Trước khi tiếp xúc với văn học Pháp, Việt Nam có một truyền thống văn hóa chịu ảnh hưởng Hán, nên hết sức quan tâm tới thi ca. Nhưng nếu như văn học Hán có một truyền thống văn học thị dân phát triển từ thế kỉ VII tạo nên các thể loại truyền kỳ, tiểu thuyết, từ , kịch được in và phổ biến rất rộng rãi, thì văn học Việt Nam rất yếu ớt, phải đến thế kỉ XVIII mới manh nha một nền văn học có tính chất thị dân diễn đạt bằng chữ nôm dưới hình thức các truyện Nôm bằng thơ. Còn tiểu thuyết tiếng Việt bằng văn xuôi thì xuất hiện sau khi tiếp xúc với Pháp.
Nam Kỳ bị thực dân Pháp chiếm toàn bộ vào năm 1867 nên chịu ảnh hưởng văn học Pháp sớm nhất.
Trương Minh Ký (1833-1900) có thể xem là người đầu tiên giới thiệu văn học Pháp với độc giả Việt Nam qua các bản dịch tiếng Việt. Ông tên thật là Trương Minh Ngôn, không phải là người công giáo nhưng vì kính phục thầy mình là Trương Vĩnh Ký nên người ta hay nhầm lẫn hai người với nhau. Năm 1889, ông sang Pháp dự cuộc triển lãm thế giới ở PAris. Các tác phẩm của ông phần lớn được đăng tải trên tờ Gia Định báo trước khi được in thành sách.
Những tác phẩm dịch Pháp văn của ông bao gồm:
Truyện Phansa (Francais) diễn ra quốc ngữ (Sài Gòn 1886) gồm 150 truyện ngụ ngôn của La Fontaine.
Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (Sài Gòn 1887) dịch Les aventures de Télémarque ra thơ lục bát.
Đó là những tác phẩm dịch chính. Điều đáng chú ý là tại sao một người vừa giỏi tiếng Pháp vừa giỏi tiếng Hán như Trương Minh Ký lại dịch chủ yếu bằng thơ, không phải bằng văn xuôi? Ngay cuốn NHư Tây nhật trình (1889) kể lại của hành trình của ông sang châu u và Bắc Phi cũng bằng song thất lục bát với 2000 câu (có lẽ là tác phẩm song thất lục bát dài nhất mà ta biết được)? Lí do là vì văn xuôi Việt lúc đó còn rất xa tiếng Pháp, dịch ra rất dễ lủng cung nên ông bắt buộc phải dùng thơ để tự do thêm bớt hơn. Điều đáng chú ý nữa là, mặc dầu không phải Công giáo, nhưng ông đã dựa vào Kinh Cựu ước soạn Tuồng Joseph. Joseph được cha là Jacob yêu quý nên bị các anh đem bán cho lái buôn nô lệ rồi lấy máu cừu để báo cho cha chàng rằng chàng đã bị thú dữ ăn thịt. Chàng được tiến cử với tể tướng Ai Cập, đã giúp ông ta làm Ai Cập giàu có và giúp dân tộc Do Thái thoát khỏi một nạn đói khủng khiếp. Đây là một trong những vở tuồng đầu tiên lấy đề tài Kinh Tháh, đã trình diễn năm 1887 và chứng tỏ một sự tiếp xúc giữa nghệ thuật truyền thống với một tôn giáo từ phương Tây đưa đến.
Tác phẩm đáng chú ý nhất về văn học của giai đoạn này là Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, 32 trang, xuất bản ở Sài Gòn năm 1887. Nguyễn Trọng Quản đã học trung học của Pháp ở Alger,, nó đánh dấu bước chuyển sang văn học hiện đại, khác lối sáng tác ngày trước, mà theo tiểu thuyết phương Tây. Lời tựa có những câu ai đọc cũng phải phục: “Đã biết rằng: xưa nay dân ta chẳng thiếu chi thơ, văn, phú, truyện nói về những anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả, mà những đấng ấy thuộc về đời xưa chứ đời nay chẳng còn nữa. Bởi đó, tôi mới dám bày đặt một chuyện đời nay là sự thường có trong mắt ta luôn…”
Nội dung của truyện này như sau:
Một viên thông ngôn (Lazaro Phiền) ở Bà Rịa đã có vợ. Vợ của viên quan ba pháp phải lòng người này nhưng không được đáp ứng. Tình yêu đến độ đam mê mà không được thỏa mãn dẫn tới oán thù. Hai bức thư giả của người đàn bà đam mê biến thầy thông ngôn thành kẻ giết người, giết bạn và vợ. Người vợ biết chồng mình là thủ phạm nhưng vẫn nhẹ nhàng tha thứ trước khi lìa trần.
Lazaro Phiền xin thôi việc và đi tu lên chức thầy mà niềm hối hận vẫn đeo đẳng dày vò triền miên đến nỗi thầy phải lâm bệnh. Trong những giờ phút cuối cùng, thầy nhận được thư thú tội và xin tha thứ của người đàn bà tội lỗi.
Rõ ràng về cốt truyện là một sự việc bình thường trong cuộc đời thực tế trước mắt, của những con người bình thường ta quen bắt gặp ở tiểu thuyết Pháp, không phải ở truyền thống Truyền kỳ mạn lục, truyện Nôm. Nó đặt con người vào những tình huống đối lâp và xét tâm lý của họ giữa những mâu thuẫn. Đây cũng là theo truyền thống phân tích tâm lý của Pháp. Ngôn ngữ của nó rất mộc mạc, đúng là ngôn ngữ tiểu thuyết, không tỉa tót công phu.
Từ đầu thế kỉ XX, do tiếp xúc với văn học Pháp, ngay những nhà Nho đã thấy chỗ yếu của văn học cũ. Tiến sĩ Ngô Đức Kế thừa nhận: “Văn học cũ chỉ tả được những cảnh cầu sương, điếm nguyệt, mục thụ, tiều phu mà không lấy gì cho lạ tai, mới mắt, thêm tri thức, thêm học vấn.” Lời phê phán này rất là đau và rất đúng. Văn học trước đây chỉ lo một chuyện là giáo dục đạo đức. Nó nêu lên những tấm gương, nhưng không cung cấp kiến thức để làm chủ thực tế, để làm chủ thế giới. Văn học phương Tây thì khác, nó cho ta thấy thế giới như nó tồn tại trước mắt ta, giúp ta lý giải thế giới này để xoay xở.
Sự tiếp xúc văn hóa với văn học Pháp diễn ra có những kết quả khác nhau đôi chút giữa Bắc và Nam. Sự hỗn dung văn hóa là kết quả của cái văn hóa bản địa tiếp xúc với văn hóa ngoại lai. Mà văn hóa không phải chỉ là cái người ta học, mà chủ yếu là cái người ta sống, rồi tiêm nhiễm vào vô thức. Chính vì sự khác nhau trong tâm thức của người Việt giữa hai miền nên nhìn chung miền Nam đi trước trong việc tiếp nhận văn hóa Pháp.
Đặt mua combo Bộ sách giúp hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, là công trình nghiên cứu lâu năm của học giả Phan Ngọc
Tổng giá: 304.000 VNĐ
Ưu đãi còn: 212.000 VNĐ (tiết kiệm 92k) tại đây
Giáo sư Phan Ngọc.