Tương đồng giữa Đạo Đức Kinh và Quân Vương
Lão Tử thật sự rất đề cao tầm quan trọng của quan điểm nêu trên với sự cai trị của vua quan, vì chính việc tỏ ra không quan tâm đến các vấn đề nhỏ bé thường nhật sẽ xây nên một bức màn bảo vệ ngăn cách giữa nhà nước và dân chúng. Đối với Lão Tử, bức màn ngăn cách này rất hữu ích vì nó có thể khiến dân tôn kính người lãnh đạo, đặc biệt nếu người đó biết ứng xử một cách khéo léo, tinh tế và chừng mực để giữ bí mật về phương pháp cai trị của mình. Ngoài ra, người lãnh đạo cũng sẽ tránh được rủi ro bị đổ lỗi vì đã đưa ra những sắc lệnh bất lợi cho nhà nước, vì những gì diễn ra trong tầm kiểm soát của người lãnh đạo sẽ xảy đến một cách tự nhiên mà không cần quá nhiều luật lệ gò ép. Từ đó ta cũng có thể suy luận rằng, theo Lão Tử, tốt nhất là dân chúng không biết gì, như những đứa trẻ, như vậy sẽ dễ kiểm soát và đảm bảo trật tự xã hội hơn. Cuối cùng, Lão Tử tin rằng người lãnh đạo có thể mang lại và gìn giữ hòa bình cho xã hội bằng cách cô lập lãnh thổ của mình, không tương tác giao lưu gì với các quốc gia khác bên ngoài.
Ngoài ra, Lão Tử cũng đề cập đến những phẩm chất cần thiết của một “thánh nhân” - hay một vị lãnh tụ vĩ đại. Ông nói rằng những người phù hợp nhất để đứng ra trị vì là những người có thể ứng biến linh động trong cung cách trị vì. Đây có lẽ là do niềm tin của Lão Tử rằng những người ít bị chi phối là những người cai trị tốt nhất, và thông qua những hành động chính trị hoặc sắc lệnh của nhà nước cho phép thiên hạ phát triển thuận theo tự nhiên, người lãnh đạo sẽ dễ dàng giữ được hòa hợp cho xã hội. Lão Tử cũng tin rằng nhà nước không bao giờ nên dùng vũ lực để thị uy, mà thay vào đó nên tiết chế, không áp đặt nhiều luật lệ thủ tục, để đất nước có thể tự phát triển một cách tự nhiên và trường tồn theo cách vốn có của nó.
Những người phù hợp cho vai trò lãnh đạo là những người có thể coi vận mệnh đất nước và bản thân là một, và vì vậy sẽ đối xử và cai trị đất nước như với chính thân thể mình.
Từ đó có thể suy ra rằng đối với Lão Tử, người lãnh đạo đóng vai trò như một thiên sứ che chở bảo vệ vận mệnh quốc gia, chứ không phải là một bạo chúa. Quan điểm cho rằng vua chúa nên là người cai quản bảo vệ chứ không nên là một nhà lãnh đạo chuyên chế được củng cố thêm bởi khẳng định của Lão Tử rằng: những người phù hợp cho vai trò lãnh đạo là những người có thể coi vận mệnh đất nước và bản thân là một, và vì vậy sẽ đối xử và cai trị đất nước như với chính thân thể mình. Cuối cùng, ông cũng nói thêm rằng người lãnh đạo không nên quá tự cao tự đại hoặc quá phô trương với thiên hạ, thay vào đó nên duy trì phong thái khoan thai, giữ khoảng cách cần thiết với dân chúng, vì sự an toàn cho bản thân cũng như để giữ thể diện cho bộ mặt quốc gia.
Theo triết gia Machiavelli, có nhiều cách để người lãnh đạo cai trị trên lãnh địa của mình. Trong số những nguyên tắc tồn tại từ xa xưa, ông nhận thấy rằng những người thừa kế ngai vàng sẽ dễ bề cai trị hơn những kẻ ngoại tộc. Điều này là bởi, mục đích chính của việc nối ngôi trị vì là để duy trì truyền thống của tổ tiên, cũng như cai trị bằng những cung cách và truyền thống vốn có của gia tộc mà sẽ dễ dàng được truyền lại cho người kế vị. Tuy nhiên, nếu người kế vị là một người mới hoàn toàn, không nằm trong hoàng tộc, thì cách kiểm soát sao cho nhà nước ổn định cũng được Machiavelli chỉ rõ. Ông khuyến nghị người mới lên thay thế không nên sử dụng quá nhiều quy tắc và vũ lực để đàn áp, kiểm soát dân chúng. Điều này là để dân chúng không trở nên căm thù và coi thường nhà lãnh đạo mới, từ đó ảnh hưởng đến an nguy xã hội. Machiavelli cũng cho rằng cách tốt nhất để một người mới lên cai trị tránh khỏi bất ổn chính trị trong vùng lãnh thổ của mình là không thay đổi luật pháp hoặc không tăng thuế. Từ đó, có thể kết luận rằng, theo Machiavelli, người dân sẽ vẫn nên được sinh sống bình thường như cũ mà không bị can thiệp bởi sự thay đổi của người lãnh đạo, đặc biệt nếu những can thiệp đó có thể gây ra nguy hiểm cho người lãnh đạo hoặc làm xáo trộn trật tự hòa bình xã hội.
Quan điểm nói trên cũng được củng cố thêm bởi khẳng định của Machiavelli rằng các nhà lãnh đạo mới của những nhà nước đã có sẵn thể chế ổn định và luật pháp hiện hành, nên cho phép người dân được tiếp tục truyền thống của họ, và không làm thay đổi cách họ tận hưởng niềm vui trong cuộc sống. Vì vậy, có thể là đối với Machiavelli, một người cai trị càng ít can thiệp thay đổi trật tự xã hội của một nhà nước đã quen với cách vận hành cũ, thì khả năng duy trì quyền lực của người đó càng cao. Điều này được thể hiện rõ hơn từ niềm tin của ông rằng cải cách từ một thể chế đang tồn tại dễ dàng hơn tạo lập một chính quyền mới hoàn toàn. Hơn nữa, ông cũng tin rằng một cấu trúc chính phủ cân bằng giữa các đặc điểm của cả chế độ quân chủ và chế độ phong kiến là tốt nhất cho an ninh của nhà nước. Bằng cách hợp nhất hai chế độ để cai quản, vương quốc sẽ khó bị giặc xâm lược và chiếm đóng, cũng như không dễ gì bị thao túng kiểm soát được bởi các thế lực bên ngoài.
Các hình thức nhà nước khác, được Machiavelli liệt kê, bao gồm cả những hình thức cai trị thông qua các biện pháp khắc nghiệt vô nhân đạo, và những chính quyền dân tự trị hoặc cai trị bởi giáo hoàng. Mặc dù hai loại thể chế tự trị và giáo hoàng cai quản cũng khá thú vị, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể loại bỏ không cần xét đến hai thể chế đó cho mục đích của bài viết này. Tuy nhiên tôi cũng tin rằng một chính quyền được cai trị bằng những chiến thuật và hình thức giấu giếm đê hèn cũng khá đáng lưu ý. Liên quan đến vấn đề cai trị vô nhân đạo, Machiavelli cho rằng mặc dù các phương pháp bất chính có thể khiến dân chúng mất lòng tin, nhưng đất nước vẫn có thể tồn tại thịnh vượng với cách này. Machiavelli tin rằng, mặc dù sự khắc nghiệt và tàn ác trong cai trị có thể gây nguy hiểm cho người cầm quyền, nhưng họ vẫn có thể sử dụng các phương pháp này để đảm bảo quyền lực của mình, miễn là họ không quá lạm dụng quyền uy.
Đó là bởi vì nếu vũ lực được sử dụng quá thường xuyên, người dân sẽ mất đi cảm giác an toàn với chính người cai trị của mình, và sẽ muốn có một người khác lên nắm quyền. Do đó, nếu sử dụng các biện pháp phi nhân đạo để kiểm soát đất nước, thì các biện pháp đó không nên được đem ra thị uy một cách công khai hoặc phổ biến. Hơn nữa, Machiavelli cho rằng nếu người dân vẫn bận rộn với việc làm ăn sinh sống và nhà nước vẫn được điều hành suôn sẻ, thì quyền lực của người cai trị sẽ được duy trì, đặc biệt là nếu nhà nước đề cao nhu cầu của dân thường hơn so với nhu cầu của giới quý tộc. Cuối cùng, để đạt được những điều trên, nhà cầm quyền không nên can thiệp vào cách sống của người dân, vì nếu làm như vậy sẽ không lấy được sự ủng hộ của dân chúng, và sẽ dần dần dẫn đến đảo chính, bạo động.
Những phẩm chất cần có của một nhà lãnh đạo chính trị cũng được Machiavelli đề cập tới. Ông nói rằng một nhà lãnh đạo nên nắm rõ các yếu tố tự nhiên và địa hình trong lãnh thổ của mình để có thể áp dụng hiệu quả cho chiến tranh khi cần thiết. Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị rằng một nhà lãnh đạo nên tích cực học hỏi từ lịch sử nước nhà, để biết cách cai trị từ kinh nghiệm của những đấng quân vương đi trước. Hơn nữa, trong tất cả những đức tính cần thiết, nhà lãnh đạo cần đề cao nhất sự cẩn trọng. Như vậy là để có thể tránh gây ra điều tiếng xấu cho bản thân cũng như hành động dẫn đến sự sụp đổ của thể chế mình đã cất công xây dựng. Còn trong phạm trù tài chính, Machiavelli nói rằng người lãnh đạo nên tuân theo lối sống giản dị, khắc khổ chứ không nên cầu kỳ, phóng túng.
Bằng chủ trương giản dị cần kiệm, một nhà lãnh đạo có thể duy trì ngôi vị của mình tốt hơn, đặc biệt nếu họ không bao giờ bày tỏ mong muốn hoặc ủng hộ lối sống phóng túng, buông thả. Nếu người trị vì chuộng lối sống phung phí như vậy, kể cả là hào phóng đối với dân chúng, người dân sẽ không bằng lòng, bởi vì họ cảm thấy như vậy là quá xa hoa so với cuộc sống bình thường. Hào phóng cũng không nên là bản chất của một người cai trị khôn ngoan, bởi vì nếu vua quan phung phí tiền bạc, cuối cùng chính dân chúng sẽ là người phải gánh vác để chu cấp cho những chi tiêu xa xỉ đó. Việc này có thể dẫn đến suy đồi nhanh chóng, bởi vì để có đủ ngân sách cho vua quan sống hào phóng, thuế đánh lên đầu dân sẽ tăng cao, và như vậy không bao giờ là có lợi an nguy của đất nước và của người cai trị.
Machiavelli cũng áp dụng logic tương tự khi khẳng định rằng một nhà lãnh đạo nên được người dân sợ hãi kính nể hơn là được yêu mến. Đối với ông, quân vương có thể không tàn nhẫn nhưng vẫn có thể thận trọng sử dụng nỗi sợ của dân chúng như một chiến thuật thống nhất xã hội. Để đạt được điều này, nhà lãnh đạo sẽ loại bỏ những nhân tố nguy hiểm cho nhà nước và/ hoặc những người có quan điểm đối lập, như vậy họ sẽ dễ dàng cai trị mà không gặp nhiều cản trở. Machiavelli tin rằng nhà lãnh đạo có thể củng cố quyền lực của mình bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi một cách khôn ngoan. Chính bằng việc loại bỏ hết đối thủ và sự chống đối, họ có thể khiến dân chúng càng phải phụ thuộc vào vua quan hơn. Do đó, nếu được áp dụng đúng đắn, nỗi sợ hãi sẽ ngăn chặn người dân suy nghĩ muốn có một người khác lên nắm quyền, vì họ tự biết rằng không ai có đủ khả năng thách thức hoặc chống lại nhà lãnh đạo hiện thời.
Như vậy, việc dân có bình an hay không hoàn toàn nằm trong tay người lãnh đạo, tức là sức mạnh của dân chúng bị giảm đi, vì sự tồn vong của họ chỉ phụ thuộc vào duy nhất một người. Cuối cùng, để lấy được lòng tôn kính của dân chúng, quân vương nên tỏ ra là người có đạo đức, và không để lộ ra điểm yếu của mình, như vậy phẩm giá sẽ không bao giờ bị nghi ngờ.
Quân vương nên được dân sợ hãi kính nể hơn là được mến yêu
Đến đây, tôi hy vọng đã mô tả đầy đủ quan điểm của Lão Tử và Machiavelli về kiểm soát chính trị, cũng như về những phẩm chất mà họ tin rằng có thể làm nên một nhà lãnh đạo giỏi. Qua đó ta có thể thấy được những điểm tương đồng rõ rệt trong Đạo Đức Kinh và Quân Vương. Còn với tác phẩm Bàn về Tự Do, tôi sẽ cố gắng biểu đạt lại những tư tưởng của J.S. Mill về các quyền tự do chính trị và những mặt có lợi hơn của nó trong việc duy trì trật tự xã hội so với tư tưởng của Lão Tử. Cuối cùng, qua cuốn Chính trị Luận của Aristotle, tôi sẽ cho thấy ông tin rằng người cầm quyền cần có những phẩm chất phù hợp hơn so với những gì Machiavelli đã trình bày.
Những tư tưởng tiến bộ trong Bàn về Tự Do và Chính trị Luận
Việc ngăn cấm người dân được làm điều họ muốn là thể hiện thất bại của chính quyền, bởi vì nếu cản trở sự phát triển của người dân, nhà nước sẽ trì trệ không tiến bộ, và dân chúng sẽ không còn giúp ích được cho đất nước, nhất là khi xã hội ngày một phát triển và nhu cầu theo kịp thời đại ngày càng tăng.
Tôi tin rằng việc này sẽ duy trì trật tự xã hội lý tưởng hơn so với tư tưởng của Lão Tử rằng nhà cầm quyền nên che giấu những vấn đề chính trị khỏi tầm hiểu biết của người dân. Hơn nữa, về phạm trù quy định và luật lệ, Mill cũng tin rằng chính phủ không nên hạn chế quyền tự do của người dân, miễn là không ai bị ảnh hưởng và bị làm tổn thương. Mặc dù điều này nghe có vẻ giống với Lão Tử (rằng chính phủ không nên can thiệp vào những vấn đề thường ngày của dân chúng và không nên thực hiện nhiều lệnh cấm), có những lý do khác dẫn đến nhận định này của Mill. Không giống như Lão Tử, Mill không tin rằng việc hạn chế sự tự do của người dân là không đúng chỉ vì nó có thể dẫn đến việc phải kiểm soát bằng vũ lực, mà ông nghĩ rằng điều đó còn dẫn đến phân rã xã hội theo chiều hướng nguy hiểm hơn. Việc ngăn cấm người dân được làm điều họ muốn là thể hiện thất bại của chính quyền, bởi vì nếu cản trở sự phát triển của người dân, nhà nước sẽ trì trệ không tiến bộ, và dân chúng sẽ không còn giúp ích được cho đất nước, nhất là khi xã hội ngày một phát triển và nhu cầu theo kịp thời đại ngày càng tăng.
Quan điểm của Lão Tử về việc giữ kín các hoạt động của nhà nước cũng không phải là một cách hữu ích trong con mắt của Mill, bởi vì làm như vậy sẽ ngăn cản các cuộc đối thoại trung thực giữa dân chúng và nhà cầm quyền khi cần giải quyết các vấn đề cấp bách. Hơn nữa, tôi tin rằng Mill còn muốn cảnh báo về một chính quyền quá kín kẽ, bởi vì nếu bị thao túng toàn bộ về thông tin, người dân sẽ dễ dàng trở thành “độc tài đa số”, tức là có nguy cơ một nhóm thiểu số trong xã hội sẽ bị đàn áp bởi ý kiến của đa số. Điều này sẽ gây bất lợi cho sự thịnh vượng của đất nước, vì bằng cách bóp nghẹt các ý kiến chống đối hoặc không được đông đảo người dân ủng hộ, một phần nào đó của sự thật sẽ bị che giấu. Việc che giấu này không những ngăn cản những giải pháp thật sự thỏa đáng ra đời, mà còn có thể dẫn đến rối loạn xã hội, bởi vì sự không trung thực sẽ làm nhũng loạn niềm tin trong dân chúng. Có thể suy luận rằng, đối với Mill, trật tự xã hội được duy trì là vì lợi ích của tiến bộ xã hội, mà tiến bộ xã hội thì dễ thực hiện hơn nếu nhà nước cho phép người dân được phát triển thay vì cản trở sự tự do chính trị của họ.
Aristotle, mặt khác, cũng nói rằng một nhà lãnh đạo giỏi cần có mối trăn trở thực sự đối với phúc lợi nhà nước. Không giống như Machiavelli tuyên bố rằng lợi ích của người dân là mối quan tâm hàng đầu của nhà lãnh đạo, Aristotle tin rằng không nên quá nghiêng về ủng hộ nhóm lợi ích nào, thay vào đó, nhu cầu của mọi người dân từ mọi tầng lớp nên được xem xét đồng đều như nhau. Tôi tin rằng hiểu biết của Aristotle về lãnh đạo và chính trị đã bỏ xa Machiavelli trong phạm trù này, bởi vì thông qua cách bày tỏ mối quan tâm công bằng cho tất cả các tầng lớp, người lãnh đạo có thể đảm bảo mang lại lợi ích chung và ngăn chặn các bất ổn xã hội. Tương tự như vậy, nhưng vẫn trái ngược với Machiavelli rằng ý kiến của đông đảo người dân nên được ưu tiên xem xét, Aristotlle cho rằng người lãnh đạo cần cân nhắc ý kiến từ tất cả các thành phần trong xã hội rồi mới đưa ra quyết định. Điều này là do tư tưởng cốt lõi của Aristotle rằng tất cả mọi người đều có tiềm năng đóng góp cho đất nước, cho vận hành của bộ máy chính quyền, với độ chính xác cao hơn so với quyết định một phía từ nhà lãnh đạo. Do đó, một nhà lãnh đạo thực sự tận tụy với quốc gia thì nên tôn trọng quan điểm của tất cả dân chúng, để đảm bảo xây dựng và phát triển được một cộng đồng chính trị lý tưởng.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh quan điểm rằng đây là phương pháp cai trị tốt hơn so với phương pháp của Machiavelli cho rằng nhà lãnh đạo chỉ nên chăm chú với những ý kiến mang lại lợi ích kéo dài tuổi thọ của chính quyền hiện hành. Tầm nhìn về lãnh đạo của Aristotle giúp đảm bảo rằng cả chính quyền và dân chúng của một quốc gia sẽ được phát triển bền vững. Áp dụng phương pháp đó, nhà lãnh đạo sẽ đem lại trường tồn cho đất nước kể cả sau khi không còn nắm quyền, thay vì chỉ duy trì được cân bằng trong thời gian tại vị.
Ngoài ra, Aristotle cũng không tin rằng một nhà lãnh đạo nên làm mọi cách để củng cố quyền lực của mình, như Machiavelli đã nói, mà chính họ phải là hiện thân của luật pháp. Ông tin rằng việc chính người lãnh đạo nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp đóng góp một phần không nhỏ trong duy trì trật tự xã hội,. Do đó, đối với Aristotle, những người có phẩm chất đạo đức tốt luôn là những ứng cử viên sáng giá nhất để tranh cử, và như vậy có nghĩa rằng người cầm quyền nên cai trị bằng đạo đức thay vì các phương pháp phi nhân đạo. Ngoài ra, người lãnh đạo không nên hành xử vô đạo đức, vì theo Aristotle, việc đó ngăn cản mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân lẫn hạnh phúc chung của quốc gia. Để pháp luật luôn luôn được thực thi công bằng, Aristotle khẳng định rằng quyền lực của người lãnh đạo cũng nên được hạn chế và quy định rõ ràng trong hiến pháp.
Nhà lãnh đạo nên dẫn dắt toàn bộ đất nước đi lên tiến bộ, chứ không nên chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ cầm quyền
Có thể thấy rằng tư tưởng trên là hoàn toàn trái ngược với Machiavelli rằng một nhà lãnh đạo giỏi nên loại bỏ hết sự cạnh tranh để sở hữu quyền lực tuyệt đối và duy trì sự hòa hợp của xã hội bằng bất cứ giá nào. Như vậy theo Machiavelli, một chế độ chuyên chế không nhất thiết là mối nguy hiểm cho nhà nước, trong khi đó Aristotle tin rằng chế độ cai trị kiểu này có xu hướng coi thường luật pháp, và sẽ nhanh chóng phá vỡ cân bằng xã hội. Theo tôi, lý do Aristotle không tán thành hình thức chuyên chế như Machiavelli là do ông tập trung vào việc làm cách nào nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt toàn bộ đất nước đi lên tiến bộ, thay vì chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm nhỏ cầm quyền.
Với bài tiểu luận này, tôi hy vọng đã chỉ ra được những điểm tương đồng giữa tư tưởng của Lão Tử và Machiavelli. Bằng cách đó, tôi cũng so sánh tư tưởng của họ về mặt bản chất với tư tưởng của J.S. Mill và Aristotle trong phạm trù chính quyền và lãnh đạo. Cuối cùng, bằng những lập luận ủng hộ luận điểm của Mill và Aristotle, trái ngược với Lão Tử và Machiavelli, tôi mong muốn thể hiện tư tưởng đồng tình với việc bảo vệ quyền tự do cá nhân cũng như lãnh đạo dựa trên sự công bằng.
Rocco A. Astore, Trong Inquiries Journal, 2016, Vol. 8, No. 1
Theo Inquiries Journal
Thảo Tâm (dịch)