“The Great Gatsby” tròn 100 tuổi: Từ thời đại nhạc Jazz tới xã hội hiện tại
“The Great Gatsby” tròn 100 tuổi: Từ thời đại nhạc Jazz tới xã hội hiện tại
Những triệu phú mới nổi, tham nhũng, hoài niệm... Cuốn tiểu thuyết của Fitzgerald chưa bao giờ trở nên hợp thời đến thế. Jane Crowther khám phá sức vang dội của nó trong văn hóa đại chúng — từ các bài hát của Taylor Swift đến phiên bản tái hiện dưới góc nhìn đảo ngược giới tính của chính cô.
Ngày nay, The Great Gatsby được xem là một kiệt tác, nhưng khi lần đầu ra mắt cách đây một thế kỷ, nó nhận được phản hồi khá trái chiều. Một nhà phê bình từng viết: “Tôi thậm chí không chắc liệu bất kỳ ai chưa từng thoáng thấy cuộc sống mà nó mô tả có thể hiểu được cuốn sách hay không.” Cuộc sống đó — mà chính Fitzgerald đang trải nghiệm — là một thế giới hào nhoáng chỉ dành cho giới giàu có và những người có quan hệ. Nhân vật kể chuyện Nick Carraway tham dự những bữa tiệc xa hoa của người hàng xóm mới giàu trong mùa hè năm 1922, trong khi rất nhiều gia đình Mỹ đang phải sống trong cảnh nghèo khó.

Chỉ đến khi cuốn tiểu thuyết được in thành sách bỏ túi và phát cho lính Mỹ trong Thế chiến II (do tổ chức phi lợi nhuận Council on Books in Wartime thực hiện), The Great Gatsby mới thực sự được ưa chuộng. Có lẽ những chàng trai trẻ, xa nhà và đang nhớ nhung những cô gái họ từng theo đuổi trong thời bình, đã cảm thấy đồng cảm với Gatsby — một nhân vật được Fitzgerald xây dựng một cách có chủ đích để mơ hồ, khiến người đọc nào cũng có thể đặt giấc mơ của chính mình vào anh ta. Khi chiến tranh kết thúc, có lẽ họ cũng thấy hình ảnh bản thân trong Nick — người lính Thế chiến I trở về và là kẻ quan sát không bao giờ hoàn toàn thuộc về bất kỳ tầng lớp xã hội nào quanh mình.

Fitzgerald qua đời năm 1940, nhưng câu chuyện của ông về hoài niệm, tình yêu, giai cấp và nước Mỹ vẫn tiếp tục chạm đến các thế hệ độc giả, truyền cảm hứng nhờ ngôn ngữ tinh tế và cấu trúc bi kịch vượt thời gian. Những nhân vật và chính trị trong cuốn sách vẫn còn nguyên sức nặng — từ tư tưởng cực hữu, sự phân chia giữa bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, đến sự thờ ơ vô tâm của giới giàu và ảo tưởng về việc sống lại quá khứ.

Ngày nay, khoảng cách giàu nghèo vẫn sâu sắc như thời Gatsby, nhưng giờ đây, ai cũng có một chiếc điện thoại. Dù đến từ tầng lớp nào, chúng ta đều có thể quan sát cuộc sống xa hoa thông qua giới người nổi tiếng và influencer. Mạng xã hội khiến chúng ta thấu hiểu nỗi khát khao và sự đố kỵ theo kiểu Gatsby. Ai chưa từng cảm thấy bứt rứt khi vô thức lướt xem những cuộc sống hoàn hảo được tuyển chọn kỹ lưỡng trên màn hình? Kết cục cô đơn của Gatsby — bị những người từng dự tiệc với mình quay lưng — trở nên đặc biệt gần gũi trong thời đại của hội chứng “ghét người thành công” và văn hóa tẩy chay.

Ý tưởng về những người đàn ông làm giàu bằng các phương thức mờ ám, khoe mẽ tiền bạc và quyền lực để bù đắp cho sự bất an cá nhân và theo đuổi giấc mơ riêng không còn là điều hư cấu — đó là thực tế diễn ra hàng ngày hàng giờ. Không có gì lạ khi câu văn của Fitzgerald về vợ chồng Buchanan được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội: “Họ phá hoại mọi thứ và mọi người, rồi rút lui vào tiền bạc hay sự thờ ơ vô biên... để người khác phải dọn dẹp đống đổ nát mà họ gây ra.”

Gatsby được coi là “đẹp đẽ” trong mắt các nhân vật và độc giả bởi vì anh là hiện thân của câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu...?”

Những sự thật giàu cảm xúc trong cuốn sách vẫn cuốn hút không kém năm 1925 — đó là lý do vì sao nàng công chúa nhạc pop lãng mạn Taylor Swift thường nhắc đến “The Great Gatsby” trong các bài hát của mình (hãy nghe lời của bài “Happiness” và “This Is Why We Can’t Have Nice Things”). Và thật dễ hiểu vì sao sự phân biệt giữa con người của công chúng và đời sống riêng tư của Gatsby lại cộng hưởng với cô.

Gatsby được gọi là “tuyệt vời” không chỉ vì vẻ ngoài hay sự giàu có, mà vì anh hiện thân cho niềm hy vọng — và giấc mơ Mỹ: bất kỳ ai cũng có thể trở thành bất kỳ điều gì. Đó chính là ảo tưởng “nếu như...” mà tôi muốn tái hiện trong tiểu thuyết của mình, “Gatsby” — một phiên bản hiện đại hóa câu chuyện của Fitzgerald, từ góc nhìn của những người bị ông bỏ quên: phụ nữ.

Phụ nữ trong tiểu thuyết của Fitzgerald là những “con thiêu thân” lao vào tiệc tùng, là những nhân tình ích kỷ, các tiểu thư giàu có với giọng nói “sặc mùi tiền” — chính Fitzgerald thừa nhận rằng sự thiếu vắng những nhân vật nữ có chiều sâu là một điểm yếu. Ông từng viết cho nhà xuất bản Max Perkins để lý giải lý do thất bại ban đầu của tác phẩm: “Cuốn sách không có nhân vật nữ quan trọng nào, mà hiện nay thị trường tiểu thuyết do phụ nữ chi phối.”

Tôi tự hỏi: việc bị xã hội xét nét và trừng phạt công khai sẽ như thế nào nếu Gatsby là phụ nữ và dám có hoài bão? Liệu cảm giác đó sẽ ra sao khi nhận lấy sự khinh miệt mà xã hội dường như dành riêng cho những phụ nữ mắc sai lầm trước công chúng? Nếu Carraway là phụ nữ, sống trong một thế giới nơi mọi giá trị đo bằng lượt nhấn và sự so sánh, liệu cô ấy sẽ kể câu chuyện khác đi? Nếu Daisy là một người đàn ông — một nhân vật kiểu Peter Pan hấp dẫn — thì liệu anh ta có thể dễ dàng rút lui khỏi mớ hỗn độn chỉ vì giới tính và sự giàu có che chở?

Bằng cách đưa các nhân vật của Fitzgerald về hiện tại, hoán đổi giới tính và trao cơ hội lên tiếng cho những người bị gạt ra bên lề, tôi muốn tạo nên một cách tiếp cận mới với kiệt tác văn học này — giống như nhạc jazz thời Gatsby: một cấu trúc quen thuộc, được tái hiện thành giai điệu mới mẻ.

- Theo The Guardian

Tags: