Tại sao chúng ta luôn bị ám ảnh với một sự khởi đầu mới
Tại sao chúng ta luôn bị ám ảnh với một sự khởi đầu mới
Bạn bắt đầu một công việc mới, ở một thành phố mới, với một con người mới. Mọi thứ nghe thật đầy hứa hẹn. Vấn đề duy nhất? Sự khởi đầu đó đã lặp lại quá thường xuyên, và nó sẽ sớm khiến bạn phải trả giá.

 

 

Những kẻ du mục thời hiện đại

 

 

Hãy để tôi kể bạn nghe câu chuyện khi tôi vào đại học - cũng là lần đầu tôi bập vào cái vòng xoáy khó cưỡng của “những sự khởi đầu mới”.

 

Tôi vẫn nhớ như in căn phòng ký túc buồn tẻ ấy. Bốn bức tường trống trải không tranh ảnh cũng chẳng poster. Bệ cửa sổ đầy trơ trọi, chẳng có thứ gì bày biện. Khi nhìn vào khoảng không gian sẽ đồng hành với mình trong những ngày tháng tới, tôi trộm nghĩ rằng đến khi tôi rời đi, có lẽ chỉ cần vài phút cũng đủ để người ta dọn sạch căn phòng ấy, để một sự khởi đầu mới lại tiếp diễn, như thể tôi chưa từng đặt chân đến chốn này.

Vào thời điểm ấy, tôi chẳng hề hay biết rằng sự dịch chuyển sẽ sớm trở thành một điều quen thuộc trong đời mình. Tôi đã dành quá nửa những năm tháng đôi mươi, sống trong trạng thái luôn sẵn sàng cho một chuyến đi. Không mối ràng buộc, và dĩ nhiên, tự do. Khi năm nhất đại học kết thúc, có một khoảng thời gian - tầm vài tháng - tôi sống trong căn nhà của một cô gái mà mình chẳng hề thân thiết. Theo sau đó là ba tháng ròng rong ruổi trên những ngọn núi ở North Carolina. Giờ tôi có một căn hộ ở Indianapolis, nhưng cuối tuần nào cũng dành thời gian xuống Nashville chơi. Nghĩ lại thì, tôi chẳng có lý do đếch gì để chuyển đến tất cả những vùng xa lạ ấy. Nhưng tôi bị ám ảnh bởi cái ý tưởng Đi để trải nghiệm, cách nói văn hoa mà những kẻ du mục thời hiện đại (như tôi) vẫn thường sử dụng để lý giải chính mình.

 

Xin chào! Chúng tôi là du mục thời hiện đại

Tôi cứ ngỡ mỗi lần thu xếp đồ đạc và lên đường, tôi sẽ có cơ hội được hiểu thêm về chính tôi. Mình là ai? Mình đang làm gì và có ý nghĩa gì trong dòng đời bất tận này? Nhưng hỡi ôi, hóa ra tôi cũng đang đâm đầu vào một rắc rối điển hình, như bao người trẻ tuổi đồng trăng lứa khác.

 

 

Sức hút của sự khởi đầu

 

 

Khái niệm Một sự khởi đầu mới hay Một cuộc sống mới nay đã chẳng còn xa lạ gì với chúng ta, qua những chuyến đi đánh dấu cột mốc trưởng thành của những người trẻ tuổi. Những bức ảnh, những bài báo được like share ầm ầm trên Facebook đã gieo vào tiềm thức chúng ta một ý niệm: Nếu bạn không dám lên đường, bạn chỉ là kẻ hèn nhát đang trốn tránh hành trình của cuộc đời. Bạn sẽ chẳng thể nào tìm thấy chính mình giống như những người kia (dẫu rằng trông những chuyến đi ấy chẳng khác gì mấy cuộc di cư hay nghỉ mát).

 

Bên cạnh đó, văn hóa đương đại cũng luôn có xu hướng thơ mộng hóa những chuyến đi, với lời hứa hẹn có thể thay đổi cả đời người. Bạn cứ thử nhìn lại mà xem. Chẳng phải Rachel đã sẵn sàng từ bỏ đám cưới để đến với New York phồn hoa trong Friends hay sao? Hay cô nàng Jess trong series New Girl, sau khi bị bồ đá đã quyết định tới sống chung với ba anh chàng lạ mặt để rồi tìm được tình yêu của đời mình. Đó là chưa kể đến những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn như Dưới ánh mặt trời Tuscany hay Ăn, cầu nguyện, yêu - mô tả những chuyến đi kéo dài hàng ngàn dặm (dĩ nhiên, đi kèm là cả ngàn đô la chi phí) để nhân vật chính “được hoàn thiện chính mình”.

 

Sẽ luôn luôn có một cái kết tuyệt vời chờ đợi bạn ở mỗi chuyến đi

Dĩ nhiên, văn hóa không phải là kẻ phải chịu trách nhiệm duy nhất cho việc này. Từ khi chúng ta ràng buộc mình với cánh cổng trường đại học, xã hội đã vẽ ra cho chúng ta một viễn cảnh tươi đẹp về những bước chuyển của đời người. Từ lá thư nhập học đến lần xin việc đầu tiên, từ căn phòng ký túc xoàng xĩnh đến căn nhà chỉ thuộc về riêng bạn. Sự ám ảnh của xã hội với những khởi đầu mới được mô tả với những từ khóa như “cuộc phiêu lưu”, “hành trình khám phá” hay “chuyến du hành”, khiến chúng thoát ly khỏi bản chất vốn có và đột nhiên, trở nên đầy ý nghĩa về mặt tinh thần.

 

 

Một thế hệ chuyển động

 

 

Người trẻ chúng ta, những thành viên của thế hệ Millennials và Z đã bị ám ảnh bởi những tư tưởng ấy, và điều này cũng chẳng có gì lạ. Tuổi trẻ chính là quãng thời gian để chúng ta định hình cuộc đời từ một tờ giấy trắng, là lúc ta dần lìa xa những ảnh hưởng của thời thơ ấu, nhưng lại chưa đến lúc để ràng buộc mình với những gì ổn định.

“Cánh cửa cuộc đời luôn có xu hướng mở ra, hơn là đóng lại” - Meg Jay, môt nhà tâm lý học lâm sàng, tác giả cuốn sách Thập kỷ định hình bày tỏ quan điểm - “Có rất nhiều cánh cửa khác đang chờ đợi bạn bước qua, vậy tội gì mà chúng ta không thử?”. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: Những người trẻ tạo được sự cân bằng giữa việc khám phá và ổn định bản thân sẽ có cá tính mạnh mẽ hơn, nhiều khả năng sở hữu một sự nghiệp triển vọng và những mối quan hệ bền vững. Họ biết kiên trì và có cái nhìn thực tế hơn so với những người có xu hướng thiên lệch về một trong hai phía.

 

Biết mạo hiểm một chút sẽ khiến cuộc sống của bạn thú vị hơn rất nhiều

Theo số liệu thống kê năm 2016, trong khi chỉ 20% người trẻ thuộc thế hệ Millennials dịch chuyển, tức là ít hơn so với thế hệ trước nếu so sánh trong cùng độ tuổi, thì họ vẫn chiếm tới 43% tổng số người thay đổi nơi ở trong năm. Thống kê cũng chỉ ra 59% cá nhân trong độ tuổi từ 18 đến 35 hiện đang không sống ở quê nhà, và 80% đã từng chuyển chỗ ở ít nhất một lần trong đời (đó là không kể tới trường hợp lên thành phố học đại học). 41% thanh niên tới nơi ở mới nhưng không có ý định sống ở đó lâu dài, trong khi 26% quyết định dịch chuyển vì họ muốn bắt đầu một lối sống, một cuộc đời mới. Thêm một điều rất đáng chú ý, đó là lý do di chuyển. Người trẻ ngày càng có xu hướng chuyển đi vì ý thích của chính bản thân họ, thay vì những nguyên nhân mang tính truyền thống như kết hôn, hay mua nhà để ổn định lâu dài.

Sức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hiện tượng này là không nhỏ. Dù chưa có đề tài khoa học chính thức nào về mối liên quan giữa việc dịch chuyển và nhu cầu được “sống ảo” ở những thành phố lớn, thì vẫn không thể phủ nhận rằng những bức ảnh Instagram lung linh có khả năng chi phối không hề nhỏ. Bạn thử ngẫm nghĩ mà xem, đã bao giờ bạn nhìn hình ảnh của những tòa tháp chọc trời ở New York, những quán cafe lãng mạn ở Paris hay những con phố nhỏ đủ màu sắc của Tokyo và mơ ước mình được đặt chân đến đó?

 

Đi đâu cũng được, nhưng ảnh phải lung linh!

Thật dễ dàng, để tưởng tượng rằng cuộc đời này sẽ đẹp hơn biết bao, nếu mình được trở thành một phần của những thành phố ấy. Theo nghiên cứu của Expedia, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để người trẻ lựa chọn địa điểm du lịch, chính là độ lung linh của nó khi bước lên những bức ảnh Instagram.

 

 

Dịch chuyển hay Ổn định?

 

 

Jennifer Tanner, một nhà khoa học phát triển ứng dụng, với nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh sự chuyển giao trong giai đoạn trưởng thành của con người, đưa ra quan điểm: “Não bộ con người sẽ trở nên mềm dẻo và dễ thích nghi trong những năm tháng đôi mươi, để bạn có thể dễ dàng thích ứng được với điều kiện của mình”. Khi Darwin đưa ra thuyết Chon lọc tự nhiên với quan điểm “Loài phù hợp nhất sẽ là loài sống sót”, ông không bàn đến sự phát triển về mặt thể chất hay ngoại hình, mà chính là sự tương hợp giữa con người (loài) với môi trường sống xung quanh nó.

 

Vậy nên nói một cách khác, sự hòa hợp - ở đây là tính ổn định - chính là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, trong cuộc sống con người. Dẫu cho trí óc và xúc cảm của chúng ta được lập trình để đi tìm kiếm những trải nghiệm mới trong tuổi trẻ, thì Jennifer Tanner vẫn tin rằng: Hiện tượng người trẻ hiện nay không thể sống cố định ở một nơi là một thiên hướng lệch lạc. Khám phá và tìm hiểu chính mình, về bản chất là một điều tích cực. Nhưng nếu chúng ta không đưa ra một quy chuẩn chung để hướng con người tới sự ổn định, thì dịch chuyển sẽ sớm trở thành hỗn loạn.

 

Dịch chuyển thiếu định hướng sẽ dẫn tới sự hỗn loạn trong cuộc sống

Con người chúng ta có tiệc cưới để làm dấu mốc kỷ niệm tình yêu, có lễ tốt nghiệp để tôn vinh công sức bao năm cố gắng học hành, và cả những bữa tiệc chia tay để tiễn người mình yêu quý đến những hành trình mới. Nhưng việc tìm đến những sự lựa chọn đúng đắn, như một nơi chốn phù hợp hay một công việc yêu thích, lại chẳng phải là điều gì mà tâm lý con người ta hào hứng đón chờ. Thay vì ăn mừng, sự ổn định lại khiến chúng ta thấp thỏm nửa mừng nửa lo, tự hỏi bản thân rằng liệu mình có đang bỏ lỡ điều gì ở thế giới ngoài kia, vì đã không dịch chuyển đủ nhiều.

“Tuổi trưởng thành khao khát được khám phá, được tiếp xúc với những sự chuyển giao mới, nhưng lại không giỏi trong việc đối mặt với những cam kết và ràng buộc”, Tanner tiếp tục, “Phải làm sao để chúng ta ngừng lại xu thế đó?”. Theo Tanner, sự cam kết hay ràng buộc thực chất chính là mối liên hệ của cá nhân đối với xã hội. Và khi ta cố gắng trốn tránh chúng vì sợ đưa ra những lựa chọn sai lầm, ta sẽ phải đối mặt với nỗi cô đơn và tình trạng mất kết nối với cộng đồng. Những điều này có ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đối với một người mới trưởng thành.

 

Trốn tránh những ràng buộc, bạn sẽ phải nhận lại nỗi cô đơn

Việc gắn bó với một số yếu tố nhất định là điều tối cần thiết, bởi bắt đầu một cuộc sống mới là một chuyện, còn làm sao để xây dựng một cuộc sống tốt lại là chuyện khác hoàn toàn. Biết là vậy, nhưng sự khởi đầu mới luôn có một sức cám dỗ khó cưỡng. Về bản chất, nó cũng giống như một tuần trăng mật - khi mà mọi thứ đều tuyệt vời và mới mẻ. Cám dỗ đó tồn tại bởi cơ chế sinh học của chúng ta. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận một thông tin mới, đi tới một thành phố mới, hay chỉ đơn giản là nhận một tin nhắn mới trong điện thoại, cơ thể ta sẽ sản sinh ra một loại hoóc môn mang lại cảm giác hạnh phúc, ở đây là Dopamine.

Nhưng cần lưu ý rằng, khi bước sang giai đoạn trưởng thành “thực sự”, mọi chuyện sẽ dần đổi khác. Khi bạn tự hào tuyên bố rằng mình đã bắt đầu công việc thứ năm hay chuyến đi thứ năm của cuộc đời, thì những người bạn thích-ổn-định trong suốt khoảng thời gian ấy cũng đã bắt đầu gặt hái được những lợi ích quý giá.

 

 

Ngày tôi khám phá nỗi cô đơn

 

 

Chỉ mới một năm trước đây, tôi đã đưa mình từ nơi này qua nơi khác với hy vọng mình sẽ tìm được một bản ngã mới ở mỗi vùng đất mình đi qua. Tôi sợ phải đối mặt với cảm giác mình trở nên tù túng và một màu. Tôi và bao người khác đã áp mình vào những hoàn cảnh khác biệt, khoác lên mình những danh tính, những tính cách khác biệt, nhưng liệu có bao nhiêu người trong số chúng tôi đã đạt được cái mục đích tìm thấy chính mình, và sâu xa hơn, trở nên trung thành với con người đó?

Với mỗi hành trình, tôi lại cố ép mình vào những guồng quay mới, của những mối quan hệ và cả thói quen. Tôi đã mơ đến cái viễn cảnh mình bước đi trên những rặng núi mù sương ở North Carolina, hay cùng bạn bè nấu bếp và quậy tung nhà ở Indianapolis. Nhưng với mỗi lần dịch chuyển mới, gặp những bạn bè mới, bắt đầu một công việc mới, tôi phải xây dựng lại mọi thứ từ tờ giấy trắng. Sự tự do mà tôi từng khát khao theo đuổi, nay lại tựa hồ như lạc lối. Và những chuyến đi thám hiểm đó, những buổi tụ tập đầy hứa hẹn đó, rốt cuộc chẳng bao giờ trở thành sự thật.

Tôi nhớ lại cái cảm giác chông chênh, khi phải tồn tại trong cái ranh giới của những điều mới mẻ, và cả những điều còn mới mẻ hơn thế. Khi ấy, tôi đứng giữa căn hộ mới của mình, ánh mắt hướng về chiếc sofa mới tậu, phía trên là bản hợp đồng cho thuê nhà nằm ngay ngắn. Mọi thứ như hứa hẹn về một tương lai ổn định. Thế nhưng chiếc vali dưới chân tôi chẳng hề được mở, và trên màn hình máy tính, là một chuỗi những danh sách cần làm cho điểm đến tiếp theo. Từ bao giờ tôi đã mắc sai lầm? Từ bao giờ cuộc đời này lại trở nên trống vắng đến thế? Tôi chẳng có ai để chia sẻ về những điều mới mẻ, bởi mọi mối quan hệ của tôi đã nằm lại ở miền đất cũ. Mọi trải nghiệm, mọi khám phá mà tôi đã hết lòng tự hào, rốt cuộc cũng chỉ là sáo rỗng.

 

Sau tất cả những chuyến đi dài, điều tôi nhận lại được là gì?

 

Trong sự ổn định, là một khởi đầu mới

 

 

Hành trình khám phá cuộc đời - dẫu là để tìm kiếm bản thân, để có một nơi ăn chốn ở, để có được một tình yêu đích thực, hay chỉ đơn giản là thử nghiệm mọi điều yêu ghét - chỉ có thể trở nên ý nghĩa nếu nó giúp ta định hình được chính ta.

 

Và giờ tôi đã hiểu ra điều đó. Sau hơn một năm sống ở nơi đây, tôi đã tìm được sự ổn định trong chính bản thân mình, dẫu cho cuộc sống này với tôi chẳng hề dư dả hay hoà ntoàn lý tưởng. Tôi đã tìm được cái thú vui khám phá ở những điều nhỏ bé hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tôi gặp gỡ những người bạn mới ở quán cafe quen, hẹn nhau la cà với những người bạn thân, hay chỉ đơn giản là tự mình đào lại vài thú vui xưa cũ. Tôi đã thấu hiểu một điều, mà thời trẻ tôi chưa từng hiểu được: Sự đổi thay tuyệt diệu nhất, ý nghĩa nhất không nằm ở nơi chốn hay địa điểm. Nó phải đến, từ trong chính chúng ta.

Sự đổi thay phải đến từ trong chính chúng ta

Nói với bạn nghe: Tôi chẳng có trong tay tấm vé nào để bước lên một hành trình mới. Không còn một vùng đất hứa hẹn ngoài kia mà tôi âm thầm lên kế hoạch chinh phục. Cũng chẳng có một thông báo chia tay bạn bè động trời nào trên Facebook. Trong tôi, chỉ còn một sợi dây ràng buộc, nhưng nó chẳng hề khó chịu hay nhàm chán. Tôi đã tìm được niềm vui khám phá trong chính cuộc đời mà mình đang tôn tạo.

Và đó, với tôi, là một sự khởi đầu mới tuyệt vời.

 

Theo Medium

Vân Anh (biên dịch)

 Ảnh Unsplash

Tags: