Những thiên truyện đẹp của Nguyễn Ngọc Thuần
Những thiên truyện đẹp của Nguyễn Ngọc Thuần
Nguyễn Ngọc Thuần - tác giả đã tạo nên một thế giới tươi sáng, mơ hồ và quyến rũ bằng những tác phẩm của mình. Văn chương của ông đã chạm đến được trái tim người đọc bởi sự trong trẻo, dễ thương không thể kể xiết. Không những vậy, sự đẹp đẽ của những trang văn của ông đã "đánh gục" được những nhà phê bình khó tính nhất. Hãy cùng Trạm Đọc điểm qua những tác phẩm tiêu biểu của ông nhé.

1. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

 

 

Tập sách hay, dễ thương, và còn nhiều mỹ từ khác nữa xứng đáng được dành cho nó. Cả tập truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là tự sự của một cậu bé mười tuổi, sống ở nông thôn, và không hề có bất kỳ dấu chân nào của người khổng lồ internet ghé ngang. Điều hấp dẫn rất riêng của truyện là những câu thoại ngô nghê trong sáng, lại rất dí dỏm và ấm áp.

Cậu bé sẽ chỉ cho chúng ta nhiều điều bí mật thú vị, từ những bài học và những suy nghĩ “ông cụ non” trong cái đầu mười tuổi của cậu. Cái nôi nuôi dưỡng cậu bé là làng quê bình dị, là bố mẹ giàu lòng nhân ái, tinh tế trong cảm nhận và sẻ chia, là những người láng giềng nồng hậu, nghĩa khí . Cậu cũng có rất nhiều bạn. Hơn hết, cậu có cả khu vườn nhà rất rộng, nơi mà bố đã dạy cậu điều tuyệt vời nhất, bố dẫn cậu ra vườn bảo cậu nhắm mắt, rồi hướng dẫn cậu chạm vào từng bông hoa và đoán tên, lúc đầu cậu toàn đoán sai, bố nói không sao cả, dần dần con sẽ đoán đúng, mà thật vậy, từng ngày rồi từng ngày, cậu đã đoán đúng tên từng bông hoa trong vườn, rồi bố lại bày cậu tập đoán khoảng cách đến bông hoa, cậu thích chí mỗi khi đoán đúng, cậu đoán chính xác khoảng cách đến nỗi chú Hùng hàng xóm phải thốt lên “Thật không thể tin nổi, cháu có con mắt thần”, cũng nhờ “con mắt thần” này mà cậu đã cứu được bạn Tí khỏi chết đuối. Và Tí đã thành bạn thân nhất của cậu. “Con mắt thần” đã thành điều bí mật của hai bố con. Còn khu vườn trở thành điều bí mật của cậu. 

Hãy thử một lần đọc tập truyện này, bán sẽ hiểu vì sao nó nhận được nhiều giải thưởng đến như vậy.

 

2. Một thiên nằm mộng

 

 

Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần kể câu chuyện thông qua những giấc mơ thánh thiện mà ai cũng từng gặp một lần trong đời. 18 chương của cuốn sách với những cái tên ngộ nghĩnh như Ha ha ha con ma, Một đôi giàu có, Con nhện nằm đau, Nỗi buồn, Em muốn khóc... là thế giới của những giấc mơ đa cảm và thánh thiện, thế giới của những câu chuyện nhuốm màu sắc thần bí và siêu nhiên.

Một thiên nằm mộng cũng xoay quanh cuộc đời rất thực với những nỗi đau trần thế như mẹ mất con, như anh em sinh đôi dính liền phải cưa đôi thân thể... nhưng những câu chuyện không đầu không cuối qua cái nhìn của một đứa trẻ vẫn lung linh một xúc cảm đầy thơ dại. Đứa trẻ nằm mộng ấy biết yêu thương và được yêu thương nên nó dịu dàng nói về những người mẹ, những người có thể "đi đến bất cứ chỗ nào có đứa con của mình".

Đọc “Một thiên nằm mộng” ta sẽ thấy phảng phất nhiều cảnh vật và nhân vật như trong các truyện đồng dao, trong ca dao và truyện cổ tích thần tiên. Cũng có cả những câu thần chú. Ở đoạn kết của cuốn sách tác giả đã đưa người đọc đi vào một giấc mơ khác, đi về thăm chốn quê đã sản sinh ra cậu bé và câu chuyện kể.

“Này là giọt sương Gieo lên trời cao... Gieo lên mảnh đất này Như ba điều ước hình trái tim Một trái tim màu đỏ...” Câu thần chú khép lại cuốn sách, khép lại một giấc mơ đầy yêu thương của một trái tim bé nhỏ, nhưng mở ra và đánh thức những điều giấu kín trong tâm hồn của mỗi con người.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần cho biết anh viết “Một thiên nằm mộng” cùng thời điểm thi tốt nghiệp ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Những "giấc mơ" trong cuốn sách là sự tổng hợp, chắt chiu nhiều kỷ niệm của những cậu bé mà anh từng gặp. Và tất nhiên trong đó có cả "thế giới" của anh trên dưới 20 năm về trước.

 

3. Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ

 

 

Tác phẩm Trên Đồi Cao Chăn Bầy Thiên Sứ in đậm dấu chân thể nghiệm của tác giả trong văn chương, ở vào giai đoạn sung sức nhất của nghề viết, đã từng mang về cho Nguyễn Ngọc Thuần giải B (không có giải A) cuộc thi Sáng Tác Văn Học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên phối hợp với NXB Văn Nghệ tổ chức cách đây 15 năm, sau đó, được dịch sang tiếng Nhật. Cũng là tác phẩm hàm chứa những đặc thù của phong cách văn chương Nguyễn Ngọc Thuần: đẩy xa tính mộng và tính thơ trong trò chơi ý tưởng bất tận.

Điều đó làm cho các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần vừa có độ quyến rũ của sự trong trẻo, lấp lánh; vừa gây ngạc nhiên thú vị bởi, một cách tự nhiên, anh trình bày một phiên bản lộn ngược của hiện thực – cái hiện thực bề mặt mà nhiều nhà văn chúng ta ngày nay đang bị cầm tù.

Như trong tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Thuần kéo về bầu khí quyển mặc nhiên của dụ ngôn, thi ca và huyễn mộng để triển khai một cuộc phiêu lưu ý tưởng đầy duy mỹ và buồn bã. Khu vườn được dựng lên trên đồi cao bằng ý chí, vô nhiễm với xung quanh nhưng chính nó lại là một trong những cơ tầng, di chỉ của lãng quên. Nó gom vào trong mình một âm bản nhân thế sơ khai, tinh khôi như vừa được sáng lập, lại như đã ngấm ngầm trượt khỏi miền thời gian thực hữu, một hình thức cô lập cuối cùng của sự sống.

Bỏ qua tất cả giới hạn của ngôn từ, của ý niệm văn chương. Bỏ qua cả “sức nặng” của phong cách Nguyễn Ngọc Thuần, chỉ ngồi lại với câu chuyện – một câu chuyện không đầu, không cuối, không hiện thực, không thời gian và không cả nhân gian… Trên Đồi Cao Chăn Bầy Thiên Sứ là một bức tranh vintage về một khu ‘vườn trên đồi cao và chỉ duy khu vườn ấy; ở đó có một người cha và ba cô con gái nhỏ. Trong không gian đó, người cha đã cố biến khu vườn thành một thiên đàng với những cám dỗ nho nhỏ: những câu chuyện, những trò chơi ngôn từ, một chiếc xích đu, một con chim gỗ, một cây kiếm, một con chó nhỏ... Ông sợ nỗi sợ của con mình, ông đau nỗi đau của chúng, ông thao thức hằng đêm để dẫn đường cho những giấc mơ con trẻ, để ngăn những cơn ác mộng mà ông nghĩ rằng con mình đang bị dẫn dụ.Ông làm tất cả những gì có thể, để bảo vệ những đứa trẻ của ông trong vùng an toàn, ngay cả việc giấu mùa thu đi bằng cách tự tay nhặt hết những chiếc lá vàng trong khu vườn 4 mùa… Nhưng những đứa trẻ rồi cũng lớn lên, phóng trái tim và tầm mắt ra khỏi “thiên đàng” của cha và va vào bất trắc. Bất trắc ngay khi những cô gái nhìn thấy mùa thu…

Sự sinh sản, cái chết, cuộc trốn chạy và vô vàn những biến cố diễn ra giữa rừng ám tượng đưa người đọc đi vào một không gian khác biệt của thứ sáng tạo nâng niu vết dấu huyền thoại tưởng đã lụi tàn hay bị vùi chôn trong một đời sống văn chương nệ thực.

Thật đúng khi Thuần nói “Tôi không có thiện chí kể lại cho bạn một câu chuyện nào đâu. Tôi muốn đi tìm chiếc chìa khóa bị bỏ rơi ở nơi chúng chứa đựng kho tàng…”. Chiếc chìa khóa ấy, có thể có thực hoặc không có thực, chẳng sao cả. Quan trọng là chúng ta có muốn đi tìm hay không…

 

4. Về cơ bản là buồn

 

 

"...Như kiếm của Lệnh Hồ Xung trong tiểu thuyết của Kim Dung: không có kiếm chiêu mà chỉ có kiếm ý. Văn Nguyễn Ngọc Thuần ý tứ dồi dào đến nỗi có thể đang nói chuyện này chuyển sang nói chuyện khác mà đọc vẫn rất 'đã'".

Đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Đông Thức về tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.

Một ranh giới lưỡng lự giữa thời hậu chiến, giữa một cô gái con lai và một người lính Mỹ sau khi rời khỏi chiến trường Miền Nam Việt Nam thì bắt đầu... ngáp.Cơ bản là buồn" thề hiện cái nhìn lạ lẫm và nhân văn về vấn đề hậu chiến tranh.

 

5. Vì tình yêu phù phiếm

 

 

Trở về sau cái chết của người bố, Răng Nhọn - một nhà văn cô đơn và mẫn cảm đã phát hiện một nửa con người mình dần biến mất, đó là lúc anh bước vào phần thứ hai của cuộc đời, cũng là phần thứ hai của cuốn sách anh viết. Sự mập mờ đầy thi vị giữa các nhân vật và tình huống, cũng như văn phong đẹp đẽ giàu hình tượng khiến cho "Vì tình yêu phù phiếm" có sức lôi cuốn mạnh mẽ với người đọc. Đây cũng là lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Thuần ghi tên mình trong thể loại tiểu thuyết, sau một loạt các truyện dài được đông đảo đọc giả yêu thích như "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", "về cô gái này", "Cơ bản là buồn"...

 

6. Về cô gái này

 


 

Câu chuyện bi ai của một phụ nữ mắc chứng béo phì. Cuộc đời cô là chuỗi tháng năm nặng nề, đấu tranh và chịu đựng một cơ thể “quá khổ”. Và với tình yêu không được đền đáp, cũng như khát khao được làm mẹ nhưng bất thành.

 

7. Chuyện tào lao (Về kẻ quấy rối và chồng cô ta)


Vào một ngày nắng, hắn thấy ngứa đầu, nghi mình có chí, bèn nghĩ phải tắm bằng xà bông. Thế nhưng, khi trong tình trạng Adam bước vào phòng tắm thì cục xà bông biến đâu mất. Cuộc tìm kiếm bắt đầu, kéo dài cả thảy mười chín ngày.

Trong thời gian đó, để tồn tại hắn ăn cây trường sanh, rồi lại "chiến đấu" với chuột cống để có "thực phẩm" cầm cự. Cuộc tìm kiếm kéo dài khiến nhiều lúc hắn quên mình đang tìm gì, hắn thấy ngôi nhà là rừng, còn mình là một mảnh thiên nhiên...

Ðọc những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thuần gần đây, và trong tác phẩm này, có thể thấy nổi lên một điều là tác giả ưu tư nhiều đến sự không còn thuần chất của con người cũng như môi trường sống. Ở thiên truyện này, Nguyễn Ngọc Thuần gọi trực diện sự thay đổi đó là sự biến thái. Một kẻ chuyên rình mò, quấy rối vợ người khác. Một kẻ nghiện ngắm nghía cơ thể mình và lấy việc xem tivi là niềm vui sướng nhất trần gian.

Thật và giả, tào lao xen lẫn nghiêm trọng, lý trí không thắng được những bất an... Sự biến thái không phải tiệm cận từng chút một, mà như sự tùy hứng gần xa của một chiếc ống nhòm. Sự biến thái được hỗ trợ bởi những công cụ sẵn có.

 

Trạm Đọc tổng hợp 

 

 

Tags: