ Châu Á, ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ Việt Nam, độc giả ở các nước như Thái Lan, Malaysia,… cũng rất yêu thích dòng sách này. Số lượng các tác phẩm nhiều đến nỗi mà người ta đã phân ra hàng chục dòng sách cho nó, đồng thời đã tạo ra một lượng “từ vựng mới” chưa từng xuất hiện trước đây. “soái ca”, “cẩu huyết”, “ngược”… và một loạt những từ ngữ Hán – Việt như vậy du nhập vào Việt Nam và được sử dụng thường xuyên trong giao tiếp hàng ngày trong bộ phận giới trẻ.
Đồng quan điểm với Dennis Q, Sahara, dịch giả của cuốn sách ngôn tình được nhắc đến trong chương trình Táo Quân cuối năm – “Ai hiểu được lòng em” trả lời câu hỏi của Trạm Đọc: “Ngay tại đất nước Trung Quốc, nơi sản sinh ra phần lớn những tác phẩm ngôn tình, trào lưu này cũng có xu hướng đi xuống mạnh. Các tác giả lớn không còn post truyện trên các mạng xã hội văn học như Tấn Giang (Diễn đàn văn học này là nơi khởi nguồn của những tác giả lớn như Cố Mạn, Tân Di Ổ,….), họ chuyển sang đăng tải trên website riêng, nhưng cũng đăng rất ít hoặc ngừng đăng hẳn. Số lượng truyện ngôn tình là quá nhiều, nhưng cốt truyện thì lặp đi lặp lại chẳng có gì mới, độc giả thì ngày càng khó tính hơn. Nhưng tôi cho rằng việc này đặt ra một thách thức cho sự phát triển của dòng sách ngôn tình, nó sẽ tạo nên một sự chuyển mình mới, đòi hỏi những tác giả ngày càng sáng tạo và chỉn chu với tác phẩm của mình hơn. Vô hình chung sẽ nâng cao chất lượng của thể loại sách này.
Đối với thị trường Việt Nam, đây cũng là cơ hội vươn mình của tác giả Việt, điều mà trước đây khi ngôn tình còn hưng thịnh đã phần nào tạo ra khó khăn cho họ trong việc ghi được dấu ấn cho những tác phẩm của mình.
Ngươi chê cứ chê, người đọc cứ đọc và…mọi thứ đều có lý do
Tuy vấp phải sự chỉ trích của rất nhiều người, từ chuyên gia/nhà báo phân tích cho đến kẻ “chưa đọc một dòng bao giờ”, ngôn tình vẫn cứ phát triển và tạo nên một trào lưu mà chưa một dòng sách nào ở Châu Á làm được. Tại Trung Quốc, ngôn tình tạo nên một ngành công nghiệp mới khi xuất hiện những tác giả có thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm từ tiền bán bản quyền sách, bản quyền phim chuyển thể,… hay thậm chí viết nội dung game, quảng cáo và đưa tên tuổi hàng loạt ngôi sao vụt sáng.
Đơn cử như Đồng Hoa, một trong “tứ tiểu thiên hậu” của làng văn học Trung Quốc đã xuất bản hàng chục tác phẩm, trong đó có một loạt tác phẩm đã được chuyển thể và đạt vô số những kỷ lục về rating trên các đài truyền hình. Nổi bật nhất không thể không kể đến “Bộ Bộ Kinh Tâm” – Bộ tiểu thuyết có đề tài xuyên không đã giúp hai diễn viên chính là Ngô Kì Long và Lưu Thi Thi kiếm được bộn tiền và giải thưởng, bộ phim thậm chí đã được Hàn Quốc mua bản quyền và sản xuất lại.
Trả lời Trạm Đọc về nguyên nhân mà độc giả ở rất nhiều lứa tuổi yêu thích các tác phẩm ngôn tình, chị Hàn Vũ Phi – Dịch giả của cuốn sách ngôn tình trinh thám rất được yêu thích “Archimedes thân yêu” chia sẻ: ”Về bản chất, “ngôn tình" chỉ là cách gọi riêng của người Trung Quốc dành cho thể loại tiểu thuyết tình yêu, được yêu thích cuồng nhiệt bởi nhiều yếu tố và một trong số đó là do nó là một loại sách "dễ đọc" phù hợp với giải trí. Hơn nữa, do bối cảnh và nhân vật được xây dựng gần với văn hoá cũng như phong cách sống của người Việt Nam niên việc dòng tác phẩm này được độc giả ở Việt Nam đón nhận là rất dễ hiểu, cũng giống như cách mà người Việt Nam đón nhận phim tâm lý xã hội Hàn Quốc thôi.”
Xét trên mặt tác dụng của văn học, đặc biệt là văn học nặng tính “giải trí”, có thể nói rằng ngôn tình đã làm tốt xuất sắc vai trò của mình: Tác phẩm cho độc giả được sống trong một thế giới khác, một con người khác. Những nhân vật trong ngôn tình (cả nam và nữ giới) đều là những hình tượng tinh anh, là hình mẫu hoàn hảo trong lòng độc giả, bên cạnh đó hệ thống cốt truyện phong phú, từ “lý tưởng đến bất hợp lý” cho đến cuộc sống văn phòng, đời sống gia đình, nhưng tình huống “dở khóc dở cười” mà ngay chính chúng ta có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày, đều có cả.
Nói đến cùng, ngôn tình ngay từ đầu đã được định vị thiên về dòng sản phẩm giải trí và thương mại, nên nếu nhìn nó dưới góc độ giá trị văn học, giá trị giáo dục thì quả thật sẽ gây ra rất nhiều thất vọng và “chỉ trích”.
Bên cạnh đó, câu chuyện về những cô cậu học sinh, sinh viên “nghiện” đọc ngôn tình đến quên ăn, quên ngủ, quên nhiệm vụ học hành lại càng làm dấy lên làn sóng phản đối từ những người quan tâm đến giáo dục. Nhưng nên chăng chúng ta cần tìm hiểu lý do để thấu hiểu con cái, học trò của mình hơn là phản đối và cấm đoán? Bởi vì cho dù hội xuất bản có cấm được các công ty sách xuất bản, nhưng nào có cấm được Facebook và các trang blog có lượng truy cập hàng chục nghìn lượt trên Internet.
Đối mặt với những ý kiến trái chiều của dư luận, Sahara cho rằng: “Ngôn tình nói chung, đã làm rất tốt công việc thương mại hóa. Họ chọn đúng đối tượng độc giả, hiểu độc giả của mình và cung cấp những thứ mà độc giả muốn. Nếu chỉ xét trên bình diện “giải trí” thì mọi chuyện rất đơn giản. Nhưng những năm gần đây, quả thật có rất nhiều những tác phẩm chất lượng kém ra đời. Bản thân mình cũng từ chối rất nhiều bản thảo từ các nhà xuất bản vì những thể loại tác phẩm không phù hợp, nội dung truyền tải không phù hợp với những nguyên tắc của mình. Những tác phẩm đó như những “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm cho rất nhiều người bức xúc và ác cảm với ngôn tình.
Đồng thời, những độc giả trẻ chưa có những nhận thức đầy đủ với cuộc sống nên tiếp thu những thông điệp trong cuốn sách quá thụ động, tư duy phản biện còn kém và quá tin vào những thứ được viết trong các tiểu thuyết. Kiểm duyệt là một động thái đúng đắn và thể hiện được sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với độc giả. Dù không cấm được hoàn toàn, nhưng phần nào sẽ khiến cho các công ty sách có lý do để chọn những cuốn sách chất lượng hơn, các cây viết cũng sẽ “trưởng thành” và có trách nhiệm hơn với các sản phẩm của mình.”
Vẫn sẽ là ngôn tình….hay những “biến thể” mới sẽ xuất hiện
“Ngôn tình sẽ thoái trào nhưng không bao giờ biến mất” đó là lời khẳng định của cả 3 dịch giả trong cuộc trao đổi này. Hàn Vũ Phi cho rằng:” Việc ngôn tình thoái trào đặt ra cho các tác giả chuyên viết dòng sách này một lời cảnh báo để họ phải làm mới cách viết của mình. Giống như Quỳnh Dao viết dạng như Song Yến Biệt Ly bao nhiêu năm, sau đó cũng phải chuyển sang viết Hoàn Châu Cách Cách. Kim Dung viết bao nhiêu bộ hoành tráng nhưng về sau lại viết Lộc Đỉnh Ký, rất mới mẻ mà, đó là cách mà các cây đa cây đề làm để duy trì dòng sách của họ.” Những thách thức về kiểm duyệt, sự khó tính của độc giả, chỉ trích của dư luận và nhu cầu “thèm những món mới” của độc giả dường như sẽ dẫn trào lưu này tới một bước phát triển mới tốt đẹp hơn, nếu nó vượt qua.
Không chỉ ở Trung Quốc, mà ngay cả ở Việt Nam, sự phát triển của dòng sách này cũng đồng hành cùng sự trưởng thành của không ít những thiếu nữ. Sách vở cũng giống như bất cứ một sản phẩm văn hóa tinh thần nào, chúng ta tìm đến và yêu thích nó vì sự phù hợp. Phù hợp ở độ tuổi sinh lý, phù hợp ở nhu cầu tâm tình, giải tỏa. Và Dennis Q đã ví ngôn tình như một “món ăn tinh thần cần thiết cho độc giả Việt Nam” và không thể nào biến mất được. Có thể có (và đã có) những biến thể mới của dòng sách này xuất hiện, nhưng ngôn tình - cho dù bị chỉ trích hay gặp vô vàn những khó khăn, dường như không thể nào biến mất hoàn toàn. Đúng hơn là “độc giả trưởng thành, tác giả trưởng thành thì ngôn tình cũng phải trưởng thành lên thôi”.
Chân thành cảm ơn chị Dennis Q, Sahara và Hàn Vũ Phi đã tham gia cuộc trò chuyện cùng Trạm Đọc!
Hải Quỳnh/Trạm Đọc