1. Tập trung là chìa khóa cho mọi thành công
Khi đọc nhanh, bạn cần đến sức mạnh của trí não, sự tập trung và cả lòng quyết tâm. Khi thật sự nhập tâm vào trang sách, bạn như bị cuốn theo tư tưởng của tác giả, các dòng sự kiện và như được tham dự vào thế giới đằng sau con chữ.
Khi tập trung, bạn sẽ phân biệt được đâu là ý chính, đâu là ý phụ và nhận thức được mục tiêu đọc của mình để khi gặp nó, bạn quyết định sẽ đọc chậm lại hay tăng tốc trong quá trình đọc.
Tuy nhiên, mức độ tập trung sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại văn bản và mục đích đọc. Nếu bạn đọc để thư giãn, giải trí thì không cần thiết phải đưa trí não vào khuôn phép. Nhưng nếu bạn đọc để lấy kiến thức, đặc biệt là đọc để học, để nghiên cứu thì rất cần sự tập trung cao độ.
Một cách để bạn cải thiện sự tập trung là hãy tưởng tượng không có ranh giới nào tồn tại giữa bạn và trang sách đang đọc. Hãy xem như cả thế giới đang ngưng đọng lại trong một không gian vuông vắn trước mặt bạn, chẳng còn gì có thể làm bạn rối trí nữa.
Để đạt đến sự tập trung hoàn toàn, điều quan trọng là bạn phải loại bỏ các tác nhân gây xao lãng. Hãy chọn một không gian yên tĩnh để bạn có thể tập trung tốt nhất vào việc đọc. Nhưng không gian tĩnh lặng hoàn toàn chưa hẳn đã lý tưởng. Với một số người, không gian quá tĩnh lặng dễ khiến họ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Nếu nằm trong số đó, bạn có thể mở một bản nhạc với âm lượng vừa phải. Bạn nên chọn những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu. Khi đọc sách, tài liệu trên nền nhạc, bạn sẽ tập trung tốt hơn, loại bỏ áp lực và căng thẳng.
Bạn cũng nên tránh xa các tác nhân đầy “ma lực” như điện thoại, ti vi, máy vi tính (Internet, game…), thậm chí là các cuộc chuyện trò. Càng gần các tác nhân này, tốc độ đọc và tiếp nhận của bạn càng giảm.
Khi bắt đầu ngồi vào đọc, bạn hãy “quẳng đi” mọi lo lắng, suy tư vẩn vơ trong đầu. Môi trường xung quanh thuận lợi nhưng trí não không ngừng “xao động” thì bạn cũng không thể tập trung tốt được.
Đọc có mục tiêu
Trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, bạn cần xác định mục tiêu rõ ràng cho mình. Mục tiêu càng rõ ràng, bạn càng có kế hoạch hoàn thiện và dễ dàng chú tâm hơn. Điều này giống như khi đi trên đường, bạn phải xác định mình đang ở đâu, đang làm gì, nơi mình cần đến, lúc nào đến. Nếu thời gian vẫn còn dư dả, bạn có thể thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh, còn ngược lại bạn phải tăng tốc, tập trung hết sức lực và tinh thần để đến nơi hẹn đúng giờ. Việc đọc cũng vậy. Bạn phải xác định mình đọc để làm gì. Đọc để thư giãn, giải trí, đọc để nâng cao kiến thức, đọc để ghi nhớ hay đọc để tra cứu.
Xác định mục tiêu rõ ràng và đúng đắn trước khi bắt đầu đọc sẽ giúp bạn không đi chệch hướng. Nó tạo ra lối đi rộng mở, bằng phẳng để trí não dẫn dắt chúng ta khám phá chủ đề cần đọc một cách hiệu quả nhất.
Thay vì cầm tài liệu lên đọc một cách “ngấu nghiến”, bạn nên dành vài phút tự suy ngẫm: Tại sao mình tốn thời gian để đọc chúng? Tự đặt mục tiêu như vậy, bạn sẽ xác định được mình muốn thu nhận điều gì từ những tài liệu này. Nó giúp bạn phân loại và chọn lọc thông tin nào hữu ích, câu hỏi nào cần trả lời và dễ dàng nắm bắt được những thông tin “tốt” xuất hiện trong quá trình đọc.
Để thực hiện điều này, trước tiên hãy viết khoảng 8 – 10 câu hỏi ra giấy trước khi bạn mở cuốn sách ra. Bằng cách này, bộ não của bạn sẽ chú tâm đặc biệt tới những thông tin cần thiết.
Sau khi đặt ra mục đích đọc, hãy tự quy định thời lượng đọc và ép buộc bản thân phải tuân thủ “kỷ luật thép” này. Thời lượng đọc nên được cân nhắc hợp lý và giảm dần. Để hiệu lực “ép buộc” cao hơn, bạn có thể đưa ra mức “trừng phạt” và “tưởng thưởng” phù hợp.
Sự luyện tập nào cũng cần khoảng thời gian đầu để cơ thể thích nghi. Nếu tốc độ đọc của bạn là 250 từ/phút (khoảng một trang sách), ban đầu hãy đặt mục tiêu 400 từ/phút (khoảng 8 trang sách/5 phút). Sau đó, tiếp tục tăng tốc lên 800 từ/phút, rồi 1000 từ/phút khi bạn đã thuần thục mục tiêu trước đó.
Việc đặt ra mục tiêu thời lượng trước khi bắt đầu đọc sẽ giúp bạn chú tâm tốt hơn vào bài đọc. Cái án “trừng phạt” sẽ thôi thúc bạn đọc với tốc độ nhanh nhất có thể. Những tác nhân quấy nhiễu sẽ không còn cơ hội hoạt động. Đây cũng là cơ hội để bạn áp dụng tất cả những kỹ năng đọc nhanh mà mình đã trang bị để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Tập trung tinh thần là thành công một nửa
Tập trung (Focus) bao gồm Tìm kiếm (Find) – Sắp xếp (Organization) – Thu thập (Collections) – Hiểu biết (Understand) – Quan sát (See). Như vậy, tập trung chính là quá trình trí não chỉ quan tâm, chú ý đến một sự vật, sự việc trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi bạn chuẩn bị đầy đủ điều kiện về vị trí, công cụ hỗ trợ và mục tiêu đọc trước khi bắt đầu, những tác nhân “quấy nhiễu” không còn cơ hội ảnh hưởng đến bạn. Trong trường hợp này, nếu bạn vẫn bị phân tâm thì thủ phạm là ý chí của chính bạn. Bạn chỉ duy trì sự tập trung được trong một khoảng thời gian ngắn, sẽ có cách để chữa trị được điều đó.
Tự tạo niềm yêu thích, quan tâm
Biết mình hay bị phân tâm, Lan đã chọn một góc học tập yên tĩnh để đọc sách. Lan còn cẩn thận đặt tất cả những vật dụng cần thiết trên bàn trong tầm với của mình. Thế nhưng chỉ sau 15 phút, cô đã không sao tập trung được nữa. Những kiến thức môn Hóa học cứ muốn chạy xa khỏi tầm kiểm soát. Những công thức, định nghĩa, phản ứng hóa học rối rắm làm Lan hoa cả mắt.
Trên thực tế, có không ít bạn gặp phải tình cảnh như Lan. Cho dù cố gắng hết sức nhưng họ vẫn không thể tập trung trong thời gian dài. Nguyên nhân chính là do không dành đủ sự quan tâm hay hứng thú cho việc đọc.
Mỗi người có những sở thích và sở ghét riêng. Trong cuộc sống, ngoài những điều mình yêu thích, chúng ta còn phải đụng độ với nhiều điều “đáng ghét”. Muốn thành công, chúng ta cần phải chấp nhận và chung sống hòa bình với chúng. Cách tích cực nhất là hãy cố gắng tìm điểm “đáng yêu”, đáng học hỏi trong những điều “đáng ghét” ấy.
Việc đọc tài liệu cũng vậy. Nếu bạn không trốn tránh được những chủ đề “khó nhằn” thì hãy dũng cảm đối mặt với nó, từ dễ đến khó. Nên nhớ rằng đọc tài liệu đúng cách không phải là đọc từ đầu đến cuối mà đọc một cách có chọn lọc. Hãy đọc những phần bạn thấy yêu thích trước rồi chuyển sang những phần “đáng ghét”.
Trở lại với khó khăn của Lan. Thay vì suy nghĩ về những công thức, phản ứng rắc rối giữa các nguyên tố hóa học, Lan bắt tay tìm hiểu nội dung mà cô cảm thấy lý thú trước.
Lan rất ngạc nhiên và thích thú khi biết rằng nếu đốt các chất hóa học lên, chúng sẽ cho những ngọn lửa rất đẹp và nhiều màu sắc: natri – lửa vàng, kali – lửa tím, liti – lửa đỏ, đồng – lửa xanh nước biển, bari – lửa xanh lá cây,… Dựa vào đó, các nhà khoa học đã chế tạo ra các loại pháo hoa mà Lan thường thấy.
Song song với đó, bạn cũng nên cố gắng tìm hiểu những lợi ích của môn học. Bạn sẽ cảm thấy tin tưởng và có động lực hơn để tập trung vào việc đọc, theo dõi tài liệu.
Lan sẽ có thêm động lực để đọc môn Hóa học hơn khi biết những ứng dụng thú vị của nó. Khí Cacbonic khiến Lan đau đầu khi viết phương trình phản ứng nhưng nó không hề vô dụng. Lan biết rằng người ta có thể hóa rắn khí cacbonic để làm băng khô. Băng khô trong nhiệt độ thường không chuyển sang trạng thái lỏng mà thăng hoa thành dạng khí và làm môi trường xung quanh lạnh theo, có thể xuống tới -78,5°C. Lợi dụng đặc tính này người ta sử dụng tuyết cacbonic (băng khô) trong làm lạnh thực phẩm, các mẫu sinh học và các mặt hàng dễ hỏng khác. Người ta còn dùng nó để gây mưa nhân tạo hoặc phá mây nữa.
Bạn thấy đấy, những điều lý thú luôn ẩn giấu đâu đó chờ bạn khám phá. Chúng sẽ khiến bạn chuyển ghét thành yêu và hứng thú đọc cũng đến thật tự nhiên.
Vẫn còn một cách khác mà bạn có thể áp dụng là đọc theo cách “tiêu cực”. Bạn chẳng có chút cảm tình nào với những gì chuẩn bị đọc, vậy hãy “vạch lá tìm sâu”, tập trung phân tích nội dung tài liệu, cố gắng tìm ra những điểm sai sót, tiêu cực để chứng minh cho việc bạn “ghét bỏ” nó là có cơ sở. Nhưng tôi dám cá rằng càng tìm ra nhiều “bằng chứng”, bạn càng quan tâm và yêu thích nội dung của tài liệu ấy lúc nào không hay.
Kiểm soát sự phân tâm
Trong nhiều trường hợp, những tác nhân quấy nhiễu bất ngờ xuất hiện khiến bạn mất tập trung.
Đang say mê đọc tài liệu môn Lịch sử, bất chợt Phương nhớ đến bài tập môn Vật lý chưa xong. Mắt chăm chú nhìn từng chữ nhưng tâm trí Phương lại lảng vảng theo mấy bài tập chưa làm.
Khi bị phân tán tư tưởng như Phương, cách tốt nhất là dừng việc đọc lại. Tiếp tục đọc khi trong đầu có quá nhiều suy nghĩ sẽ chẳng có tác dụng gì. Bạn cần dừng lại để tĩnh tâm phân tích việc nào cần thiết hơn và bắt tay vào làm việc đó.
Nếu việc Phương cần lúc này là đọc sách, còn bài tập Vật lý có thể làm sau thì chẳng có lý do gì phải lo lắng về nó. Chỉ dừng lại một phút nhưng Phương đã nhanh chóng lấy lại sự tập trung cho việc đọc sách.
Điều quan trọng trong việc kiểm soát sự phân tâm là nhanh chóng xác định được mức độ quan trọng của việc đọc so với các công việc khác tại thời điểm đó. Bạn chỉ có thể hạn chế tối đa những tác nhân gây phân tâm chứ không thể ngăn cản được chúng. Nhưng bạn có thể chủ động lựa chọn và lên kế hoạch để trí não chỉ tập trung vào một việc và hoàn thành tốt công việc đó. Đừng để việc đọc hay bất cứ việc gì bị làm phiền bởi những tác nhân không đáng có.
2. Điều kiện tốt cho đọc dài lâu
Tư thế đọc
Chúng ta thường không quan tâm nhiều đến việc tìm cho mình một vị trí và tư thế đọc tốt nhất. Do đó, nhiều bạn chọn tư thế nằm đọc thay vì ngồi trên chiếc ghế tựa ngay ngắn. Cách đọc đó tuy thoải mái, dễ chịu, nhưng lại khiến bạn không thể đọc nhanh và lâu được. Góc đọc, khoảng cách giữa mắt và tài liệu, độ linh hoạt của đôi tay không hợp lý chính là thủ phạm khiến bạn mau chóng mệt mỏi, thiếu tập trung và thậm chí buồn ngủ.
Giống như được dạy từ nhỏ, tư thế ngồi đọc sách phù hợp nhất chính là tư thế khi bạn ngồi viết hoặc đọc như hình minh họa dưới đây.
Đó phải là tư thế thoải mái, không gò bó. Khoảng cách từ mắt đến tài liệu đọc tối thiểu 30 – 50cm. Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi. Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi. Hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định.
Tuy nhiên, không giống với viết, bạn nên để tài liệu đọc song song với mặt bàn hoặc để trên giá với góc nghiêng 450 tùy bạn chọn để làm sao thấy thoải mái nhất.
Ánh sáng
Ánh sáng thích hợp nhất cho việc đọc chính là ánh sáng tự nhiên. Bạn nên đặt bàn làm việc hay bàn học gần cửa sổ. Nếu ánh sáng ban ngày không đủ, bạn phải bố trí ánh sáng nhân tạo để bù đắp.
Nhưng dù là ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo đều phải chiếu từ phía trước mặt lại hoặc đối diện với tay cầm bút (từ bên trái sang) để tránh hiện tượng lấp bóng hay chói mắt. Bạn cần chọn vị trí ngồi sao cho không làm lấp bóng. Mắt bạn sẽ mau chóng mệt mỏi nếu phải liên tục “căng ra” để thu nhận những con chữ lờ mờ.
Cường độ ánh sáng thích hợp cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho việc đọc được hiệu quả. Ánh sáng không được thấp hơn 100 lux nhưng cũng không được quá cao. Nếu đèn quá sáng sẽ tạo nên sự khác biệt quá lớn so với phần diện tích còn lại trong phòng, dễ làm bạn bị “lóa mắt”. Vì thế, hãy bố trí đèn chiếu sáng trong phòng sao cho hài hòa với đèn bàn của bạn.
Bàn ghế
Chiều cao của bàn ghế cũng khá quan trọng trong việc đọc. Bàn ghế không vừa tầm dễ làm bạn ngồi lệch tư thế, làm cơ thể mệt mỏi.
Chiều cao của bàn phải cao hơn ghế ít nhất 20cm. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với ghế ngồi, có thể kê thêm một vật bên dưới để nâng chân bạn lên vị trí thoải mái. Bạn cần quan tâm tới những tiêu chuẩn kích cỡ bàn ghế phù hợp với chiều cao của mình để có những lựa chọn đúng đắn.
Một chiếc ghế quá cứng hay quá mềm cũng ít nhiều ảnh hưởng tới bạn. Chiếc ghế quá êm ái dễ “dụ dỗ” bạn chìm vào giấc ngủ. Nhưng một chiếc ghế quá cứng sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Lưng ghế không vững còn ảnh hưởng tới cả tư thế và việc ghi chép của bạn với đủ mọi hậu quả: mỏi cổ, mỏi mắt, ngả nghiêng,…
Chọn cho mình loại bàn ghế không quá thoải mái, cũng không quá cứng nhắc là bước chuẩn bị không thể thiếu cho việc đọc nhanh của bạn.
Môi trường đọc
Dù đọc sách hay làm bất kỳ việc gì, bạn cũng muốn chọn một môi trường thuận lợi. Vì vậy, hãy tạo cho mình một không gian đọc sách phù hợp. Không gian lý tưởng là thoáng đãng, đầy đủ ánh sáng và bố trí theo sở thích – nơi bạn muốn đến khi có thời gian.
Một không gian đọc u ám, đơn điệu, trống không sẽ dễ làm bạn cảm thấy u uất, căng thẳng. Đừng để chúng dập tắt đi hứng thú đọc sách trong bạn. Hãy bài trí căn phòng hay ít nhất là góc học tập của bạn theo sở thích riêng. Bạn sẽ thấy đọc là một niềm vui chứ không phải là cực hình và hiệu quả đọc cũng tăng lên không ngờ.
3. Những chỉ dẫn cho mắt và tay
Tập trung vào các từ khóa, câu chủ đề
Mỗi văn bản được cấu thành từ các đoạn văn, mỗi đoạn trình bày một ý tưởng, nội dung. Nội dung phức tạp được diễn đạt bằng một đoạn văn gồm nhiều câu, nội dung đơn giản chỉ cần một hoặc hai câu.
Vì vậy, đừng cố gắng chạy theo từng từ, từng dòng chữ mà hãy chuyển sự chú tâm vào từ, cụm từ, cấu trúc mang nội dung quan trọng. Đây là bước hiện thực hóa những mục tiêu đã chuẩn bị trước khi bắt đầu.
Trước tiên, bạn nên đọc phần mục lục (ở đầu hoặc cuối sách) nếu có. Qua mục lục, bạn sẽ xác định được đâu là phần quan trọng, đâu là phần phụ trợ trong tài liệu.
Trong quá trình đọc, bạn hãy để mắt tới tiêu đề các chương, các mục được in đậm, in nghiêng, hình ảnh minh họa, chú thích, phần tóm tắt nội dung các chương và tiểu sử tác giả. Đó chính là những phần cốt lõi giúp bạn xác định được cấu trúc và nội dung chính của tài liệu.
Trong từng câu, bạn cần xác định những từ, cụm từ quan trọng. Khoảng 40 – 60% chữ trong một trang là các từ không then chốt. Nếu xóa đi những từ ấy, bạn vẫn có thể hiểu được nội dung của đoạn văn. Chúng có mặt chỉ để làm nhiệm vụ liên kết các từ “khóa”. Tập trung vào các từ khóa, phần còn lại xem như là chỗ trống, bộ não sẽ tự động lấp đầy những khoảng trống ấy. Nhờ vậy, tốc độ đọc của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
Giả sử bạn đọc được thông tin trong tài liệu môn Vật lý: “Theo các phép đo đạc của các nhà khoa học, vận tốc ánh sáng lan truyền trong không gian bằng 299 792 458 m/giây”. Với thông tin này, bạn chỉ cần chú tâm tới các cụm từ: vận tốc ánh sáng, bằng, 299 792 458 m/giây.
Bạn cũng cần tập cho mình thói quen dùng bút đánh dấu những cụm từ không hiểu rõ. Bạn sẽ nhanh chóng chuyển sự tập trung sang những từ cụm từ khác trong tài liệu và việc đọc cũng không bị gián đoạn.
Đừng lo lắng khi không hiểu từ, cụm từ nào đó vì chúng sẽ được làm sáng tỏ khi đặt trong ngữ cảnh của câu hay những phần sau đó. Những từ khó sẽ được chú thích ngay phía dưới hoặc được tổng hợp trong phần phụ lục. Mục tiêu duy nhất của bạn là tiếp tục tập trung theo dõi thông tin trong tài liệu.
Điều khiển đôi mắt linh hoạt
Không cần chứng minh bạn cũng biết rằng muốn gia tăng tốc độ đọc, điều cốt yếu là phải rèn luyện độ nhanh nhạy của đôi mắt.
Khi mới biết đọc, bạn được dạy nhận biết từng chữ cái, sau đó ghép chúng với nhau thành từ. Đọc nhanh ghép bởi đ-ọ-c n-h-a-n-h. Bởi thế, khi đọc những từ này, bạn có xu hướng tách chúng thành những chữ cái riêng biệt và đưa chúng vào tầm mắt.
Trải qua một quá trình học tập, phần lớn chúng ta nhìn các từ như một tổng thể hơn là sự tách ghép các bộ phận mà vẫn hiểu được ý nghĩa của chúng.
Hầu hết kinh nghiệm đọc từ lớp vỡ lòng không được chúng ta phát triển thêm và vẫn áp dụng cho đến tận bây giờ. Nếu nhìn vào một từ, bạn không còn quan tâm tới các chữ cái riêng biệt nữa. Bạn chỉ nhìn nhận từ như một tổng thể mang ý nghĩa.
Trong quá trình đọc, nếu bắt gặp một từ sai chính tả rõ rệt, chẳng hạn như tgông mimh, bạn sẽ phát hiện ra điểm sai sót ấy ngay lập tức. Bạn không nhìn vào các chữ cái ở phía trước hay phía sau mà là toàn bộ từ để nhận biết. Sai sót ấy hiện ra trước mắt bạn một cách rõ ràng.
Chúng ta đã nâng cao kỹ năng đọc, từ đánh vần từng chữ lên thành đọc từ. Vậy tại sao chúng ta chỉ dừng lại ở đó trong khi hoàn toàn có khả năng tiến lên đọc một cụm từ, thậm chí cả một câu hay một phân đoạn?
Minh họa tầm mắt khi đọc
Nếu bạn đọc 1 từ/lần, bạn sẽ gửi cả hình ảnh và âm thanh của từng từ về não để phân tích vì bạn đang phát âm những gì mình nhìn thấy. Khi đọc nhiều hơn 1 từ/lần, bạn bắt buộc phải chọn lọc ý nghĩa của cả cụm từ vì bạn đi quá nhanh, không kịp để phát âm từng từ.
Theo các nghiên cứu giải phẫu học về mắt, việc đọc sách của con người cũng giống như việc đánh máy. Mắt sẽ liên tục dừng lại rồi tiếp tục di chuyển.
Trung bình thời gian dừng lại để thu thập thông tin của mắt là 0.25 đến 1 giây. Đối với người bình thường, khoảng dừng của mắt vào khoảng 0.5 giây. Thời gian và số lượng dừng lại của mắt càng lâu thì tốc độ đọc càng giảm. Nếu chỉ đọc với tốc độ 1 từ/lần, bạn cần ít nhất 62.5 giây để đọc hết một trang sách (thông thường một trang sách có 250 từ). Tốc độ ấy vừa đạt ngưỡng của người đọc trung bình: 240 tmp.
Trong khi đó, chỉ cần một chút luyện tập để tăng khả năng đọc 3 từ/lần, một người bình thường đã có thể đọc được 360 tmp. Nếu chăm chỉ luyện tập, bạn hoàn toàn có thể đọc với tốc độ 1440 đến 1680 tmp (đọc 6 – 7 từ/lần).
Làm thế nào để mở rộng được tầm mắt gấp vài lần?
Để làm được điều đó, bạn có thể sử dụng bút chì làm vật dẫn. Nếu để mắt “tự do” khi đọc, chúng sẽ nhảy nhót khắp trang giấy, làm giảm sự tập trung và ảnh hưởng đến tốc độ đọc của bạn. Khi di chuyển bút chì, bạn cũng gián tiếp điều khiển mắt chạy theo. Tốc độ di chuyển bút càng nhanh càng tạo “áp lực” làm mắt phải tăng tốc độ quan sát. Nhờ đó, tầm quan sát của mắt cũng được mở rộng.
Sử dụng bút chì cũng rất thuận tiện cho việc nhận biết, đánh dấu và ghi chú được những từ, cụm từ quan trọng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chia mỗi dòng thành ba đoạn. Khi đọc, hãy đặt mắt vào giữa mỗi đoạn, bạn vẫn có thể nhìn thấy các từ hai bên ngoại biên. Bạn có thể chia câu thành ba đoạn như ví dụ:
Sách là nơi /mở ra cho ta /một chân trời kiến thức.
Thay vì tập trung vào một từ cụ thể, bạn có thể rèn luyện nâng cao tầm mắt bằng cách tập trung vào khoảng trắng giữa các chữ, các dòng.
Bạn có thể điều chỉnh mắt chuyển động dọc theo các dòng, các cột trong trang sách. Chúng sẽ giúp bạn gia tăng tốc độ đọc của mình lên rất nhiều lần.
Một lý do xác đáng để bạn đọc nhiều từ một lúc là do ý nghĩa của đoạn văn bản được biểu hiện bởi một tập hợp các từ ngữ.
Khi bạn xem xét một cụm từ, chỉ có một số từ thu hút sự chú ý của bạn. Tập trung tìm kiếm ý nghĩa và ý tưởng của chúng sẽ giúp bạn đạt hiệu quả đọc đáng kể.
Khi cần viết hay phát biểu một nội dung, chúng ta thường diễn đạt thành các đoạn hay phân đoạn. Những đoạn, phân đoạn thường được đưa ra nội dung chính, sau đó mới đến phần giải thích, bổ sung. Càng nhiều ví dụ, giải thích, bổ sung thì ý tưởng của người viết, người nói càng cụ thể và dễ hiểu.
Trong quá trình đọc, nếu vấp phải những đoạn văn bản khó, bạn có thể chuyển sang đọc những phân đoạn khác trước. Khi nắm bắt được quan hệ nội dung giữa các đoạn, phân đoạn, bạn sẽ nhanh chóng và dễ dàng hiểu được ý nghĩa của từng đoạn.
Bạn có thể sử dụng sự di chuyển của bàn tay và tầm nhìn ngoại biên của mắt để đọc nhanh các phân đoạn. Để làm được thao tác này một cách thuần thục, bạn cần luyện tập từ những bước căn bản nhất.
Nếu mới bắt đầu luyện đọc nhanh theo phân đoạn, “bí quyết” đầu tiên bạn nên học là vòng xoắn ngón tay. Hãy sử dụng ngón tay kéo ngang trên một dòng rồi kéo dọc xuống khoảng 2, 3 dòng, rồi uốn tròn quanh các dòng với tốc độ nhanh và tiếp tục với phân đoạn tiếp theo.
Minh họa vòng xoắn ngón tay
Bạn chỉ thành công với cách thức này khi di chuyển ngón tay thật nhanh. Ngón tay di chuyển càng nhanh càng thu hút tầm mắt của bạn. Bạn có thể nhìn “xuyên qua” ngón tay của mình và thấy rõ tất cả các từ trong vòng xoáy mình tạo ra.
Sau khi tiến bộ rõ rệt với cách đọc này, hãy kết hợp đọc theo phân đoạn với hiểu nội dung.
Câu đầu tiên của một đoạn văn bản thường tiết lộ cho bạn biết nội dung của cả đoạn. Bắt đầu thực hiện cách thức vòng xoắn ngón tay từ câu này đối với đoạn văn khoảng 3 hay nhiều dòng.
Trong trường hợp đoạn văn bản có quá nhiều dòng, bạn có thể chia đoạn văn để thực hiện vòng xoắn hai hay nhiều lần.
Một cấp độ cao hơn vòng xoáy ngón tay là khung ngón tay. Với phương pháp này, ngón tay di chuyển đơn giản hơn nhưng lại yêu cầu sự chuyển động của mắt phải nhanh chóng và chính xác hơn.
Bạn chỉ cần di chuyển ngón tay ngang theo dòng đầu tiên của đoạn văn bản sang lề phải, sau đó kéo dọc xuống 2, 3 hay nhiều dòng rồi kéo ngang ngón tay theo chiều ngược lại dòng cuối để trở về lề trái của trang giấy. Hãy thử đọc đoạn văn dưới đây theo chỉ dẫn mũi tên:
Khi còn học ở trường, Henry Ford rất lười học. Ngồi trong lớp chỉ lén nói chuyện riêng và nghịch ngợm các trò chơi máy móc. Ngồi nghe thầy giảng mà cậu chỉ mong ngóng tan học để chạy về nhà chơi nghịch với các món đồ chơi được tháo lắp bằng các ốc vít và kìm, búa.
Hồi 8 tuổi, cậu đã mê bộ máy đồng hồ như các bạn cùng tuổi mê sách mạo hiểm. Gặp đồng hồ nào hư, cậu cũng mày mò tháo tung ra sửa chữa và cuối cùng cũng sửa chữa được. Dần dần, tài chữa đồng hồ của cậu vang khắp vùng. Ai có đồng hồ hỏng cũng đem tới cho “cậu Henry” sửa chữa, vì cậu không bao giờ đòi tiền công cả. Được chọc ngoáy vào đồng hồ và cứu chúng khỏi “cái chết” đã đầy hứng thú với tuổi trẻ của cậu rồi.
Năm 15 tuổi, cậu theo học nghề tại một xưởng máy gần nhà. Được đúng sở thích, tay nghề của cậu tiến bộ rất nhanh. Tại đây, các cỗ máy hoạt động quyến rũ cậu cực kỳ. Có lần cậu thừa lúc vắng người, tháo một chiếc máy cưa chạy bằng hơi nước ra xem, bị máy kẹp, suýt nữa thì mất mạng. Nhưng nhờ thế mà chỉ ít lâu sau, cậu đã bắt chước chế tạo được một chiếc máy nhỏ chạy bằng hơi nước trong căn gác xép của mình.
Trong lúc ngón tay di chuyển theo chiều dọc trang giấy, mắt phải quét từng dòng thật nhanh để kịp với chiều di chuyển của ngón tay.
Khi ngón tay di chuyển ngược về lề trái trong chưa đầy một giây, mắt đã quét xong các dòng và thu nhận được nội dung của cả phân đoạn.
Điều khó khăn nhất trong cách thức này là ở tốc độ: trong vài tích tắc di chuyển ngón tay dọc theo lề bên phải mà không cắt các dòng chữ, bạn phải lướt nhanh để tìm nội dung chính. Mỗi lần quét như vậy không được vượt quá một giây. Tuy khó khăn nhưng nếu kiên trì vượt qua, bạn sẽ đạt được tốc độ đọc ít ai có được.
Chọn một vài tài liệu để luyện tập
Lặp lại thao tác liên tục cho đến khi hết đoạn.
Thực hiện bài tập này ít nhất với 10 trang trong hai hay nhiều lần.
Lưu ý: Không dùng quá 2 giây cho mỗi chu kỳ uốn tròn.
Sử dụng bàn tay hiệu quả
Ở phần trên, chúng ta đã sử dụng bút chì làm vật dẫn hướng. Thế nhưng bút chì chỉ là vật hỗ trợ, không thể so sánh với đôi tay của chúng ta. Đây mới là thiết bị gia tăng tốc độ đọc linh hoạt và hữu hiệu nhất mà bạn có.
Khi đọc, bạn nên đặt bàn tay phía dưới mỗi dòng chữ sao cho mắt nhìn thấy rõ dòng chữ. Di chuyển ngón tay trỏ (bạn có thể dùng nhiều ngón miễn sao cảm thấy thoải mái là được) từ trái sang phải đồng thời di chuyển mắt với cùng tốc độ. Chú tâm vào các từ ngữ, đừng nhìn vào ngón tay. Khi tay di chuyển đến từ cuối cùng nhanh chóng nhất thì nhẹ tay chuyển xuống đầu dòng tiếp theo.
Minh họa cách điều khiển bàn tay
Lúc đầu có thể bạn không quen, thậm chí khó di chuyển tay với tốc độ nhanh. Bạn hãy thử di chuyển bàn tay (tương tự như cách bạn viết bài hay vẫy tay chào tạm biệt ai đó) thay vì di chuyển cả cánh tay.
Bạn cũng có thể sử dụng cách thức khác để tay di chuyển được nhanh hơn. Đặt toàn bộ bàn tay phải của bạn ngay dưới dòng đầu tiên của trang giấy, ngón giữa đặt tại trung tâm hàng chữ, bàn tay để thư giãn và có khoảng trống giữa các ngón tay. Bây giờ bắt đầu quét bàn tay từ lề bên này sang lề bên kia trang giấy, thao tác giống như đang xóa hết các chữ trên đó. Trong quá trình di chuyển tay, từ từ kéo bàn tay di chuyển dọc xuống phía dưới trang.
Một yếu tố khác giúp gia tăng tốc độ đọc là kỹ thuật sang trang khi đọc. Nếu lật trang đúng cách, mắt sẽ không bị gián đoạn trong quá trình đọc, nhờ đó trí não cũng tránh bị phân tâm.
Hãy thử dành vài giây để tính toán thời gian chúng ta dùng cho việc sang trang. Với một người đọc chậm, thời gian dành cho việc lật trang chẳng đáng là bao, thường khoảng 3 giây, nhưng nó ảnh hưởng tới tốc độ đọc khá lớn.
Khi sang trang, mắt của bạn sẽ tìm kiếm vị trí của số trang để chắc chắn mình đọc đúng trang. Quá trình này mất khoảng 3 giây. Sau đó, mắt phải quét để xác định dòng đầu trang, mất 3 giây nữa. Tổng cộng thời gian thừa là 3+3+3 = 9 giây. Trong 9 giây ấy, trí não dường như không làm gì nên rất dễ bị “dụ dỗ”. Nó tiêu thêm của bạn ít nhất 10 giây nữa để chú tâm trở lại. Như vậy, một cuốn sách dày 300 trang sẽ ngốn mất 2850 giây = 47,5 phút cho việc đọc. Quả là phí phạm!
Con số 47,5 phút với một người đọc theo hàng hiệu quả là đủ để đọc hoàn chỉnh một tác phẩm cỡ Truyện Kiều của Nguyễn Du (3254 câu thơ lục bát – 22778 từ.)
Bạn hãy sử dụng bàn tay phải để làm đường dẫn cho mắt, đồng thời làm tín hiệu để sang trang. Sử dụng ngón cái và ngón trỏ (hoặc ngón giữa) của bàn tay trái để lật trang. Khi ngón trỏ bàn tay phải di chuyển đến khoảng 2, 3 dòng cuối cùng trang giấy bên phải, tay trái bắt đầu khẽ lật nhẹ góc trên của trang giấy lên, khi sang trang mới, tay phải phải đặt ngay trở lại vị trí đầu trang.
Minh họa cách lật trang
Chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản này, bạn sẽ tăng tốc độ đọc của mình từ 240 từ/phút lên khoảng 288 từ/phút. Và nếu kết hợp luyện tập các bài tập phía dưới, bạn dễ dàng gia tăng tốc độ đọc lên cao hơn nữa.
Bạn ngồi vào bàn trong tư thế thoải mái và để cuốn sách xuống bàn trước mặt, nhưng ở một góc hơi cao hơn so với mặt bàn.
Đặt bàn tay phải hoặc trái lên trang sách để làm vật dẫn cho mắt. Chú ý đặt ngón trỏ và ngón út hướng về hai bên lề phải và trái, ngón giữa đặt ở giữa trang và các ngón hơi tách nhau.
Từ từ di chuyển tay từ đầu đến cuối trang giấy, tay vẫn đặt nhẹ lên trang giấy và vị trí các ngón vẫn như lúc đầu. Khi bắt đầu di chuyển, kết hợp đếm đều đặn (xem hình vẽ) “1 – 2 – 3 – 4 – 5”, mỗi số đếm là một giây. Khi đếm đến 5 (sau 5 giây), tay bạn đã phải tới cuối trang. Sau đó, đưa tay trở lại vị trí ban đầu, bắt đầu đếm và thao tác như lần 1. Tiếp tục lặp lại như đã hướng dẫn.
Bạn hãy tập đi tập lại động tác nay cho đến khi nhịp đếm của bạn đều đặn. Sau đó bạn hãy thay đổi vận tốc như sau (mỗi lần thực hiện 10 lần): Đếm đến 6. Đếm đến 3. Đếm đến 4. Đếm đến 2.
Bạn phải nhớ luôn giữ tốc độ đếm của bạn đều đặn và nhịp nhàng – không quá chậm, cũng không quá nhanh. Tốt nhất là bạn hãy tập với một đồng hồ có kim giây.
Đặt bàn tay điều khiển như bài tập 1
Bằng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay kia, bạn hãy nâng góc trên bên phải của trang giấy lên (như hình minh họa cách lật trang). Cứ giữ nguyên vị trí tay như thế khi tay kia di chuyển xuống trang giấy và đếm “1 – 2 – 3 – 4 – 5”. Khi đếm đến 5, hãy nhanh chóng, nhẹ nhàng lật sang trang và tiếp tục thao tác với bàn tay điều khiển đặt ở trang mới. Khi bắt đầu đi xuống mỗi trang bên phải, bạn hãy nâng góc trên bên phải lên để sẵn sàng lật. Khi di chuyển từ trang này sang trang kia thì không được ngắt quãng đếm. Bạn phải duy trì một sự đều đặn “…1 – 2 – 3 – 4 – 5”– lật sang trang mới – “…1 – 2 – 3 – 4 – 5”– lên đầu dòng trang kế – “…1 – 2 – 3 – 4 – 5”– lật sang trang mới – vân vân…”
Bạn hãy thực hành với bất cứ cuốn sách nào và tập di chuyển hết khoảng 100 trang, đếm “…1 – 2 – 3 – 4 – 5” lật sang trang nhẹ nhàng như đã chỉ. Hiện tại chưa cần quan tâm đến việc đọc, chỉ cần nhuần nhuyễn đếm, linh hoạt động tác và gia tăng tốc độ cho bàn tay điều khiển và lật trang.
Thay đổi tốc độ luyện tập như sau:
Di chuyển hết 100 trang, đếm đến 6.
Di chuyển hết 100 trang, đếm đến 3.
Di chuyển hết 100 trang, đếm đến 2.
Di chuyển hết 100 trang, đếm đến 4
Hãy luyện tập hai bài tập này nhiều lần với những cuốn sách và tạp chí có kích cỡ khác nhau. Nếu một trang có từ hai cột chữ trở lên thì bạn cần tập di chuyển bàn tay điều khiển xuống theo từng cột cho tới khi hết trang rồi mới lật sang trang mới.
Luyện tập sự phối hợp nhịp nhàng của hai tay và mắt trong mở rộng tầm nhìn
Đặt ngón trỏ hoặc ngón giữa của hai bàn tay lên hai lề của trang sách. Bạn cũng có thể sử dụng bút thay thế cho ngón tay của mình. Di chuyển đồng thời hai tay dọc theo trang giấy, mắt quét các thông tin ở giữa. Bắt đầu với tốc độ chậm để cho mắt kịp di chuyển theo hai tay. Sau đó, tăng dần tốc độ luyện tập.
4. Lựa chọn phương pháp đọc phù hợp
Nếu bạn tự hỏi: “Làm thế nào để biết sau khi ứng dụng những bài tập kỹ thuật kia mình có lĩnh hội được nội dung đã đọc?”
Đáp án là: Bạn hoàn toàn biết được điều này.
Khi đọc với tốc độ nhanh, bạn sẽ lĩnh hội được nhiều, thậm chí còn tốt hơn khi tốc độ đọc với tốc độ bình thường.
Điều quan trọng là bạn phải xác định mình cần nội dung và kiến thức gì, chứ không phải là tham vọng hiểu rõ từng từ.
Nhiều bạn khi sử dụng các kỹ thuật đọc nhanh cảm thấy bất an vì đã không đọc tất cả. Lo lắng đó chỉ là thừa! Nó còn gây ra nhiều tiêu cực cho trí não của bạn. Muốn thành tay đua trong việc đọc, đầu tiên bạn cần loại bỏ những lo lắng “phi thực tế” ấy.
Người đọc thành công là người đọc chủ động. Hãy luôn đặt ra trong đầu mình những câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Bao lâu? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào?
Xác định rõ mình cần đọc những gì, lượng thời gian đọc, thông tin nhận được từ tài liệu như thế nào để lựa chọn cách thức đọc phù hợp với mục tiêu đã đề ra.
Có bốn cách đọc cơ bản: đọc thường, đọc lướt, đọc quét và đọc nhanh hiểu kỹ. (Mỗi cách đọc sẽ được chúng tôi trình bày kỹ ở các phần sau.)
Nếu sử dụng được tất cả những cách đọc này bạn sẽ có lợi thế lớn khi xử lý từng loại tư liệu khác nhau.
Mục tiêu của chúng ta khi đọc xong cuốn sách này là đạt tối thiểu mức 500 tmp. Đó là một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chưa đạt được ngay mục tiêu này thì cũng không có gì đáng lo lắng. Bởi vì mức độ tiến bộ của mỗi người là khác nhau, có người đạt được mục tiêu này sau vài giờ nhưng có người cần đến vài tuần. Nhanh hay chậm phụ thuộc vào điểm xuất phát của mỗi người. Sức mạnh nằm ở lòng kiên trì và quyết tâm khắc phục nhược điểm của chính bạn mà thôi.
5. Cách đọc thầm hiệu quả
Khi mới làm quen với mặt chữ, thầy cô thường dạy chúng ta đọc theo phương pháp nghe – nhìn – nói. Rồi chúng ta được rèn luyện một phương pháp cao hơn là đọc thầm trong đầu. Đó là cách đọc bằng mắt, dõi theo câu chữ chứ không phải nghêu ngao thật to.
Một số tài liệu cho rằng đọc thầm là nguyên nhân gây cản trở tốc độ đọc của chúng ta. Nhưng thực ra đọc thầm không làm giảm tốc độ đọc nhiều như mọi người thường nghĩ. Bộ não của chúng ta có thể đạt đến tốc độ 2000 tmp. Vì thế, hãy tìm cách sử dụng phương pháp này để đạt đến tốc độ đó.
Rất ít người đạt đến tốc độ trên nhưng nhiều người dễ dàng nhận ra đọc thầm giúp giảm thiểu sự phân tâm. Khi đọc thầm bạn không bị “quấy rầy” vì những tiếng động do mình phát âm gây ra. Bởi vậy, thay vì cố loại bỏ thói quen đọc thầm, bạn hãy tìm cách vận dụng nó hiệu quả.
Để đọc thầm hiệu quả, bạn nên kết hợp đọc với tưởng tượng. Tưởng tượng không chỉ diễn ra khi chúng ta đọc các tác phẩm như tiểu thuyết, truyện ngắn,... mà ngay cả khi đọc các tác phẩm chính trị, khoa học tự nhiên. Nhờ tưởng tượng, những thông tin trong tài liệu sẽ được bộ não ghi nhớ dễ dàng hơn.
6. Đọc dò và đọc lướt theo mục đích
Đọc dò
Mặc dù trường học không dạy bạn kỹ năng đọc dò nhưng hầu hết chúng ta đều từng sử dụng phương pháp đọc này. Thế nhưng sử dụng nó thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Đọc dò là cách đọc nhanh để tìm ra thông tin cụ thể trong toàn bộ dữ liệu. Khi đọc dò, mắt quét qua văn bản để tìm kiếm những thông tin đang cần.
Cách thức này thường được sử dụng khi chúng ta muốn tra từ điển, tìm kiếm tên/số trong danh bạ điện thoại. Bạn tìm kiếm một tên/từ/con số đặc biệt cụ thể... nhưng bạn phải quan sát hết tất cả các tên/từ/con số để lọc ra thông tin mà mình cần tìm kiếm.
Tuy nhiên khác với cách đọc theo hàng, trí não bạn điều khiển mắt lựa chọn những thông tin khớp với hình ảnh được mặc định trước đó. Vì thế đôi mắt bạn cần thực sự linh hoạt để có thể “chụp bắt” ngay lập tức thông tin cần thiết.
Đọc dò là sự tổng hợp của nhiều quá trình khác nhau nhưng áp dụng nó không có gì khó khăn.
Trước hết, bạn chỉ cần xác định bố cục tài liệu đang đọc. Bước này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian, hạn chế thời gian vô ích cho việc “mò mẫm” tìm kiếm trong cả rừng từ ngữ không cần thiết.
Khi bắt đầu đọc, hãy dò tìm các phần nội dung có liên quan, định sẵn những từ, cụm từ chứa thông tin mình cần và lướt mắt thật nhanh trên trang giấy. Để quá trình đọc có hiệu quả, bạn hãy để mắt quét dọc theo văn bản thay vì quét ngang từng dòng nhằm tìm kiếm thông tin cần thiết.
Đọc lướt
Đọc lướt là cấp độ cao hơn đọc dò. Đồng thời nó cũng là tiền đề giúp gia tăng hiệu quả cho đọc dò.
Đọc lướt là cách đọc để lấy nội dung khái quát hoặc xem trước một lượt, như đọc báo. Khi đọc lướt, mắt bạn bao quát những phần đã chọn để có cái nhìn tổng quan về tài liệu đó.
Bản chất của đọc lướt đơn giản chỉ là đọc theo hàng có chọn lọc. Nói cách khác, nó được thực hiện trên cơ sở đọc từ nối tiếp từ, dòng nối tiếp dòng, nhưng không đọc từng chữ.
Mục đích của đọc lướt là tìm ra nội dung chủ điểm, xen lẫn giữa những thông tin hỗ trợ trong tài liệu. Chỉ bằng cách nhìn lướt qua, bạn đã nhanh chóng lựa chọn, xác định được đâu là phân đoạn, cụm từ quan trọng.
Một cách hình tượng, nếu ví các từ, cụm từ trong văn bản là gạch và vữa thì đọc lướt sẽ giúp người đọc sắp xếp và kết dính gạch với vữa hình thành ngôi nhà tri thức.
Như vậy, xét về cách thức xử lý thông tin của não thì đọc dò và đọc lướt là hai quá trình ngược chiều nhau. Đọc dò là “dò tìm” để phát hiện thông tin chi tiết mà não đã yêu cầu trước đó. Trong khi đó, đọc lướt là “quét” toàn bộ tài liệu để não tổng hợp thành thông tin chi tiết hay có cái nhìn tổng thể về cấu trúc nội dung tài liệu.
7. Đọc trực quan – nghệ thuật đọc nhanh hiểu kỹ
Trong bảng cấp độ đọc, đọc trực quan là cấp độ cuối cùng trong các cách đọc. Đó là cách đọc toàn bộ tài liệu với tốc độ nhanh mà vẫn hiểu kỹ.
Đọc trực quan là sự tổng hợp kết quả của các quá trình luyện tập từ thấp lên cao. Người sử dụng đọc trực quan đọc theo nhóm từ và vượt xa các cách đọc truyền thống. Thứ tự đọc không chỉ là từ trái qua phải, mà còn từ phải qua trái và thẳng đứng theo hướng từ trên xuống dưới.
Đọc ngược với thói quen đọc từ trái qua phải và thẳng từ trên xuống dưới là một điều khó tin với nhiều người nhưng thật ra, nguyên lý hoạt động của nó không có gì khác so với cách đọc truyền thống. Nó dựa trên những tiền đề căn bản của bốn nguyên lý tâm lý: Đoán ra hết, Hiểu với tốc độ nhanh, Ghi nhớ và Tái hiện chính xác!
Với những kinh nghiệm và tri thức được tích lũy, bộ não con người có khả năng bù đắp đầy đủ thông tin cho những hình ảnh, con chữ bị thiếu hụt.
Ví dụ như khi đọc cụm từ bị lỗi đến 25%: B-n T-yên Ng^n Đ^c L^p (Bản tuyên ngôn độc lập), bạn vẫn dễ dàng đoán định nội dung đầy đủ và chính xác của nó.
Việc nhìn chữ đoán nghĩa giúp não vẫn chạy kịp sự “thần tốc” của mắt theo đường dẫn của bàn tay, đặc biệt là theo hướng thẳng từ trên xuống.
Tốc độ hiểu nhanh, đoán chuẩn giúp cho bạn đọc “ngược” dễ dàng như đọc “xuôi” nhưng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.
Đọc xuôi và đọc ngược cơ bản là giống nhau vì đều là cách đọc theo nhóm từ. Chỉ khác là khi đọc ngược, bộ não không được thoải mái như đọc xuôi vì phải kiêm thêm nhiệm vụ sắp xếp các cụm từ theo trật tự để tạo thành ý nghĩa chung nhất. Nhưng đọc ngược sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian mắt di chuyển về đầu dòng như cách đọc thông thường, giúp bạn gia tăng đáng kể tốc độ đọc.
Dù cho đọc nhanh hiểu kỹ là cấp độ đọc hiệu quả nhất nhưng không vì vậy mà bạn “đốt cháy” giai đoạn như nhiều người đã làm. Ngay trong giai đoạn đầu đã ép buộc bản thân tập luyện với tốc độ 2000 từ/phút, bạn sẽ không thu được tiến bộ nào mà trái lại, còn dễ khiến bạn bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Vì vậy ngoài việc rèn luyện điều khiển mắt và tay – cơ sở quan trọng cho đọc nhanh, bạn cũng nên nhuần nhuyễn những kỹ năng bổ sung để đọc trực quan đạt hiệu quả tối ưu.
Hiểu theo ngữ cảnh
Khi đọc một tài liệu, bạn phải tự nhắc mình là không phải lúc nào ý nghĩa của cả đoạn văn bản cũng giống như ý nghĩa của từng cụm từ riêng biệt. Đó chính là “ý tại ngôn ngoại” thường gặp trong các văn bản thiên về lĩnh vực khoa học xã hội.
Trong những văn bản này có những đoạn, phân đoạn hay câu, cụm từ nếu đặt vào ngữ cảnh cụ thể lại mang ý nghĩa khác so với khi đặt riêng biệt chúng. Đó là vì trong tiếng Việt có nhiều từ đồng âm, từ đa nghĩa. Có những từ sử dụng các phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ… để tăng thêm hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm.
Chính vì vậy, muốn hiểu đúng nghĩa của văn bản, bạn không chỉ cần bám sát nội dung của từng cụm từ, phân đoạn mà cần tinh ý hiểu được những ẩn ý, triết lý bên trong được tác giả gửi gắm.
Bạn sẽ nắm bắt được nghĩa thật sự của văn bản khi biết liên kết phần đang đọc với những phần trước đó và đặt chúng vào đúng ngữ cảnh.
Hiểu chủ đề
Mỗi tài liệu thường có một chủ đề chính và nhiều chủ đề phụ xoay quanh bổ sung ý nghĩa. Nếu sớm xác định và hiểu rõ các chủ đề, bộ não sẽ định hình được thông tin, mục đích đọc của chúng ta.
Khi nắm rõ chủ đề, bạn cũng sẽ xác định được nội dung chi tiết tốt hơn. Nếu chưa tìm hiểu rõ chủ đề tài liệu đã vội đi vào nội dung, bạn cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn trong quá trình đọc.
Câu, cụm từ chủ đề
Câu chủ đề là “bộ mặt”, là thành tố quan trọng giúp bạn hiểu rõ chủ đề và nội dung của các phân đoạn, một chương hay thậm chí là của toàn bộ tài liệu.
Câu chủ đề trong tài liệu giống như chiếc vỏ hộp bánh. Vỏ hộp sẽ cung cấp cho người sử dụng biết thông tin về loại bánh, hình thù, màu sắc, cả thành phần dinh dưỡng và tác dụng của chúng. Qua đó, người tiêu dùng sẽ có cái nhìn tổng quan về sản phẩm, phân biệt nó với các sản phẩm khác, sau đó mới thưởng thức, cảm nhận sản phẩm.
Trong quá trình đọc tài liệu, thông thường người đọc sẽ tiếp xúc với câu chủ đề trước tiên rồi mới đến những nội dung chi tiết.
Dễ thấy nhất là tên tài liệu. Đó là câu chủ đề tổng thể của tài liệu. Sách “Luyện trí nhớ” hiển nhiên nội dung sẽ khác với sách “Luyện đọc nhanh”. Chỉ cần nhìn vào tên cuốn sách, người đọc sẽ biết cuốn sách ấy viết gì.
Câu chủ đề nhỏ hơn là tên chương, tên các đề mục, tiêu mục, hay câu văn thường nằm ở đầu hoặc cuối mỗi đoạn văn.
Phát hiện câu chủ đề
Chủ đề là đề tài được chọn làm nội dung chủ yếu. Cụ thể hơn, chủ đề là những câu, cụm từ chứa ý chính của các đoạn, phân đoạn.
Để nhận biết được câu chủ đề, bạn phải dựa trên cấu trúc, đặc điểm của tài liệu, cũng như các đoạn, phân đoạn. Điều đó sẽ giúp bạn nâng cao khả năng nhận biết và đánh giá toàn bộ thông tin tiếp nhận được từ tài liệu.
Thông thường, các tài liệu thường chứa đựng ba dạng cấu trúc đoạn dưới đây. Thông qua việc phân tích đoạn, bạn sẽ tìm thấy câu chủ đề cần thiết – “chìa khóa” để hiểu rõ nội dung toàn bộ tài liệu:
Giải thích: Đây là những đoạn nhằm mục đích giải thích khái niệm hay quan điểm cụ thể. Thông thường bạn dễ dàng nhận biết và hiểu rõ về nội dung của các đoạn dạng này. Hai câu đầu tiên của đoạn chính là câu chủ đề mà bạn cần chú ý, hai câu cuối là kết quả hoặc kết luận, còn phần giữa là nội dung giải thích chi tiết.
Miêu tả: Kiểu đoạn này thường có chức năng tạo dựng bối cảnh hay mở rộng bổ sung các ý đã được giới thiệu trong phần trước để chúng hoàn thiện hơn.
Liên kết: Chức năng của những đoạn thuộc dạng này là liên kết các đoạn với nhau. Chính vì vậy, đoạn nối thường chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, cả nội dung tóm tắt của phần trước và phần tiếp theo.
Như vậy câu chủ đề thường chỉ xuất hiện trong những đoạn giải thích. Nhiệm vụ của bạn khi đọc là nhanh chóng nhận ra đoạn giải thích đó và tìm ngay câu chủ đề của nó.
Thử làm tác giả
Khi đọc hãy thử đặt mình vào vị trí của tác giả. Hãy tưởng tượng, nếu bạn là tác giả, bạn sẽ lựa chọn ngôn từ thế nào, trình bày các ý tưởng ra sao. Bạn sẽ tập trung vào phần nào trong bài viết, ý tưởng chính của tác phẩm là gì. Liệu những ngôn từ, cách diễn đạt này người đọc có hiểu một cách dễ dàng hay không,v.v.
Bạn cũng cần tâm niệm rằng đọc sách không phải là quá trình một chiều mà là quá trình tương tác giữa hai hay nhiều chiều, giữa bộ óc của người đọc với bộ óc của tác giả. Vì thế hãy sử dụng tư duy phản biện khi đọc sách hay làm bất kỳ điều gì.
Mạnh dạn ghi ra những nhận xét, câu hỏi, đánh giá của bạn vào tờ giấy hoặc bên lề cuốn sách. Đôi khi hãy thử đưa ra phán đoán cho nội dung tiếp theo của cuốn sách và giả định “cách thức giải quyết” vấn đề của tác giả.
Bằng cách chuyển đổi từ vai trò độc giả sang vai trò người sáng tác, Ngọc đã biến quá trình đọc sách thành quá trình viết sách và quan trọng hơn, cô đã cảm nhận được cái hay trong nội dung và văn phong của tài liệu đang đọc.
Tìm ý khái quát
Dù biết tìm ra câu chủ đề sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn nhưng không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng làm được việc đó.
Chẳng hạn, bạn cần đọc một vài chương trong tài liệu để chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai. Vị cứu tinh duy nhất lúc này của bạn là kỹ năng đọc nhanh. Thế nhưng thật không may, phần bạn đọc không có đoạn nào viết dưới dạng giải thích cả. Có nghĩa là những thao tác đi tìm câu chủ đề không có cơ hội phát huy tác dụng.
Bạn hãy nhanh chóng chuyển thao tác tìm chủ đề thành tìm ra ý khái quát trong từng phân đoạn mình đọc. Để đạt hiệu quả đọc hiểu cao hơn nữa, bạn nên đặt mình vào vị trí của tác giả.
Thậm chí, bạn còn nhận ra mình biết nhiều hơn so với những gì mình nghĩ. Trước khi đọc, bạn chỉ cần lắp ghép từng mảnh kiến thức phân tán của mình thành một bức tranh hoàn chỉnh nhất, từ đó sử dụng chúng để tạo mối liên kết với những nội dung chuẩn bị đọc. Ý khái quát của đoạn văn bản cũng bởi thế mà hiện ra rất cụ thể.
Một mảnh giấy hoặc bìa cứng để che các dòng chữ, một cây bút chì hoặc bút mực để thay thế ngón tay khi di chuyển.
Hướng dẫn:
Che toàn bộ các dòng chữ để mắt không nhìn thấy chúng.
8. Đọc và ghi chú
Ghi chú là công việc quen thuộc khi bạn muốn lưu lại thông tin cần nhớ. Bạn có thể ghi chú ở bất cứ đâu, vào sách, vở, giấy nhớ, điện thoại di động, máy vi tính...
Ghi chú sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi bạn kết hợp với trí tưởng tượng. Các nghiên cứu cho thấy trí tưởng tượng và sự khôi hài giúp chúng ta “khóa” thông tin quan trọng cần ghi nhớ vào nơi chúng ta không thể quên.
Thế nhưng không phải thích ghi chú thế nào cũng được. Điều quan trọng là bạn phải xác định mình muốn ghi chú nội dung gì, với mục đích gì sao cho hiệu quả. Có được phương pháp ghi chú hiệu quả, bạn sẽ tiết kiệm thời gian và công sức khi cần sắp xếp thông tin và nhớ lại chúng khi cần.
Ghi chú theo từ khóa
Ghi chú thường đi kèm với việc đọc. Nhưng bạn không thể cùng một lúc vừa tập trung vào việc đọc vừa tập trung vào việc ghi chú.
Mục tiêu ghi chú của bạn là để giúp trí não thu thập được những thông tin hiệu quả nhất. Vì thế ghi chú chỉ là một phương thức hỗ trợ cho quá trình học tập và công việc.
Do đó, bạn nên tránh lỗi chỉ chăm chăm vào ghi chú. Nếu dành quá nhiều tập trung cho việc này, trí óc bạn không còn thời gian để phân tích, đánh giá, nhận xét nội dung tài liệu một cách khách quan.
Việc quá “chăm chỉ” ghi chú sẽ khiến cho cuốn sổ ghi chép của bạn không khác gì tài liệu đồ sộ đang phải đọc. Thay vì nghiên cứu tài liệu, bạn đã chuyển sang nghiên cứu sổ tay của mình và phải ghi chú lại khi cần ôn tập.
Cách tối ưu là bạn nên ghi chú những ý chính hoặc điểm quan trọng khi đọc. Lựa chọn những từ khóa, từ viết tắt, thay thế để đơn giản hóa nội dung và đảm bảo độ súc tích thông tin.
Xác định từ khóa là bước đơn giản để gia tăng tốc độ đọc. Bạn chỉ cần viết chúng vào sổ tay là có thể bao quát được thông tin và thuận tiện sử dụng sau này.
Chẳng hạn, bạn đang đọc tài liệu môn Vật lý: “Theo các phép đo đạc của các nhà khoa học, vận tốc ánh sáng lan truyền trong không gian bằng 299 792 458 m/giây”. Khi ghi chú, bạn chỉ cần tóm tắt thành vận tốc ánh sáng = 299 792 458 m/giây.
Để thu gọn hơn nữa, bạn nên sử dụng các từ viết tắt, từ thay thế để ghi chú. Bạn biết rằng vận tốc ánh sáng ký hiệu là c. Bản ghi chú đơn giản thành c = 299 792 458 m/s.
Bạn không nhất thiết phải chọn lựa bằng được những từ khóa có sẵn trong tài liệu. Bạn hoàn toàn có thể tự tạo cho mình những từ viết tắt, từ khóa riêng. Chúng sẽ rất hữu ích với quá trình ghi nhớ thông tin của bạn.
Bạn nên ưu tiên lựa chọn những từ, cụm từ, các câu gây ấn tượng mạnh hay mang màu sắc hài hước, dí dỏm. Bạn sẽ hứng thú và nhớ chúng lâu hơn nhiều.
Ghi chú mở rộng
Phương pháp ghi chú theo từ khóa tuy hữu ích nhưng chưa phải là cách thức hữu hiệu nhất trong việc ghi chú. Vì nó chỉ tận dụng được một phần vỏ não trái của bạn. Hãy tạo cơ hội làm việc công bằng cho những phần não khác. Bạn sẽ nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và tạo các mối liên hệ trong tư duy để hiểu và nhớ tốt hơn.
Đầu tiên hãy ghi những nhận xét, đánh giá, ý tưởng và cả thắc mắc khi bạn đọc. Đây là phương pháp kết hợp giữa tư duy nhận thức và tư duy tiềm thức. Tư duy nhận thức ghi chép những gì bạn đọc được, tư duy tiềm thức đánh giá các thông tin để bạn tiếp nhận chủ động.
Bạn nên chia trang giấy ghi chép của mình thành hai phần. 2/3 diện tích dành cho tư duy nhận thức, phần còn lại cho tư duy tiềm thức. Phần bên trái dành cho thông tin cô đọng trong tài liệu bao gồm các con số, khái niệm, thuật ngữ… phần bên phải là những nhận định, đánh giá, các ý tưởng, thắc mắc về nội dung bên trái.
Những ghi chú phần bên phải không nhất thiết phải chuẩn tắc. Chúng có thể là những cảm xúc, suy nghĩ bất chợt nảy ra trong trí não và nhiệm vụ của bạn là thể hiện chúng ra giấy.
Một phương pháp khác được xem là hiệu quả nhất trong việc ghi chép chính là lập bản đồ tư duy như cách của Tony Buzan. Đây là phương pháp dựa trên sự làm việc “ăn ý” giữa hai bán cầu não.
Những hình ảnh trực quan và những hình vẽ đồ thị trong bản đồ tư duy sẽ phát huy điểm mạnh nhất trong bộ não con người – khả năng xử lý hình ảnh chính xác và nhanh chóng.
Ghi chú theo bản đồ tư duy là cách chuyển những thông tin chúng ta muốn nhớ từ dạng từ ngữ, bảng liệt kê đơn điệu sang dạng hình ảnh kết hợp nhuần nhuyễn với các từ khóa. Trong bản ghi chú, hình ảnh và các nhánh kết hợp với nhau để đưa thông tin vào trí nhớ của bạn nhanh nhất và ở lại với bạn lâu nhất.
Để ghi chú không làm gián đoạn nhiều đến việc đọc, ở bước chuẩn bị, bạn nên lập một sơ đồ tư duy những thông tin bạn muốn thu nhận từ tài liệu đó. Sau đó, trong quá trình đọc tài liệu, dựa trên sơ đồ căn bản đó bạn vẽ thêm các nhánh với thông tin và hình ảnh mới.
Nếu chăm chỉ luyện tập các kỹ thuật ghi chú theo bản đồ tư duy, bạn có thể tiết kiệm được nhiều thời gian tiêu tốn cho các bước đọc và ghi chú theo thói quen hiện tại.
9. Đọc và ôn lại
Đọc và ôn lại là khi trí não của bạn lục tìm những thông tin đã có để so sánh, xác nhận với những thông tin đang đọc.
Việc so sánh, xác nhận này giúp bạn gia tăng sự hiểu biết, làm cho thông tin lưu trữ trong bộ não trở nên hoàn thiện, rõ ràng và chính xác hơn.
Tái hiện
Khả năng nắm bắt thông tin và ghi nhận để tái hiện là hai phạm trù có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nắm bắt thông tin đơn giản chỉ là hiểu điều đang đọc, còn tái hiện lại diễn ra sau đó, dưới tác động của các yếu tố kích thích.
Hiểu là một chuyện, còn tái hiện thông tin là một chuyện khác. Thực tế thì việc tái hiện thông tin thường khó khăn vì trí não phải xác định liệu thông tin đó đã được thu nhận trước đó hay chưa để có thể “lục tìm”. Tái hiện thường dưới dạng xác định tính chính xác của thông tin. Vì thế, càng hiểu nội dung sâu sắc càng tạo cơ sở để việc tái hiện rõ ràng và bao quát. Thông tin tái hiện càng rõ ràng thì việc thu nhận thông tin mới càng dễ dàng.
Để giúp quá trình đọc hiểu diễn ra thuận lợi, bạn nên thường xuyên dành thời gian cho luyện tập nhớ và tái hiện những thông tin vừa đọc.
Hãy áp dụng những kỹ thuật ghi chú vừa rèn luyện vào kỹ năng này. Trong quá trình đọc một đoạn văn bản, hãy vẽ một mô hình xương cá trên giấy. Ngay khi đọc xong, sử dụng mô hình xương cá này để tái hiện lại những gì vừa đọc mà không cần nhìn lại văn bản.
Trên mô hình xương cá, lần lượt gắn các từ ngữ lên mỗi nhánh. Bạn không cần quá quan tâm đến thứ tự của các từ viết ra. Nhưng hãy cố gắng sắp xếp chúng vào nhánh theo tầm quan trọng của thông tin và càng tiết kiệm từ càng tốt.
Cách tốt nhất là sử dụng những từ, cụm từ khóa, viết tắt hay hình ảnh trong sổ ghi chú của bạn để đưa vào các nhánh xương cá. Nhớ là bạn không được nhìn vào sổ ghi chú mà phải tự mình nhớ lại các từ ngữ, hình ảnh trong đó đấy.
Khi hoàn thành mô hình hãy đối sánh với văn bản gốc để bổ sung và xác định khả năng ghi nhớ của mình. Sự luyện tập cẩn thận và thường xuyên sẽ cho bạn hiệu quả đọc cao.
Ôn lại
Bộ não con người thông thường ghi nhớ được gần như trọn vẹn lượng thông tin vừa tiếp xúc. Theo thời gian, lượng thông tin ấy sẽ bị “hao hụt” dần cả về số lượng lẫn chất lượng nếu không được quan tâm đúng mức.
Chính vì vậy, thường xuyên “chăm sóc”, “bảo quản” những thông tin, kiến thức cũ được lưu giữ trong trí não không bao giờ là thừa. Chúng sẽ luôn tươi mới và dễ dàng đem ra sử dụng khi cần.
Khi đọc xong, bạn đừng vội gấp sách vở, hãy dành một vài phút để quan sát lại chúng một lần nữa hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phần ghi chú được hoàn chỉnh hơn. Bạn sẽ tổng hợp sắp xếp lại các kiến thức, thông tin đã thu nhận được và tạo mối liên kết giữa các kiến thức đã đọc.
Song song với việc đó, bạn nên định kỳ kiểm tra và ghi chú lại. Tùy theo tầm quan trọng mà tần suất kiểm tra là một ngày, một tuần, một tháng thậm chí là bốn, sáu tháng sau đó.
Việc đọc lại này có hai tác dụng rất dễ thấy: giúp bạn nhớ lại những thông tin đã được thu nhận và trả lời những câu hỏi bạn chưa trả lời được, đọc đồng thời bổ sung, chỉnh sửa hoặc loại bỏ một số thông tin không cần thiết. Nhờ đó, thông tin liên tục được cập nhật và làm mới.
Nhưng chỉ đọc thôi không đủ. Mục đích của việc đọc là để tiếp thu những điều hữu ích và ứng dụng nó vào cuộc sống. Vì thế đừng quên dành thời gian để “phù phép” biến những gì mình đã đọc thành kết quả thực tế.
Sau khi đọc xong một tài liệu, hãy đặt ra cho mình những “nhiệm vụ” để thực hành những kiến thức vừa đọc. Đó cũng là cách để bạn học thêm nhiều điều mới, mà vẫn không ngừng ôn luyện lại những kiến thức bổ ích đã có trước đó. Chắc chắn bạn sẽ “đọc” thêm được nhiều điều ngoài cuộc sống đấy.
10. Đọc đa dạng tài liệu
Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều loại tài liệu khác nhau: Sách, báo, tạp chí, e-mail, các trang mạng xã hội (blog, facebook, twitter…) khiến chúng ta dễ rơi vào tình trạng bội thực thông tin.
Để tránh hiện tượng “bão hòa” thông tin, bạn cần phân loại ưu tiên những tài liệu quan trọng nào nên đọc trước. Nguyên lý 80/20 khẳng định 80% kiến thức và kỹ năng quan trọng đến từ 20% tài liệu bạn đọc được. 20% này là liều lượng hiệu quả tối thiểu (MED) giúp bạn đạt được điều bạn muốn.
Nghiên cứu tài liệu khoa học
Tài liệu khoa học là những văn bản chính thống đúc rút tinh hoa kiến thức của nhân loại của các bậc tiền bối truyền đạt và chia sẻ cho những người đi sau. Vì thế, đây là tài liệu không thể thiếu nếu bạn muốn làm giàu kiến thức của mình.
Đọc chăm chỉ có vẻ như không tỷ lệ thuận với hiệu quả tiếp nhận, thậm chí còn làm bạn mất thời gian vô ích. Bạn rất cần một cách thức riêng để đọc chúng.
Bước đầu tiên vẫn là tập trung bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự ngồi đọc từng chi tiết.
Xem tựa đề bài đọc, các tiêu đề lớn nhỏ, những chỗ đánh dấu, in nghiêng hoặc in đậm và phần mục lục. Xác định nội dung bài đọc, kiến thức bạn có về nội dung đó. Kế tiếp, xem qua đoạn đầu và đoạn cuối, lướt nhanh những câu đầu của từng đoạn trong bài. Đọc phần tóm tắt ở cuối mỗi chương cùng những thuật ngữ quan trọng. Bạn cũng nên chú ý đến những hình vẽ, hình minh họa, đồ thị hay biểu đồ.
Trong lần đọc đầu tiên, chưa cần chú trọng ghi chú mà nên tập trung vào nội dung. Bởi ghi chú lúc này chỉ đơn giản là chép một cách máy móc các thông tin bạn chưa hiểu thấu đáo mà thôi. Hãy đọc lướt qua toàn bộ cuốn sách, đừng dừng lại vì những gì bạn chưa kịp nắm bắt. Thông thường, dù cố gắng đến mấy bạn cũng khó lòng giải đáp được những nút thắt đó ngay trong lần đọc đầu tiên. Hãy để chúng cho lần đọc sau.
Sau khi đọc “thô”, bạn chuyển sang quá trình đọc “tinh”. Hãy xem việc đọc giống như bạn đang ngắm cảnh. Điều bạn cần quan tâm là vẻ đẹp của thiên nhiên chứ không phải những gì dưới chân. Hãy đọc theo ý, tìm những ý chính và ý phụ trong từng đoạn, phân đoạn. Đâu là luận điểm chính và những dẫn giải, chứng minh cho luận điểm ấy.
Thay đổi tốc độ đọc để thích ứng với độ khó và cách viết của tài liệu. Lướt nhanh qua những phần dễ, phần kiến thức bạn đã biết, đọc chậm lại để nghiền ngẫm, ghi chú những phần khó. Hãy là một thám tử lần tìm những manh mối để hé mở dần cánh cửa tri thức. Bạn cần xây dựng cho mình một hệ thống liên kết các nguồn thông tin khác nhau từ sách vở, trang web, sổ tay… để hỗ trợ cho việc đọc hiểu các chủ đề khó.
Bạn cũng nên đánh dấu và ghi chú lại những nguồn thông tin, tài liệu tham khảo, các trích dẫn được liệt kê trong tài liệu. Có thể chúng sẽ giúp ích cho bạn khi cần hiểu rõ hơn vấn đề và nghiên cứu kỹ càng hơn trong tương lai.
Sau khi đọc xong, bạn cần kiểm tra lại thông tin và lưu tâm tới các ghi chú, những điểm cần tìm hiểu và nghiên cứu. Thử đưa ra những ý kiến phản biện với quan điểm trong tài liệu dù nó thuyết phục tới đâu.
Nếu có thể, hãy tóm lược lại những nội dung chính của tài liệu bằng ngôn ngữ của chính bạn. Đồng thời bổ sung những kiến thức vừa thu nhận vào hệ thống liên kết các nguồn thông tin để sử dụng sau này.
Chọn lọc thông tin trên báo, tạp chí
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, báo, tạp chí cũng được mở rộng, tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau từ báo giấy, báo hình cho đến báo mạng. Mỗi loại sử dụng những chất liệu khác nhau, có những tính chất và đặc thù riêng biệt, nên cũng cần những kỹ năng riêng biệt để nắm bắt các thông tin từ chúng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Báo hình có đặc thù chuyển tải thông điệp qua hình ảnh vì thế hoạt động tiếp nhận nghiêng về xem hơn là đọc. Người theo dõi không có cơ hội lựa chọn nội dung thông tin truyền đạt mà chỉ “thụ động” tiếp nhận các thông tin đúng theo thứ tự của tác giả.
Để việc rèn luyện được hiệu quả, chúng ta thực hành trên hai loại hình còn lại của báo chí.
Báo in
Đọc báo không phải là ngồi xuống và “ngấu nghiến” toàn bộ mươi trang báo có trong tay. Điều quan trọng là bạn cần xác định mục đích đọc. Đọc lướt qua toàn bộ các tiêu đề trong các trang báo. Tùy theo nhu cầu của bản thân mà bạn chọn lựa những bài viết hay đoạn viết có nội dung phù hợp để đọc kỹ.
Bạn cũng nên chú ý tới cách trình bày các trang báo. Thông thường, các tiêu đề bài viết quan trọng thường được làm nổi bật (bằng hình ảnh, màu sắc, kích thước tiêu đề) và có sự phân biệt rõ ràng với những tiêu đề bài viết kém quan trọng hơn. Kinh nghiệm đọc này sẽ giúp xác định được nhanh chóng và chính xác vị trí bài viết cần đọc.
Ngoài ra, cách thức bố trí và khổ giấy các tờ báo chính là công cụ tuyệt vời cho bạn thực hành kỹ năng đọc nhanh. Chiều ngang của các cột chữ hẹp nên bạn đọc dễ dàng và nhanh chóng hơn so với sách. Khi đọc lướt những dòng chữ trong cột hẹp này, bạn có thể đọc được tối đa các từ liên quan.
Không chỉ vậy, với cách chia các bài viết thành nhiều phần (thông thường là hai phần) đặt trong các trang khác nhau, bạn có thể tiết kiệm được thời gian mà vẫn hiểu được toàn bộ nội dung chính của bài viết khi chỉ cần đọc phần đầu (hay cuối) bài báo.
Bạn cũng nên đọc đa dạng các thể loại báo. Điều đó sẽ giúp bạn biết được cách thức trình bày, bố cục bài viết, văn phong, cách nhìn nhận sự việc, hiện tượng của các phóng viên, từ đó hiểu vấn đề một cách bao quát, chính xác hơn.
Đọc báo hay đọc bất cứ điều gì đều phải có tư duy phản biện. Các tin tức được đưa luôn hàm chứa những yếu tố chủ quan và khách quan. Tùy theo quan điểm, cách thức nhìn nhận vấn đề, không gian, thời gian và hoàn cảnh tiếp nhận mà mỗi phóng viên sẽ có cách tường thuật và đánh giá tin tức sự kiện theo những cách khác nhau. Vì vậy, người đọc cần so sánh và xác minh độ chính xác của thông tin trước khi coi chúng là kiến thức chuẩn.
Sử dụng các kỹ thuật đọc lướt, đọc dò và đọc hiểu đã được luyện tập để theo dõi nội dung thông tin bạn cần tìm hiểu.
Nhìn chung, tạp chí có nhiều đặc điểm tương đồng với báo. Khác biệt là ở chỗ tạp chí thường có tính chất chuyên ngành, tập trung vào những bộ phận độc giả riêng. Điều này chi phối đến cấu trúc, bố cục và văn phong của các bài viết trong tạp chí.
Các bài viết trong tạp chí thường đi sâu vào phân tích các vấn đề chuyên sâu hơn so với báo. Dung lượng bài viết thường dài hơn, có nhiều hình ảnh minh họa hơn để làm rõ nội dung. Bài viết được chia thành ba phần: mở bài – thân bài – kết luận khá rành mạch. Các tạp chí thường được phát hành với số lượng ít kỳ hơn rất nhiều so với báo (thông thường dao động trong khoảng 1 đến 8 kỳ/tháng).
Chính vì vậy, ngoài việc áp dụng những kỹ năng đọc báo, bạn còn có thể gia tăng hiệu quả đọc tạp chí bằng cách tập trung hóa. Mỗi tháng hãy dành một khoảng thời gian rảnh cho việc đọc các tạp chí. Đọc lướt qua các bài viết trong tạp chí, lựa chọn những bài viết phù hợp với bạn và đánh dấu chúng lại. Sau khi hoàn thành việc đọc lướt bạn đã có thể bước vào quá trình đọc chi tiết từng bài viết.
Nếu tạp chí là của bạn, hãy cắt những mẩu tin quan trọng, những hình vẽ sơ đồ minh họa để đính kèm vào sổ ghi chú. Sắp xếp chúng thành các mục cho phù hợp để tiện tra cứu sử dụng sau này.
Tiết kiệm tối đa thời gian đọc thư tín
Hàng ngày, nhiều người trong chúng ta nhận được một khối lượng thư từ khá lớn. Để đọc hết, bạn phải tốn lượng thời gian không nhỏ (từ một đến vài giờ đồng hồ).
Thư tín bao gồm các loại giấy tờ như thư tay, tờ rơi quảng cáo, thông tin khuyến mãi, các loại giấy thông báo… cho đến thư tín được số hóa như emai, thông báo trên trang mạng xã hội cá nhân… Sự đa dạng này như một thách thức cho quỹ thời gian hạn hẹp của bạn. Hơn nữa, chúng chứa đựng nhiều mục hay mẩu tin nhỏ, rất khó cho việc đọc nhanh.
Có thể bạn nghĩ rằng những mẩu tin ngắn này đâu nhất thiết phải áp dụng kỹ thuật đọc nhanh làm gì? Chỉ cần vài phút là hoàn thành.
Đó là khi bạn chỉ có một vài lá thư, có hay không áp dụng các kỹ thuật đọc nhanh hầu như không quan trọng. Nhưng nếu công việc của cô lại phải tiếp xúc tới vài chục đến vài trăm tin mỗi ngày thì mọi chuyện lại khác. Đọc tin này nhanh hơn 30 giây, tin kia ít hơn một phút, hẳn sẽ giúp bạn tiết kiệm được không ít thời gian.
Thời gian rất công bằng với tất cả mọi người. Mỗi người có 24 giờ/ngày, sử dụng chúng như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất là “nghệ thuật” của từng người. Nếu biết cách gia tăng tốc độ đọc thư tín, bạn sẽ có thêm thời gian cho công việc khác.
Để tiết kiệm tối đa thời gian đọc thư tín, việc đầu tiên của bạn là lọc thư. Xem lướt qua địa chỉ và tên người gửi, chọn những thư cần thiết để sang một bên, bỏ phần còn lại vào sọt rác. Nếu bạn sử dụng thư điện tử, hãy tận dụng bộ lọc thư của nhà cung cấp dịch vụ. Chúng sẽ giúp bạn loại bỏ hầu hết những thư không quan trọng. Phần còn lại bạn đọc lướt qua địa chỉ và tiêu đề để lọc lại một lần nữa.
Sau khi chọn ra những thư cần đọc, tiếp theo hãy thực hiện quy tắc: “cầm qua mọi thứ chỉ một lần”. Điều này có nghĩa là khi bắt đầu đọc một bức thư, nếu nó chứa thông tin cần thiết, hãy ghi lại quyết định xử lý nó vào nơi dễ thấy. Bạn có thể ghi chú ngay lên trên bức thư đó, nhưng tốt nhất hãy ghi chú vào sổ tay riêng của bạn.
Hãy sử dụng các công cụ đọc nhanh đã được rèn luyện để đọc thư. Chú ý đến nội dung chính, những thông tin quan trọng, khoanh tròn hay đánh dấu những thông tin về ngày tháng, con số, địa chỉ và tên người. Chúng sẽ giúp bạn xác định được mức độ quan trọng và cần thiết trong việc ra quyết định xử lý bức thư.
Phân loại thư theo tầm quan trọng: Số 1 cho những thư cần phải trả lời ngay lập tức, số 2 cho những thư phải trả lời nhưng có thể xử lý sau, số 3 dành cho thư có thể trả lời nếu còn thời gian, số 4 dành cho thư không cần trả lời, số 5 dành cho thông tin thừa có thể bỏ đi.
Trừ loại thư số (5), những loại còn lại bạn có thể phân chia thành các nhóm khác nhau. Duy trì thói quen phân loại này sẽ giúp bạn quản lý được khối lượng thư tín của mình và dễ dàng tìm kiếm thông tin khi cần.
Với các thông tin số hóa, hãy sử dụng các công cụ phân loại của nhà cung cấp mạng. Những thư thuộc nhóm (5) có thể xóa bỏ hoặc chuyển chúng vào hòm thư rác. Những địa chỉ thư được bạn chuyển vào hòm thư rác sẽ không còn xuất hiện trong hòm thư chính của bạn trong lần sau nữa. Với những thư thuộc các phân nhóm còn lại, sử dụng các màu sắc và ký tự để dễ nhận biết và phân loại.
Đôi lúc, bạn cũng cần mở hộp thư rác để lục tìm những địa chỉ thư mới nhưng chứa đựng các thông tin quan trọng và chuyển chúng thành thư thường để lần sau chúng xuất hiện trong hộp thư chính. Việc chuyển những thư dạng này cần phải được cân nhắc hết sức cẩn thận để phòng tránh những đe dọa cho thiết bị điện tử và tài khoản thư của bạn.
Kỹ thuật đọc trên thiết bị điện tử
Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, việc đọc, tra cứu thông tin không còn bó hẹp trong trang giấy. Mọi người có thể truy cập các tin tức, văn bản ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào nếu trong tay có một thiết bị số có phần mềm hỗ trợ.
Nhờ các thiết bị này, bạn sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức. Áp lực về thời gian đã thúc đẩy nhu cầu đọc nhanh và hiệu quả lên một mức cấp thiết.
Khi sử dụng các thiết bị này, chỉ cần điều chỉnh môi trường đọc và kỹ năng đọc, bạn sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc tiếp nhận thông tin.
Khi đọc trên thiết bị điện tử (chủ yếu là máy vi tính, điện thoại), bạn cũng nên chọn môi trường đầy đủ ánh sáng. Ánh sáng quá chói hay quá tối sẽ gây mỏi mắt làm giảm khả năng đọc. Bạn cũng nên hạn chế tối đa hiện tượng màn hình phản quang hình ảnh xung quanh. Chúng sẽ khiến bạn không quan sát rõ các ký tự, đồng thời khiến bạn dễ phân tâm. Bạn cần điều chỉnh độ tương phản và độ sáng của màn hình sao cho phù hợp. Việc chọn màu chữ, phông chữ trong tài liệu phù hợp cũng khá quan trọng. Tốt nhất bạn nên chọn chữ đen trên nền trắng cho phần đọc và chữ xanh nước biển trên nền trắng cho phần ghi chú và chọn phông chữ “vừa mắt” mình, phóng to trang văn bản sao cho cân đối với màn hình và đủ nhìn.
Bạn cũng nên đặt chế độ xem tài liệu “rảnh tay” bằng cách nhấp nút con lăn trên chuột máy tính và kéo rê nó theo hướng mũi tên đi xuống sao cho tốc độ di chuyển các trang vừa đủ để bạn đọc. Điều này sẽ giúp bạn ngồi đọc thoải mái, tránh hiện tượng tay và cổ bị mỏi do phải cúi về phía màn hình để điều khiển các trang tài liệu.
Trong quá trình đọc, nếu bắt gặp thông tin bổ ích, bạn nên ghi chú ra giấy hoặc tự mình gõ vào trang ghi chú, thay vì dùng lệnh sao chép nội dung sang một trang khác. Nếu không, bước ghi chú của bạn sẽ không còn tác dụng lặp lại thông tin để bạn ghi nhớ lâu hơn nữa.
Đọc trên máy tính rất dễ bị mỏi mắt và mắc các bệnh khúc xạ về mắt nếu bạn không giữ gìn. Chỉ nên cho mắt đọc liên tục trong khoảng 20 - 30 phút. Sau đó cho chúng “nghỉ ngơi” vài phút trước khi bắt đầu lại.
Đọc và cảm nhận văn chương, thơ ca
Đọc sách không chỉ để bạn nạp thêm kiến thức mà còn để bạn thư giãn. Sau những giờ làm việc căng thẳng, hay trong những ngày nghỉ ngơi, đọc một câu chuyện, bài thơ, hay những mẩu truyện cười sẽ giúp tâm hồn bạn trở nên thư thái, lãng mạn và yêu đời hơn.
Các tác phẩm văn học là nơi gửi gắm những suy tư, trải nghiệm và cả triết lý sống của nhà văn. Vì vậy, ngoài mục đích giải trí, văn học còn cho bạn đọc rất nhiều điều bổ ích từ cuộc sống.
Văn chương
Nếu cho rằng tiểu thuyết, truyện ngắn chỉ để “đọc” chơi, để giết thời gian lúc nhàn rỗi thì không cần bàn đến. Nhưng nếu muốn đi sâu khai thác nội dung ý nghĩa của câu chuyện, bạn lại rất cần kỹ năng đọc thông minh.
Nếu bạn cố tìm kiếm một “bản đồ” hành động của nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết thì không bao giờ bạn thành công. Tiểu thuyết rất ít khi có bản tóm tắt nội dung, các chương, các phần cũng ít có tiêu đề để bạn nắm ý tổng quát. Toàn bộ tiểu thuyết là một câu chuyện hư cấu xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Mục đích của tiểu thuyết là kết nối độc giả với câu chuyện và đem đến cho họ ý nghĩa và những cảm nhận trong tâm hồn.
Là một sản phẩm nghệ thuật nên cấu trúc, bố cục của tiểu thuyết thường khó xác định và không tuân theo quy luật logic thông thường. Muốn thưởng thức một tiểu thuyết trọn vẹn mà không tiêu tốn quá nhiều thời gian, bạn cần nắm vững các khái niệm cơ bản như bố cục, kết cấu, quan điểm, bối cảnh, điểm nhìn, hình tượng, biểu tượng, nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Càng hiểu nhiều về các khái niệm này, bạn càng dễ dàng hòa nhập vào dòng chảy của những sự kiện, nhân vật trong tác phẩm cần đọc.
Mỗi tác giả có một cách sáng tạo cấu trúc tác phẩm khác nhau. Bạn đọc cần xác định được cấu trúc ấy mới mong hiểu được nội dung bên trong tác phẩm.
Chủ đề được thể hiện qua cấu trúc và ngôn từ của tác phẩm. Trong một cuốn tiểu thuyết sẽ có nhiều hơn một chủ đề: Một chủ đề chính xuyên suốt tác phẩm, xoay quanh là các chủ đề phụ. Nếu sử dụng cách thức đọc sơ lược, bạn không dễ tìm ra chính xác những chủ đề phụ này. Điều bạn thu nhận được có chăng chỉ là các yếu tố chính của câu chuyện. Đó là các nhân vật chính, khi nào và tại đâu câu chuyện diễn ra. Muốn thưởng thức được những yếu tố khác, bắt buộc bạn phải đọc kỹ nội dung câu chuyện.
Quá trình đọc kỹ cần bắt đầu sau khi bạn đọc lướt trang bìa, lời giới thiệu, đề tựa hay vài trang để tìm kiếm các ký tự về tên, địa danh và thời gian. Bạn cần hòa mình vào thế giới trong câu chuyện bởi đó là điều tác giả mong muốn độc giả thực hiện. Nếu có thể, hãy lưu giữ các ký tự, từ ngữ quan trọng luôn thường trực trong đầu. Chúng sẽ giúp bạn nắm bắt được câu chuyện nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Bạn cũng cần chọn cho mình một “chỗ đứng” trong câu chuyện để nhanh chóng xác định được những triết lý gửi gắm vào bên trong từng cử chỉ hành động, cách đối thoại, số phận nhân vật, tư tưởng xuyên suốt tác phẩm, cách nhìn nhận vấn đề của tác giả về chính tác phẩm của mình.
Hòa mình vào câu chuyện, bạn sẽ cùng các nhân vật hay tự mình trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Run sợ có, lo lắng có, hồi hộp có, đau khổ có nhưng hạnh phúc cũng có. Tất cả những điều này rõ rệt hay mơ hồ tùy thuộc vào kinh nghiệm của chúng ta. Bạn càng đọc nhiều, càng tiếp xúc nhiều, khả năng cảm thụ của bạn càng gia tăng. Khả năng cảm thụ văn học càng cao càng giúp bạn gia tăng kỹ năng đọc.
Trong quá trình đọc, bạn cũng nên lưu ý đến những điểm chuyển tiếp của diễn biến câu chuyện để dành thời gian thư giãn. Thông thường, các tiểu thuyết gia sử dụng không gian chuyển tiếp giữa các đoạn văn hay các chương hồi như là cách để sắp xếp lại các ý. Biết được điều này, bạn nên giảm tốc độ khi chuẩn bị chuyển sang một phần mới. Nó sẽ giúp bạn kiểm soát được những gì đang xảy ra. Hãy yên tâm, chậm lại một chút nhưng sẽ nhanh hơn sau này.
Bạn sẽ dễ dàng tăng tốc độ ở các đoạn miêu tả và hầu hết các đoạn đối thoại. Nhưng hãy chậm lại khi bắt gặp các chi tiết tinh tế. Bạn phải từ từ đọc chúng để cảm nhận được cái hay ở bên trong.
Những chi tiết tinh tế thường được thể hiện thông qua ngôn từ, hình tượng. Đây cũng là một trong những điểm gây khó khăn nhất trong việc cảm thụ nội dung tác phẩm. Những hình tượng, biểu tượng thường rất đa nghĩa. Nếu bạn nắm bắt được những lớp ý nghĩa này, bạn sẽ nắm bắt được câu chuyện. Chắc chắn những kỹ năng đọc và vốn từ, vốn trải nghiệm phong phú sẽ giúp bạn đạt được điều mình mong muốn.
Thơ ca
Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới người Nga Roman Jakobson từng ví von: “Nếu hội họa là cách tạo hình bằng những chất liệu của thị quan có giá trị tự tại, nếu âm nhạc là cách tạo âm bằng chất liệu thuộc thính quan có giá trị tự tại, nếu vũ điệu tạo hình bằng chất liệu cử động của thân thể có giá trị tự tại, thì thơ là cách tạo hình với từ ngữ có giá trị tự tại.”
Chính vì lẽ đó, hầu hết độc giả đều “quá cẩn thận” khi cho rằng chỉ có đọc thật chậm mới cảm nhận được cái hay của bài thơ. Sự thật là không ít bạn đã đọc thơ với tốc độ chưa bằng 1/2 tốc độ nói. Nhưng không phải cứ đọc chậm và dừng lại giữa các từ và các dòng thơ là bạn có thể cảm thụ được nội dung của các bài thơ.
Để hiểu được thơ, bạn cũng cần chuẩn bị cho mình những kiến thức không thể thiếu như nhịp thơ, hình ảnh thơ, ngôn từ thơ và những lớp ý nghĩa.
Cũng giống như đọc tiểu thuyết, điều quan trọng khi đọc thơ là bạn phải cảm nhận được lời tâm tình của tác giả đằng sau câu chữ. Không chỉ vậy, khi đọc thơ bạn cần cảm nhận cả giai điệu trầm bổng từ thanh điệu của ngôn từ và cách ngắt nhịp của câu thơ nữa. Những yếu tố tưởng như vô hình đó sẽ đem đến cho bạn những rung động có ý nghĩa.
Cảm nhận bài thơ cũng giống như chiêm ngưỡng một tòa lâu đài. Thay vì chú tâm vào từng “viên gạch” từ ngữ, bạn nên chú tâm vào mối liên kết giữa các “viên gạch” ấy và quan sát kiến trúc, vẻ đẹp của cả tòa lâu đài nguy nga tráng lệ đó.
Đầu tiên, bạn hãy đọc lướt qua bài thơ một lần để xác định bố cục, kết cấu chính. Qua bước đọc lướt này, bạn có thể xác định được thể thơ và hình dung trước nhịp điệu và tiết tấu của bài thơ.
Tiếp tục đọc nhanh bài thơ nhưng để tâm nhiều hơn tới sự liên kết cảm xúc giữa các câu thơ, những từ, cụm từ độc đáo và giàu hình ảnh và xác định nhịp điệu chính xác. Có thể dùng bút màu gạch chân những từ cần đặc biệt để lưu tâm hơn ở lần đọc tiếp theo.
Sau đó, hãy thư thả thưởng thức, hòa mình vào dòng chảy nhịp điệu và cảm xúc của bài thơ.
11. Mở rộng vốn từ
Vốn từ của mỗi người không giống nhau và thể hiện trong khi giao tiếp với thế giới xung quanh. Vốn từ càng phong phú, bạn càng dễ dàng tiếp nhận các thông tin và sự kiện.
Vốn từ vựng của bạn càng lớn, bạn càng gia tăng được tốc độ đọc vì bạn không phải dừng lại trước những từ bạn không biết hoặc ít gặp. Vốn từ sâu rộng giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được ý nghĩa các từ dù chỉ nhìn lướt qua, thậm chí còn vượt ra ngoài cả ý nghĩa thông thường của từ đó. Khi đọc, bạn cần thu nhận những thông điệp và cảm xúc chứ không phải là bản thân mỗi từ, bạn cần thấy cả rừng chứ không phải là cây.
Tiếng Việt
Như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Việt không thể tự mình hình thành, xây dựng nên một kho ngôn ngữ phong phú như ngày nay. Tiếng Việt được hợp thành bởi hai thành tố chính là “từ thuần” và “từ mượn”. Trong đó, từ thuần Việt là cốt lõi, cái gốc của từ vựng tiếng Việt. Nó điều khiển, chi phối hoạt động của mọi lớp từ khác liên quan đến tiếng Việt.
Trong khi đó, từ mượn hay từ ngoại lai được hình thành thông qua quá trình giao lưu văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục trong một thời gian dài. Từ mượn trong tiếng Việt gồm có 3 loại: mượn gốc Hán, mượn gốc Ấn – Âu và từ kết hợp giữa từ thuần và mượn gốc Hán/Ấn- Âu.
Từ thuần Việt được sử dụng một cách thường xuyên trong giao tiếp hàng ngày. Đó là những từ ngữ dân dã thân thuộc như: vợ, chồng, ông, bác, bố, ba, bu, mẹ, ăn, uống, cười, trời, mây, mưa, sấm, sét, nuốt, cắn, nói, kêu…
Tiếng Việt thường “đánh đố” người đọc ở những từ đồng âm, đồng nghĩa, từ gần nghĩa, và nhất là nghĩa bóng, nghĩa chuyển. Vốn từ tiếng Việt sâu rộng sẽ giúp bạn đọc được ý nghĩa chính xác và cả thái độ của người viết qua ngữ cảnh và lựa chọn từ ngữ.
Nhưng làm thế nào để mở rộng vốn từ?
Các nhà giáo dục có hai ý kiến khác nhau về vấn đề mở rộng vốn từ cho trẻ em. Ý kiến thứ nhất cho rằng bắt chúng học thuộc các từ. Ý kiến thứ hai lại ủng hộ cách cho chúng đọc nhiều sách để bổ sung thêm từ mới cùng ý nghĩa của chúng. Cách thứ nhất ép buộc chúng ta phải nhắc đi nhắc lại các từ và ghi nhớ chúng một cách nhàm chán. Với mỗi từ, bạn sẽ viết ra được chính xác ý nghĩa trong từ điển mà không biết cách sử dụng chúng trong cuộc sống. Còn cách thứ hai sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt nhất ý nghĩa của các từ và ngữ cảnh sử dụng nó. Cách thức này không chỉ phù hợp với trẻ em mà cả người trưởng thành, không chỉ áp dụng với tiếng Việt mà cả với tiếng nước ngoài.
Đọc sách sẽ cung cấp cho bạn một vốn từ vựng đáng kể, nhất là những cuốn sách phản ánh hiện thực cuộc sống. Hãy cố gắng mỗi tuần đọc được ít nhất một cuốn sách và một số tạp chí. Chúng sẽ làm giàu vốn từ và cả cách diễn đạt của bạn đáng kể đấy.
Vốn từ của bạn sẽ rộng mở hơn nhờ những kinh nghiệm thực tế thay vì những cố gắng ghi nhớ nhân tạo. Một anh đầu bếp trước khi học để trở thành một đầu bếp giỏi không thể nhớ nổi các dụng cụ nhà bếp và gia vị nếu chỉ đứng nhìn chúng và nhẩm đi nhẩm lại. Nhưng mọi thứ trở nên nằm lòng khi tự tay anh nấu các món ăn và sử dụng chúng. Việc học thêm các từ mới của bạn cũng không có gì khác cả.
Ngoài việc thu nhận một chiều, bạn hãy tự rèn luyện khả năng sử dụng ngôn từ của mình bằng cách luyện viết. Bạn sẽ phải “lục lọi” lại trong kho từ vựng của mình để truyền đạt nội dung trong bài viết. Khi viết, hãy nghiêm khắc với chính mình bằng cách thay các từ mình hay sử dụng bằng các từ ít sử dụng hơn mà đạt hiệu quả và tạo sự thú vị cao hơn. Cách luyện viết này giống như bước ôn tập và vận dụng những từ ngữ mà bạn đã học được sau một khoảng thời gian nào đó.
Vốn từ trong đời sống thường nhật chỉ là một phần rất nhỏ trong kho ngôn ngữ của dân tộc mà thôi. Đừng bằng lòng với những gì bạn đang có. Dù hoạt ngôn đến mấy, bạn vẫn rất non nớt khi đứng trước kho ngôn ngữ chuyên ngành của bất kỳ lĩnh vực nào. Vậy thì hãy mở rộng tư duy của bản thân đơn giản chỉ bằng cách dành vài phút mỗi ngày để nghiên cứu một lĩnh vực mà bạn còn xa lạ như tâm lý học, khoa học tự nhiên, thiên văn học hay văn học nghệ thuật… Theo thời gian, bạn sẽ sớm nhận ra tác dụng của chúng. Vốn từ chuyên ngành ấy chẳng bao giờ là thừa cả.
Tiếng nước ngoài
Trong thời đại hội nhập, điều kiện tiên quyết để bạn tiếp thu, lĩnh hội những tinh hoa của nhân loại là phải biết một ngoại ngữ. Trong đó, tiếng Anh là được xem là ngoại ngữ không thể thiếu.
Trong tiếng Anh, vốn từ vựng đủ để trò chuyện giao tiếp hàng ngày khoảng 1000 từ. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ và cảm thụ được các văn bản thì lượng từ cần phải nhiều hơn thế. Thay vì cầm cuốn từ điển Anh – Việt hoặc Anh – Anh học từng từ một, việc học của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn hiểu đôi chút về tiếng Latinh và nắm rõ cấu tạo từ trong tiếng Anh.
Biết về tiếng Latinh sẽ giúp bạn hiểu về gốc rễ của tiếng Anh và có thể suy ra ý nghĩa của một loạt từ tiếng Anh mà không phải tra từ điển.
Trong tiếng Anh, có những từ được gọi là căn ngữ (root). Từ căn ngữ, từ mới được tạo thành bằng cách ghép thêm một cụm từ ở trước gọi là tiếp đầu ngữ (prefix) hay tiền tố hoặc ghép thêm vào cuối căn ngữ gọi là tiếp vĩ ngữ (suffix) hay hậu tố. Biết được điều này, chỉ cần biết vài từ trong bộ ba: tiền tố – căn ngữ – hậu tố, bạn sẽ mở rộng được vốn từ thêm rất nhiều. Khi gặp một từ lạ hay phức tạp, hãy dừng lại một chút, thử phân tích chúng theo cấu trúc bộ ba này, bạn sẽ biết được ý nghĩa của chúng mà không cần kè kè cuốn từ điển bên cạnh.
Một điểm quan trọng để ghi nhớ từ mới là bạn không được phớt lờ hay thờ ơ với chúng. Nếu bắt gặp một từ mới khi đọc, hãy dừng lại và dành chút thời gian để nhận diện mặt chữ, giải mã và thử suy đoán ý nghĩa của chúng trong ngữ cảnh của câu. Cho dù bạn đoán đúng hay sai, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là bạn hình thành được phản xạ tiếp nhận khi gặp một từ mới. Nhưng đừng dễ dãi chung sống với ý nghĩa mơ hồ mà bạn suy đoán ra, hãy kiểm nghiệm chúng bằng cách tra từ điển. Hãy luôn nghĩ rằng chẳng từ nào ở lại lâu với bạn nếu bạn không dành chút thời gian cho chúng.
Đọc từ điển cũng là một thói quen tốt giúp bạn thu nạp thêm nhiều từ chưa biết. Hãy chọn loại từ điển có phần giải thích chi tiết nguồn gốc và ví dụ về cách sử dụng từ, có hình ảnh minh họa thì càng tốt. Tôi tin rằng bạn sẽ sớm thấy hứng thú với cuốn từ điển hữu ích này.
Bạn cũng có thể học từ mới thông qua các câu đố hay trò chơi ô chữ. Các câu đố sẽ giúp bạn hiểu hơn về các từ và rèn luyện khả năng tư duy của mình. Mặt chữ và ý nghĩa của từ sẽ khắc sâu vào trí nhớ của bạn một cách rất tự nhiên.
Để vốn từ tiếng Anh của bạn được duy trì, hãy tiếp xúc với nó thường xuyên. Bạn nên tập cho mình thói quen đọc sách báo, truyện, nghe đài, xem tivi... theo mức độ từ dễ đến khó. Bạn sẽ thu lượm được không ít từ mới. Sau khi ghi chúng vào đầu, bạn đừng quên đem chúng ra sử dụng trong giao tiếp hoặc trong các bài luyện viết nhỏ. Bạn sẽ nhớ chúng được lâu hơn nữa đấy.
Hãy đặt ra mục tiêu học từ mỗi ngày, chỉ sau một tháng, vốn từ của bạn sẽ được làm đầy và phong phú lên đáng kể. Nhờ thế, kỹ thuật đọc nhanh của bạn cũng không ngừng được cải thiện.
Trạm đọc | Nguồn ảnh sưu tầm