Những tựa sách về Quản trị được trao giải Sách Hay 2011 - 2015
Những tựa sách về Quản trị được trao giải Sách Hay 2011 - 2015
Hạng mục sách Quản trị là những sách có giá trị góp phần định hình nền tảng về khoa học quản trị/kinh doanh ở Việt Nam và/hoặc mang lại tư tưởng, tinh thần, nhận thức mới, có tính đột phá về các vấn đề quản trị/kinh doanh của Việt Nam, thế giới.

1. Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp

 


“Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp” là cuốn sách được viết dựa trên Luật doanh nghiệp 2005 với những ví dụ rất thực tế. Sách bao gồm 5 phần với phần đầu tiên cung cấp cho bạn đọc những đặc tính quan trọng nhất của một công ty. Cụ thể là lịch sử hình thành công ty, quá trình hình thành định chế công ty ở Việt Nam, các văn kiện pháp lý cấu thành công ty, và cả vấn đề đạo đức kinh doanh đang được đặt ra ngày một gay gắt hơn trong môi trường kinh doanh hiện đại.


2. Lợi thế cạnh tranh quốc gia

 


Từ năm 1983, M.Porter làm việc cho Ủy ban về cạnh tranh ngành của phủ Tổng thống. Ông là người đã đưa ra môn học về chiến lược cạnh tranh và mô hình phân tích cấu trúc ngành. Về lý luận cạnh tranh, ông đã xuất bản ba cuốn sách nổi tiếng thế giới và được sử dụng trong hầu hết các chương trình đào tạo MBA của các nước. Đó là cuốn ''Chiến lược cạnh tranh'' xuất bản năm 1980, cuốn ''Lợi thế cạnh tranh'' năm 1985 và cuốn ''Lợi thế cạnh tranh quốc gia" vào năm 1990.


Trong tác phẩm Lợi thế cạnh tranh quốc gia, Porter vận dụng những cơ sở lý luận cạnh tranh trong nước của mình vào lĩnh vực cạnh tranh quốc tế và đưa ra lý thuyết nổi tiếng là mô hình “Viên kim cương”. Các yếu tố quyết định của mô hình là các điều kiện về các yếu tố sản xuất, điều kiện về cầu, các ngành hỗ trợ và bối cảnh cạnh tranh, chiến lược và cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có 2 biến số bổ sung là vai trò của nhà nước và yếu tố thời cơ.


3. Kiểm soát quản trị

 


Ngạn ngữ có câu: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, phải đi cùng người khác”. Để có thể “đi cùng người khác” - một điều kiện tất yếu để phát triển lớn mạnh và trường tồn - doanh nghiệp nhất thiết sẽ phải chuyển từ “quản trị theo cảm tính” sang “quản trị theo khoa học”, chuyển từ thể chế “gia đình trị” sang “cơ chế trị”. Và một trong những con đường tối ưu cho việc chuyển đổi này là nghiên cứu và áp dụng “Corporate Governance” / CG (Cơ chế Kiểm soát Quản trị Công ty).


4. Chiến lược đại dương xanh

 


Theo Kim và Mauborgne, một bước đi chiến lược là một loạt những hành động quản lý và quyết định liên quan đến việc hình thành một hoạt động kinh doanh cho một thị trường lớn. Bản chất của “Chiến lược đại dương xanh” là nâng cao về giá trị đi kèm với sự tiện lợi, giá cả thấp và giảm chi phí. Nó buộc các công ty phải có bước nhảy vọt về giá trị, mang lại sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị cho cả người mua và chính họ.


5. 7 thói quen để thành đạt

 


Trong cuốn sách kinh điển này, Stephen R. Covey đã đưa ra một mô thức (paradigm) hoàn chỉnh để mỗi người trong chúng ta có thể áp dụng, luyện tập để rèn giũa bản thân và gặt hái thành công. Sở dĩ tên cuốn sách là "7 thói quen" mà không phải là "7 cách", "7 phương pháp" hay "7 nguyên tắc", là vì một khi đã trở thành thói quen, chúng ta có thể làm điều đó một cách tự nhiên, một cách vô thức. Và khi ấy, nó mang lại một sức mạnh rất lớn.


6. Từ tốt đến vĩ đại

 


Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins là cuốn sách quản trị kinh doanh kinh điển, nằm trong số 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong vòng 20 năm qua theo bình chọn của Tạp chí Forbes. Cuốn sách đưa ra một mô hình để chuyển một công ty chỉ ở mức bình thường, hay ở mức tốt, thành một công ty vĩ đại. Bằng cách áp dụng con người kỷ luật, suy nghĩ kỷ luật và hành động kỷ luật một công ty có thể xây dựng và tạo sự đột phá và phá vỡ những rào cản ngăn mình đến sự vĩ đại. Tác giả Jim Collins và các cộng sự của ông đã thực hiện việc nghiên cứu trong nhiều năm liền giữa những công ty vĩ đại và những công ty đối trọng để tìm ra những yếu tố đó.


Ông mở đầu cuốn sách bằng câu nói đầy tính thách thức: “Tốt là kẻ thù của Vĩ Đại. Và đó là một trong những lý do chính giải thích vì sao có rất ít điều vĩ đại.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Sách Hay

Tags: