Sáng chế mang tính bước ngoặt của Alfred Nobel
Sáng chế mang tính bước ngoặt của Alfred Nobel
Với việc nghiên cứu thành công và được cấp bản quyền chất nổ ở châu Âu, nhà khoa học trẻ tài ba Alfred Nobel bắt đầu khẳng tên tuổi của mình.

Trong quá trình nghiên cứu, Nobel chợt nhớ ra có lần bố và một nhà khoa học đã nói chuyện về Nitroglycerin. Một loại thuốc nổ cực mạnh mà sau khi phát hiện ra, người ta đã không dám sử dụng. Từ đó đến nay, nó như bị bỏ quên.

 Với ý tưởng táo bạo, Nobel đã thận trọng pha chế Nitroglycerin. Anh dùng axit Nitric và axit Sulfuric cho nhỏ từng giọt trong Glycerin và đã thu được Nitroglycerin dưới dạng kết tủa. Sau đó Nobel đã dùng hợp chất này thử dưới nhiệt độ và áp suất để gây nổ.

Anh đã thấy được sức công phá cực lớn của nó. Lúc này anh mới hiểu là tại sao 7 năm về trước Nitroglycerin đã làm trọng thương tiến sĩ người Ý Sobrero và một số đồng nghiệp của ông, khiến mọi người tránh xa loại hợp chất mà vị tiến sĩ này đã phải đổ máu mới nghiên cứu được. […]

Năm 1863, Nobel về nước. Lần này vì giúp bố hoàn thành một cuộc trình diễn nên Nobel phải tiến hành các thí nghiệm lặp đi lặp lại theo tỷ lệ pha chế của bố. Sự lặp đi lặp lại ấy nhiều lúc khiến Nobel chán ngấy. […]

Suốt nhiều ngày thí nghiệm đi thí nghiệm lại, Nobel vẫn chưa tìm ra điều gì mới. Một hôm, làm việc căng thẳng quá, Nobel ngồi ngửa cổ trên chiếc ghế bành trầm tư nghĩ ngợi.

Bỗng anh nhớ đến hình ảnh con cá hớp lên mặt nước ở bờ hồ trong công viên ở thủ đô Paris ngày nào, nơi anh ngồi đợi “cô gái tóc vàng” mỗi ngày. Con cá hớp lên mặt nước tạo thành những vòng sóng toả ra xung quanh, rồi lan mãi ra xa.

Vậy thì một bộ phận thuốc súng bốc cháy dễ dàng cũng sẽ truyền nhiệt lượng ra xung quanh, rồi lan ra khắp cả khối thuốc nổ lớn, tạo thành áp lực gây nổ.

Bất chợt Nobel reo lên sung sướng:

- A...a…a! Tìm ra rồi! Tìm ra rồi!

Từ ý tưởng này, Nobel đã tìm ra nguyên lý gây nổ cho Nitroglycerin. Thay vì trước kia phải làm những nguyên liệu dễ cháy cho cả khối thuốc nổ, tính nguy hiểm cao thì nay, Nobel đã chế tạo ra kíp nổ.

Kíp nổ là một bộ phận dễ cháy nhất trong khối thuốc nổ. Khi đốt cháy ngòi nổ, lửa sẽ bén dần vào kíp nổ, làm cho kíp nổ cháy âm ỉ, truyền nhiệt lượng đi khắp khối thuốc nổ, áp lực càng ngày càng lên cao, đến khi không chịu được nữa thì cả khối thuốc nổ sẽ phát nổ hết công suất.

Với phương pháp chế tạo này, Nobel không chỉ tận dụng tối đa công năng của Nitroglycerin mà còn có thể sử dụng nó một cách an toàn.

Tất cả công việc này, anh đều lặng lẽ nghiên cứu một mình trong phòng thí nghiệm ở Stockholm, Thuỵ Điển.

Nobel chỉ còn đợi thử nghiệm Nitroglycerin ở trên cạn thành công nữa là anh có thể công bố công trình nghiên cứu của mình. […]

Sau nhiều ngày tiến hành pha chế với các tỉ lệ khác nhau, Nobel đã phát hiện ra nếu cho Nitroglycerin thẩm thấu trong thuốc nổ dạng hạt, sức công phá sẽ mạnh hơn và có thể giúp nó nổ được ở trên cạn.

Cuối cùng, anh đã chế tạo ống nổ trên cạn ngược lại với quy trình chế tạo ống nổ dưới nước. Anh đựng đầy thuốc súng màu đen vào trong ống thuỷ tinh, rồi đặt nó vào trong ống sắt chứa đầy Nitroglycerin. Và kết quả gây nổ đã đúng như anh mong đợi. Chúng có đầy đủ nhiệt độ và áp lực gây nổ trên cạn.

Vậy là thí nghiệm đã thành công, Nobel quyết định công bố ngày thử nghiệm công khai.

Đây là một cuộc thử nghiệm có ý nghĩa lớn lao, bởi vì sự thành công của nó cũng đồng nghĩa với việc một loại thuốc nổ mới đầu tiên trên thế giới được đưa vào ứng dụng. Nó có công năng mạnh gấp nhiều lần thuốc súng màu đen - loại thuốc nổ duy nhất trên thế giới đã tồn tại 500 năm nay mà chưa một thứ gì có thể thay thế được.

Cuộc thử nghiệm không chỉ thu hút sự chú ý của ông Immanuel mà còn rất nhiều người hiếu kì đã đến xem. Mục đích của những người ấy chủ yếu là đến để chứng kiến xem người con trai thứ ba của nhà Nobel có thật là một tài năng xuất chúng hay chỉ là tin đồn nhảm nhí.

Không khí căng thẳng. Mọi người không ai nói với ai, cùng nín thở nhìn Nobel châm ngòi nổ.

- Xoẹt, xoẹt, xoẹt…

Tiếng ngòi nổ cháy chậm, mọi người cùng nằm rạp xuống ôm chặt lấy hai tai. Nobel điềm tĩnh quẳng ống nổ ra xa.

Một phút… hai phút… năm phút… Không hề có một âm thanh gì. Không khí như ngộp thở lúc nãy bây giờ náo động hẳn lên. Tất cả người có mặt đều cười lên ha hả. Bên tai Nobel vang lên những lời bàn luận chát chúa, nào là đồ khoác lác, nào là hoang tưởng, nào là rồ dại… […]

Ngày hôm sau, cuộc thử nghiệm lại tiếp tục diễn ra. Lần này chỉ có mẹ, em trai và một số người thân cận đến xem. Ông Immanuel cũng đến nhưng chỉ đứng vào đám đông chứ không trực tiếp đến bên con trai.

Nobel lại châm ngòi. Anh giữ mãi quả bộc phá trên tay, chờ cho nó bén lửa. Mọi người đều hốt hoảng cho rằng vì cuộc thử nghiệm hôm trước không thành mà Nobel đã hoá điên nên mới làm vậy. Bà Karolina rất lo lắng cho con, chân tay bà run lên bần bật.

Emil cũng lo cho anh, vội hét to:

- Ném đi! Anh Nobel!

Nobel hoàn toàn làm chủ được mình, anh bình tĩnh dùng sức mạnh của cánh tay phải ném quả bộc phá lên phía trước.

- U…u…ùng!

Một tiếng nổ lớn, âm thanh nghe thật dữ dội, những tảng đá chỗ quả bộc phá rơi xuống vỡ vụn thành từng mảnh. Vẻ mặt bà mẹ giãn ra như vừa trút được một gánh nặng. Emil reo lên vui mừng:

- Thành công rồi! Thành công rồi!

Đám đông nhốn nháo, trầm trồ, ngạc nhiên:

- Ôi! Nó nổ thật! Nổ thật rồi!

Để chắc chắn hơn, Nobel yêu cầu mọi người giữ im lặng và nằm xuống, chuẩn bị để anh thử tiếp.

- Ùng!

- Ùng! Ùng! Ùng!...

Chín quả bộc phá còn lại đều nổ lớn trước sự phấn khích của mọi người.

Ném xong quả bộc phá cuối cùng, Nobel cảm thấy thật sự hài lòng. Anh nhảy lên ôm chầm lấy mẹ và reo lên sung sướng.

- Mẹ ơi! Con đã thành công! Thành công rồi! […]

Ngày 14/10/1863, Nobel đã được nhà nước Thuỵ Điển trao bản quyền về chế tạo thuốc nổ Nitroglycerin. Cũng trong năm đó, anh đã giành được bản quyền này ở Anh, Bỉ, Pháp. Không chỉ ở những nước này mà cả thế giới đều biết đến tên tuổi của nhà khoa học trẻ tài ba Alfred Nobel.

Năm ấy, anh chưa đầy 30 tuổi.

Trích dẫn từ cuốn Alfred Nobel và Bản di chúc bất hủ

Tags: