Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách hư cấu tháng 3/2017
Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách hư cấu tháng 3/2017
Sách hư cấu hay nhất ra mắt tháng 3 vừa rồi, do Ban biên tập Trạm Đọc tuyển chọn

 

 

1. Giọt máu chung tình

 

 

Ra đời năm 1926, Giọt máu chung tình đến nay vẫn được coi một trong những “best seller” định hình nên “tính cách Nam bộ”. Cuốn sách, rồi sau đó là kịch, tuồng được dựng lại đã lấy nước mắt của toàn bộ công chúng bình dân Nam bộ hàng chục năm.

Khá kinh điển, cuốn sách như tái hiện lại hình ảnh Lục Vân Tiên và mối tình đầy éo leo của chàng, nhưng tác giả thực sự muốn một tiểu thuyết giáo huấn, ca ngợi tiết nghĩa “trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” của đôi tình nhân Võ Đông Sơn – Bạch Thu Hà. Ngày nay, đọc lại cuốn best seller của 100 năm trước, chúng ta cần thêm nghĩ về những giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh xã hội có quá nhiều chuyển biến.

 

 

2. Ánh sáng vô hình

 

 

Khai thác một chủ để kinh điển: tình yêu ngang trái trong bối cảnh lịch sử khổng lồ - tình yêu giữa hai người ở hai phía của cuộc thế chiến thứ 2, “Ánh sáng vô hình” tiếp tục nối dài danh sách các kiệt tác khai thác cách con người - bằng tình yêu – đứng cao hơn cái thời đại vô tình và tầm thường của anh ta.

Tác phẩm kể về một cô gái mù người Pháp và cậu lính trong đội quân Phát xít. Cả hai đều có những mất mát cá nhân và bị cuốn vào cuộc chiến phi nghĩa với những bí mật và nhiệm vụ khủng khiếp của quốc gia. Đọc cuốn sách dường như cuộc chiến biến mất, chỉ còn lại hai con người ở bên nhau và vượt qua mọi đau khổ của thân phận cá nhân.

“Ánh sáng vô hình” còn là một ẩn dụ lớn. Ẩn dụ về sự soi đường của lịch sử, ẩn dụ về những bí mật đang điểu khiển cuộc đời, ẩn dụ về sự vô minh và tìm lại của nhân loại.

Đây là cuốn sách phải đọc với bất kỳ ai muốn suy nghĩ lại lịch sử và thân phận cá nhân nổi trôi trong lịch sử ấy.

Trạm sẽ có bài review chi tiết về cuốn sách này trong những ngày tới. 

 

 

3. Ký ức đen

 

 

Viết theo lối xáo trộn thời gian, “Ký ức đen” thách thức người đọc bằng cách vẽ ra một mê cung các nhân vật mà mối liên hệ của chúng đều hơi mờ nhạt. Đây là cuốn tiểu thuyết dành cho những ai tuyệt đối bi quan.

Các câu chuyện đan cài với nhau như những móc xích, cung cấp cho độc giả qua phương pháp này hoặc qua chính các nhân vật hồi tưởng, về cái thời tốt đẹp có khốn nạn có, cái thời trước-tất cả: trước hôn nhân, trước con cái, trước bỉm đái, trước tình ái… và chúng ta có thể tự hỏi nếu ngày xưa ta chọn khác đi thì đời có khác chút nào không?

Cuối cùng, chúng ta là gì trước cái trò chơi xáo trộn tàn khốc của thời gian. Mọi ký ức của chúng ta có thành “ký ức đen” cả không, khi đan cài chúng lại với nhau, chúng ta chỉ thấy sự trống rỗng và vô ý nghĩa của đời mình.

 

 

4. Sáu ngày của Thần Ưng

 

 

Xuất bản năm 1974, cuốn sách luôn được gọi là hình mẫu chuẩn mực cho bất kỳ “cuộc rượt đuổi nghẹt thở” nào. Nó nằm trong top “100 cuốn sách phải đọc” của Hiệp hội Nhà văn Trinh thám Quốc tế; và nhân vật Thần Ưng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều sê-ri phim truyền hình Mỹ.

Một cuộc trò chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt lại là mở đầu cho một loạt biến cố khủng khiếp đối với Ronald Malcolm. Trở về văn phòng và phát hiện tất cả đồng nghiệp của mình đã bị sát hại, Malcolm thấy mình đối diện với nguy cơ bị thủ tiêu bởi những kẻ thù giấu mặt. Đang là một nhân viên bàn giấy nhàn rỗi thuộc một bộ phận hết sức nhạt nhẽo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, bỗng dưng Malcolm bị đẩy vào hoàn cảnh phải chạy trốn sự săn lùng của cả CIA lẫn những kẻ đã giết các đồng nghiệp của mình. Sáu ngày chạy trốn ấy là sáu ngày dài nhất trong đời anh với những cuộc đấu trí căng thẳng, những lần đấu sức nguy hiểm tưởng như phải bỏ mạng; tất cả vì mục đích vạch trần âm mưu của kẻ thù và rửa sạch mối hiềm nghi cho bản thân.

 

Bạn thích cuốn sách nào nhất trong số sách hư cấu Trạm giới thiệu tháng này? Hãy chia sẻ ý kiến cho Trạm biết nhé ;)

 

Đọc thêm: Tuyển tập sách phi-hư-cấu hay nhất tháng 3/2017

Trạm Đọc