Tại sao cơ thể tôi lại như thế này - Bạn có đang lắng nghe cơ thể mình?
Tại sao cơ thể tôi lại như thế này - Bạn có đang lắng nghe cơ thể mình?
Tại sao hình xăm không mất đi? Tại sao bụng sôi ùng ục? Tại sao tôi thèm đồ ăn khủng khiếp vào ban đêm? Nếu buồn và uống soda: Tôi nên đánh răng trước hay sau đó?...Những câu hỏi đơn giản được giải thích theo cách giản đơn nhất giúp bạn đọc Lắng nghe cơ thể mình tốt hơn
 Tại sao hình xăm không mất đi?

Trong một buổi sáng đầy nắng tại quán cà phê yêu thích ở Fort Greene, Brooklyn, tôi gặp một người phụ nữ đầy hình xăm, và chúng tôi đã tán gẫu với nhau. Cô ấy đang viết một cuốn sách thiếu nhi về chuyện tại sao mọi người xăm hình. Cô ấy có một số hình xăm trên mí mắt. Mỗi khi cô chớp mắt hay nheo mắt vì nắng, tối đọc được dòng chữ KHÔNG SỢ HÃI. Và khi ấy tất cả những gì tôi quan tâm là quá trình đi tới quyết định xăm hình đó. Cô ấy chỉ có thể nhìn thấy nó khi soi gương và nhắm một mắt. Mí mắt là chỗ đau nhất khi xăm. Liệu điều đó có xứng đáng với sự đau đớn và số tiền bỏ ra? Tôi sẽ phải đọc cuốn sách của cô ấy.

Ảnh: Pinterest

Giống như bác sĩ thẩm mỹ, các nghệ sĩ xăm hình nghiêm sẽ can ngăn hoặc từ chối nếu thấy rằng đó là quyết định dại dột hoặc vội vàng - đặc biệt khi hình xăm ở những vị trí dễ thấy như cổ hay mặt. Triết lý là hình xăm nên được thực hiện cho bản thân, thay vì để gây ấn tượng hay chứng tỏ với người khác. Hình xăm trên mí mắt tuân theo triết lý đó. Trong trường hợp này, nó nói với những người khác về cô ấy. Sự phô trương về mặt cảm xúc đó cho tôi biết rằng cô ấy có lẽ ít nhất HƠI SỢ HÃI, nếu không phải là RẤT SỢ HÃI. Tại sao lại cần gắng sức đến vậy để quảng cáo sự can đảm?

Hình xăm cũng cho tôi biết một người có thể bị viêm gan. Một trong những số liệu thú vị nhất về virus học là người xăm hình có nguy cơ nhiễm viêm gan C cao gấp sáu lần. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là xăm hình gây ra viêm gan C. (Nhưng đôi khi xăm hình gây ra viêm gan C.) Bất kỳ cái kim nào xuyên qua da đều có thể dẫn đến căn bệnh đó. Kim xăm xuyên qua lớp thượng bì, phần ngoài cùng của da có khả năng bong ra, đi vào trung bì, phần giàu mạch máu, dây thần kinh, và để lại những giọt mực xăm. 

Bạch cầu coi mực xăm là vật thể lạ, một mối nguy hiểm tiềm tàng, và tấn công nó. Nhưng những giọt mực đó không thể bị loại bỏ do quá lớn. Sự cố gắng vô ích đó giải thích cho phản ứng viêm khiến hình xăm mới đỏ lên khoảng vài ngày, trong lúc ấy người ta sẽ đợi để đăng nó trên Instagram. Nếu nó đỏ lâu hơn, bạn có thể đã bị nhiễm trùng vết xăm. Cứ vài năm lại có đợt bùng phát nhiễm trùng vết xăm ở Mỹ, nguyên nhân là do mực xăm nhiễm khuẩn. Vì được tiêm rất sâu vào da, mực xăm cần phải vô khuẩn, giống như dung dịch nước muối mà bệnh viện truyền vào tĩnh mạch của bạn.

Do vậy, Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyên các khách hàng nên tới các cửa hiệu có thể chứng thực mực của họ đã trải qua quy trình loại bỏ vi khuẩn có hại”. Không có điều lệ nào cho tiêu chuẩn này, nên việc xác định nó thế nào là tùy ở bạn. Một số cửa hiệu sẽ pha loãng mực với nước máy để giảm chi phí, và bạn có thể yêu cầu họ không làm như vậy. ĐỪNG SỢ HÃI.

Dù mực xăm có vô khuẩn hay không, các tế bào bạch cầu của bạn đều sẽ tấn công nó. Nhưng chúng không đánh bại được nó. Như các tế bào bạch cầu sẽ nói, những giọt mực xăm "quá to". Cuối cùng hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ từ bỏ và đành phải sống chung với những kẻ xâm phạm. Hình xăm thể hiện sự thách thức và tính cá nhân nhưng bản chất cũng là sự đầu hàng.

Tại sao bụng sôi ùng ục?

Áp tai của bạn lên bụng bất kỳ ai trong vài giây, bạn sẽ nghe thấy tiếng ùng ục và óc sách. Nếu họ yêu cầu bạn nhấc tai khỏi bụng của họ, hãy làm như vậy. Ngay cả trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, bạn có thể nghe được âm thanh của các cơ gần như liên tục co bóp ở thành dạ dày và ruột. Hoạt động này đẩy thức ăn qua đường ruột, giống như khi rắn nuốt con mồi.

Các âm thanh được tạo ra trong quá trình này được gọi là tiếng nhu động ruột, và chúng không bao giờ ngừng nghỉ. Chúng thường đủ lớn để có thể nghe thấy nếu không khí trong dạ dày và ruột đủ cho phép âm thanh cộng hưởng, giống như khi bạn nói vào một cái tách không và thấy giọng mình thật to, đến mức đủ muốn yêu cầu mọi người quỳ xuống trước mình.

Năm 2010, một phụ nữ người Anh gặp tình trạng là bụng kêu ùng ục không ngừng. Các bác sĩ đã mô tả ca bệnh của cô trên tạp chí y khoa BMJ bằng cách nói tiếng nhu động ruột dai dẳng khó chữa". Tiếng ùng ục chỉ dừng khi người phụ nữ nằm xuống, nhưng ngay khi cô ngồi dậy, nó lại xuất hiện. Để tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ yêu cầu cô uống một ít chất cản quang. Dung dịch này sẽ bao bọc niêm mạc họng và dạ dày và hiện lên với màu trắng sáng trên phim X-quang. Tấm phim sẽ giống như bản đồ phát quang về đường tiêu hóa trên. Bờ dưới khung sườn của cô ấy lõm vào trong ở vị trí giữa dạ dày. Khi hít vào, xương sườn của cô ép vào dạ dày. Khi nằm xuống, trọng lực kéo dạ dày về phía cột sống, và nó không bị ép bởi khung sườn của cô nữa.

Các bác sĩ tranh luận về phẫu thuật để loại bỏ các xương sườn đó, nhưng họ không chắc có đáng làm vậy hay không. Họ phát hiện ra cách duy nhất có thể tạm thời làm tiếng nhu động đó dừng lại là ấn vào vùng hạ sườn trái - phần bụng trên nằm ngay dưới xương sườn. Thuật ngữ hạ sườn cũng có chút liên hệ bởi người ta đã từng tin rằng sự lo lắng nảy sinh từ trong bụng (khu vực dưới sườn). Ý tưởng này bị giễu cợt khi hệ thống thần kinh trung ương được phát hiện. Nhưng hiện giờ, dưới sự soi sáng của trục ruột-não-hệ vi sinh, điều đó thành ra có vẻ hợp lý.

Trong trường hợp của bệnh nhân này, áp lực của vùng hạ sườn có thể bị loại bỏ bằng cách thay đổi vị trí dạ dày của cô. Nên năm bác sĩ (nam) đề nghị cô mặc một chiếc áo corset bó chặt. Nhưng họ báo cáo trên tạp chí y khoa rằng việc đó không có tác dụng- họ cho rằng nguyên nhân có lẽ vì cô không mặc nó đủ lâu. Và thế là họ không còn cách nào khác ngoài nói tới vấn đề của cô bằng biệt ngữ. Họ viết trong báo cáo ca bệnh “Bệnh nhân của chúng tôi vẫn tiếp tục bị tiếng nhu động ruột khó chịu làm bối rối khi giao tiếp xã hội."

Sáu năm sau, tôi đã liên lạc với các bác sĩ để xem tình trạng của người phụ nữ đó. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của cô, Kieran Moriarty, thông báo lại một cách phấn khởi rằng “cô ấy cải thiện khoảng 50%”. Vài tuần sau, email nói: “Cập nhật tình hình. Cô ấy không ổn lắm”.

Tại sao tôi thèm đồ ăn khủng khiếp vào ban đêm?

Một trong những khám phá mới đây của phòng thí nghiệm Đại học Pennsylvania là việc thiếu ngủ khiến người ta tăng cân như thế nào. Người đứng đầu khoa nghiên cứu nhịp điệu sinh học, David Dinges và các đồng nghiệp thí nghiệm trên 198 người và giới hạn thời gian ngủ của họ ở mức bốn tiếng trong năm đêm. Một nhóm đối chứng khác được ngủ bảy tiếng rưỡi. Các đối tượng nghĩ rằng họ chỉ được đo lường về hiệu suất làm việc, nhưng các nhà nghiên cứu cũng ngầm ghi nhận lượng thức ăn và tốc độ chuyển hóa của họ. Chỉ trong năm ngày, những người thiếu ngủ tăng trung bình đúng 1 kg.

Pinterest
Pinterest

Dinges nói: “Những đêm ngủ muộn khiến mọi người thèm pizza và thức ăn nhiều dầu mỡ, đó chính xác là những gì não muốn. Như thể là khi bạn ngủ ít, não của bạn nói 'Tôi đang chết đói đây. Tôi cần năng lượng chuyển hóa nhanh'." Các nghiên cứu khác cũng có những phát hiện tương tự.

Hầu hết lượng calo tăng thêm được nạp vào khoảng từ mười giờ tối đến bốn giờ sáng. Đây là khung thời gian mà các quảng cáo Taco Bell cổ vũ mọi người ăn "bữa thứ tư". Những xe tải và xe đẩy bán đồ ăn tại các khu ăn nhậu làm việc hết công suất trong khoảng thời gian này. Tôi tình cờ quen chủ một xe bán bánh kẹp xúc xích ở Los Angeles, ông làm việc bên ngoài một số quán bar ở Echo Park từ nửa đêm đến ba giờ sáng. Và không chỉ say rượu dẫn đến cơn đói. Bạn đã bao giờ say rượu vào ban ngày chưa? Có lẽ là chưa, nhưng nếu đã từng, bạn sẽ nhận thấy nó hiếm khi dẫn đến sự thèm “cồn cào" món mì ống phô mai. Mặt khác, vào lúc nửa đêm, bạn có thể thấy thật sự đói ngay cả trong trạng thái tỉnh táo, mặc dù bạn không “cần” ăn. Và sau khi ngủ một đêm, bạn không còn thấy đói, mặc dù lúc đó có thể cách bữa ăn trước đó đã 12 giờ.

Những người không được nghỉ ngơi trong nghiên cứu của Đại học Pennsylvania không chỉ ăn nhiều hơn. Khi thiếu ngủ, tốc độ chuyển hóa khi nghỉ của họ cũng giảm. Cơ thể của họ vừa nạp nhiều năng lượng hơn, vừa đốt cháy ít hơn. Dinges tin rằng giấc ngủ và “sự gián đoạn chuyển hóa" đi đôi với nhau. Ông nói "Những người trẻ tuổi với tốc độ chuyển hóa khi nghỉ nhanh và tập thể dục nhiều có thể bị thiếu ngủ mà không tăng cân. Tuy nhiên, khi nhiều tuổi, bạn có thể tăng cân với tốc độ nhanh chóng."

Cho đến nay, những người Mỹ khi đến một độ tuổi nhất định đều định kỳ cho phép bác sĩ đưa vào cơ thể một cái ống dài bằng chiều cao một người với camera gắn trên đầu để phát hiện và loại bỏ sự bất thường. Đầu ống có một bộ phận giống thòng lọng cho phép bác sĩ cắt bỏ bất cứ thứ gì đáng ngờ mọc lên từ thành ruột - thường là các polyp có nguy cơ trở thành ung thư. Nội soi đại tràng là một trong số ít cách mà chúng ta biết để ngăn ngừa ung thư và phát hiện chúng ở giai đoạn đủ sớm để có thể chữa khỏi. Thủ thuật xâm lấn này là một trong những công nghệ tốt nhất chúng ta có hiện nay để phát hiện và ngăn ngừa ung thư, và là một lời nhắc nhở rằng chúng ta còn một quãng đường dài phía trước.

Nếu buồn và uống soda: Tôi nên đánh răng trước hay sau đó?

Không nên đánh răng ngay sau khi dùng một thức uống có tính axit (nước trái cây hoặc soda), vì các nghiên cứu đã chỉ rằng men răng bị suy yếu tạm thời bởi axit. Nhưng đồng thời, cũng không tốt khi để mặc đường trên răng của bạn,nó sẽ nuôi dưỡng các vi khuẩn và trở nên axit hơn. Vì vậy, tôi đã hỏi nhà vi sinh học miệng Gary Borisy về việc nên làm gì trong tình huống này.

Ông ấy xem xét câu hỏi hóc búa và nói "Vâng, tôi sẽ làm sạch răng. Nhưng tôi cũng không chắc. Anh phải làm một nghiên cứu để có câu trả lời chính xác."

CocaCola

Thứ gây sâu răng là axit - chủ yếu là axit lactic được sản xuất bởi liên cầu khuẩn trong miệng. Đánh răng ngăn chặn các khuẩn lạc phát triển (và tạo thành mảng bám). Nhưng với sự thiếu thận trọng khi loại bỏ một cách mù quáng các hệ vi sinh, một cách lý tưởng hơn là cắt đứt nguồn nuôi sống các khuẩn lạc này. Liên cầu khuẩn phát triển nhờ oxy và đường. Đường vẫn luôn là một phần trong chế độ ăn của chúng ta, nhưng chưa bao giờ ở dạng tinh chế và với số lượng như ngày nay. Trừ khi bạn có thể tìm ra cách không cho oxy đi vào miệng, giảm sự có mặt của đường là cách duy nhất. (Bắt đầu với việc không uống nước trái cây hoặc soda.)

"Thế các loài động vật thì sao?" Borisy tiếp tục. "Những con tinh tinh có đánh răng hai lần một ngày không? Từ khi nào việc thay đổi chế độ ăn và cách sống của chúng ta gây ra vấn đề đó?"

Tôi nói với ông rằng con chó của tôi có hơi thở khủng khiếp.

 "Chà, anh cho nó ăn gì?"

Chủ yếu là kẹo. Không, tôi đùa đấy. Nhưng con chó của tôi cũng hầu như không bao giờ đánh răng.

Tránh xa tất cả các loại nước trái cây và soda là không thực tế đối với nhiều người, nhưng rõ ràng rằng không nên để cho các khuẩn lạc trong miệng tắm trong axit và đường. Điều tệ nhất có thể cho quyết định này làm bạn hoảng sợ. Bạn đứng trước tủ thuốc trong phòng tắm của mình, với tay lấy bàn chải đánh răng rồi rụt lại. Tiếp tục với ra rồi rụt lại. Cứ thế cho đến ngày hôm sau.

Trong khi chúng ta đang đổ lỗi cho xã hội hiện đại về các bệnh răng miệng, điều quan trọng cần lưu ý là không có đồ uống nào trong số này có thể gây tổn thương răng như axit dạ dày của chính chúng ta (nó cũng “tự nhiên" đấy). Nôn thường xuyên, như

những người bị chứng cuồng ăn, hoặc những người bị trào ngược dạ dày thực quản nặng làm hỏng răng trong thời gian ngắn. Ngay cả sự tiếp xúc thoáng qua với axit dạ dày cũng khiến các cạnh cắn của răng trở nên trong suốt, có màu vàng nhạt rồi mất màu khi men răng biến mất. Hiện tượng này được gọi là perimolysis (mylos = răng hàm, lysis = phá hủy). Nhiều người mắc rối loạn ăn uống nhưng không bị thiếu cân, vì vậy tổn thương răng có thể là dấu hiệu đầu tiên mà một bác sĩ hay gia đình và bạn bè nhận thấy ở họ.

-Trích dẫn từ cuốn Lắng nghe cơ thể do MedInsight phát hành. Trạm Đọc trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách hữu ích này.

 
Tags: