Sự thờ ơ của người Khắc kỷ với những điều “không quan trọng”
Sự thờ ơ của người Khắc kỷ với những điều “không quan trọng”
Người Khắc kỷ cho rằng những điều không quan trọng chẳng đóng góp gì cho Hạnh phúc (eudaimonia) cũng như bất hạnh, và bất cứ cái gì có thể được sử dụng theo cách tốt hay không tốt đều được xếp vào loại “không quan trọng”.
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
(37 lượt)

Trong suy nghĩ của người Khắc kỷ, những gì không tốt cũng chẳng xấu được xếp vào diện không quan trọng. Theo họ, về cơ bản đó là những thứ không giúp ích cũng chẳng làm hại những sinh vật có lý trí như chúng ta, nó cũng không là điều kiện cần thiết để có được một cuộc sống tốt. Người Khắc kỷ cho rằng những điều không quan trọng chẳng đóng góp gì cho Hạnh phúc (eudaimonia) cũng như bất hạnh, và bất cứ cái gì có thể được sử dụng theo cách tốt hay không tốt đều được xếp vào loại “không quan trọng”. Chính vì vậy chúng ta nên học cách “thờ ơ với những điều không quan trọng” (Meditations, 11.16). Theo Zeno, các ví dụ kinh điển về những điều không quan trọng bao gồm:

- Sự sống và cái chết

- Tiếng tốt và tiếng xấu

- Vui sướng và đau đớn

- Giàu có và nghèo khổ

- Khỏe mạnh và bệnh tật

Sức khỏe, của cải và danh tiếng tự thân chúng không thể giúp một kẻ ngốc và một kẻ thiếu chính trực có được cuộc sống tốt; cũng như không có bệnh tật, đói nghèo hay sự hành hạ nào có thể làm tổn hại tới hạnh phúc của một người đức hạnh. Danh sách trên đây bao gồm những điều mà lý thuyết phát triển Khắc kỷ cho rằng con người vốn đã coi trọng từ lúc chào đời. Đặc biệt, sức khỏe thể chất và sự sinh tồn là điều mà mọi loài vật đều tìm kiếm hơn bất kỳ thứ gì khác. Tuy vậy, như Seneca đã nói, người Khắc kỷ đã nhận ra rằng: “Cuộc sống không tốt cũng chẳng xấu; luôn có chỗ cho cả điều tốt và điều xấu”, nghĩa là cuộc sống có thể được sử dụng khôn ngoan hay khờ dại, có đức hạnh hay xấu xa (Letters, 99).

Như chúng ta đã thấy, cái tốt cho ta cũng chính là cái ta cảm thấy cố nhiên đáng ca ngợi. Tuy nhiên, một kẻ xấu xa thì dù có đạt được nhiều điều tốt ngoại thân đến đâu đi nữa cũng chẳng giúp hắn trở nên đáng ca ngợi trong ta. Chẳng hạn, một bạo chúa như Hoàng đế Nero có thể là người giàu có nhất và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng những điều đó, tự thân chúng không biến ông ta trở thành một người tốt. Trên thực tế, của cải và quyền lực của ông ta đơn giản là đã cho ông ta thêm nhiều cơ hội làm những điều xấu xa.

Cũng như vậy, một người khôn ngoan và tốt đẹp như Socrates có thể lâm vào cảnh nghèo khổ, tù tội và bị chế nhạo, nhưng dù ông mất tất cả những gì số đông gọi là “tốt”, kể cả sự sống, dù bao “tai ương” chồng chất thì cũng không hề khiến ông ít được ca tụng hơn. Trên thực tế, giữ gìn được đức hạnh trong tai ương chỉ làm ông vĩ đại hơn và đáng ngưỡng mộ hơn. Nếu những thứ bên ngoài ấy không thể thêm vào hay tước đoạt thứ gì từ đức tính tốt đẹp hay sự xấu xa, thì bản thân chúng cũng không tốt và không xấu, và chúng hoàn toàn không liên quan tới một cuộc sống tốt, tới hạnh phúc sau cùng của chúng ta, hay còn gọi là eudaimonia.

Mượn phép so sánh của Seneca, một con ngựa ốm yếu và trở chứng thì dù được trang hoàng với yên cương tiền vẫn không thể được gọi là con ngựa tốt, vì những thứ này không làm thay đổi bản chất của nó. Vì vậy, theo người Khắc kỷ, những “cái tốt” bên ngoài không liên quan gì tới bản chất vốn có của con người, những sinh vật có lý trí và mang tính xã hội. Chúng chỉ khiến những kẻ khờ khạo thêm bối rối về giá trị đích thực của tính cách một con người thôi.

Vậy [đức hạnh] này là điều tốt duy nhất của một con người, và nếu có được nó, thì ngay cả khi bị tước đoạt mọi thứ khác, anh ta vẫn xứng đáng với những lời ca ngợi; còn nếu không có nó, thì dẫu có được mọi thứ khác, anh ta vẫn bị lên án và bị chối bỏ. (Letters, 76) 

 

Những “cái tốt” bên ngoài không chỉ kém giá trị hơn đức hạnh mà nó còn hoàn toàn không tương xứng với đức hạnh: nếu so sánh thì nó chắc chắn chẳng là gì cả. Người tuyệt đối tốt đẹp và khôn ngoan sẽ sẵn sàng đặt mình vào nơi hiểm nguy, mất mát hay sự thù nghịch của người khác nếu cần, vì những thứ này không bao giờ cao hơn đức hạnh. Vì lý do đó, người Khắc kỷ nói rằng người tốt sẽ theo đuổi đức hạnh và tránh điều xấu xa “bằng mọi giá”.

Cicero minh họa cho điểm này với một phép ẩn dụ về cái cân, ở đây là “cái cân đạo đức” mà ông dùng để tri ân triết gia theo trường phái Aristotle – Critolaus thành Phaselis. Đặt đức hạnh ở một bên bàn cân, dẫu bàn cân bên kia có đặt lên bao nhiêu cái tốt bên ngoài (hay cái tốt trần tục), thì cũng không bao giờ đủ để làm nghiêng cán cân. Do vậy Epictetus khuyên học trò của mình luyện cách đáp lại những thứ trần tục, những thứ bên ngoài rằng: “Với ta, chúng không là gì!”. Dĩ nhiên, sự tách bạch này nghe có vẻ lý tưởng quá. Vì thế, đối với người Khắc kỷ, việc có thể chỉ ra vô số những tấm gương thể hiện trí tuệ thực tiễn, đức hạnh, và tránh xa những thứ bên ngoài như vậy là rất quan trọng. Đặc biệt, triết gia theo chủ nghĩa khuyển nho Diogenes là một ví dụ về việc đặt đức hạnh trên hết thảy mọi của cải vật chất. Nhiều thế kỷ sau đó ở La Mã, Cato được tung hô như một hình mẫu Khắc kỷ:

Trong mắt ông, chinh phục cơn đói là một bữa tiệc, chịu đựng mùa đông bằng một mái che chính là một lâu đài tráng lệ, quấn quanh tử chi bằng một chiếc áo thụng theo kiểu cũ của dân La Mã cũng tựa một chiếc áo choàng quý giá. (Lucan, The Civil War, 2)

 Năng lực nhận biết những thứ không quan trọng là không quan trọng, thỏa mãn với những gì tự nhiên coi là thiết yếu chính là khôn ngoan, là đức hạnh tối thượng. Do vậy Chrysippus cho rằng đối với một người tốt, mất một điền trang cũng chỉ như mất một đồng xu, và ốm đau cũng không khác gì một lần trượt ngã.

Bài viết được trích lược từ cuốn Chủ nghĩa Khắc Kỷ của tác giả Donald Robertson do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại đây.

Có thể bạn quan tâm: Triết lý tình yêu và Thấu cảm như một người khắc kỷ

 
Tags: