Seoul thoạt nhìn là một thành phố hiện đại nhưng nó lại có lịch sử lâu đời. Cách đây 6.000 năm, con người bắt đầu tập trung về đây. Qua nhiều thế kỷ, thành phố này là trung tâm của các triều đại và vẫn là thủ đô của Hàn Quốc.
Khi đi ngang qua những tấm bia đá của những tòa nhà cũ bị phá hủy trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản, từ năm 1910 đến năm 1945, hay cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn khốc, từ năm 1950 đến năm 1953, tôi nhìn thấy những cung điện hoàng gia và những ngôi nhà riêng truyền thống vẫn còn tồn tại, những khu chung cư được xây dựng từ những năm 1960 đã phát triển thành những tòa nhà cao tầng, những tòa nhà chọc trời rực rỡ ánh đèn. Những khung cảnh đối lập, chồng chéo, hội tụ ấy đã tạo nên bản sắc riêng của thành phố. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật được tạo ra ở đây đều chứa đựng những cảm xúc sâu sắc.
Những cuốn sách để tìm hiểu về những lớp thời gian của Seoul
Một trong những cuốn sách hấp dẫn nhất thời thơ ấu của tôi, “Samguk Yusa: Legends and History of the Three Kingdoms of Ancient Korea” (Tạm dịch: “Samguk Yusa: Truyền thuyết và lịch sử Tam Quốc Cổ đại Hàn Quốc”) có niên đại hàng nghìn năm, được nhà sư Phật giáo Ilyon biên soạn vào thế kỷ 13, dưới triều đại Goryeo. Nó chứa đựng những câu chuyện kỳ quái, siêu nhiên - những vị vua được sinh ra từ quả trứng, một cây sáo thần có thể xoa dịu những cơn bão.
“Tales of the Strange by a Korean Confucian Monk: Kumo Shinhwa” (Tạm dịch:
Những câu chuyện kỳ lạ của nhà sư Nho giáo Hàn Quốc: Kumo Shinhwa) của Kim Sisup, một tuyển tập gồm năm câu chuyện từ đầu triều đại Joseon, bắt đầu vào cuối thế kỷ 14, cũng hấp dẫn nhưng theo một cách nhẹ nhàng hơn. Các nhân vật nam đã ở cùng những hồn ma của những người phụ nữ duyên dáng trong vài ngày. Sau đó, những vân vật nam này đã yêu những hồn ma ấy, và sống phần đời còn lại trong cô độc và đau buồn.
“The Story of Hong Gildong” (Tạm dịch: “Chuyện về Hong Gildong”) cũng khởi nguồn từ triều đại Joseon, gần đây đã được Minsoo Kang dịch sang tiếng Anh. Gildong sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng không thể nhận cha ruột vì địa vị thấp kém của mẹ. Chịu đựng sự phân biệt đối xử của thể chế, anh trở thành một tên trộm lấy của người giàu chia cho người nghèo. Cuốn sách từ lâu đã được cho là tác phẩm của một nhà tư tưởng tiến bộ, Heo Gyun, người đã bị xử tử vì tội phản quốc vào thế kỷ 17. Đến nay, người ta vẫn đang tranh cãi về quyền tác giả của tác phẩm này.
Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử gần hơn của Seoul, cuốn hồi ký “Who Ate Up All the Shinga?” (Ai đã ăn hết những cây Sing-A ngày ấy) của Park Wan-suh, đề cập đến những năm 1930 đến những năm 1950. Bắt đầu cuốn sách, tác giả về về những ký ước tuổi thơ lấp lánh ở Kaesong (nay thuộc Bắc Triều Tiên), sau đó câu chuyện chuyển sang Seoul giữa Chiến tranh Triều Tiên. Thành phố vắng tanh, hầu hết người dân chạy trốn trong sợ hãi, nhưng gia đình tác giả chọn ở lại để chăm sóc cho người anh trai ốm yếu của cô. Khi chứng kiến những con phố cực kỳ yên tĩnh, cô đã có quyết tâm phải viết lại những thử thách mình gặp phải.
Trước khi đến Seoul, bạn nên đọc gì?
Bạn có thể đọc thơ của các nhà thơ hiện đang sống ở Seoul. Nếu bạn ngẫu nhiên mở và đọc những tập thơ như “I’m OK, I’m Pig!” (Tạm dịch: Ổn thôi, tôi chả là gì cả!) hay “Autobiography of Death” (Tạm dịch: “Tự truyện về cái chết”) của Kim Hye Soon; “Request Line at Noon” (Tạm dịch: “Đường dây tư vấn ban trưa”) của Lee Jang Wook, “Fifteen Seconds Without Sorrow” (Tạm dịch: “Mười lăm giây không buồn”) của Shim Bo Seon, “Cheer Up Femme Fatale” (Tạm dịch: Vui lên nào, Femme Fatale) của Kim Yi Deum, hay “Beautiful and Useless” (Tạm dịch: “Vẻ đẹp và Sự vô dụng”) của Kim Min Jeong, bạn sẽ có được những cảm nhận chung về Seoul.
Tương tự như vậy, các tuyển tập truyện ngắn sẽ cho bạn thấy những khía cạnh khác nhau của cuộc sống ở đây. “Flowers of Mold” (Tạm dịch: “Hoa nấm mốc”) của Ha Seong-nan, “Cursed Bunny” (Tạm dịch: “Con thỏ bị nguyền”) của Bora Chung, “Love in the Big City” (Tạm dịch: “Tình yêu trong thành phố lớn”) của Sang Young Park, “Shoko’s Smile” (Nụ cười của Shoko) của Choi Eun Young. Và những tiểu thuyết như “Concerning My Daughter” (Tạm dịch: “Hãy quan tâm tới con gái tôi”) của Kim Hye Jin, “My Brilliant Life” (Tạm dịch: “Cuộc sống rực rỡ của tôi”) của Kim Ae Ran, và “Your Republic Is Calling You” (Tạm dịch: “Tiếng gọi của nền cộng hòa”) của Kim Young Ha sẽ mang đến nhiều góc nhìn về Seoul.
Cuốn sách nào cho bạn thấy những khía cạnh khác của Seoul?
“One Hundred Shadows” (Tạm dịch: “Trăm bóng”) của Hwang Jung Eun lấy bối cảnh ở Euljiro, một khu vực đặc trưng sầm uất và tồi tàn với đầy các cửa hàng thiết bị chiếu sáng. Cuốn tiểu thuyết kể về một người đàn ông và một người phụ nữ làm việc trên những con phố này và quen nhau. Trên thực tế, họ thảo luận về một diễn biến siêu nhiên kỳ lạ: Những chiếc bóng của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đã bắt đầu “trỗi dậy”. Một khi con người đi theo những cái bóng này, họ sẽ mất mạng. Cặp nhân vật chính đã nỗ lực đồng hành cùng nhau để đảm bảo rằng cái bóng của người kia không “trỗi dậy”. Cuốn tiểu thuyết sẽ để lại ấn tượng lâu dài với bạn.
Những hiệu sách hoặc thư viện mà bạn nên ghé
Wit N Cynical, ở khu Hyehwa-dong, là một hiệu sách thơ do nhà thơ trẻ Yoo Hee Kyung điều hành, nơi có các buổi đọc thơ hàng tuần cho các tuyển tập mới xuất bản.
Boanbooks ở Tongui-dong có quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật đương đại ở tầng dưới.
Thanks Books và Achimdal Books, ở khu vực Sinchon.
Hiệu sách Goyo ở Huam-dong; và Onul Books, gần đây đã chuyển địa điểm từ phía nam Seoul đến cạnh Cung Gyeongbok, tất cả đều có tuyển tập sách độc đáo và lịch sự kiện văn học sôi động.
Nếu bạn đang tìm sách bằng tiếng Anh, hãy thử Trung tâm sách Kyobo ở Gwanghwamun. Hiệu sách khổng lồ này cung cấp tuyển tập sách bằng tiếng nước ngoài.
Về thư viện, Thư viện công cộng Namsan rất đẹp. Nếu bạn ngồi bên cửa sổ lớn trong khu sách nghệ thuật trên tầng 4, rừng Namsan sẽ hiện ra trong tầm mắt. Ngoài quang cảnh xanh tươi của khu rừng, bạn có thể nhìn thấy những con dốc phía xa giao nhau với những con đường tấp nập và những con đường ngoằn ngoèo trải dài trên những ngọn đồi.
Khi một ngày kết thúc và thành phố bắt đầu lên đèn, tôi hy vọng bạn có thể cảm nhận được linh hồn của Seoul: thành phố trải qua hàng ngàn năm sóng gió.
- Theo: The New York Times