Trong một cuộc họp hoặc một buổi thảo luận nào đó, ngay sau khi vừa dứt lời phần trình bày của mình mà có người thẳng thắn nói với bạn rằng “Tôi không tán thành!” hoặc “Cậu sai rồi!” thì bạn sẽ làm gì? Hay một đồng nghiệp nào đó phản bác ý kiến của bạn bằng câu nói bắt đầu là “Không được…” thì sao? Dù chưa cần biết ý kiến của đồng nghiệp là gì, nhưng chắc chắn bạn sẽ có cảm giác như bị tạt một gáo nước lạnh ngay tức thì.
Vậy hãy thử đổi vai một chút nhé! Một người đồng nghiệp đang thuyết trình ý tưởng của mình mà bạn thì chẳng thể nghe lọt tai những điều đó thì bạn sẽ làm gì tiếp theo? Đương nhiên là nên nói ra để góp ý cho đồng nghiệp, nhưng làm thế nào để góp ý một cách tế nhị và không làm cho người nói bị mất hứng và cảm thấy khó chịu? Nhất là khi ở giữa đám đông, việc nêu quan điểm bất đồng một cách khéo léo và tế nhị lại càng cần thiết, không những bạn sẽ không bị đồng nghiệp ghét, thậm chí còn có thể được đối phương quý trọng hơn vì đã cho họ những ý kiến thiết thực.
Để làm được điều đó, đầu tiên bạn phải học cách tôn trọng đồng nghiệp của mình và chọn lối giao tiếp phù hợp. Bạn nên mở đầu ý kiến của bạn bằng vài từ dễ hiểu và thân thiện. Ví dụ như: “Bạn có một quan điểm thú vị.”,“Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm của bạn.”. Hay một số câu bắt đầu bằng từ “Phải…” như: “Phải, một góc nhìn thú vị.”, “Phải, tôi hiểu bạn đã phải trăn trở rất nhiều về điều này.”,... Sau đó ngừng lại lâu một chút, trước khi nói rõ quan điểm đối nghịch
Thủ thuật dành cho bạn trong những trường hợp muốn tỏ thái độ, ý kiến bất đồng mà không gây chiến, tránh sự căng thẳng là hãy khen ngợi trước khi phản đối. Khi bạn không nhất trí với đồng nghiệp, hãy nhớ thể hiện sự tôn trọng cùng lời khen bằng cách thừa nhận quan điểm của đối phương. Sau đó tạm ngưng đủ lâu để người kia thưởng thức món quà, rồi mới bày tỏ quan điểm trái ngược. Đừng quên giá trị của việc tạm ngưng vài giây. Hãy nhìn vào các diễn viên hài, họ thường coi những khoảng lặng ngắn ngủi đó là điểm đắt giá trong mỗi vở diễn đó!
Bạn có thể tìm hiểu thêm những thủ thuật về giao tiếp nơi công sở để “nâng hạng” cho bản thân qua cuốn sách Nghệ thuật giao tiếp để thành công nơi công sở của tác giả Leil Lowndes.