Như thế nào là cha mẹ tốt?
Như thế nào là cha mẹ tốt?
Là cha mẹ, bạn chính là những người lãnh đạo. Bạn lãnh đạo gia đình mình, cuộc đời mình và những đứa con của mình.
Người lãnh đạo tốt là người tạo điều kiện cho những điều kỳ diệu thực sự xảy ra. Trong vai trò làm cha mẹ, nếu muốn bản thân và con cái được thành công, hạnh phúc, bạn cần trở thành người lãnh đạo tốt. Bạn sở hữu bao nhiêu phẩm chất của một người lãnh đạo tốt?

Nếu muốn con tốt hơn, bạn cần làm đúng những điều đúng

[...]

Người ta thường nói, “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tôi cho rằng câu này không đúng. Các gia đình có những đứa con hay ho đều giống nhau, đó là những gia đình mà cha mẹ luôn luôn cải thiện mình để làm cha mẹ tốt hơn, họ sẵn sàng chọn con đường khó vì sự phát triển lành mạnh của con. Ngược lại, các gia đình có những đứa con “không ổn” thường có một số đặc điểm tương đồng: cha mẹ không tôn trọng con, không tin tưởng, quá bao bọc hoặc quá hà khắc, phần lớn nuôi dạy con theo bản năng chứ không học hỏi và thay đổi bản thân để làm cha mẹ tốt hơn. Tôi không thấy lạ, khi hầu hết những lời phàn nàn về con cái của mọi người đều giống nhau. Đơn giản vì cách làm cha mẹ của những người đó giống nhau. 

the-bay-gio-me-muon-cai-gie

Sáng nay, anh Rob gửi vào nhóm trò chuyện của gia đình một trích đoạn trong bộ phim Scent of Woman. Nhân vật chính trong phim nói, “Tôi luôn biết con đường đúng là con đường nào, không có ngoại lệ, tôi biết. Nhưng tôi không bao giờ đi theo nó. Bạn biết tại sao không, vì nó quá khó.” Và ảnh giải thích với các con rằng, “Thông điệp cho tất cả chúng ta là: con đường dễ dàng không phải là con đường tốt, trở nên tốt hơn luôn là một việc cực kỳ khó khăn.”

Những ai tham gia các buổi chia sẻ của gia đình chúng tôi về nuôi dạy con hẳn đều biết đến hình tượng vòng xoáy trôn ốc. Bạn xoắn lên hay xoắn xuống phụ thuộc vào những việc bạn đang làm trong hiện tại. Chúng ta đang xây dựng tương lai của mình và các con mình. Hãy làm những điều đúng nếu bạn muốn con mình trở nên tốt hơn. 

Sự tham gia của cha mẹ là chìa khóa thành công

Tôi luôn tin rằng chìa khóa để tạo ra những đứa con trưởng thành thành công là sự cộng tác chặt chẽ giữa cha mẹ và nhà trường. Nhà trường và thầy cô sẽ không thể làm tốt công việc giáo dục học sinh nếu không có sự chung tay đồng hành của các bậc cha mẹ. 

Tôi đã rất ngạc nhiên khi được biết rằng ở Việt Nam đã có trường học đưa ra hình thức tuyển sinh vô cùng đặc biệt, và đó cũng chính là những điều chúng tôi nghĩ một trường học nên làm. Trước khi học sinh được nhận vào trường, cha mẹ phải tham gia một số hoạt động như: tham dự buổi chia sẻ để hiểu về giá trị cốt lõi mà nhà trường theo đuổi, trải nghiệm đi xe tuyến, ăn, ngủ và học như một học sinh, làm bài thi dành cho cha mẹ và hỏi đáp với nhà trường để thực sự hiểu về những gì con mình sẽ trải nghiệm thay vì suy đoán, cho con đến trường tham gia xét tuyển nhưng là để con hiểu trường và được quyền lựa chọn, có quyền từ chối trong trường hợp con không thích. 

the-bay-gio-me-muon-cai-gie

[...] Việc một trường học đưa ra điều kiện bắt buộc để cha mẹ tham gia vào quá trình giáo dục với nhà trường thực sự là một sự tiến bộ. Xét cho cùng thì chìa khóa quan trọng nhất mang tới thành công của trẻ chính là sự tham gia tích cực của cha mẹ. Bạn có đóng vai trò quan trọng trong hành trình trưởng thành của con mình?

Một số nguyên tắc dành cho tất cả các bậc cha mẹ

Trong gia đình cũng như ở nơi làm việc, chúng tôi luôn đưa ra các nguyên tắc và cùng tuân thủ. Khi có những nguyên tắc sống tốt, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng và yên bình hơn. Dưới đây là một số nguyên tắc dành cho cha mẹ mà anh Rob đã đề ra: 

Sự cho phép

  • Con học từ những gì bạn không nói chứ không phải từ những gì bạn nói. Hãy hành xử như người mà bạn muốn chúng trở thành. 
  • Một khi bạn đã làm điều gì đó tồi tệ, việc đó sẽ luôn lặp lại. Đừng cho phép mình làm những việc như thế. 
  • Cần xác định việc gì phù hợp ở cấp độ xã hội và việc gì phù hợp trong không gian thân mật. 
  • Đừng đáp lại sự tức giận bằng sự tức giận. 
  • Sẵn sàng đón nhận thất bại.
  • Chuẩn bị tâm lý trước các hành vi xấu: trẻ nhỏ thường không kiểm soát tốt, thanh thiếu niên thì hoàn toàn ích kỷ, nhưng bạn phản ứng như thế nào trước chuyện đó mới là điều quan trọng, bạn luôn có thể kiểm soát cách phản ứng của mình. 

Sự tự do

  • Nếu bạn yêu ai đó, hãy để họ tự do.
  • Hãy để con khám phá thế giới, tạo không gian ngày càng lớn hơn cho hoạt động khám phá đó, chấp nhận rủi ro. 
  • Quan sát từ xa, nếu có thể thì càng xa càng tốt.
  • Đặt ra giới hạn vì sự an toàn.
  • Chỉ cho con thấy những hậu quả khi chúng vượt ra ngoài giới hạn chứ không phải những gì xảy ra trong giới hạn cho phép.
  • Nếu muốn con nói với bạn về những thất bại, những điều không ổn của chúng, hãy cho con biết bạn luôn ở đó vì chúng cho dù có chuyện gì xảy ra. 
  • Tạo không gian cho sự tự do tùy theo độ tuổi của con.
  • Thay vì thể hiện quyền lực, hãy làm bạn với con.
  • Gỡ bỏ áp lực của những kỳ vọng, khuyến khích con hãy cố gắng hết mình vì chính con, đừng mong đợi con cái bù đắp cho những thất bại của bạn. 
  • Đủ tốt nghĩa là tốt, đừng mong cầu sự hoàn hảo. 

Kích thích sự tò mò

  • Tìm hiểu và khám phá cùng con, thường xuyên chia sẻ, tâm tình với chúng, điều này đặc biệt quan trọng với cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. 
  • Mong đợi thanh thiếu niên học hỏi thông qua trải nghiệm của chúng chứ không phải qua lời bạn nói.
  • Kích thích sự phát triển trí tuệ chứ không cưỡng ép.
  • Ăn mừng thay vì trừng phạt. 
  • Thử nghiệm các ý tưởng. 
  • Để con phát triển trên điểm mạnh của chúng chứ không phải “sửa chữa” những điểm yếu. 
  • Để con là phiên bản tốt nhất của chúng chứ không phải phiên bản mà bạn muốn chúng trở thành. 

Bạn đã sẵn sàng thực hành những nguyên tắc này chưa? 

- Trích dẫn từ cuốn sách "Thế bây giờ mẹ muốn 'cái giề'?"

Tags: