Nghệ thuật tinh tế của việc đếch biết nấu ăn: Học cách chấp nhận để yêu thương chính bản thân mình
Nghệ thuật tinh tế của việc đếch biết nấu ăn: Học cách chấp nhận để yêu thương chính bản thân mình
Triết học từ việc nấu những món ăn dở tệ.

Trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, thật dễ dàng để chúng ta có thể cảm thấy bị thất vọng trước những kì vọng của chính mình.

Rõ ràng là chúng ta không đủ xinh đẹp, không đủ giàu có, không đủ thông minh, không đủ tốt bụng hay không đủ khéo léo. Và dĩ nhiên, có cả trường hợp chúng ta nấu ăn không đủ giỏi nữa. Chúng ta đã xem những tấm hình minh họa màu mè trong sách dạy nấu ăn, chúng ta sắm sửa dụng cụ nấu bếp như một nhà hàng; chúng ta biết hàng đống người có kĩ năng nấu nướng vô cùng ấn tượng; chúng ta biết mọi thứ nên như thế nào. Và cuối cùng, mọi nỗ lực của chúng ta thất bại ngay trong việc nấu những món ăn cơ bản. Chúng ta thấy xấu hổ và buồn tủi về việc nấu ăn dở.

Đây là một khoảng cách lớn tới mức bi thảm giữa việc chúng ta muốn trở thành thế nào và thứ mà chúng ta thực sự là, một nghiên cứu quan trọng của nhà phân tâm học Donald Winnicott. Ông đã rất ngạc nhiên bởi vì rất nhiều các ông bố bà mẹ rất tử tế và quan tâm tới con cái một cách chân thành tìm tới phòng khám và điều trị tâm lí của ông với nỗi tuyệt vọng. Họ có một nỗi sợ hãi đến tê dại là đã làm quá nhiều điều sai lầm trong việc nuôi dạy con cái. Họ cảm thấy ghê tởm bản thân và không thể yêu thích việc làm cha mẹ, hay thậm chí cố gắng cải thiện điều đó. Để giúp những người làm cha mẹ như thế, Winnicott đã phát triển một ý tưởng gọi là “cha mẹ đủ tốt”.

Điều hiển nhiên là ngay cả cha mẹ cũng mắc lỗi, ông khẳng định, nhưng những lỗi lầm đó thường không quá nghiêm trọng. Một đứa trẻ, cũng không cần cha mẹ hoàn hảo, chúng chỉ cần cha mẹ bình thường, đôi khi lúng túng một chút cũng được và là một con người thực sự có ý nghĩa, nói cách khác, là cha mẹ tốt vừa đủ.

Một cuộc tấn công tương tự vào chủ nghĩa hoàn hảo cũng cần phải được tiến hành trong lĩnh vực ẩm thực. Chúng ta đã bị hành hạ quá lâu bởi hình ảnh về những bữa ăn lý tưởng. Cuối cùng điều đó lại dẫn tới việc chúng ta ghét bỏ những nỗ lực của mình, coi thường bản thân và không dám để người khác nếm những gì ta nấu - bởi vì ta bị ám ảnh bởi những thứ lý tưởng màu mè. Tham vọng được nấu ăn ngon đã thực sự hủy hoại sự tự tin của chúng ta trong việc tạo ra những món tử tế, đôi khi là còn quyến rũ và là thành quả tuyệt vời mà ta có thể làm được.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗi lo âu và bất an trong nhà bếp của chúng ta, theo như Winnicott đã nói, chúng ta đều “nấu ăn đủ ngon”. Không quan trọng là chúng ta luộc rau có bị nhừ quá, nấu canh có bị mặn quá hay làm bánh có bị cháy quá, mọi thứ đều ổn cả.

Phần tiếp theo sẽ như một cẩm nang hướng dẫn, và ca ngợi những thứ sẽ chẳng bao giờ được cho vào sách nấu ăn, nhưng quan trọng hơn so với thứ chủ nghĩa hoàn hảo mà chúng mang lại: nó sẽ dạy cho chúng ta cách nấu ngon vừa đủ và ăn ngon vừa đủ.

 

Tôi thật sự không biết nấu ăn

 

Sai.

Chúng ta thường mô tả việc không biết nấu nướng thường liên quan tới một cái nhìn nội tâm về việc “nấu ăn” thực sự có nghĩa là gì. Một người đầu bếp xịn, chúng ta tự nhủ với bản thân, tự làm sốt mayonnaise, có kĩ năng đặc biệt trong việc rửa rau và vẩy rau, họ bị ám ảnh bởi chất lượng của những con dao họ đang sử dụng; họ luôn làm theo công thức một cách chính xác hay tự sáng tạo ra những món ăn tuyệt vời; họ có một cái tủ bếp đầy các thứ; họ biết làm bánh mì; họ biết làm thế nào để món soufflé phồng lên; họ có kiến thức về nguyên liệu và đến đúng cửa hàng để tìm được thứ họ cần; họ không thấy căng thẳng khi ở trong bếp; khi họ nấu gà, phần ngực chẳng bao giờ bị khô.

Với những tiêu chuẩn như trên, dĩ nhiên chúng ta đều không biết nấu ăn.

Nhưng thực ra là chúng ta có thể nấu những món ăn đáng yêu mà ai cũng muốn ăn, dù chúng ta có thể làm nó không được hoàn hảo. Một quả trứng chiên sẽ vẫn rất ngon ngay cả nó hơi giòn ở phần rìa hay lòng đỏ hơi chín quá. Chúng ta vẫn có thể thích món mỳ Ý ngay cả khi chúng ta quên cho muối vào nước luộc mì trước khi cho mỳ vào (thế là có một ít dính vào đáy nồi). Những món này, và hàng ngàn món khác, cực kì khoan dùng với một chút xử lí sai lầm. Giống như một người bạn tốt, chúng sẽ không bận tâm tới những lỗi lầm nhỏ của chúng ta. Mục tiêu tối thượng chỉ đơn giản là chúng ta tận hưởng bữa ăn của mình.

Những gì chúng ta làm không chỉ là nấu ăn. Chúng ta đang nói với chính mình một sự thật hiển nhiên qua cuộc hành trình vào trong căn bếp. Ý tưởng “đủ tốt” là một thứ có thể giúp chúng ta trong nhiều mặt khác của cuộc sống: một đám cưới đủ tốt; một công việc đủ tốt hay một kì nghỉ đủ tốt. Một khao khát về sự hoàn hảo không phải con đường dẫn tới thành quả tuyệt vời hay cuộc sống tốt đẹp hơn: ngược lại, nó đảm bảo rằng chúng ta vẫn và sẽ luôn cảm thấy thất bại. Một cái bánh bị khô, một phần gà chưa được nấu kĩ là dấu hiệu lớn cho một tư tưởng vĩ đại: việc chấp nhận một cách khôn ngoan cái sự kém hoàn hảo tự nhiên của Hiện thực.

 

Có được mua đồ ăn sẵn?

 

Với hầu hết các sách dạy nấu ăn, ý tưởng về việc đặt đồ ăn đơn giản là không tồn tại, thậm chí nó còn chẳng được nhắc tới. Đây là những gì bọn man rợ và lũ cướp làm sau khi đánh phá một thành phố.

Nhưng dĩ nhiên là việc đặt đồ ăn là một điều chấp nhận được đối với tư tưởng “nấu ăn đủ ngon”. Biết cách khi nào không nên nấu ăn là một kĩ năng cần có sự tự tin và trưởng thành trong cảm xúc như việc nấu ăn vậy.

Để bắt đầu việc đặt đồ ăn ở ngoài, chúng ta cần phải học cách yêu thương bản thân - và chấp nhận rằng có đôi lúc chúng ta xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta phải đối mặt với khái niệm phụ thuộc - và sự hợp lý của cảm giác kiệt sức của chính chúng ta. Có lẽ chúng ta đã quá đủ rồi và bây giờ đến lúc để cho các nhà hàng làm việc của họ. Cầu xin sự giúp đỡ, nhận ra rằng một người không thể đối phó mọi thứ một mình là một sự thấu hiểu về mặt bản chất. Chúng ta thừa nhận rằng chính mình - và rất nhiều lần khác trong quá khứ - rằng chúng ta có thể mệt mỏi, chán nản hoặc kiệt sức và những điều này không phải là dấu hiệu rằng chúng ta đang lười biếng hay hậu đậu. Có lẽ chúng ta đã có một sự xáo trộn trong cuộc sống, hay trong tình yêu, có lẽ ta bị trừ lương, có lẽ ta mất ngủ đêm hôm trước… Khi chúng ta ra cửa và lấy một chiếc túi từ một người giao hàng, ta đều có một ý tưởng chung: đôi khi ta cũng có quyền được người khác quan tâm. Chúng ta thỉnh thoảng có thể bỏ qua một vài nghĩa vụ và vẫn có thể là một người đáng được trân trọng.

Ta có thể cảm thấy bớt xấu hổ khi thừa nhận điểm yếu của mình với những người khác. Hãy tưởng tượng có một vài người bạn đến chơi và theo lý thuyết là chúng ta muốn chuẩn bị thứ gì đó ngon lành để đãi họ. Nhưng ta lại kiệt sức và chả muốn làm gì cả. Ta chẳng muốn gì ngoài việc cuộn tròn trên giường và khóc. Ta nên làm gì?

Chúng ta sẽ nghĩ ngợi rằng bạn bè sẽ thích nếu chúng ta nấu ăn thật ngon với một mẻ bánh tuyệt vời, gà bỏ lò cùng cảm giác mãn nguyện và chiến thắng. Nhưng chúng ta đã quên mất một điều quan trọng then chốt về tình bạn. Các bạn sẽ thích ta ngay cả khi họ biết được những thất bại, điểm yếu, sự bất lực và thiếu hoàn hảo của chúng ta. Hoàn hảo không tì vết chỉ khiến bạn bè mình sợ hãi. Họ sẽ thấy thân thiết với những điểm yếu của ta hơn là kinh ngạc bởi sự giỏi giang của ta. Ấn tượng có thể tạo nên sự ngưỡng mộ; nhưng phát hiện được ra con người không hoàn hảo mới tạo ra tình bạn thật sự. Chúng ta nên cho bạn bè vào căn bếp tối, mặc một bộ quần áo cũ và rưng rưng nước mắt, sau đó không ngại ngùng nói rằng người ta đang ship đồ ăn đến rồi. Đó là cảm giác sâu thẳm nhất, bắt đầu của một lòng hiếu khách thật sự.

 

Đồ ăn thừa thì làm gì?

 

Câu trả lời bình thường là vứt vào thùng rác. Giống như những hư hỏng, thiếu sót và dưới-mức-chấp-nhận-được của con người.

Nhưng việc nấu ăn đủ tốt biết rằng đồ ăn thừa là phần không thể thiếu sau mỗi bữa ăn. Với đủ sự sáng tạo và tự do trong tâm hồn, chúng ta có thể “tái chế” lại món cà-ri nguội, món đậu hầm hay con gà ăn dở tối qua.

Điều thú vị không chỉ là chúng ăn rất ngon (thường ngon hơn lần đầu tiên); những món như thế có thể gợi cho chúng ta một tư tưởng lớn hơn: một thứ gì đó bị bỏ đi, nếu vào đúng hoàn cảnh, có thể thành nhân vật chính ấn tượng. Trong tôn giáo, tư tưởng này được nhắc đến trong Thánh thi Matthew. Trong một câu chuyện dụ ngôn, Jesus đã nói rằng “viên đá mà người thợ xây bỏ đi sẽ trở thành nền móng.” Điều mà Ngài muốn nói là những người “thừa” thường bị coi là vô dụng - những người nghèo, người bất tài và người hiền lành - một ngày nào đó sẽ được dành một chỗ khác ở Nước Trời, nơi những tài năng bí mật trong linh hồn của họ sẽ được nhận ra.

Tư tưởng này còn vượt ra xa khỏi lĩnh vực tôn giáo. Trong đời sống chúng ta, đôi khi ta có thể thấy những thứ kém cỏi có thể trở nên đáng yêu nếu chúng ta cho chúng một cơ hội. Có thể thấy rằng chẳng ai thực sự muốn đi du lịch với một bà cô già trong họ trong một cái nhà lưu động. Nhưng có thể đó sẽ là một khoảng thời gian tuyệt vời khi bạn khám phá những vùng đất chưa từng có ai đặt chân qua với một bà cô ăn mặc lỗi thời, nhuộm tóc xấu xí nhưng lại có những góc nhìn cực hay ho về văn học và chính trị. Sự hào phóng của trí tưởng tượng là tất cả những gì chúng ta cần để chấp nhận một người nào đó trong cuộc sống. Chúng ta vào một lúc nào đó, cũng sẽ bị bỏ lại, giống như một món ăn để trong cái chạn bát cuộc đời - và chúng ta cũng cần người khác tìm tới và khám phá ra những năng lực bên trong những thứ ta thể hiện ra ngoài.

Khi chúng ta chuẩn bị một bữa ăn vào ngày hôm sau từ những thứ còn thừa vào tối hôm trước, chúng ta đang thực hiện một trong những hành động sâu sắc nhất của nhân loại: sự cứu rỗi.

 

Thử xấu xa một chút có được không?

 

Dĩ nhiên là có người nên cố gắng rất nhiều để trở nên tốt đẹp. Nhưng vấn đề nằm đâu đó với hầu như tất cả chúng ta: nỗ lực hết mình, thận trọng và có trách nhiệm, sẵn sàng làm theo các quy tắc và cố gắng làm những điều đúng đắn. Điều này làm chúng ta phát bệnh vì phải cố làm điều gì đó chuẩn mực.

Nền văn hóa của chúng ta không giỏi lắm trong việc làm thảnh thơi những đầu óc vốn đã căng thẳng và cho phép phần “hơi” sai của một con người có chút tự do. Nền tảng đạo đức cơ bản của việc này là mối quan hệ giữa công lý và nỗ lực: nếu ta tốt thì ta sẽ được tưởng. Nếu ta chăm chỉ, sự nghiệp sẽ nảy nở; nếu ta lịch sự và tử tế thì ta sẽ có bạn tốt. Nếu ta chân thành thì sẽ tìm được tình yêu. Nếu ta tuân theo chế độ ăn như các chuyên gia chỉ dưỡng thì ta sẽ khỏe mạnh và trường thọ.

Đó là một ý tưởng tuyệt vời, được hình thành dựa trên niềm tin tôn giáo rằng đức hạnh sẽ được ban thưởng dưới con mắt của Chúa trời. Nhưng cuộc sống lại không hoạt động dựa trên niềm tin về sự công bằng ấy. Nỗ lực hàng ngày của chúng ta chưa chắc đã mang lại những gì ta muốn. Chúng ta làm việc hàng giờ đồng hồ nhưng công ty ta làm lại đang gặp khó khăn. Hay chúng ta cố gắng lắng nghe người bạn đời, nhưng đời sống tình dục lại không hạnh phúc và chúng ta kết thúc với việc chia tay; hay một người bạn vô cùng cẩn thận với chế độ ăn uống cuối cùng lại bị ung thư và chết trước sinh nhật tuổi 30.

Việc đặt cược vào mối liên hệ giữa trở nên tốt bụng và nhận được phần thưởng xứng đáng là hoàn toàn may rủ. Sẽ không đáng ngạc nhiên và nên ăn mừng nếu như chúng ta đã quá chán với việc hi sinh bản thân và tuyệt vọng bởi những lời hứa hẹn. Ta không chỉ đơn giảm làm suy yếu mà đang thực hiện một cuộc chống đối sự bất công của thực tại. Ta không đi hoàn toàn chệch đường ray, nhưng nếu thỉnh thoảng chúng ta có hư hỏng và xấu xí một tí thì ta cũng đang nhận thức được một sự thật tối tăm hơn của việc tồn tại: nỗ lực, đáng tiếc là không đảm bảo một kết quả tốt.

Thỉnh thoảng niềm đam mê ẩm thực là một tuyên ngôn siêu hình: vũ trụ không phải một cỗ máy đạo đức. Chúng ta chấp nhận một phương diện bi thương trong cuộc sống: những người làm điều đúng đắn vẫn có thể phải chịu số phận nghiệt ngã. Chúng ta nên biết rằng người tốt có thể chết sớm, người tài năng thường thất bại, và hãy tận hưởng những thú vui mà “thức ăn xấu” đem lại.

 

Tôn vinh những món bị nấu hỏng

 

Thay vì làm một món trứng chiên vàng óng và ngon miệng, món trứng của chúng ta lại có màu xỉn và xấu xí; thay vì có món cá chiên giòn, con cá mà ta chiên lại nát bét ra trên chảo. Món bánh chúng ta nướng không phồng lên mà lại bẹp rúm như một mớ giẻ rách.

Có thể ta sẽ muốn ném nó đi nhưng đừng nên làm thế. Khi chúng ta tận hưởng những bữa ăn không lấy làm đẹp mắt này, ta đang thừa nhận một sự thật hiển nhiên là: một thứ gì đó có thể sai sai và trông không đẹp mắt nhưng vẫn ngủ ngon. Hầu hết các công thức đều không đảm bảo cho bạn được rằng cái bánh này sẽ phồng lên hay món súp này sẽ nhừ.

Bằng cách mở lòng và nhận ra rằng việc nấu ăn có thể trở nên tệ hại (do định kiến về một tiêu chuẩn lý tưởng, nhưng vẫn đủ ngon để ăn, ta đang cố gắng tiếp cận một sự thật sâu sắc hơn là ta có thể thất bại vì những tiêu chuẩn của một thế giới kì vọng quá mức nhưng vẫn có thể ổn và thực sự tìm được hạnh phúc.

Theo The Book of Life.

Tags: