"Người hướng nội" là một nhãn mác bịa đặt: Tâm trạng buồn bã mới thường quyết định tính cách bạn
Nếu thế giới này phân chia rõ ràng được hai tuýp người - hướng ngoại và hướng nội thì hóa ra con người cũng chẳng phải sinh vật khó hiểu lắm.

Chúng ta thường nói về tính cách như thể đó là một phần đã ăn sâu vào con người, ví dụ như vân tay hay chiều cao. Và cũng như cách chúng ta nỗ lực phân loại đặc điểm hình thể như cao/thấp, chúng ta cũng dán nhãn cho cả bản thân và những người khác dựa trên những nét tính cách ta cho là không thể biến đổi. Hãy nghĩ đến cách những tờ tạp chí thời thượng hay các trang web rao giảng :"Bạn là người hướng ngoại hay hướng nội? Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn phát hiện được điều đó!".

Nhưng cách vơ đũa cả nắm này đi ngược lại những thực tế rằng tính cách hoàn toàn không mang tính cố định. Đặc điểm của bạn biến đổi trong suốt cuộc đời, thậm chí là trong từng hoàn cảnh cụ thể. Và nếu muốn thay đổi tính cách, bạn hoàn toàn có thể làm vậy.

Đầu tiên hãy nhìn vào mức độ ảnh hưởng của các hoàn cảnh khác nhau. Nhiều người trong số chúng ta trong thâm tâm hiểu rằng ta không hoàn toàn là một bản thể thống nhất theo một cách nào đó. Ai đó quan sát cách bạn hành xử bên bố mẹ vợ/chồng hay bên cạnh sếp có khả năng cao sẽ đưa ra những nhận xét về bạn khác xa so với một người khác quan sát bạn vào một tối thứ Sáu đi bar với lũ bạn. Nhìn nhận sai lầm rằng một góc tính cách nào đó của một người mang tính cố định được gọi là “Lỗi quy kết cho bản chất” (Fundamental Attribution Error) trong tâm lý học.

 


Nhà tâm lý học người Mỹ Walter Mischel (nổi tiếng với “Thí nghiệm kẹo dẻo”) đã thực hiện các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực này. Trong một nghiên cứu, ông và cộng sự quan sát hành vi của những đứa trẻ trong một trại hè. Họ thấy rằng một số đứa trẻ tính tình chu đáo và một số khác lại hung hăng, những đặc điểm đó thường kèm theo điều kiện cụ thể. Ví dụ, một cậu bé có thể nóng tính khi bị người lớn mắng, nhưng lại bình tĩnh khi bị bạn bè trêu chọc; và một đứa bé khác thì có thể sẽ thể hiện ngược lại. Vậy nên dán nhãn những đứa trẻ là hung hăng hay bình thản sẽ rất dễ gây hiểm nhầm.

Một trong những lí do khiến đặc điểm tính cách có thể thay đổi trong những hoàn cảnh khác nhau là tâm trạng ảnh hưởng tới hành vi và nhân sinh quan của một người, đặc biệt là khi buồn bã. Một nghiên cứu công bố năm 2014 đã thể hiện rõ điều này, các nghiên cứu sinh tại Đại học Bielefeld cho người tham gia xem một đoạn phim buồn đi kèm với những bài hát não nề. Hành động này đặt những người tham gia vào tâm trạng buồn. Khi họ trả lời những trắc nghiệm tính cách trong tâm trạng đó, họ ghi điểm nhiều hơn hẳn ở thang “Tâm trạng bất ổn” (Neuroticism), và thấp hơn ở thang “Hướng ngoại” (Extraversion) và “Dễ tính” (Agreeableness) - cả hai tính cách đều liên quan đến mức độ thân thiện - so với khi họ thực hiện bảng câu hỏi trong tâm trạng bình thường.

 


Ngay cả khi chúng ta cho rằng cũng hợp lý khi quy kết tính cách một người là trung bình cộng những hành vi của họ trong một loạt những tình huống, một số nghiên cứu khác lại chỉ ra xu hướng các đặc tính thay đổi dần dần như thế nào. Nhìn chung, khi con người già đi sẽ có xu hướng ghi điểm cao hơn trên thang “Dễ tính”“Tận tâm” (Conscientiousness) và thấp hơn ở thang “Tâm trạng bất ổn”. Nhưng những biến đổi này không diễn ra với cùng một tốc độ xuyên suốt cuộc đời. Ngoại trừ “Dễ tính” thường sẽ tăng dần theo thời gian, phần lớn các đặc tính đi theo hình chữ U, với đáy cân bằng ở giai đoạn trung niên và lại tăng lên sau đó.

Có lẽ phát hiện thú vị nhất lại là ý kiến cho rằng ta có thể thay đổi bản thân tự do theo ý muốn. Đầu năm 2015, các nhà tâm lý học tại Illinois cho sinh viên làm hai bài kiểm tra tính cách, cách nhau 16 tuần. Họ được hỏi về mong muốn thay đổi tính cách và được cho một số bí quyết để thực hiện (một trong số đó là cách đặt “Điều kiện”: nếu x xảy ra, thì tôi sẽ làm y). Kết quả sơ bộ là tính cách của họ có thay đổi theo hướng mong muốn.

Khi nói đến tính cách, ngay cả một thay đổi nhỏ có thể tạo ra kết quả hết sức khác biệt. Một người thường hay có những hành vi hướng ngoại có nhiều khả năng sẽ đăng ký xét tuyển cho một công việc danh giá hay bạo dạn hơn trong tình trường - đưa cuộc sống của họ tới những hướng phát triển mới mẻ và thú vị. Dĩ nhiên là, những cơ hội đó sẽ làm vững chắc hơn tính cách, và một lần nữa vòng lặp này lại tiếp tục.

Chú thích của người dịch:

(1): Bài viết nói nhiều đến mô hình Big Five Personality Traits (OCEAN) chấm điểm tính cách theo 5 thang: Cởi mở (Openness), Tận tâm (Conscientiousness), Hướng ngoại (Extraversion), Dễ tính (Agreeableness), Bất ổn định tâm trạng (Neuroticism)

(2) Các mốc thời gian trong bài viết là định tính (last year, this year) đã được thay đổi thành định lượng phù hợp      

Trạm Đọc

Theo Wired