Nếu tính "từ khi mới ra đời" 5-10-1921, đến hôm nay nhạc sĩ Phạm Duy đã có ngày sinh tròn 100 năm. Kỷ niệm sự kiện này, Học viện Âm nhạc Huế cùng Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế tổ chức chương trình âm nhạc "Phạm Duy với Huế" và giới thiệu cuốn sách mới Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương (NXB Thuận Hóa) tại Huế trong chiều 5-10.
Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân biên soạn, đã cung cấp cho độc giả một nguồn tư liệu sinh động về mối thâm tình của Phạm Duy với Huế, nơi không chỉ cho ông "biết ái tình ở dòng sông Hương" mà còn là nguồn cảm hứng, nguồn đề tài và nhạc liệu để ông viết nên nhiều nhạc phẩm như: Khối tình Trương Chi, Về miền Trung, Dạ Lai Hương, Nước non ngàn dặm ra đi, trường ca Hàn Mặc Tử...
Duyên nợ của Phạm Duy với vùng đất thơ nhạc này bắt đầu từ lúc chín mười tuổi ở Hà Nội, ông được bà Ấm Chung, một phụ nữ Huế làm gia sư dạy đàn cho hai người chị của mình, đã dạy cho ông biết nhiều bài ca Huế.
Năm 1944, theo gánh hát Charlot Miều vào Huế, ông lại được nghe ông Ngũ Đại (tức hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Trân, con vua Thành Thái), nhạc sĩ Vĩnh Phan và các ca nương Minh Mẫn, Bích Liễu đàn ca Huế, giúp ông phát hiện ra âm giai ngũ cung của ca nhạc truyền thống Huế.
Sau đó, ông đã vận dụng âm giai ngũ cung đặc sắc này vào nhiều bản trường ca về Tổ quốc Việt Nam. Trong cuộc đời du ca của mình, Phạm Duy đã đến Huế nhiều lần, phải lòng nhiều người đẹp, sáng tác nhiều tác phẩm và biểu diễn nhiều chương trình quan trọng.
Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu hơn tâm tình của ông: "Cái dạ dày của tôi để ở Sài Gòn, cái đầu của tôi luôn nhớ về Hà Nội, và trái tim tôi để ở Huế".