Số phận con người qua 4 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, từng đạt giải Pulitzer
Số phận con người qua 4 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, từng đạt giải Pulitzer
Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, được trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí và văn học. Chủ bút báo New York World, Joseph Pulitzer, đã đưa ra giải thưởng này trong di chúc của ông vào năm 1904.

Từ năm 1947, hiệu trưởng trường Đại học Columbia thường trao tặng giải thưởng trị giá 10.000 USD cho các tác giả vào tháng 4.

Dưới đây là 4 trong số những tiểu thuyết đạt giải thưởng danh giá này:

 

 

Chùm nho uất hận - John Steinbeck

 

 

Lấy bối cảnh không gian tương đối hẹp, từ Oklahoma đến California, tác giả John Steinbeck đã kể lại quá trình đi xuống tận cùng đáy xã hội của gia đình Joads (Tom), những tá điền người Mỹ. Bang Oklahoma, nơi họ đang sinh sống, gặp một trận hạn hán lớn, khiến đất đai không thể canh tác được và vì thế, họ muốn tìm đến một chân trời mới để ổn định cuộc sống. Tin theo nội dung in trên các tờ truyền đơn, quảng cáo rằng, vùng California có nhiều việc làm như hái trái cây gồm cam, đào, nho, gia đình Joads (Tom) cùng hàng ngàn người khác đã băng qua con đường mòn dài 1800 dặm để tới phía Tây.

 

Nhưng khi tới nơi, họ mới nhận ra sự thật rằng, nơi đây có rất ít việc làm và nếu kiếm được việc làm đi chăng nữa thì số tiền họ nhận được cũng không đủ mua thực phẩm nuôi sống bản thân và gia đình. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc có thể bắt gặp vô số những cảnh khốn khổ mà hàng loạt công nhân thành thị, công nhân đồn điền phải chịu đựng.

Chẳng hạn như, vô số công nhân chỉ được trả nửa lương vì thế họ biểu tình ngay trước cổng đồn điền. Hay câu chuyện về việc Tom đã lỡ giết một kẻ sát nhân trong băng đảng được thuê để giết Jim Casy vì thế anh luôn phải ẩn mình trong các nện giường trên xe tải trong gia đình Joads để trốn thoát khỏi đồn điền Hooper.

Không chỉ vậy, sự khốn khổ của những số phận được đẩy lên cực điểm vào cuối câu chuyện khi gia đình Joads vừa chuyển đến nới ở mới. Vào lúc niềm vui vừa xin được công việc hái bông gòn chẳng kéo dài được bao lâu, một trận mưa lớn kéo dài đã khiến nơi ở mới của họ chìm trong biển nước và họ buộc phải tìm đến miền đất cao hơn. Họ đi tới một vựa lúa có cỏ khô bên trong và vô tình nhìn thấy một người đàn ông đang chết đói. Con trai người đàn ông này đã không được ăn gì trong suốt 6 ngày trước. Trước cảnh ngộ đó, người con gái lớn của gia đình Joads, Rose đã đồng ý vắt sữa của mình cho người đàn ông sắp chết uống.

Có thể thấy, Chùm nho uất hận đã phản ánh chân thực cuộc di dân khổng lồ, nạn thất nghiệp của nông dân và tiểu chủ Mỹ cũng như thực tế căng nghiệp khi cuộc khủng hoảng kinh tế đã tước đoạt tất cả thành quả lao động của con người trong xã hội Mỹ trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tác phẩm là tiếng kêu cứu khẩn thiết của nhân dân lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Dù có sức lao động phi thường, luôn lạc quan hy vọng vào tương lai nhưng cuộc đời của họ ngày càng dấn sâu vào con đường khổ ải.

Về mặt nghệ thuật, Chùm nho uất hận được thể hiện bằng lối văn phong già dặn, đầy cảm xúc. Chính thức bút pháp tả thực đã lột trần sự tàn khốc của một thời kỳ trong lịch sử nước Mỹ, những biến đổi sâu sắc ở nông thông nước này vào những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hoá. Tác phẩm lôi cuốn người đọc ngay lần đầu tiên xuất bản tại Oklahoma với lượng phát hành vượt trên cả Cuốn theo chiều gió và chẳng bao lâu sau đó đã được chuyển thể thành phim.

Tác phẩm này đã được trao giải Pulitzer vào năm 1940, giải Nobel văn học vào năm 1962, được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất kể từ năm 1923 đến nay và được Bộ Văn hoá Trung Quốc xếp vào vị trí một trong 100 cuốn sách ảnh hưởng nhất thế giới.

 

 

Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell

 

 

Trên nền cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa hai miền Bắc và Nam Mỹ, tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió đã khắc hoạ tài tình tâm trạng, tính cách, thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến. Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô gái Scarlett O’hara và Rhett Butler. Họ trở thành cặp tình nhân được xây dựng thành công nhất trong văn học Hoa Kỳ.

 

Cuốn theo chiều gió có sức hấp dẫn kỳ lạ với giới trẻ vì đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc. Vĩ đại thay, tình yêu trong những năm tháng chiến tranh và hậu chiến vô cùng gian khổ ấy lại luôn chói ngời và trở thành động lực giúp con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ…

Không những vậy, Cuốn theo chiều gió còn là bài ca của tình yêu quê hương, đất nước, tình tương thân, tương ái.

Ba năm sau khi cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió ra đời, bộ phim cùng tên cũng gây được tiếng vang lớn và trở thành niềm tự hào của điện ảnh Mỹ.

Cuốn tiểu thuyết này đã mang về cho tác giả Margaret Mitchell giải Pulitzer vào năm 1937.

 

 

Giết con chim nhại – Harper Lee

 

 

Giết con chim nhại của Harper Lee xoay quanh số phận nhân vật Tom Robinson. Anh là một người đàn ông da đen bần hàn bị vu khống cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Cô gái ấy luôn tìm cách “mồi chài” anh nhưng không có kết quả.

 

Đương nhiên, ở cái xã hội xem thường người da đen, anh bị coi là thứ nhơ nhuốc và bị kết án. Anh chàng chẳng có cơ hội nào chứng minh mình vô tội. Cuối cùng, anh trốn khỏi ngục và bỏ mạng dưới tay cảnh sát.

Nội dung tiểu thuyết dựa trên cuộc đời ngoài đời thực của nhiều bạn bè và họ hàng tác giả nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Nhân vật người dẫn truyện, Jean Louise “Scout” Finch, được xây dựng dựa vào chính bản thân tác giả.

Giết con chim nhại được độc giả rất ưa chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết ra mắt độc giả lần đầu vào năm 1960 và giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu ngay vào năm sau đó. Vào năm 1962, tác phẩm này đã được đạo diễn Robert Mulligan dựng thành phim với kịch bản do Horton Foote viết vào năm 1962.

 

 

Hương thơm từ núi lạ - Robert Olen Butler

 

 

Đây là tập truyện ngắn được xuất bản vào năm 1992. Mỗi câu chuyện trong “Hương thơm từ núi lạ” đều do một người Mỹ gốc Việt đang cư ngụ ở bang Louisiana kể lại. Chủ đề trong tập truyện là sự khác biệt văn hoá giữa Mỹ và Việt Nam. Nhiều câu chuyện đã được xuất bản trước đó ở nhiều nguyệt san. Năm 2001, tập truyện được bổ sung thêm hai câu chuyện và được tái xuất bản.

 

Tác phẩm này đã giúp Robert Olen Butler ghi tên mình vào danh sách các tác giả đạt giải Pulitzer vào năm 1993. 

Jenny

Tags: