Tóm tắt sách: Nguyên lý 80/20 - Bí quyết làm ít được nhiều
Tóm tắt sách: Nguyên lý 80/20 - Bí quyết làm ít được nhiều
Người thông minh chỉ dành 20% thời gian của họ để đạt được 80% kết quả như mong muốn. Đó là lý do mà 80% tài sản thế giới lại rơi vào tay 20% người giàu có trên hành tinh này!

Giới thiệu khái quát:

Nguyên lý 80/20 (1997) được ghi tên vào danh sách 25 cuốn sách kinh doanh hàng đầu của thế kỷ 20 trên tạp chí QG (Gentlement’s Quaterly). Cuốn sách bàn về nguyên lý 80/20, cho rằng 80% kết quả đạt được chỉ đến từ 20% nỗ lực. Từ đó, nguyên lý này có ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, bởi vì nó giúp con người xác định được những yếu tố quan trọng nhất trong mỗi tình huống.

Ai nên đọc cuốn sách này?

  • Bất cứ ai muốn đạt được kết quả tốt hơn mà không tốn thêm thời gian
  • Bất cứ ai muốn giải phóng thời gian và dành nó cho việc tận hưởng cuộc sống hạnh phúc
  • Bất cứ ai muốn tăng lợi suất trong kinh doanh

Ai viết cuốn sách này?

Richard Koch từng là một nhà tư vấn quản trị, sau đó về hưu vào năm 1990 để tập trung viết sách. Ông là tác giả của 18 đầu sách, bao gồm The Power Laws, Living the 80/20 WaySuperconnect. Chính ông cũng là người đã áp dụng thành công nguyên lý 80/20 cho cuộc đời của mình.

 

MỘT: Đọc sách này có ích gì? Bạn sẽ học được cách sử dụng thời gian của bạn một cách hiệu quả nhất có thể.

 

Trong cuộc sống cuồng nhiệt thời nay, cứ mỗi ngày, chúng ta đều có một danh sách dài dằng dặc những việc cần làm. Chúng ta có thể bắt đầu công việc bằng việc xác định rằng sẽ cố gắng hoàn thành việc đầu tiên trong danh sách một cách nhanh chóng, chỉ để nhận ra rằng lại vừa có thêm hai đầu việc mới.

Tương tự như vậy, những công ty đắm chìm trong sự rối rắm khi cố gắng để phục vụ nhiều thị trường với vô số dòng sản phẩm khác nhau, tung hứng tất cả những sản phẩm ấy như một anh hề trong gánh xiếc.

Trong môi trường hỗn độn này, việc xác định được điều gì là thực sự quan trọng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đó là lí do mà chúng ta cần thiết phải hiểu được Nguyên lý 80/20 tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại vô cùng hữu ích này. Nguyên lý nghe qua có vẻ đại diện cho sự bất cân xứng giữa thành quả và nỗ lực, nhưng thực sự sẽ giúp bạn sử dụng thời gian trong công việc một cách hiệu quả hơn.

Không dừng lại ở đó, nguyên lý tỏ ra hiệu quả trong việc giúp nhiều công ty thành công bằng phương thức kỳ lạ: không phải bằng cách làm nhiều hơn, mà là làm ít đi.

Sau cùng, bạn thậm chí có thể áp dụng nguyên tắc này cho cuộc sống cá nhân của mình để gia tăng hạnh phúc và niềm vui lẫn tình cảm trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Đơn giản là bạn chỉ cần tư duy 80/20 một cách đúng đắn mà thôi.

 

HAI: Thông thường, phần lớn kết quả đầu ra chỉ được sản sinh ra bởi một phần nhỏ công việc đầu vào.

 

Bạn đã bao giờ từng thử nhìn lại dự án bạn từng làm và nhận thấy rằng hầu hết công việc chỉ được hoàn thành ngay trước thời hạn? Dường như chỉ trong một vài ngày ít ỏi khi bạn sắp hết thời gian, những gì bạn làm được nhiều hơn tất cả những tuần trước đó cộng lại.

Thực tế là, những sự bất cân xứng tương tự giữa thành quả đầu ra và nỗ lực đầu vào xảy ra ở rất nhiều tình huống khác nhau.

Ví dụ, nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng 20% ngành hàng thực sự chiếm tới 80% lợi nhuận của họ.

Tương tự, 20% người lái xe máy gây ra 80% số vụ tai nạn. Hầu hết những người điều khiển xe máy đều lái xe cẩn thận, trong khi đó một số rất nhỏ lái xe khác thì lại rất bất cẩn và gây ra phần lớn vụ tai nạn.

Hiện tượng này còn được biết đến với tên gọi Nguyên lý 80/20: Khoảng 80% kết quả công việc hoặc đầu ra chỉ đến từ 20% nỗ lực hoặc đầu vào.

Bạn thắc mắc tại sao chỉ số này không thể cân xứng hơn? Bởi vì không phải tất cả các nguyên nhân đều có cùng một ảnh hưởng lên kết quả đầu ra. Trong thực thế, các nguyên nhân có thể tạm chia vào hai loại: phần thiểu số gây ảnh hưởng lớn và phần đa số nhưng gây ảnh hưởng nhỏ. Sự phân chia này gói gọn trong tỉ lệ 80/20.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nguyên lý 80/20 chỉ là một sự tinh giản, trong thực tế tỉ lệ này có thể thay đổi khác nhau – ví dụ, nó có thể là 70/30 hay thậm chí 99.9/0.01.

Đồng thời, tổng của 2 vế không nhất thiết bằng 100%. Ví dụ, một nghiên cứu năm 1997 chỉ ra rằng, trong số 300 bộ phim, chỉ có 4 bộ phim (tương đương 1.3%) đã mang về 80% doanh thu bán vé.

Bạn sẽ thấy nguyên lý 80/20 này xuất hiện ở rất nhiều tình huống khác nhau và khi nhận ra vấn đề, bạn sẽ cảm thấy nguyên lý này thực sự là một kiến thức quý giá.

 

BA: Trong tâm trí mọi người, lối suy nghĩ theo nguyên lý 80/20 là một sự lạ lẫm, vì mỗi chúng ta luôn mong đợi sự tương xứng và công bằng.

 

Mọi người có xu hướng mong đợi thế giới sẽ cân xứng.

Nhưng trong thực tế, cân xứng không phải là trạng thái tự nhiên của thế giới, mà lại là sự bất cân xứng.

Ví dụ: thử xem xét lĩnh vực ngôn ngữ: Ngài Isaac Pitman khám phá ra rằng chỉ có khoảng 700 từ thông dụng tạo nên 2/3 cuộc hội thoại hằng ngày. Nếu chúng ta tính thêm cả các từ phái sinh của chúng, con số này sẽ tăng lên 80%: như vậy chỉ ít hơn 1% số lượng từ trong Tiếng Anh đã làm nên 80% những gì chúng ta giao tiếp hàng ngày.

Nhưng tại sao lại xảy ra những sự bất cân xứng này?

Đó là do những vòng lặp phản hồi đã làm gia tăng những khác biệt nhỏ.

Ví dụ, nếu bạn có rất nhiều cá vàng gần như cùng kích thước và cùng được nuôi trong một cái hồ, thì khi lớn lên, kích thước của chúng vẫn rất khác nhau.

Tại sao ư?

Bởi vì khi một vài con cá chỉ cần lớn hơn những con khác một chút, chúng ta đã có một lợi thế nhỏ. Điều này có nghĩa là chúng dễ dàng đớp được nhiều thức ăn hơn, từ đó lớn nhanh hơn những con cá nhỏ. Điều này một lần nữa gia tăng lợi thế của chúng, giúp chúng ngày càng đớp được nhiều thức ăn hơn. Do đó, vòng tuần hoàn này khuếch đại theo từng vòng, để cuối cùng tạo ra những sự khác biệt đáng kể trong kích thước.

Nhưng trong khi những sự bất cân xứng đó là tự nhiên vốn có, rất nhiều người lại cho rằng điều đó là không công bằng. Lấy ví dụ về sự phân phối không đều trong thu nhập và tài sản: Chỉ 20% dân số nắm giữa tới 80% tổng tài sản, chúng ta gọi đó là sự bất bình đẳng xã hội.

Sự không công bằng này đến từ thực tế rằng mọi người đều giả định rằng thành quả đầu ra và nỗ lực đầu vào nên có cùng tỉ trọng theo tỉ lệ 1:1

Nhưng giống như nguyên lý 80/20 đã chỉ rõ, không phải tất cả mọi nỗ lực đầu vào đều mang lại kết quả đầu ra giống nhau.

 

BỐN: Nguyên lý 80/20 có thể giúp bạn cải thiện quy trình làm việc để đạt được kết quả cao hơn.

 

Bây giờ, khi bạn đã hiểu được nguyên lý 80/20 và thấy nó rất đúng và giá trị, nhưng bạn băn khoăn nguyên lý 80/20 này có ích gì cho bạn và cuộc sống hàng ngày của bạn?

Đầu tiên, hãy thử soi vào sự nghiệp chuyên môn của bạn, bởi vì cách bạn đang làm việc chắc chắn không thực sự hiệu quả. Hãy suy nghĩ về điều này: nếu bạn đạt được 80% kết quả đầu ra chỉ với 20% nỗ lực đầu vào, điều đó có nghĩa rằng 80%  nỗ lực của bạn cực kỳ không hiệu quả.

Thử tưởng tượng: Nếu bạn có thể cắt bỏ phần thời gian lãng phí này và thay vào đó bằng những thứ bạn làm trong phần 20% hiệu quả kia, bạn sẽ có thể tăng thành quả công việc của bạn lên nhiều lần.

Ví dụ, bạn hãy tưởng tượng bạn có thể tái tạo sự hiệu quả vào những phút chót kế cận thời hạn dự án của bạn, duy trì sự hiệu quả ấy trong suốt toàn bộ dự án.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc kiểm tra và phân tích lại quy trình làm việc của mình để tìm ra phần nào không hiệu quả. Ví dụ, bạn có thể nhận ra rằng, ở giai đoạn đầu của dự án, bạn đã lãng phí thời gian dành vào việc nghiền ngẫm những sai lầm mà bạn có thể mắc phải. Khi nhận ra điều này, bạn có thể chủ động dừng việc lãng phí này lại.

Bất kể lý do là gì đi chăng nữa, bằng việc phát hiện ra những tiêu hao không đáng có này và sắp xếp lại quy trình làm việc để tránh lãng phí, hiệu quả làm việc của bạn sẽ gia tăng đáng kể.

 

NĂM: Để tăng lợi nhuận trong kinh doanh, hãy sử dụng nguyên lý 80/20.

 

Bây giờ bạn đã nắm được cách áp dụng nguyên lý 80/20 cho năng suất của bản thân, bạn hẳn là đang thắc mắc có cách nào để áp dụng nguyên lý này trong kinh doanh hay không?

Thực tế là, có rất nhiều cách để bạn có thể làm được điều này, nhưng có lẽ việc quan trọng nhất là tối ưu hóa danh mục sản phẩm của bạn.

Để làm được việc này, trước hết bạn cần phân tích các nhóm sản phẩm đang tạo ra nhiều lợi nhuận nhất, chỉ cần xếp hạng tất cả sản phẩm của bạn theo lợi nhuận và doanh số, bạn chắc chắn sẽ nhận ra rằng trong khi những sản phẩm hàng đầu chỉ chiếm 20% doanh số, chúng lại tạo ra đến 80% lợi nhuận.

Lấy một ví dụ minh họa, Richard Koch, tác giả cuốn sách, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu ở một công ty trong lĩnh vực điện tử và tìm ra rằng ba sản phẩm đứng đầu, chiếm 19.9% tổng doanh thu, nhưng lại mang lại tới 52.6% tổng lợi nhuận.

Khi bạn đã nhận định được tỉ lệ 80/20 trong công ty của bạn, bước thứ hai là khuếch đại và khai thác tối đa tiềm năng của phần 20% sinh lời đó. Sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của các sản phẩm và tập trung nguồn lực vào bán các sản phẩm ưu tiên nhiều hơn nữa.

Ở công ty điện tử này, tác giả đã khuyến khích ban lãnh đạo đẩy mạnh tăng doanh thu đối với các sản phẩm hàng đầu bằng việc nói với đội ngũ kinh doanh rằng mục tiêu duy nhất của họ lúc này là làm sao để tăng gấp đôi doanh thu của 3 sản phẩm đứng đầu đó, không cần quan tâm đến bất kỳ điều gì khác.

 

SÁU: Đơn giản hóa và giảm bớt sự phức tạp trong kinh doanh để thành công.

 

Ai cũng biết rằng việc vận hành những công ty lớn thường rất phức tạp. Điều này có nghĩa là các giám đốc phải nỗ lực để quản lý những bộ máy cồng kềnh ấy, và thậm chí là họ thích những thử thách và những cuộc cân não mà chúng mang lại.

Nhưng liệu việc chấp nhận hoặc thậm chí là ôm về những mớ bùng nhùng ấy có phải là cách tốt nhất để thành công hay không?

Rất nhiều người tin vào việc kích cỡ của một công ty và một danh mục sản phẩm đa dạng sẽ là lợi thế lớn cho một công ty bởi vì càng có nhiều sản phẩm, lợi nhuận đem về càng lớn.

Nhưng trong thực tế, những công ty với hệ thống vận hành nội bộ phức tạp thường phải chịu những chi phí tiềm tàng khổng lồ. Một danh mục sản phẩm đa dạng, đồng nghĩa với việc phải có một hệ thống logistics phức tạp hơn, nhiều công sức đào tạo đội ngũ bán hàng hơn, khối lượng công việc hành chính nhiều hơn so với một danh mục sản phẩm hẹp. Những yếu tố này làm gia tăng tổng chi phí - mà thậm chí lượng gia tăng này còn nhiều hơn cả lợi nhuận mà những sản phẩm thêm vào ấy mang lại.

Mặt khác, đơn giản hóa công ty sẽ cắt giảm được chi phí. Nếu bạn thu hẹp lại và tập trung vào danh mục hàng hóa của bạn, mỗi người trong công ty sẽ có thể dành toàn bộ tâm sức cho một vài mặt hàng nhất định. Điều này giúp họ am hiểu được các sản phẩm một cách sâu sắc hơn, so với khi họ phải căng não lựa chọn và suy nghĩ về cả tá mặt hàng. Theo đó, điều này tiếp tục tinh giản khối lượng công việc hành chính, mang lại lợi thế kinh tế theo quy mô - lợi ích mang lại từ việc làm nhiều hơn một thứ - trong những ngành sản xuất hay logistics.

Những lợi ích này ngày càng trở nên rõ ràng trong thực tế. Ví dụ, một nghiên cứu với đối tượng là 39 công ty tầm trung kết luận rằng công ty ít phức tạp nhất là công ty thành công nhất. Họ đã sử dụng một danh mục sảnh phẩm hẹp hơn, bán cho ít khách hàng hơn, có ít nhà cung cấp hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn.

Rõ ràng là, bằng việc đơn giản hóa doanh nghiệp, bạn có thể cắt giảm chi phí, để từ đó gia tăng được lợi nhuận.

 

BẢY: Bạn có thể áp dụng nguyên lý 80/20 vào bất kỳ lĩnh vực nào trong kinh doanh, từ đàm phán cho tới việc định hướng quảng cáo.

 

Bạn đã biết cách áp dụng Nguyên lý 80/20 nhằm thu hẹp danh mục sản phẩm và tăng lợi nhuận. Thế còn tất cả những lĩnh vực khác trong kinh doanh thì sao?

May mắn thay, nguyên lý 80/20 đa-zi-năng đến mức bạn có thể sử dụng nó trong bất kỳ lĩnh vực hay chức năng nào khi kinh doanh để tăng khả năng thành công.

Ví dụ, đàm phán là một phần quan trọng của mọi cuộc làm ăn kinh doanh, dù đó là đàm phán với khách hàng, nhà cung cấp hay đối tác.

Thường trong một cuộc đàm phán, vấn đề cần thảo luận đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nhưng vấn đề là có quá nhiều vấn đề cần thảo luận và chúng ta chuẩn bị không xuể. Phân tích 80/20 có thể giúp bạn vạch ra được chỉ một vấn đề quan trọng thực sự quan trọng đối với công ty của bạn, vì vậy bạn chỉ nên tập trung vào việc đàm phán thành công những điểm cốt lõi này thay vì cố gắng tranh luận để thắng trong mọi vấn đề.

Một ví dụ khác của việc áp dụng nguyên lý 80/20 là định hướng quảng cáo. Nếu có một khúc 20% khách hàng của bạn đang mang lại 80% doanh thu, rõ ràng bạn nên tập trung xác định chúng, tìm mọi cách giữ chân và kích thích nhóm khách hàng này mua nhiều hơn.

Sau khi bạn đã xác định được khách hàng mục tiêu, hãy gia tăng sự trung thành của họ bằng việc cung cấp những dịch vụ chăm sóc khách hàng (CSKH) trên cả tuyệt vời. Sau đó, khi bạn phát triển thêm những sản phẩm hay dịch vụ mới, việc cần làm chỉ là bán tập trung vào nhóm 20% này. Điều này sẽ giúp bạn tăng được thị phần của sản phẩm trong khi vẫn tận dụng được lợi thế của việc bán cho cùng một nhóm khách hàng.

Lấy Nicholas Barsan làm một ví dụ minh họa, Nicholas Barsan là một trong những tay môi giới bất động sản đứng đầu ở Mỹ, kiếm ra hơn 1 triệu đô la từ tiền hoa hồng mỗi năm. Hơn một phần ba số hoa hồng này đến từ những khách hàng thân thuộc – những người mua vào rồi lại bán ra. Rõ ràng, chiến thuật tập trung vào làm hài lòng nhóm khách hàng này thực sự là một chiến thuật khôn ngoan của Nicholas.

Cho đến thời điểm này, nguyên lý 80/20 dường như có tính ứng dụng gần như phổ thông đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào.

 

TÁM: Áp dụng nguyên lý 80/20 cho cuộc sống hằng ngày của bạn bằng cách thay đổi lối suy nghĩ.

 

Giống như trong các ví dụ kinh doanh bên trên, nguyên lý 80/20 được áp dụng bằng cách phân tích để tìm ra đâu là phần 20% đầu vào sản sinh ra 80% đầu ra. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, rõ ràng là việc phân tích này sẽ khó thực hiện hơn.

Điều này có nghĩa là bạn cần đến một thứ khác, mang tên: Tư duy 80/20.

Lối suy nghĩ truyền thống là lối suy nghĩ tuyến tính, ở đó giả định rằng mọi nguyên nhân, mọi đầu vào đều quan trọng như nhau, giống như khi còn là trẻ con, chúng ta được dạy rằng tất cả các bạn bè đều quan trọng như nhau.

Trong tình huống này, tư duy 80/20 sẽ làm sáng tỏ sự thật rằng trong thực tế các mối quan hệ không hề có giá trị như nhau. Một vài bạn của chúng ta luôn quan trọng hơn số còn lại, và tình bạn của chúng ta với họ sâu đậm và ý nghĩa hơn nhiều.

Bạn cũng có thể nói rằng 20% tình bạn tạo ra 80% “giá trị” – giá trị ở đây nghĩa là niềm vui và tình cảm mà bạn nhận được từ tình bạn ấy.

Sự khác biệt căn bản giữa một phân tích 80/20 tư duy 80/20phân tích 80/20 cần đến việc thu thập dữ liệu và phân tích chúng để tìm ra phần 20% ở đâu, trong khi đó với tư duy 80/20, bạn chỉ cần dự đoán chúng.

Rõ ràng là, giá trị của một mối quan hệ không thể nào đo được bằng một con số tuyệt đối, nhưng bạn luôn luôn có thể tự đặt câu hỏi: “Trong số những người tôi biết, ai quan trọng nhất? Tôi đã dành bao nhiêu thời gian cho họ mỗi tuần?

Kiểu câu hỏi như thế này sẽ giúp bạn xác định được mối quan hệ nào là quan trọng nhất đối với bạn.

Khi đó, tư duy 80/20 khuyến khích bạn tìm kiếm chất lượng, thay vì số lượng, và tập trung đào sâu những gì là giá trị nhất, ý nghĩa nhất.

Lối suy nghĩ 80/20 này có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống mà không cần phải thu thập số liệu hay thông tin nào cả.

 

CHÍN: Hãy dành thời gian của bạn vào những đầu việc quan trọng nhất thay vì tập trung vào việc quản trị thời gian.

 

Hẳn là bạn không còn xa lạ với thuật ngữ quản trị thời gian, thứ mà thường được làm quá lên trong các cuốn sách phát triển bản thân. Ý tưởng cơ bản ở đây là muốn giúp bạn đạt được nhiều hơn trong lượng thời gian mà bạn có được, và thực sự là kỹ thuật này đã hữu hiệu: nó giúp tăng năng suất từ 15 đến 25%.

Nhưng thậm chí còn có một cách tốt hơn để đạt được hiệu quả mong muốn.

Trong vấn đề quản trị thời gian, mục tiêu là tăng sự hiệu quả bằng cách chèn nhiều đầu việc vào trong một khoảng thời gian cho trước. Cách này dành cho các nhà điều hành, những người vốn có một lịch trình dày đặc và bước đầu tiên cần làm đó là sắp xếp lại hoạt động hằng ngày theo thứ tự ưu tiên.

Đến đây, vấn đề bắt đầu nảy sinh: hầu hết mọi người không biết đầu việc nào là quan trọng nhất, hậu quả là họ ghi chú đến 60% hay 70% những việc cần làm là “cấp thiết” hay “ưu tiên cao”.

Kết quả ư? Họ phải chịu đựng lịch làm việc dày đặc, và làm việc nhiều hơn trước. Hiển nhiên, việc đẩy nhiều đầu việc hơn vào một lịch trình vốn đã không còn chỗ trống không phải là một cách hay, bởi vì bạn dễ dàng bị quá tải, và thậm chí là điên tiết lên vì stress.

Thay vào đó, quản trị thời gian 80/20 hay còn gọi là “cuộc cải cách về thời gian” giúp bạn xác định ngay từ đầu 20% công việc nào sẽ giúp đem lại 80% thành quả, và bạn chỉ cần dồn toàn bộ tâm huyết vào chúng.

Ví dụ, trong công việc của chính tác giả ở một hãng tư vấn, tác giả cũng nhận ra rằng hãng của ông ấy thành công hơn những hãng khác, mà thực ra không tốn thêm chút sức lực nào.

Thông thường, các nhà tư vấn cần nỗ lực giải quyết rất nhiều vấn đề của khách hàng, dẫn đến hệ quả là mọi vấn đề chỉ được giải quyết hời hợt, khách hàng lại phải tự mình chịu trách nhiệm cho việc áp dụng thử bất kỳ lời tư vấn nào.

Trái lại, hãng tư vấn của tác giả đã làm theo cách khác: tập trung vào 20% những vấn đề quan trọng nhất của khách hàng và sử dụng khoảng thời gian mà họ tiết kiệm được vào việc giúp khách hàng thực thi các kế hoạch đó. Hướng tiếp cận này đã giúp họ vượt lên trên các hãng tư vấn khác và gia tăng được lợi ích của khách hàng.

Kiểu “cách tân tân thời gian” này giúp bạn có thêm thời gian rảnh mà lại không hề làm giảm hiệu quả công việc.

Hướng đến một cuộc sống tốt hơn thông qua việc áp dụng rộng rãi nguyên lý 80/20.

Hầu hết mọi người định nghĩa giá trị cuộc sống bằng sự hạnh phúc họ có được. Mặc dù nghe có vẻ thú vị, nhưng thực tế, rất ít chúng ta cố gắng thay đổi cuộc sống để sống hạnh phúc hơn.

Sự thật là, đa số mọi người dành rất nhiều thời gian để làm những việc làm cho họ cảm thấy buồn phiền. Ví dụ, rất nhiều người chịu đựng những công việc làm cho họ bực dọc. Số nhiều những nhân viên văn phòng dành cả ngày dài ngồi trong bốn bức tường, thờ ơ làm việc, chờ hết giờ làm rồi ra về.

Nhưng bạn có thể cải thiện điều này như thế nào?

Khá đơn giản, bạn nên thử xác định tỉ lệ phân bổ của sự hạnh phúc và phiền muộn trong cuộc sống của mình và tìm ra nguyên nhân trước khi bước vào hành động.

Hãy tự hỏi bản thân mình, 20% nào trong cuộc sống mang lại cho bạn tới 80% sự hạnh phúc và ngược lại? Khi bạn đã xác định được phần 80% chỉ mang lại một chút hạnh phúc, bây giờ là lúc hành động: hãy giảm bớt thời gian bạn đổ vào những thứ này.

Ví dụ, nếu công việc của bạn làm bạn cảm thấy buồn phiền, bạn có thể thử tìm cách thay đổi nó. Tìm một công việc khác? Thử định nghĩa lại công việc hiện tại? Giảm giờ làm? Nhưng cho dù bạn làm điều gì, bạn không nên cam chịu làm một công việc mà làm bạn cảm thấy muộn phiền suốt cả quãng đời còn lại.

Một khi bạn đã hoàn thành việc giảm bớt những thứ làm bạn không thoải mái, bạn sẽ cảm thấy mình có nhiều thời gian và năng lượng hơn để dùng vào những thứ làm bạn hạnh phúc. Ví dụ, nếu bạn quyết định dành ít thời gian cho công việc hơn, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và bạn bè. Hãy nghĩ về phần 20% những hoạt động trong cuộc đời bạn tạo ra 80% hạnh phúc, và cố gắng tìm cách dành nhiều thời gian hơn cho chúng. Chắc chắn, bạn sẽ sống hạnh phúc hơn.

 

MƯỜI: Lời kết

 

Thông điệp quan trọng của bài này:

Nguyên lý 80/20 khẳng định rằng trong hầu như mọi lĩnh vực, 20% nỗ lực hay đầu vào sẽ tạo ra 80% thành qua hoặc đầu ra. Điều đó có nghĩa là khoảng 80% những nỗ lực đang được sử dụng một cách không hiệu quả, và nếu bạn thu 80% này về, sử dụng vào phần 20% hiệu quả kia, bạn sẽ đạt được sự hiệu quả vượt trội. Nguyên lý đơn giản này có thể áp dụng tới gần như mọi mặt của cuộc sống, từ kinh doanh cho tới bạn bè và chất lượng cuộc sống.

Lời khuyên hữu ích từ cuốn sách:

Hãy cải thiện công việc kinh doanh của bạn.

Nếu bạn đang làm một ông chủ, bạn có thể sử dụng khái niệm trung tâm của bài này để phát triển kinh doanh. Ví dụ, bạn hoàn toàn có thể phân tích danh mục sản phẩm để tập trung mọi đội ngũ bán hàng vào 20% các sản phẩm sinh lời tốt nhất.

 

Trạm Đọc (Read Station)