Bạn và người yêu đang chờ dài cổ tại băng chuyền để lấy hành lý. Những người khác thì đang kéo hành lý lục tục rời đi. Bạn nhanh chóng nhận ra hai bạn là những người duy nhất còn ở lại với cái băng chuyền trống trơn. Dần dần, bạn nhận ra một kết thúc vô cùng đắng lòng: va li của bạn đã biến mất cùng với toàn bộ quần áo và một số giấy tờ quan trọng.
Dù cho cuối cùng hành lý của bạn cũng chịu xuất hiện nhưng bạn cũng hết hơi vì gọi điện thoại, giải thích, điền thông tin, đi vòng vòng và băn khoăn. Đó quả là một ngày dài mà một sự cố bất ngờ biến thành một điều tệ hại.
Người yêu nói gì đó đại loại là làm ăn kiểu này, hành lý không mất thường xuyên cũng lạ. Giọng của nàng đầy nghi vấn và tò mò. Sau đó là một khoảng lặng.
Đột nhiên, bạn nhận ra sâu trong lòng mình rất giận dữ với những người khác, vì họ có thể vô ưu vô lo, thờ ơ đứng bên cạnh bạn thoải mái với cái áo jacket, không-đau-không-ngứa trong khi bạn đang phải chịu tội. Hơn nữa, khi chuyện ngã ngũ, tất cả mọi thứ, sự chờ đợi, sự nhục nhã, những rắc rối, những nhân viên sân bay xui xẻo bạn cần làm việc cùng, tất cả đều tội lỗi đầy mình và là nguồn cơn của mọi sự, thậm chí cả cơn đau đầu của bạn bây giờ.
Bạn quay lưng đi và lẩm bẩm: “Tôi đã biết là tôi không bao giờ nên đồng ý với cái gợi ý ngu ngốc về chuyến du lịch vừa đắt khói vừa chán ngắt này mà”. Có vẻ như đây là một tổng kết đáng buồn và thiếu khách quan về dịp kỉ niệm cuối tuần thư thái trên một đất nước xa lạ.
Dường như không ai nhìn nhận rõ hay cảm thông với người yêu, chúng ta chỉ kết nối các sự kiện. Trên hết, người yêu bạn không làm cho hãng hàng không, không liên quan gì đến việc bốc dỡ hàng hóa và chỉ đưa ra ý tưởng đi chơi cuối tuần mà bạn cũng đã đồng ý.
Tuy nhiên, chúng ta đang gặp phải ngộ nhận bất hợp lí nhất nhưng lại thường gặp nhất trong tình yêu: Nếu bạn phải hứa hẹn, cam kết với người ta điều gì thì người đó sẽ không còn được đặt lên trước nhất mà theo một cách kì lạ, dở hơi và bất công, người yêu bạn phải chịu mọi trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra với bạn, dù tốt dù xấu.
Đời bất công và làm ta trầy trật bằng đủ mọi cách nhưng hầu như chúng ta không thể than phiền. Thật khó để chỉ ra ai là người thực sự có lỗi, thậm chí có khi bạn biết cả nhưng không thể nói vì sợ mất việc hay chỉ đơn giản là da mặt quá mỏng dễ xấu hổ.
Người duy nhất chúng ta có thể trút hết ấm ức chính là người thân cận nhất với ta; những người ta yêu thương. Họ trở thành cái sọt rác cho chúng ta trút hết những giận dữ, bất công, sai sót. Đương nhiên là đổ lỗi cho họ thì rất phi lí. Nhưng như thế thì ta cũng hiểu sai về qui luật của tình cảm:
Chúng ta không thể và không hay nổi khùng với những người thực sự làm tổn thương ta. Thay vào đó, ta giận dữ với những người ta biết chắc có thể tha thứ cho ta. Vì thế ta nổi giận với những người tốt nhất, đồng cảm nhất, trung thành nhất với ta – những người khó có thể hại ta, thường ở bên ta khi ta chỉ trích họ.
Những lời ta cằn nhằn với những người yêu thương chắc chắn rất khó chịu. Nhưng ít nhất hãy nhớ rằng ngoài họ ra, chúng ta sẽ không nói kiểu đó với bất kì ai. Đó là bằng chứng của mối quan hệ mật thiết – một dấu hiệu của tình yêu. Thật nhẹ nhõm khi có thể bầu bạn với một người mà chẳng phải màng lễ nghi phép tắc, có thể tự do bộc lộ cảm xúc, có thể công kích và biết chắc rằng khi giông bão đi qua, mình sẽ được bao dung. Chúng ta có thể hành xử lí trí và lịch sự với người xa lạ nhưng chỉ khi đối diện với những người ta thực sự tin tưởng, chúng ta mới dám thể hiện sự vô lý và xấu tính của mình.
Chúng ta giận dữ với người yêu vì họ chiếm một vị trí quan trọng trong lòng ta. Chúng ta tin tưởng người đó có thể thấu hiểu nội tâm ta, có thể cứu rỗi ta khỏi khổ đau.
Chúng ta phóng đại sức mạnh của người yêu vì ảnh hưởng từ bố mẹ đến ta khi còn nhỏ. Khi chúng ta đổ lỗi cho người yêu, chúng ta nhớ đến tình yêu thương dành cho những ông bố bà mẹ - những người có thể cõng ta trên vai, cái gì cũng biết, có thể tìm thấy món đồ chơi bị mất, có thể kiểm soát thế giới… Khi yêu, người yêu thừa hưởng sự tin tưởng dựa dẫm từng dành cho bố mẹ khi ta còn bé. Ở một mức độ nào đó, người yêu đã học được cách trấn an đứa trẻ lo lắng trong ta – đó là lí do ta yêu họ. Nhưng sức mạnh này cũng đồng hành với một số vấn đề nghiêm trọng, vì khi chúng ta tin tưởng vào họ quá nhiều, ta tin rằng họ có thể kiểm soát hơn thực tế vốn có.
Mặt khác, khi đối mặt với cơn thịnh nộ của người yêu, chúng ta nên cố gắng (dù không bao giờ dễ dàng) ghi nhớ rằng cơn cuồng phong này là một biểu hiện kinh hoàng của một cảm xúc đẹp đẽ: rằng chúng ta thực sự quan trọng đối với ai đó và họ dựa dẫm khá nhiều vào ta khi phải chịu đựng những bẽ bàng thế giới này mang lại.
Nếu chúng ta cho rằng tình yêu là một thỏa thuận kín kẽ, ta sẽ cảm thấy mâu thuẫn đồng nghĩa với việc mối quan hệ trượt dốc không phanh hay chuẩn bị đi đến hồi kết. Nhưng đổ lỗi chỉ là một dấu hiệu khi ta đặt quá nhiều tình cảm vào một người. Ta công kích họ vì chúng ta chìm trong mê muội và xung đột với người khác. Vì chúng ta quá thân thiết với nhau nên ta đưa họ vào vòng xoáy cảm xúc hỗn loạn và khổ đau mà những ai không thân thiết đều bị loại ra ngoài. Đó là một trong những món quà lạ lùng, bất đắc dĩ nhưng cũng rất đáng trân trọng của tình yêu.
Trạm Đọc
Theo The Books of Life