Để hiểu được Israel ngày nay – những giấc mơ, những thành công và nỗi thất vọng của mảnh đất này cũng như cách người dân của Israel đương đầu với những thách thức mà họ phải đối mặt – người ta cần hiểu câu chuyện cổ xưa mà người Do Thái đã kể về chính bản thân mình và vị trí trung tâm của Vùng đất Israel trong câu chuyện đó.
Đối với người Do Thái, những ký ức về Zion được xen lẫn với tình yêu thương là vì Kinh Thánh, cuốn sách mà họ coi như là một loại nhật ký của dân tộc. Chắc chắn, đối với những người Do Thái sùng đạo, Kinh Thánh là lời được Chúa tiết lộ, chứa đầy những điều răn về việc họ phải sống cuộc đời mình như thế nào. Đối với những người Do Thái bình thường, Kinh Thánh là một trong những tác phẩm văn chương vĩ đại nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, đối với mọi người Do Thái, Kinh Thánh là cuốn sách kể câu chuyện về dân tộc họ: họ yêu những gì, sống ở đâu, thành công ra sao và thất bại khi nào. Đó là câu chuyện về dòng tộc của họ. Và trung tâm của câu chuyện đó là Vùng đất Israel, nơi mà Theodor Herzl hiện đang thúc giục họ trở về. ‘Cuốn nhật ký’ của họ gợi ý rằng không thể có dân tộc Do Thái và dòng tộc Do Thái nào nếu không có vùng đất ấy ở trung tâm của câu chuyện.
VÙNG ĐẤT ISRAEL là một phần trong câu chuyện của dân tộc Do Thái ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên. Khi mô tả thời điểm mà dân tộc Do Thái được sinh ra, Kinh Thánh có nói: “Chúa phán cùng Abram rằng: Ngươi hãy từ bỏ quê hương... để đi đến xứ mà ta sẽ chỉ cho ngươi’. Abram vâng lời, và ngay sau đó, Chúa phán với ông: “Ta sẽ giao đất này cho con cháu ngươi. Ý niệm về ‘Miền Đất Hứa’ xuất hiện chính xác vào thời điểm câu chuyện về người Do Thái bắt đầu.
Vùng đất đó sẽ vẫn luôn nằm ở vị trí trung tâm trong câu chuyện của dân tộc Do Thái. Abraham biến Canaan (như tên gọi lúc bấy giờ) thành nơi cư trú của mình, nhưng thỉnh thoảng (đặc biệt là trong các thời kỳ đói kém), ông và con cháu phải đi đến các vùng đất lân cận để đảm bảo sinh tồn. Sách Sáng thế ký (cuốn sách đầu tiên trong năm Cuốn sách của Moses, được gọi chung là Thánh Kinh Torah), về nhiều mặt, là về đất đai. Cuốn sách đó nói về việc xây dựng các thành phố và đào giếng, mua các hang động để chôn cất và phân chia đất đai trong gia đình. Đó là việc rời bỏ đất và trở về với đất. Về cơ bản, Sáng thế ký nói về gia đình phức tạp của Abraham, nhưng trọng tâm của câu chuyện là vùng đất được cho là nơi họ đã sinh sống.
Khi Sáng thế ký kết thúc và Sách Xuất hành bắt đầu, các hậu duệ của Abraham không còn đơn thuần là một gia đình nữa – giờ đây họ là một dân tộc. Lúc bấy giờ khi được gọi là dân Israel, họ đã bị mắc kẹt ở Ai Cập và làm nô lệ cho Pharaoh. Tuy nhiên, theo trực giác, Pharaoh hiểu rằng việc giữ dân Israel làm nô lệ là điều không thể vì họ sẽ tìm cách quay lại vùng đất của mình ngay khi có cơ hội đầu tiên. Ngài nói với thần dân: 'Hãy nhìn xem, dân Israel quá đông so với chúng ta. Hãy đối phó với chúng một cách khôn ngoan để chúng không tăng lên; nếu không, trong trường hợp có chiến tranh, chúng có thể cùng kẻ thù của ta chống lại ta, và chúng sẽ từ đất mà trỗi dậy'. Pharaoh hiểu rằng khi có cơ hội đầu tiên, dân Israel sẽ nổi loạn, không phải để cướp ngôi của ông mà để được trở về quê hương. Pharaoh cảm nhận được rằng tồn tại sức hút mãnh liệt giữa một dân tộc và vùng đất của họ. Và các dân tộc sẽ luôn đấu tranh để trở về quê cha đất tổ.
Đó chính xác là những gì đã xảy ra. Một vị thủ lĩnh mới xuất hiện, quyết tâm chấm dứt tình trạng nô lệ của họ. Moses giải thoát dân chúng khỏi cảnh bị câu thúc và dẫn họ thoát khỏi Ai Cập. Phần còn lại của Thánh Kinh Torah mở ra khi dân Israel thực hiện chuyến di cư dài đến Miền Đất Hứa. Như Kinh Thánh kể lại, đó là hành trình kéo dài 40 năm xuyên qua sa mạc, bị nhấn chìm trong những cơn khát và các trận chiến, trong nghi ngờ và nổi loạn. Hàng nghìn năm sau, những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã hiểu Thánh Kinh Torah nói gì – con đường dẫn đến tự do thực sự sẽ rất dài và khó khăn. Trong Sách Joshua, dân Israel cuối cùng đã đến được vùng đất mà chính Abraham đã đến, nhưng điểm cốt yếu – rằng việc trở về cố quốc sẽ không bao giờ dễ dàng – đã được làm rõ.
Câu chuyện trong Kinh Thánh có điểm khác đối với việc thành lập tổ quốc: ngay cả sau khi người Israel đến, việc ở lại quê hương của họ sẽ không phải là một việc đơn giản. Theo lời tường thuật trong Kinh Thánh, vùng đất này đã bị bảy dân tộc khác nhau chiếm đóng và bị nhiều dân tộc bên ngoài khác đến xâm chiếm. Các cuộc chiến diễn ra thường xuyên và một số kiểu lãnh đạo chính trị của người Israel đã thất bại. Cuối cùng, mệt mỏi vì cuộc đấu tranh không hồi kết để giữ được trật tự trên vùng đất này, dân Israel – gồm mười hai bộ tộc khác nhau – đã lập nên một vị vua.
Vị vua đầu tiên của dân Israel, Saul, rất kém cỏi, và chàng trai trẻ David nhanh chóng thay thế ông. Thoạt nhìn có vẻ nhỏ bé và khiêm tốn, David đã trở thành vị chỉ huy quân sự tài giỏi và thiết lập nền quân chủ ổn định và vương quốc rộng lớn. Mặc dù David cũng có khuyết điểm (chẳng hạn ông có thể trở nên tàn nhẫn), Kinh Thánh kể câu chuyện trong đó vị vua này thể hiện tầm nhìn, quyền lực, sự nhạy cảm tâm linh – ông được mô tả là nhà lãnh đạo gần với hình mẫu hoàn hảo mà một con người bằng xương bằng thịt có thể trở thành. Sau này, không có gì ngạc nhiên khi tại Đại hội phục quốc Do Thái lần thứ nhất, khi một trong những đại biểu tìm cách thể hiện sự vĩ đại mà họ cảm thấy khi có sự hiện diện của Herzl, vị này đã viết:
Trước mặt chúng tôi hiện lên một nhân vật tuyệt diệu và cao quý, có vóc dáng vương giả, với đôi mắt sâu thẳm có thể khiến người ta đọc được vẻ uy nghiêm tĩnh lặng và nỗi buồn không nói nên lời... [Đó] là dòng dõi hoàng gia của Triều đại David, sống lại từ những người đã khuất, khoác lên mình truyền thuyết, trí tưởng tượng và vẻ đẹp.
Một phần của sự kỳ diệu và sức mạnh của Đại hội phục quốc Do Thái lần thứ nhất là đối với những người tham gia, đây dường như là sự khởi đầu của việc khôi phục vinh quang trước đó, niềm vinh quang mà người Do Thái đã có từ hàng nghìn năm trước, sự hưng thịnh mà họ đã từng biết – trên Vùng đất Israel.
David đã truyền lại vương quốc cho con trai là Solomon, người đã xây dựng Đền thờ Đầu tiên ở Jerusalem vào thế kỷ X trước Công nguyên (TCN). Đền thờ này trở thành tâm điểm của đời sống tôn giáo của người Israel. Tại đó, các lễ hiến tế được thực hiện và dân Israel hành hương đến đó ba lần mỗi năm. Trên thực tế, Jerusalem và Đền thờ cũng được coi là thủ đô của thế giới Israel. Núi Đền, nơi Đền thờ được dựng trên đó, sẽ trở nên linh thiêng không chỉ đối với người Do Thái mà còn đối với cả những người theo Thiên Chúa giáo và đạo Hồi, bởi cả Đền thờ Đầu tiên và Đền thờ Thứ hai đều ngự ở đó. Đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo, đó là nơi Chúa Jesus rao giảng việc chống tham ô trong Đền thờ và trục xuất những kẻ hám tiền. Đối với người Hồi giáo, sự tôn nghiêm của Núi Đền bắt nguồn từ Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa và Mái Vòm Đá , được hoàn thiện vào năm 691-692 để tưởng nhớ nơi mà truyền thống Hồi giáo khẳng định rằng Mohammed đã đi đến thiên đường.
Tuy nhiên, những dự án xây dựng của Solomon đi kèm với các chi phí quá lớn, và để cấp tiền cho chúng, ông đã tăng thuế. Kết quả là, các bộ lạc nổi dậy liên tục; đặc biệt là ở phía Bắc, nơi người dân cảm thấy bị nhà vua bỏ rơi và cho rằng ông ủng hộ các bộ lạc phía Nam. Dẫu tình hình chính trị bất ổn, Solomon vẫn giữ được sự đoàn kết trong liên minh của mình. Tuy nhiên, con trai ông, Rehaboam, không phải là chính trị gia tài giỏi như cha mình, và vào năm 928 TCN, nền quân chủ tan rã thành hai quốc gia thường xuyên xung đột: vương quốc ở phía Bắc, Vương quốc Israel (gồm mười trong số mười hai bộ tộc Israel), và một vương quốc ở phía Nam, Judea (gồm hai bộ tộc còn lại).
Do đó, câu chuyện mà người Do Thái kể về chính họ đã xuất hiện chủ đề khác: nguy cơ của sự mất đoàn kết. Trong trường hợp hai quốc của người Israel, sự chia cắt đó đồng nghĩa với thảm họa. Các cuộc tranh giành quyền lực đã nuốt chửng vương quốc phía Bắc; trong suốt hai thế kỷ, không dưới mười chín triều đại khác nhau đã cai trị đất nước này. Tệ hơn nữa, hai vương quốc bị chia cắt cũng thường xuyên nổ ra những cuộc chiến ác liệt.
Vẫn còn khía cạnh trung tâm khác trong đời sống Israel ngày nay vốn đã được giới thiệu từ hàng nghìn năm trước trong Kinh Thánh. Như từng xảy ra ở khu vực đó, và đến giờ vẫn vậy – bao vây các vương quốc là những kẻ thù hùng mạnh. Về phía Bắc là đế quốc Assyria, nằm ở vùng mà nay là miền Bắc Iraq. Với sức mạnh quân sự khủng khiếp, đế quốc này đe dọa nhiều nhà nước ở phía Tây sông Euphrates, trong đó có Israel và Judea. Ngoài Assyria, miền Bắc còn là quê hương của cường quốc đáng gờm khác: Abram. Phía Đông là Babylon, đế quốc cũng thường tham dự vào các cuộc xung đột. Vấn đề phức tạp hơn nữa là đế quốc Ai Cập khổng lồ ở phía Nam. Bất kỳ cường quốc nào tìm cách kiểm soát khu vực này đều phải chinh phục vùng đất mà vương quốc Israel và Judea đóng đô. Theo nhiều cách, các vương quốc Do Thái đều bị đày đọa cho dù kết quả thế nào: bất cứ cường quốc nào muốn có được chiến thắng cuối cùng đều phải chinh phạt được họ.
Đó cũng là lăng kính mà qua đó, Israel đương đại nhận thấy những thách thức của chính mình. Dẫu vậy, Trung Đông vẫn là khu vực phứctạp. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn còn là một cuộc chiến không ngừng.
- Trích dẫn từ "Chương 2: Nơi nào đó trên quê hương" từ cuốn sách "Lịch sử Israel - Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc" -